Tuesday, November 26, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiHÀNH ĐỘNG GÂY HẤN CỦA TRUNG QUỐC LÀ NHÂN TỐ THÚC ĐẨY...

HÀNH ĐỘNG GÂY HẤN CỦA TRUNG QUỐC LÀ NHÂN TỐ THÚC ĐẨY QUAN HỆ VIỆT – MỸ

BienDong.Net: Ông Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam có chuyến thăm chính thức Mỹ trong 2 ngày 01 và 02/10/2014. Một kết quả quan trọng đạt được trong chuyến thăm của ông Phạm Bình Minh là thắt chặt hơn hợp tác giữa hai bên trên vấn đề biển đảo.

Trong cuộc hội đàm với ông Phạm Bình Minh, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã thông báo Mỹ dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam nhằm cho phép việc chuyển giao các loại vũ khí phòng thủ liên quan đến an ninh hàng hải cho Việt Nam trong tương lai.

Theo một số quan chức Mỹ, trọng tâm của việc dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí là giúp đỡ Việt Nam tuần tra, phòng vệ trên Biển Đông và các loại vũ khí mà Mỹ sẽ bán cho Việt Nam có thể là các hệ thống vũ khí trên không và tàu chiến. Các quan chức này cho biết Washington muốn hỗ trợ Việt Nam thông qua việc tăng cường khả năng giám sát và bảo vệ bờ biển của Việt Nam. Trong chuyến thăm, hai bên cũng đã đạt được Thỏa thuận về hợp tác cảnh sát biển, điều này tạo điều kiện cho Việt Nam phát triển lực lượng cảnh sát biển để thực thi pháp luật trên biển.

Rõ ràng là những hành động hiếu chiến của Trung Quốc đối với Việt Nam trong thời gian gần đây, nhất là việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển của Việt Nam đã thôi thúc Mỹ sớm ra quyết định về bãi bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí cho Việt Nam. Trong bối cảnh tình hình Biển Đông ngày càng diễn biến phức tạp do Trung Quốc không ngừng đẩy mạnh các hành động xâm lấn vùng biển của Việt Nam thì Việt Nam cần có các máy bay do thám sát thủ săn ngầm P-3 của Mỹ để có thể giám sát các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông, do vậy máy bay P-3 có thể là một trong những thương vụ đầu tiên giữa 2 bên sau khi lệnh cấm vận được dỡ bỏ.

Đánh giá về kết quả chuyến thăm Mỹ của ông Phạm Bình Minh, tại cuộc họp báo ngày 02/10/2014, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki cho biết: “Ông Kerry nhấn mạnh việc ký kết Hiệp định hợp tác hạt nhân dân sự Mỹ – Việt và mở rộng hợp tác an ninh hàng hải là ví dụ cho sự thúc đẩy quan hệ song phương. Mỹ đã nỗ lực để đưa Việt Nam tham gia đầy đủ vào các sáng kiến an ninh hàng hải khu vực”. Theo bà Psaki, Ngoại trưởng Mỹ đã thông báo với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh việc Mỹ tiến hành các bước cho phép chuyển giao các điều khoản quốc phòng liên quan đến an ninh hàng hải trong tương lai cho Việt Nam. Bà Psaki nói: “Chính sách này hỗ trợ các nỗ lực của Việt Nam để nâng cao nhận thức và các khả năng trong lĩnh vực an ninh hàng hải”.

Đề cập những trao đổi liên quan vấn đề Biển Đông trong cuộc gặp giữa ông Phạm Bình Minh và ông John Kerry, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết hai bên đã nhất trí về tầm quan trọng khi các bên tuyên bố chủ quyền thực hiện Điều 5 trong Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông và tránh các hành động đe dọa làm leo thang tranh chấp cũng như gây mất ổn định.

Việc Mỹ tuyên bố bãi bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam và những trao đổi giữa hai bên về vấn đề Biển Đông được quốc tế hết sức quan tâm. Hãng tin AP, New York Times, Washington Times, CNN của Mỹ đều đưa tin về sự kiện này. Tờ Bangkokpost của Thái Lan bình luận rằng động thái lịch sử diễn ra sau gần 40 năm kể từ khi chiến tranh Việt Nam và dẫn lời một chuyên gia phân tích của Bloomberg cho rằng Mỹ rất có thể bán các máy bay trinh sát P-3 cho Việt Nam để tuần tra khu vực Biển Đông. Đây là bước đi đầu tiên rất quan trọng để tăng cường hợp tác quân sự giữa hai nước trong tương lai.

Tờ Independent của Ireland nhấn mạnh: Động thái nới lỏng lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam nhằm mục tiêu hỗ trợ Việt Nam nâng cao khả năng tự phòng thủ ở Biển Đông giữa bối cảnh nhiều nước Châu Á phải đối mặt với sự gây hấn của Trung Quốc trong tuyên bố chủ quyền hàng hải. Hãng tin Reuters của Anh cho biết Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain đã hoan nghênh thông tin này. Ông nói: “Việc nới lỏng lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam vì mục đích an ninh hàng hải sẽ tăng cường hợp tác quốc phòng theo hướng có lợi cho cả hai nước”.

Trong thời gian gần đây, nhất là từ đầu năm 2014, quan hệ Việt – Mỹ đã có những bước phát triển mạnh mẽ do hai bên có lợi ích song trùng trên vấn đề Biển Đông. Mỹ có nhu cầu ngăn chặn, kiềm chế sự bành trướng trên biển của Trung Quốc; những hành động hiếu chiến của Trung Quốc ở Biển Đông thách thức đến lợi ích của Mỹ ở Biển Đông, ảnh hưởng đến việc triển khai chính sách “tái cân bằng chiến lược ở Châu Á – Thái Bình Dương”. Đối với Việt Nam, âm mưu độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc là mối đe dọa lớn đối với Việt Nam; trước những hành vi xâm lấn của Trung Quốc, Việt Nam có nhu cầu mở rộng quan hệ quốc tế, kể cả quan hệ với Mỹ để chống lại sức ép từ Trung Quốc. Điểm đồng về lợi ích chính là chất xúc tác thúc đẩy quan hệ Việt – Mỹ, trước hết là hợp tác trên vấn đề biển.

Trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 12/2013, Ngoại trưởng John Kerry đã thông báo Mỹ sẽ dành 32,5 triệu USD cho các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam để tăng cường khả năng thực thi luật pháp trên biển. Cụ thể, Mỹ đề xuất cung cấp 18 triệu đô la khoản hỗ trợ mới để Việt Nam tăng cường khả năng cho các đơn vị tuần tra ven biển nhằm triển khai nhanh chóng việc tìm kiếm cứu hộ, ứng phó thảm họa và các hoạt động khác, bắt đầu với việc đào tạo, cung cấp 5 tàu tuần tra cao tốc cho cảnh sát biển Việt Nam.

Sau chuyến thăm Việt Nam, phát biểu tại Hawaii, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói rằng việc giải quyết những tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông đòi hỏi sự tôn trọng luật pháp quốc tế và các nước liên quan không nên tìm cách hăm dọa nhau; đồng thời nhấn mạnh về quyền khai thác khoáng sản và thủy sản ở Biển Đông phù hợp luật pháp quốc tế cũng như quyền tự do hàng hải ở Biển Đông. Ông Kerry nêu rõ: “Như quý vị đã biết, vấn đề này không chỉ giới hạn trong các yêu sách chủ quyền đối với các hòn đảo, các đảo san hô, các đảo đá và những quyền lợi kinh tế phát sinh từ những yêu sách đó. Nó liên hệ tới vấn đề là chúng ta có thể chỉ dựa vào sức mạnh hay không, hay là cần phải dựa vào những quy tắc, quy phạm toàn cầu, pháp trị và luật pháp quốc tế”.

Trung Quốc hết sức tức tối trước thái độ mạnh mẽ của Mỹ trên vấn đề Biển Đông cũng như những tiến triển tích cực trong quan hệ Việt – Mỹ. Đặc biệt, Trung Quốc rất quan tâm đến việc Mỹ bãi bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam vì sự xích lại giữa Việt Nam và Mỹ sẽ là một trở ngại cho họ thực hiện tham vọng khống chế, độc chiếm Biển Đông. Nhưng Trung Quốc cần hiểu rằng chính những hành động hiếu chiến bất chấp luật pháp quốc tế của họ ở Biển Đông chính là nguyên nhân khách quan của việc thắt chặt hơn nữa quan hệ Việt – Mỹ, trước hết là hợp tác trên biển.

BDN

RELATED ARTICLES

Tin mới