Bản tin Biển Đông ngày 19/07/2017.
Khẳng định giá trị của luật pháp quốc tế trong Bộ Quy tắc ứng xử
Ngày 18/7, trang Inquirer đăng bài viết “Khẳng định luật pháp quốc tế trong Bộ Quy tắc ứng xử” của Dindo Manhit, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Stratbase Albert del Rosario, Philippines. Về Phán quyết của Toà Trọng tài vụ kiện Biển Đông ngày 12/7/2016, ông Manhit khẳng định Phán quyết là “không thể xoá bỏ” và “không thể đảo ngược”. Lý giải cho đề xuất cần phải thúc đẩy các quy định của luật pháp quốc tế trong việc xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông, ông Manhit cho biết đó là vì luật pháp quốc tế có vai trò quan trọng đối với các quốc gia nhỏ, là “một nhà phán xử tuyệt vời”. Qua Phán quyết, tác giả hoan nghênh những nỗ lực của Philippines trong việc thúc đẩy thượng tôn pháp luật cũng như một khuôn khổ dựa trên luật lệ ở khu vực. Ông cho hay, dù Phán quyết của Toà không đưa ra một giải pháp cuối cùng cho các căng thẳng và tranh chấp ở Biển Đông nhưng Phán quyết đã giúp tất cả các quốc gia ở khu vực làm rõ phạm vi của vấn đề Biển Đông, khẳng định rõ ràng rằng tất cả các quyền trên biển cần phải được xác định theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) và rằng bất kỳ quyền nào không tuân thủ quy định của UNCLOS sẽ bị bác bỏ. Ông kêu gọi Philippines cần hối thúc các quốc gia trong khu vực đoàn kết nhằm tái khẳng định tầm quan trọng và vị thế không thể phủ nhận của Phán quyết trong luật pháp quốc tế, cho rằng Phán quyết cần phải được ghi nhận trong Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông khi đàm phán văn kiện này, Philippines cần tiếp tục tích cực khẳng định vụ kiện Trọng tài là một tiền lệ pháp lý đối với các bên tranh chấp ở Biển Đông nhằm tiếp tục khẳng định các quyền trên biển và ranh giới biển cũng như điều chỉnh các chính sách nội bộ của các nước này phù hợp với các quy định của UNCLOS. Phán quyết cần được nhìn nhận theo hướng phục vụ lợi ích của tất cả các bên tranh chấp ở Biển Đông, chứ không riêng Philippines, bao gồm tự do thương mại hàng hải và lợi ích trong các hoạt động hợp pháp khác. Đồng thời, Philippines cần tăng cường quan hệ đối tác với các nước cùng chung lợi ích trong việc tuân thủ các quy định của UNCLOS.
“Thấy gì trong một cái tên?”
Ngày 18/7, tờ The Jakarta Post đăng bài viết “Thấy gì trong một cái tên?”. Tác giả bài viết cho hay, quyết định đổi tên khu vực phía Bắc vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia trên Biển Đông thành “Biển Bắc Natuna” ngày 14/7, một phần trong kế hoạch bổ sung thông tin vào bản đồ của nước này, chỉ đơn thuần củng cố và tạo liên kết giữa ranh giới vùng thềm lục địa và các vùng biển phía Bắc Indonesia. Tuy nhiên, phía Trung Quốc vẫn lớn tiếng chỉ trích động thái này của Indonesia. Điều này cho thấy Bắc Kinh trong vấn đề Biển Đông vẫn rất “nhạy cảm”, lớn tiếng yêu cầu Indonesia hợp tác với Trung Quốc vì mục tiêu chung và cùng gìn giữ tình hình hiện nay ở Biển Đông, dù Indonesia đã khẳng định không phải là một bên trong tranh chấp khu vực. Thứ trưởng Bộ Điều phối các vấn đề biển của Indonesia, ông Havas Oegroseno khẳng định Indonesia có quyền đặt tên tất cả các khu vực thuộc chủ quyền nước này và đã chính thức đăng ký tên “Biển Bắc Natuna” với Liên hợp quốc và Tổ chức Thuỷ đạc quốc tế. The Jakarta Post nhận định, câu hỏi liệu động thái mới của Indonesia có làm tổn hại quan hệ song phương giữa hai nước hay không vẫn còn bỏ ngỏ, tuy nhiên khẳng định không có gì phải lo lắng về quyết định này vì: (i) Indonesia đã khẳng định không có tranh chấp với Trung Quốc ở các vùng nước thuộc quần đảo Natuna, (ii) hai bên sẽ không để các vấn đề khác làm ảnh hưởng đến các cam kết trong khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược nhằm tăng trưởng kinh tế cho Indonesia cũng như phục vụ lợi ích chung của hai nước và (iii) việc giải thích cho quyết định đổi tên chỉ là nhằm “bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên của Indonesia” sẽ giúp hạ nhiệt căng thẳng, thay vì gây ra đối đầu.
Ngoại trưởng Úc chỉ trích các hoạt động bồi đắp đảo ở Biển Đông
Ngày 19/7, hãng Sky News của Úc đưa tin, mới đây trong chuyến công du của mình tại Ấn Độ, Ngoại trưởng Úc Julie Bishop bày tỏ phản đối mạnh mẽ hành động xây dựng các đảo nhân tạo và quân sự hoá ở Biển Đông, đồng thời kêu gọi tất cả các bên trong khu vực cần tuân thủ luật pháp quốc tế khi giải quyết các bất đồng.
Bộ trưởng Bộ Điều phối trên biển Indonesia khẳng định nước này không có ý định đổi tên Biển Đông
Trang Republika đưa tin, ngày 18/7, sau sự kiện công bố bản đồ mới ngày 14/7, phát biểu sau khai mạc tại Uỷ ban Công nghệ Quốc gia 2017 tại Jakarta, Indonesia, Bộ trưởng Bộ Điều phối trên biển Indonesia Luhut Binsar Pandjaitan khẳng định Chính phủ nước này không có ý định đổi tên Biển Đông mà chỉ đổi tên vùng nước thuộc chủ quyền của mình. Ông Pandjaitan cũng cho biết hiện chính quyền Indonesia đang cập nhật thông tin vào bản đồ của nước này, chủ yếu tại khu vực vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý và vùng thềm lục địa. Trước những chỉ trích của phía Trung Quốc rằng việc đổi tên hoàn toàn “vô nghĩa”, Bộ trưởng Pandjaitan cho biết không có bình luận gì. Thứ trưởng phụ trách vấn đề Chủ quyền trên biển Arief Havas Oegroseno cho hay việc đổi tên là nhằm phù hợp với một số hoạt động thăm dò dầu khí trên lãnh thổ của Indonesia, việc triển khai thăm dò tại một số vùng biển ghi nhận sự hiện diện của “Biển Bắc Natuna”, “Biển Nam Natuna” hoặc “Đông Bắc Natuna” trong các bản kế hoạch dự án.