Wednesday, October 23, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiĐến lượt Ấn Độ "đòi chia tay", Triều Tiên biết sống sao?

Đến lượt Ấn Độ “đòi chia tay”, Triều Tiên biết sống sao?

Kinh tế sụt giảm, chương trình phát triển tên lửa và hạt nhân ngừng trệ là những gì mà Triều Tiên sẽ phải hứng chịu sau khi Ấn Độ quyết định cắt đứt quan hệ kinh tế với Bình Nhưỡng. Trong khi đó, Ấn Độ sẽ mở rộng hợp tác với Mỹ và Hàn Quốc.

Ấn Độ quyết định cắt đứt quan hệ thương mại với Triều Tiên sẽ khiến Bình Nhưỡng càng trở nên bị cô lập.

Theo tạp chí The Diplomat, hôm 7/7, Bộ Nội vụ Ấn Độ đã ra thông báo phản đối mạnh mẽ vụ phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mà Triều Tiên tiến hành trước đó 3 ngày. Trong tuyên bố này, Bộ Nội vụ Ấn Độ mô phỏng chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên là mối đe dọa nghiêm trọng đối với nền hòa bình quốc tế và an ninh Ấn Độ.

Trước đó, hồi tháng Tư, Ấn Độ đã ủng hộ nghị quyết của Liên Hợp Quốc (LHQ) về cấm tất cả các hoạt động thương mại với Triều Tiên ngoại trừ các chuyến hàng vận chở thực phẩm và thuốc y tế. Quyết định ủng hộ LHQ của Ấn Độ đã đặt dấu chấm hết cho mối quan hệ thương mại suốt một thập niên liên tục tăng trưởng giữa Ấn Độ và Triều Tiên.

Nhà nghiên cứu Samuel Ramani tại Đại học Oxford nhận định, do hai nước có quan hệ thương mại lâu đời và ngoại giao thân thiết, việc Ấn Độ ủng hộ nghị quyết của LHQ chắc chắn sẽ làm chậm quá trình phát triển tên lửa đạn đạo cũng như làm suy yếu nền kinh tế Triều Tiên. Việc thay đổi chính sách đối với Triều Tiên sẽ giúp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi mở rộng quan hệ hợp tác với Hàn Quốc và Mỹ cũng như tăng vị thế ngoại giao của Ấn Độ và dễ dàng tiếp cận các khoản đầu tư nước ngoài. 

Kinh tế Triều Tiên suy yếu

So với Nga và Trung Quốc, tầm ảnh hưởng kinh tế của Ấn Độ với Triều Tiên có phần nhỏ hơn rất nhiều nhưng việc New Delhi dừng hợp tác thương mại với Bình Nhưỡng chắc chắn sẽ tác động xấu tới chương trình sản xuất tên lửa đạn đạo của Triều Tiên. Cụ thể, Trung tâm Khoa học vũ trụ và Công nghệ châu Á – Thái Bình Dương (CSSTEAP) tại Dehradu của Ấn Độ là một trong số ít cơ sở nghiên cứu trên thế giới hỗ trợ đào tạo kỹ thuật cho các sinh viên Triều Tiên sau khi LHQ lần đầu tiên áp đặt hàng loạt lệnh trừng với Bình Nhưỡng vào năm 2006.

Trước khi LHQ phát hiện CSSTEAP vi phạm quy định cấm vào năm 2016, CSSTEAP được cho đã đào tạo cho ít nhất 30 nhà khoa học Triều Tiên. Đây được xem là đội ngũ cán bộ cốt cán trong chương trình phát triển tên lửa đạn đạo và hạt nhân của Bình Nhưỡng. 

Ngoài việc dừng chia sẻ công nghệ, mối quan hệ thương mại giữa Ấn Độ và Triều Tiên đổ vỡ cũng sẽ khiến tình trạng khan hiếm ngoại tệ mạnh của Bình Nhưỡng trở nên nghiêm trọng hơn. Theo dữ liệu của chính phủ Ấn Độ, trong năm 2015 – 2016, New Delhi là đối tác thương mại lớn thứ ba của Bình Nhưỡng. Trong đó, Ấn Độ đã xuất khẩu sang Triều Tiên số lượng hàng hóa trị giá 111 triệu USD và giá trị nhập khẩu từ Bình Nhưỡng là 88 triệu USD.

Việc Ấn Độ quay lưng lại với Triều Tiên cũng sẽ khiến Bình Nhưỡng bị lệ thuộc thêm vào mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc. Điều đáng nói, hiện tại, mối quan hệ Trung – Triều cũng đang trong giai đoạn ngày càng căng thẳng. Một khi mối quan hệ kinh tế giữa Ấn Độ và Triều Tiên bị cắt đứt, hoạt động ngoại giao giữa hai nước cũng sẽ chịu tác động lớn. Nói cách khác, vắng bóng Ấn Độ với tư cách là đối tác ngoại giao, Triều Tiên sẽ phải đối mặt với tình cảnh ngày càng bị thế giới cô lập. 

Chia tay Triều Tiên để làm quen với Mỹ – Hàn 

Mặc dù lâu nay, Ấn Độ vẫn lên tiếng phản đối chương trình hạt nhân của Triều Tiên nhưng thái độ phẫn nộ ngày càng lớn của New Delhi với Bình Nhưỡng đã khiến giới chức Hàn Quốc xem Ấn Độ như một đồng minh tiềm năng trong việc đưa ra những nỗ lực kiềm chế Triều Tiên. Những thỏa thuận hợp tác an ninh và kinh tế gần đây giữa Ấn Độ và Hàn Quốc là minh chứng rõ nhất cho tinh thần hợp tác giữa hai nước trong tiến trình kiềm chế Triều Tiên. Rõ ràng, khi bắt tay với Hàn Quốc, nền kinh tế của Ấn Độ đã được hưởng lợi và tầm ảnh hưởng của New Delhi trong khu vực cũng gia tăng.

Trên thực tế, các nhà đầu tư Hàn Quốc đang xem Ấn Độ là miền đất hứa trong chương trình đầu tư nước ngoài. Cụ thể, hồi tháng Tư, tập đoàn Kia Motors của Hàn Quốc đã quyết định xây dựng một nhà máy trị giá 1,1 tỷ USD ở bang Andhra Pradesh. Nguyên nhân là do tư tưởng phản đối Hàn Quốc tăng mạnh cùng với nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm, buộc Kia Motors cắt giảm đầu tư các dự án mới tại Trung Quốc. Việc Kia Motors cho xây nhà máy mới ở Ấn Độ còn được xem là chiến thắng kinh tế lớn của Hàn Quốc trước Trung Quốc.

Nối gót Kia Motors, chính quyền Hàn Quốc đã mời Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Arun Jaitley tới thăm Seoul hôm 15/6 và ký kết thỏa thuận xây dựng cơ sở hạ tầng trị giá 10 tỷ USD với Ấn Độ. Với bản thỏa thuận này, Hàn Quốc trở thành quốc gia đóng góp vốn ODA cho Ấn Độ cũng như giữ vị trí là một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất của New Delhi ngoài khối G7.  

Việc Ấn Độ sẵn lòng liên minh với Hàn Quốc để phản đối Triều Tiên đã thuyết phục Seoul tiến tới mở rộng quan hệ hợp tác quân sự với New Delhi. Điển hình, hôm 21/4, Ấn Độ đã ký kết văn bản ghi nhớ với Hàn Quốc liên quan tới hoạt động hợp tác đóng tàu phục vụ mục đích quân sự. Hàn Quốc cũng đồng ý sản xuất pháo tự hành K9 Varja cho quân đội Ấn Độ.

Trong bối cảnh Nga và Trung Quốc tăng cường mở rộng quan hệ ngoại giao với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in kể từ khi ông này lên nắm quyền hồi tháng Năm, thỏa thuận an ninh giữa Ấn Độ và Hàn Quốc đã giúp New Delhi có thể cạnh tranh với Bắc Kinh và Moscow trên chính trường ở châu Á – Thái Bình Dương. 

Quyết định cắt đứt quan hệ thương mại với Triều Tiên còn giúp Ấn Độ cải thiện quan hệ với Mỹ. Sau cuộc gặp của Thủ tướng Modi với Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 27/6, thông báo chính thức từ chính phủ hai nước đều khẳng định phản đối những hành động mang tính khiêu khích từ Triều Tiên. Hai bên còn đặt nền móng tiến tới hợp tác song phương nhằm kiềm chế chương trình tên lửa đạn đạo của Triều Tiên.

Việc Pakistan lâu nay chia sẻ công nghệ hạt nhân với Triều Tiên cũng đã khiến Ấn Độ lo lắng tầm bắn ICBM của Bình Nhưỡng có thể vươn tới cả thủ đô Islamabad của Pakistan. Trong khi đó, Mỹ đang đặc biệt quan ngại về mối quan hệ hợp tác giữa Triều Tiên và Iran. Cụ thể là tên lửa đạn đạo Shahab-3 của Iran mang hình dáng gần giống với tên lửa Nodong-1 của Triều Tiên.

Ngoài việc New Delhi và Washington có chung mối quan ngại về Triều Tiên, quyết định ủng hộ LHQ trừng phạt Bình Nhưỡng đã giúp Ấn Độ chứng minh quốc gia này sẽ là đối tác ngoại giao châu Á đáng tin của Mỹ hơn cả Trung Quốc. 

Trong bối cảnh, chính quyền của Tổng thống Trump đang xem việc kiềm chế Triều Tiên là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại trong những tháng gần đây, giới chức Ấn Độ hy vọng mối quan hệ hợp tác với Mỹ nhằm kiềm chế Bình Nhưỡng sẽ khiến Washington có thái độ phản đối mạnh mẽ hơn với Pakistan, quốc gia được xem là địch thủ của Ấn Độ.

Cuối cùng, nếu Ấn Độ có thể đóng góp vào sự thành công trong tiến trình kiềm chế các hành động mang tính khiêu khích từ phía Triều Tiên, vị thế ngoại giao của quốc gia này trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương sẽ tăng lên đáng kể cũng như tạo đà cho tham vọng lâu dài của New Delhi trở thành đối thủ cạnh tranh đáng gờm tạo ảnh hưởng trong khu vực với Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới