Friday, December 27, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiHọc giả TQ: Ấn Độ quá yếu so với TQ, nếu không...

Học giả TQ: Ấn Độ quá yếu so với TQ, nếu không nghe lời thì Bắc Kinh sẽ động binh

Một viện sĩ Trung Quốc cảnh báo Ấn Độ rằng Bắc Kinh sẽ “hành động quân sự” để chấm dứt thế giằng co ở biên giới hai nước nếu New Delhi “không chịu lắng nghe”.

Các binh sĩ quân đội Trung Quốc (Ảnh minh họa: NDTV)

Nhiều học giả, chuyên gia Trung Quốc bắt đầu lên tiếng trên truyền thông nhà nước trong bối cảnh tình trạng đối đầu giữa quân đội Trung Quốc và Ấn Độ ở vùng biên giới Sikkim diễn ra đã gần 3 tuần, kéo dài nhất và nghiêm trọng nhất kể từ chiến tranh biên giới 1962 giữa hai nước.

Viện sĩ Hu Zhiyong từ Viện khoa học xã hội Thượng Hải, Trung Quốc lên tiếng trên tờ Thời báo Hoàn Cầu hôm 3/7, nói rằng “Trung Quốc đang cố gắng hết sức dùng các bài học lịch sử để giải thích với Ấn Độ và thể hiện thiện chí giải quyết mâu thuẫn một cách hòa bình”.

“Nếu Ấn Độ từ chối nghe theo, Trung Quốc sẽ không còn cách nào khác ngoài tiến hành biện pháp quân sự để giải quyết tình hình,” ông Hu nói.

Theo học giả này, New Delhi leo thang thách thức Bắc Kinh vào đúng thời điểm Thủ tướng Narendra Modi công du Mỹ, để chứng minh với Washington rằng nước này có đủ khả năng đối đầu Trung Quốc. Nhưng ông tin rằng Tổng thống Donald Trump khác với người tiền nhiệm Barack Obama.

“Ông Obama cho rằng Ấn Độ rất quan trọng chỉ do hai nước chia sẻ các giá trị chung. Nhưng ông Trump rất thực dụng và sẽ không coi Ấn Độ như một đồng minh giá trị, bởi vì New Delhi quá yếu khi đối diện Bắc Kinh,” ông Hu khẳng định.

Chuyên gia quân sự ở Bắc Kinh, ông Song Zhongping đánh giá “dù Ấn Độ luôn xem Trung Quốc là đối thủ lớn nhất nhưng Bắc Kinh không nghĩ vậy, bởi Ấn Độ tụt hậu xa so với Trung Quốc”.

Thiếu tướng không quân Trung Quốc Chu Hòa Bình, Phó viện trưởng Viện chỉ huy không quân nói: “Các anh (Ấn Độ) đưa vài chiếc xe, vài binh sĩ vượt biên qua thì có cản được bước phát triển của Trung Quốc không?… Sức mạnh quân sự Trung Quốc đang gia tăng, cách biệt với Ấn Độ ngày càng lớn. Hành động thách thức hiện nay của Ấn Độ thực ra là ‘tiểu xảo’, không ảnh hưởng gì đến cục diện lớn, cũng không có tác dụng gì”.

Giới quan sát Trung Quốc cũng đề cập mối đe dọa quân sự từ phía New Delhi sau khi Bộ trưởng quốc phòng Ấn Độ Arun Jaitely cảnh báo hôm 30/6 rằng “Ấn Độ năm 2017 đã khác với Ấn Độ của năm 1962”.

Ông Hu Zhiyong nói trên tờ Hoàn Cầu, “Khoảng cách giữa quân đội Trung-Ấn ngày nay thậm chí còn lớn hơn năm 1962, nên tôi mong Ấn Độ giữ được bình tĩnh để tốt cho chính họ”.

Giáo sư Wang Dehua thuộc Trung tâm nghiên cứu quốc tế của thành phố Thượng Hải, Trung Quốc nói “Trung Quốc cũng đã rất khác so với năm 1962”. Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng đưa ra lời cảnh báo tương tự nhằm vào Ấn Độ.

Thời báo Hoàn Cầu ngày 3/7 nhận định “chiến tranh có thể bùng nổ nếu xung đột mới đây giữa Trung-Ấn không được xử lý tốt”, và “Trung Quốc chắc chắn sẽ gìn giữ lãnh thổ cùng biên giới của mình”.

“Vào năm 1962, Trung Quốc giao tranh với Ấn Độ sau khi phía Ấn xâm phạm lãnh thổ Trung Quốc, dẫn đến kết quả 722 lính Trung Quốc và 4.383 lính Ấn Độ thiệt mạng,” Hoàn Cầu cảnh cáo, nhấn mạnh rằng “Ấn Độ sẽ còn tổn thất lớn hơn năm 1962 nếu họ kích động xung đột quân sự”.

Theo NDTV (Ấn Độ), kể từ khi tình trạng đối đầu giằng co bắt đầu hôm 6/6, New Delhi cáo buộc Quân giải phóng nhân dân (PLA) xâm lấn lãnh thổ Ấn Độ và phá hủy hai boongke của quân đội nước này.

Bắc Kinh đáp trả rằng địa điểm xô xát hoàn toàn thuộc lãnh thổ Trung Quốc và binh sĩ Ấn Độ đã vượt biên để ngăn cản quân đội Trung Quốc xây dựng một con đường ở vùng ngã ba biên giới giữa Ấn Độ-Trung Quốc-Bhutan. Trung Quốc ngày 4/7 bác bỏ bất kỳ thỏa hiệp nào với Ấn Độ.

Trong 3.488 km đường biên giới giữa hai nước, có 220 km nằm trong khu vực Sikkim đang diễn ra đối đầu.

RELATED ARTICLES

Tin mới