Saturday, January 4, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiMỹ đã hết kiên nhẫn với khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh?

Mỹ đã hết kiên nhẫn với khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh?

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho hay Mỹ hy vọng các quốc gia Ả Rập liên quan đến việc cắt đứt ngoại giao với Qatar sẽ sớm đưa cho Doha một danh sách các yêu cầu “hợp lý và thiết thực” để đưa cuộc khủng hoảng vùng Vịnh này tới một giải pháp cụ thể.

Reuters trích lời ông Tillerson trong một tuyên bố ngắn gọn hôm qua (21/6) của Bộ Ngoại giao Mỹ về động cơ của Ả Rập Xê Út và Các Tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) khi tuyên bố tẩy chay Qatar hôm 5/6 vừa qua. Người đứng đầu Bộ ngoại giao Mỹ cho rằng việc các nước Ả Rập cho đến nay vẫn chưa đưa ra một tuyên bố hay giải pháp rõ ràng là điều rất khó hiểu và gây hoang mang.

Đây được xem là tuyên bố cứng rắn nhất của Washington về mâu thuẫn bùng nổ sau khi UAE, Ả Rập Xê Út, Bahrain và Ai Cập cắt đứt quan hệ ngoại giao và các tuyến đường giao thông nhằm cô lập Qatar. Các quốc gia Ả Rập cáo buộc Doha tài trợ khủng bố, gây bất ổn khu vực và bắt tay với “kẻ thù” khu vực là Iran. Tuy nhiên, Qatar đã phủ nhận mọi cáo buộc trên.

Tuyên bố của Ngoại trưởng Tillerson nêu rõ: “Chúng tôi hiểu rằng danh sách các yêu cầu cần phải có thời gian chuẩn bị và có sự phối hợp giữa chính phủ các nước Ả Rập Xê Út, UAE, Ai Cập và Bahrain. Nhưng chúng tôi hy vọng bản danh sách này sẽ sớm được công bố và gửi đến Qatar và tài liệu đó phải hợp lý và thiết thực”.

Ông Tillerson cũng cho biết thêm Hoa Kỳ ủng hộ nỗ lực hòa giải của Kuwait nhằm mục đích giải quyết ổn thỏa cuộc khủng hoảng này.

 

Khi được hỏi về vấn đề Qatar trong một cuộc họp báo sau đó, ông Tillerson cho hay Mỹ muốn thấy được sự đoàn kết giữa các quốc gia thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh và họ có thể tập trung vào cuộc chiến chống phiến quân IS trên khắp khu vực.

“Vai trò của Mỹ là khuyến khích các bên đưa vấn đề của họ lên bàn đàm phán, công bố một cách rõ ràng, như thế các mâu thuẫn này mới có thể được giải quyết và sớm đạt được kết luận cuối cùng”, ông Tillerson nói.

Qatar là quốc gia mà Mỹ đặt căn cứ quân sự Al Udeid lớn nhất ở Trung Đông, với hơn 11.000 binh lính và các lực lượng liên quan cũng triển khai nhiều hoạt động không kích với sự tham gia của hơn 100 chiến đấu cơ tại đây.

Tổng thống Donald Trump cũng từng có cái nhìn cứng rắn đối với Qatar khi cáo buộc Doha tài trợ ở mức độ cao cho khủng bố, tuy nhiên ông chủ Nhà Trắng cũng đề nghị hỗ trợ các bên giải quyết những bất đồng một cách nhanh chóng.

RELATED ARTICLES

Tin mới