Theo tính toán của Trung Quốc, khủng hoảng có thể sẽ xảy ra trên biển Đông, nhưng nếu biết tận dụng hoặc chủ động gây ra khủng hoảng, Bắc Kinh có thể biến khủng hoảng thành cơ hội. Bằng kế “giết gà dọa khỉ”, Trung Quốc có thể sẽ khiến một vài nước nhỏ liên quan phải hy sinh để Bắc Kinh “dạy” các nước khác một bài học.
Bắc Kinh tuyên bố tập trận trên biển Đông sau khi tuyên bố phớt lờ phán quyết của Tòa trọng tài về vụ Philippines kiện Trung Quốc. Ảnh: AP.
Những nội dung trên nằm trong một tài liệu nội bộ được dùng để giảng dạy cho các đối tượng chọn lọc ở Trung Quốc. Tài liệu bị rò rỉ này vừa được hai tác giả Ryan Martinson, trợ lý giáo sư tại Viện nghiên cứu biển Trung Quốc thuộc Trường Hải chiến Mỹ và Katsuya Yamamoto, sĩ quan liên lạc của Lực lượng Phòng vệ trên biển Nhật Bản, giáo sư về quân sự tại Trường Hải chiến Mỹ, điểm lại trong bài đăng trên tạp chí Mỹ National Interest.
Bài viết có tựa đề “Khủng hoảng quân sự trên biển Đông: Đánh giá, phân tích và phản ứng” do 3 sĩ quan hải quân Trung Quốc là ông Jin Jing, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu hàng hải, hai chính trị viên Xu Hui và Wang Ning thuộc Hạm đội Nam hải của quân đội Trung Quốc, viết. Vì bài viết do những sĩ quan cấp trung chấp bút nên đây được coi là tài liệu chính thống.
Theo tài liệu, Trung Quốc dự đoán sẽ phải đối đầu căng thẳng với Mỹ, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản và các quốc gia Đông Nam Á. Điểm lại những diễn biến gần đây, các tác giả bài viết cho rằng, có khả năng xảy ra khủng hoảng trên biển Đông. Điều gây ngạc nhiên là các tác giả bài viết cực kỳ lạc quan về cách khủng hoảng có thể diễn ra.
Theo quan điểm của họ, quy mô và cường độ của bất kỳ cuộc khủng hoảng nào trong tương lai cũng có thể được kiểm soát, và “khả năng khủng hoảng dẫn đến xung đột quân sự hoặc chiến tranh có thể không xảy ra”.
Quan hệ Mỹ – Trung sẽ tiếp tục xu hướng “đấu tranh nhưng không cắt đứt”. Hai nước sẽ tiếp tục duy trì quan hệ mạnh mẽ và những lợi ích chung trong các lĩnh vực quan trọng là kinh tế, chính trị và các vấn đề toàn cầu. Những liên hệ này sẽ ngăn ngừa khủng hoảng leo thang. Các tác giả cho rằng, khi đối đầu trên biển, cả hai quân đội sẽ khá kiềm chế.
Không bên nào muốn đi đến xung đột quân sự. Về phần Trung Quốc, họ sẽ tiếp tục chiến lược cân bằng giữa một bên là các hoạt động quyết liệt với bên kia là những hành động nhằm duy trì ổn định quan hệ với các nước. Bắc Kinh sẽ không để vấn đề vuột khỏi tầm tay.
Sau tất cả, Trung Quốc cần thời gian để “đánh giá và củng cố” những gì họ đạt được gần đây trên biển Đông. Lãnh đạo Trung Quốc không mong muốn khủng hoảng quân sự leo thang thành chiến tranh để gây ảnh hưởng đến “giai đoạn cơ hội chiến lược” hiện nay nhằm tập trung vào các vấn đề trong nước.
Các tác giả cho rằng, Mỹ sẽ vẫn duy trì vai trò trung lập trong các tranh chấp trên biển Đông. Washington sẽ chỉ tìm cách bảo đảm tự do hàng hải và duy trì các hành động răn đe. Hơn nữa, Mỹ vẫn chưa ở vào vị trí sẽ lựa chọn một cuộc xung đột khi chiến lược “Tái cân bằng sang châu Á” chưa hoàn thiện.
Trong khi đó, các nước nhỏ có liên quan trên biển Đông không muốn dính líu vào xung đột quân sự. Với những cơ sở hạ tầng mới xây dựng (trái phép-PV) ở quần đảo Trường Sa, Trung Quốc đã giành được thế chủ động chiến lược. Điều này dẫn đến “tác động cản trở nhất định từ các nước có yêu sách chủ quyền khác”. Nói ngắn gọn là xung đột vũ trang trên biển Đông về cơ bản có thể loại bỏ.
Chủ động tạo khủng hoảng, giết gà dọa khỉ
Phần 2 của bài viết đánh giá một số bối cảnh cụ thể mà Trung Quốc có thể đối mặt trong tương lai. Bất kỳ cuộc xung đột nào cũng sẽ liên quan đến nhiều nước. Ngoài Mỹ và Nhật Bản, bài viết cho rằng, Ấn Độ và Úc cũng có thể can dự vào một cuộc xung đột. Những nước này có thể nắm cơ hội để kiểm soát, chế phục hoặc kiềm chế Trung Quốc.
Trong phần cuối bài, ba tác giả vạch ra các bước Trung Quốc nên thực hiện để nâng cao khả năng xử lý khủng hoảng trong tương lai.
Trước tiên, Trung Quốc nên sử dụng các phương tiện ngoại giao, kinh tế và chính trị để cải thiện quan hệ với các nước Đông Nam Á, để từ đó “gây chia rẽ và phá hỏng” bất kỳ liên minh tiềm năng nào chống lại Trung Quốc, tạo ra môi trường chiến lược thuận lợi và giảm bớt động lực dẫn đến khủng hoảng.
Đây là công cụ mềm trong chiến lược của Trung Quốc. Đồng thời, Trung Quốc nên có những bước đi nhằm khẳng định rõ lằn ranh đỏ của họ trong việc thể hiện sức mạnh và có các biện pháp ép buộc để ngăn chặn khủng hoảng quân sự nổ ra.
Các tác giả bài viết thừa nhận điều mà lãnh đạo Trung Quốc vẫn quyết liệt bác bỏ công khai. Đó là “cuộc tranh đấu trên biển Đông không phải chỉ là cạnh tranh quyền và lợi ích. Nhiều hơn thế, đó là cuộc tranh đấu vị trí thống trị trong các vấn đề an ninh khu vực”. Vì thế, Trung Quốc nên sử dụng mọi phương tiện chính trị, kinh tế, ngoại giao, pháp luật, dư luận và quân sự để đạt được điều này.
Các ông Jin, Xu và Wang còn xác nhận cách tiếp cận hiện nay của Trung Quốc trong xử lý tranh chấp trên biển Đông hiện nay. Họ mô tả cách tiếp cận đó là “vừa kiên quyết vừa linh hoạt”. Những từ ngữ này được đặt trong ngoặc kép, cho thấy chúng xuất phát từ văn bản nguyên gốc.
Những hành động nhằm khẳng định đặc quyền của Trung Quốc phải “cân bằng linh động” với những hành động nhằm làm dịu căng thẳng. Đây là cách thức cốt lõi trong chiến lược xử lý tranh chấp trên biển của Trung Quốc và lý giải các hành động có vẻ trái ngược nhau của nước này.
Chiến lược của Trung Quốc là phải duy trì chủ động. Trung Quốc cần tiếp tục tham gia vào điều họ gọi là cuộc chiến kéo dài, nghĩa là theo đuổi một “cuộc cạnh tranh toàn diện, lâu dài và kiên nhẫn để làm chủ sáng kiến chiến lược”. Cách làm này có lợi cho Trung Quốc.
Theo quan điểm của các tác giả, “sau khi mở rộng các cơ sở hạ tầng trên quần đảo Trường Sa, Trung Quốc đạt được thế chủ động nhất định về mặt an ninh quân sự. Khi thời gian trôi đi, cân bằng quyền lực sẽ nghiêng theo hướng có lợi cho Trung Quốc”.
Điều này sẽ bảo đảm các điều kiện cho Trung Quốc tiếp tục chiến lược hiện nay là đặt lực lượng đánh bắt cá, lực lượng khai thác dầu khí, lực lượng thực thi pháp luật lên tuyến đầu. Các tác giả gọi đây là cách “đưa lực lượng dân sự ra trước, theo sau là quân đội” và “giấu quân đội trong lực lượng dân sự”.
Bài viết kết luận bằng việc nhắc nhở độc giả rằng, một cuộc khủng hoảng trong tương lai, nếu được xử lý đúng cách, có thể mang lại cơ hội cho Trung Quốc. Lịch sử gần đây của Trung Quốc chứng tỏ điều đó. Ba ông Jin, Xu và Wang giải thích rằng, sự đấu tranh với Nhật Bản ở khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và với Philippines ở bãi cạn Scarborough “cho thấy việc chủ động lợi dụng khủng hoảng và khéo léo khai thác, giữ mình ở thế chủ động, thậm chí chủ động gây ra khủng hoảng sẽ giúp Trung Quốc bảo đảm các lợi ích của mình”. “Chỉ bằng cách thực hiện những biện pháp chủ động thì Trung Quốc mới đạt được chiến thắng cuối cùng trong cuộc cạnh tranh này”, các tác giả viết.
Các cuộc khủng hoảng tạo ra cớ để trừng phạt nước khác. Ba tác giả Jin, Xu và Wang không do dự khi đề xuất rằng Trung Quốc nên “tấn công nước khác một cách tàn nhẫn nếu Trung Quốc bị tổn thương”. Sau tất cả, bài viết cho rằng, một vài nước liên quan phải hy sinh để dạy cho các nước khác bài học và ngăn chặn sự thông đồng. Đó là cách “giết gà dọa khỉ”.
Cuối cùng, Trung Quốc phải đóng vai trò chủ động trong các vấn đề an ninh phi truyền thống ở khu vực và các nỗ lực cứu trợ thảm họa. Theo bài viết, những hoạt động như vậy sẽ giúp “định hình tình thế an ninh trên biển Đông do Trung Quốc giữ vai trò thống trị và cơ chế phối hợp ứng phó thảm họa”. Rốt cục, những điều này sẽ tạo điều kiện để giải quyết vấn đề trên biển Đông.