Thursday, November 28, 2024
Trang chủQuân sựQuân Ấn Độ đào hào, dựng trại đối mặt TQ, Bắc Kinh...

Quân Ấn Độ đào hào, dựng trại đối mặt TQ, Bắc Kinh có thể điều 300.000 lính nếu xung đột

Quân đội Ấn Độ đã sẵn sàng cho một cuộc giằng co “dài hơi” với các binh lính Trung Quốc ở vùng biên giới Sikkim giữa hai nước.

(Ảnh minh họa: Indian Express)

Tờ Times of India cho hay, các binh sĩ Ấn Độ triển khai ở cao nguyên Doklam (Trung Quốc gọi là Donglang) đã đào chiến hào và dựng lều trại, sẵn sàng cho cuộc cầm cự lâu dài, bất chấp chính phủ Trung Quốc liên tục lên tiếng yêu cầu phía Ấn rút quân.

Hãng tin News18 dẫn các nguồn tin trong chính phủ tiết lộ, các lều trại của quân đội Ấn Độ dựng ngay đối diện phía Trung Quốc, như một thông điệp cứng rắn gửi Bắc Kinh rằng lực lượng Ấn Độ sẽ không lui bước, trừ khi Quân giải phóng nhân dân (PLA) cũng có động thái hòa dịu tương ứng để chấm dứt căng thẳng biên giới đã kéo dài gần một tháng rưỡi qua.

Một tuyến tiếp tế ổn định cho các quân nhân Ấn Độ ở biên giới cũng đã được thiết lập – các quan chức trên cho hay, để chống lại bất kỳ sức ép nào từ Bắc Kinh.

Tờ First Post (Ấn Độ) cho hay, song song với động thái của New Delhi, từ phía Trung Quốc cũng có các dấu hiệu điều động quân sự. 

Các nhà phân tích chiến lược Ấn Độ lo ngại, Trung Quốc hiện nay có đủ khả năng triển khai tới 32 sư đoàn (trước đây là 22), tương đương hơn 300.000 binh sĩ, tới địa điểm có vị trí địa lý đặc thù như Doklam/Donglang nhờ hệ thống đường sá được cải thiện. Thậm chí, họ lo ngại hơn bởi Trung Quốc có thể hoàn thành việc bố trí này vào mọi thời điểm trong năm.

Theo First Post, Bắc Kinh đã xây dựng các kho nhiên liệu và hậu cần ở vùng biên giới gần Ấn Độ, cho thấy nước này không chỉ muốn nâng cao tốc độ triển khai quân lực, mà còn muốn duy trì hiện diện quân sự trong một thời gian dài. Sự phát triển về cơ sở hạ tầng đã cho Trung Quốc ưu thế lớn hơn so với Ấn Độ ở Đường kiểm soát thực tế (LoC).

New Delhi tin rằng Trung-Ấn có thể tìm được giải pháp ngoại giao cho mâu thuẫn. Giới chức an ninh Ấn Độ tin rằng không thể có cách tiếp cận đơn phương nào làm hạ nhiệt căng thẳng.

Vào năm 2012 hai nước đã nhất trí tham gia một cơ chế giải quyết tranh chấp thông qua tham vấn ở nhiều cấp độ. Nhưng cơ chế này không phát huy được vai trò trong cuộc đối đầu đang tiếp diễn ở biên giới Sikkim.

Nhiều ngày sau khi Bộ ngoại giao Ấn Độ thông báo rằng các kênh ngoại giao “đang được sử dụng” để giảm căng thẳng với Bắc Kinh, hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã hôm 15/7 một lần nữa tuyên bố “không có chỗ để thỏa hiệp” và giải pháp ngoại giao chỉ có thể thực hiện với tiền đề là Ấn Độ rút quân khỏi vùng biên giới tranh chấp.

Trong bài xã luận, Tân Hoa Xã nhấn mạnh “đường biên giới là giới hạn cuối cùng” của Bắc Kinh. Đây cũng không phải lần đầu tiên cụm từ đặc trưng này được sử dụng trong các bài báo của truyền thông nhà nước và phát biểu của các chuyên gia Trung Quốc.

“Ấn Độ đã nhiều lần phớt lờ lời kêu gọi của Trung Quốc về việc rút các binh sĩ đã vượt qua biên giới ở vùng Doklam về lại lãnh thổ của mình. Tuy nhiên, việc ‘giả điếc’ với Trung Quốc sẽ chỉ làm tồi tệ hơn cuộc đối đầu đã kéo dài cả tháng và làm chính Ấn Độ thêm bẽ mặt,” Tân Hoa Xã tỏ ra gay gắt.

RELATED ARTICLES

Tin mới