Truyền thông Hong Kong đưa tin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới thăm Hong Kong vào tuần tới để tham dự lễ kỷ niệm 20 năm kể từ khi thành phố này được Anh trao trả cho Trung Quốc.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Reuters
Hãng tin AFP bình luận, chuyến thăm này sẽ gây bão cho các nhà hoạt động dân chủ ở Hong Kong.
Mặc dù rất được trông đợi, các quan chức Hong Kong vẫn không thể khẳng định liệu Chủ tịch Tập Cận Bình có thực hiện chuyến công du hay không. Đây sẽ là lần đầu tiên ông Tập tới thăm Hong Kong kể từ khi nhậm chức năm 2013.
Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) hôm 23/6 đưa tin, chuyến thăm của ông Tập đã được xác định, dẫn nguồn tin ẩn danh có hiểu biết về chuyến đi.
Người biểu tình cho biết họ đã chuẩn bị tập hợp trong suốt lễ kỷ niệm ngày trao trả Hong Kong bất chấp chuyến thăm của ông Tập sẽ được bảo vệ trong một hàng rào an ninh khổng lồ. Hành trình của ông sẽ bao gồm thăm cơ sở đồn trú của quân đội Trung Quốc ở trung tâm Hong Kong và thăm một số dự án cơ sở hạ tầng.
Ông Bình và vợ, bà Bành Lệ Viện, sẽ tới Hong Kong vào thứ Năm (29/6) và ở lại cho đến ngày 1/7, đúng ngày lễ kỷ niệm và ra mắt nhà lãnh đạo Hong Kong mới Carrie Lam (Lâm Trịnh Nguyệt Nga), tờ SCMP cho biết.
Hong Kong được nước Anh trao trả cho Trung Quốc vào năm 1997, dựa trên thỏa thuận “một quốc gia, hai chế độ” nhằm bảo đảm sự tự do của hòn đảo trong vòng 50 năm kể từ khi thỏa thuận được ký kết.
Nhưng hàng loạt sự kiện, bao gồm vụ sa thải 2 nhà lập pháp ủng hộ độc lập và bắt giữ 5 nhà bán sách, làm gia tăng lo ngại Bắc Kinh sẽ đạp lên thỏa thuận đã ký trước đó.
Một phát ngôn viên chính quyền Hong Kong nói với hãng tin AFP hôm thứ Sáu (23/6) cho biết, hiện vẫn chưa có thông tin chính thức xác nhận chuyến thăm của ông Tập Cận Bình. Nhà phân tích chính trị Willy Lam dự đoạn có thể sẽ xảy ra “tình cảnh xấu” nếu ông Tập đến Hong Kong.
“Thực tế, tôi nghĩ là sự hiện diện của lãnh đạo Trung Quốc và quân đội sẽ làm gia tăng ấn tượng rằng Bắc Kinh thực sự muốn hành động”, ông Willy Lam, một tiến sỹ tại Đại học Trung Quốc ở Hong Kong, bình luận, “Đấy là một biểu hiện cho thấy trong “một quốc gia, hai thể chế”, một quốc gia đang ở trên cả 2 thể chế”.