BienDong.Net: Trong bối cảnh Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động triển khai mục tiêu xây dựng Trung Quốc trở thành cường quốc biển như Đại hội 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đề ra, Ấn Độ tăng cường hợp tác với Mỹ về các vấn đề trên biển để ngăn chặn sự bành trướng trên biển của Trung Quốc.
Trong 2 ngày 29 và 30/9/2014, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã đến thăm Mỹ. Trong thời gian chuyến thăm, Thủ tướng Modi đã có các cuộc gặp với hầu hết các lãnh đạo cấp cao của Mỹ; trên 40 Thượng Nghị sĩ và Hạ Nghị sĩ Mỹ đã đến chào Thủ tướng Ấn Độ Modi. Đặc biệt, Thủ tướng Modi đã cùng Tổng thống Obama ra Tuyên bố chung về “tầm nhìn cho quan hệ đối tác chiến lược Ấn Độ – Mỹ”.Hai bên khẳng định tiếp tục tăng cường hợp tác quốc phòng để bảo vệ an ninh quốc gia, khu vực và toàn cầu; cam kết đối xử với nhau như đối tác gần gũi nhất của mình; gia hạn thêm 10 năm “Khuôn khổ 2005 về quan hệ quốc phòng Ấn – Mỹ”; nhất trí tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh hàng hải để đảm bảo tự do hàng hải, hàng không và sự di chuyển không bị cản trở của các hoạt động thương mại và đi lại của tàu thuyền hợp pháp phù hợp với luật pháp quốc tế. Hai bên xem xét tăng cường quan hệ đối tác công nghệ để hỗ trợ lực lượng hải quân Ấn Độ, nhất trí nâng cấp cuộc tập trận song phương hiện nay giữa hai nước.
Ấn Độ và Mỹ tái khẳng định sự chia sẻ lợi ích trong việc duy trì hòa bình ổn định khu vực Châu Á – Thái Bình Dương; nhấn mạnh sự lo ngại trước những diễn biến căng thẳng ngày càng tăng về các tranh chấp trên biển; khẳng định tầm quan trọng của việc bảo vệ an ninh, an toàn hàng hải và bảo đảm tự do hàng hải, hàng không trong khu vực, nhất là ở Biển Đông; kêu gọi các bên tranh chấp không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực để đẩy mạnh các yêu sách chủ quyền; thúc giục các bên liên quan theo đuổi giải pháp hòa bình trong giải quyết tranh chấp trên biển, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982.
Việc Ấn Độ và Mỹ thắt chặt hơn nữa quan hệ trên các mặt, nhất là trong lĩnh vực quốc phòng là để đối phó với các thách thức từ những tham vọng trên biển của Trung Quốc. Cả Ấn Độ và Mỹ cùng có chung một lợi ích là kiềm chế và ngăn chặn sự bành trướng trên biển của Trung Quốc. Nỗ lực trong việc tăng cường hợp tác quân sự, an ninh, nhất là trên các vấn đề liên quan đến biển giữa Mỹ và Ấn Độ được coi là một mắt xích quan trọng trong việc hình thành chuỗi xích bao vây, kiềm chế Trung Quốc. Đáng chú ý đây là lần đầu tiên Ấn Độ và Mỹ cùng tuyên bố ủng hộ quyền tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông, đồng thời nhất trí về các biện pháp cụ thể nhằm bảo đảm quyền tự do hàng hải và hàng không.
Mặc dù không nêu đích danh Trung Quốc song những nội dung liên quan đến hợp tác quân sự, nhất là trên các vấn đề biển là nhằm vào Trung Quốc, nước đang có những hành động hiếu chiến với các nước láng giềng ven biển thời gian gần đây.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn CNN hôm 21/9/2014 trước khi đi Mỹ, khi được hỏi về cách hành xử của Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông khiến một số chính phủ lo ngại, Thủ tướng Ấn Độ Modi khẳng định Ấn Độ không thể làm ngơ trước mọi vấn đề. Trong thời đại đối tác hiện nay, tất cả các bên đều phải tìm kiếm và mở rộng sự hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau. Trung Quốc thừa hiểu họ phải chấp nhận luật chơi toàn cầu và phải đóng vai trò của họ trong việc hợp tác và tiến lên phía trước nếu không muốn bị cô lập. Ông Modi khẳng định, Ấn Độ và Mỹ có thể phát triển mối quan hệ đồng minh chiến lược chân thành vì có rất nhiều điểm tương đồng giữa hai bên.
Ấn Độ có mối quan ngại sâu sắc về việc Trung Quốc tăng cường hiện diện ở Ấn Độ Dương. Trung Quốc đang dùng các khoản viện trợ hàng tỷ đô la và các dự án xây dựng khổng lồ để lôi kéo các nước ven bờ biển Ấn Độ Dương để tăng cường sự hiện diện của Trung Quốc ở khu vực này. Cùng với việc gia tăng các hoạt động gây hấn ở Biển Đông và biển Hoa Đông, Trung Quốc đang tìm cách xây dựng nhiều bến cảng và thiết lập quan hệ đồng minh với các nước ven biển từ Mianma đến Pakistan. Cựu Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Kanwai Sibai nói “Trung Quốc muốn trở thành một chủ thể lớn tại Ấn Độ Dương cùng với Ấn Độ và Mỹ”.
Đánh giá về sáng kiến “con đường tơ lụa trên biển” do Trung Quốc đề xuất, ông Kanwai Sibai nhận định nhìn bề ngoài “con đường tơ lụa trên biển” của Trung Quốc như một mô hình mới về hợp tác quốc tế, song nhiều người trong Chính phủ Ấn Độ lo ngại đây chỉ là vỏ bọc để che giấu tham vọng mở rộng ảnh hưởng của Bắc Kinh. Ông Sibai nói “đây là điềm báo trước Trung Quốc sẽ tìm chỗ đứng lâu dài tại Ấn Độ Dương”. Đây là một thách thức lớn đối với vị thế của Ấn Độ ở Ấn Độ Dương. Chính điều này đã thôi thúc Ấn Độ tăng cường quan hệ với Mỹ để làm đối trọng với những thách thức đến từ Trung Quốc ở Ấn Độ Dương.
Để ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương, Ấn Độ cũng đã tăng cường hợp tác về các vấn đề trên biển với Việt Nam, Philippines và Nhật Bản là những nước đang bị Trung Quốc o ép ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Thủ tướng Ấn Độ Modi và Thủ tướng Nhật Bản Abe đã nhất trí về việc thúc đẩy hơn nữa quan hệ quốc phòng và chiến lược giữa hai nước trong chuyến thăm Nhật Bản mới đây của Thủ tướng Ấn Độ Modi. Trong chuyến thăm Nhật Bản, ông Modi đã truyền đi một thông điệp hết sức rõ ràng: “Một số nền dân chủ như Ấn Độ và Nhật Bản tin tưởng vào hướng phát triển theo con đường hòa bình của Đức Phật. Tuy nhiên, vẫn còn một số quốc gia khác (ám chỉ Trung Quốc) vẫn đang theo đuổi các chính sách bành trướng của thế kỷ 18, lấn chiếm đất đai và vùng biển của các nước khác”.
Trong chuyến thăm Việt Nam từ 14 đến 17/9/2014 của Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee, hai bên cũng đã khẳng định cùng nỗ lực thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược Việt – Ấn, trong đó trọng tâm là hợp tác trên lĩnh vực quốc phòng. Đặc biệt, Ấn Độ khẳng định sẽ hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực hải quân và Ấn Độ sẽ kiên trì triển khai hợp tác dầu khí với Việt Nam ở Biển Đông bất chấp sự phản đối từ Trung Quốc.
Ấn Độ cũng tích cực thúc đẩy quan hệ trong lĩnh vực biển với Philippines, nước đã kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài. Việc Ấn Độ và Mỹ tăng cường hợp tác quốc phòng và khẳng định quan điểm chung trên vấn đề Biển Đông thể hiện rõ sự lo ngại của 2 nước này trước những hành động ngày càng hiếu chiến của Trung Quốc ở Biển Đông. Điều này không chỉ có lợi cho hòa bình ổn định ở Biển Đông mà còn là nhân tố thuận lợi cho các nước nhỏ như Việt Nam, Philippines trong việc đấu tranh chống lại sự xâm lấn và đe dọa của Trung Quốc. Trung Quốc luôn phản đối các nước ngoài khu vực, bao gồm Mỹ và Ấn Độ “can thiệp” vào vấn đề Biển Đông, song Việt Nam cũng như Philippines… cần ủng hộ Mỹ và Ấn Độ phát huy vai trò trong việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông, ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc.
BDN