Friday, December 27, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiĐánh cá truyền thống và quyền lịch sử với tài nguyên ở...

Đánh cá truyền thống và quyền lịch sử với tài nguyên ở vùng đặc quyền kinh tế

Đánh bắt hải sản ở các vùng biển hợp pháp của các nước khác như khu vực Scarborough, vùng biển gần đảo Natuna Bắc… là những vi phạm cá nhân của các ngư dân đó.


LTS: Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài phân tích của ông về vùng đánh cá truyền thống và quyền lịch sử đối với tài nguyên trong vùng đặc quyền kinh tế.

Tòa soạn gửi tới quý bạn đọc bài viết này và trân trọng cảm ơn tác giả về những bài phân tích chuyên sâu từ khía cạnh luật pháp quốc tế, giúp dư luận có thêm góc nhìn, thông tin để đánh gia các diễn biến liên quan trong thực tế.

Nội dung và văn phong bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.

Gần đây, dư luận đang đồn thổi trên một số trang mạng, cho rằng Việt Nam đang có chủ trương khuyến khích ngư dân ra khơi đánh bắt hải sản trên các vùng “đánh cá truyền thống” ngoài Biển Đông.

Đó là khu vực bãi cạn Scaborough trong vùng đặc quyền kinh tế và trên thềm lục địa của Philippines và hiện đang do Trung Quốc kiểm soát, hay xa hơn nữa về phía Nam Biển Đông giáp với bờ biển Indonesia, Malaysia….

Để nhận diện những đồn thổi này, chúng tôi xin làm rõ khái niệm “đánh cá truyền thống” và giá trị pháp lý của nó theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.

Thuật ngữ này có lẽ được dùng để phản ánh một thực tiễn đánh bắt hải sản từ xa xưa của cộng đồng ngư dân tại một số ngư trường.

Đó là những nơi mà theo kinh nghiệm cho thấy chúng có khả năng giúp cho họ luôn luôn được thuận buồm xuôi gió, tránh được những thiên tai địch họa… trong mỗi chuyến ra khơi.

Cộng đồng ngư dân của nhiều quốc gia, nhất là các quốc gia chậm phát triển hay đang phát triển, đều rất quý trọng truyền thống này như là bảo bối để mưu sinh. 

Vì vậy, trong quá trình tiến hành Hội nghị Luật Biển của Liên Hợp Quốc lần thứ 3 (sau 5 năm trù bị từ 1967 đến 1972 và 9 năm thương lượng 1973-1982) nhiều đại biểu tham gia hội nghị đã đề xuất ý kiến cần duy trì và tôn trọng quyền “đánh cá truyền thống”.

Nói một cách khác là “quyền lịch sử đối với các nguồn tài nguyên” trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý. 

Nhưng cuối cùng, sau một thời gian thương lượng, cân nhắc lợi hại, Hội nghị Luật Biển lần thứ 3 của Liên Hợp Quốc đã bác bỏ đề xuất này, vì cho rằng đề xuất này sẽ làm cho tình trạng tranh chấp trên biển thêm phức tạp. 

Đây cũng là căn cứ vững chắc để Tòa Trọng tài ra phán quyết bác bỏ yêu sách đường “lưỡi bò” của Trung Quốc: 

“Toà Trọng tài nhận thấy có thẩm quyền để xem xét tranh chấp giữa các bên liên quan đến quyền lịch sử và nguồn của quyền hưởng các vùng biển tại Biển Đông.

Về mặt nội dung thực chất, Toà kết luận rằng Công ước quy định một cách toàn diện về các quyền đối với các vùng biển và việc bảo vệ các quyền tồn tại trước Công ước liên quan đến tài nguyên đã được xem xét nhưng chúng không được thông qua và quy định tại Công ước. 

Theo đó, Tòa kết luận rằng trong phạm vi quyền lịch sử của Trung Quốc đối với các nguồn tài nguyên trong các vùng biển ở Biển Đông, quyền này bị xóa bỏ do chúng không phù hợp với chế định vùng đặc quyền kinh tế trong Công ước. 

Toà cũng nhận thấy dù trong lịch sử, những người đi biển cũng như ngư dân từ Trung Quốc cũng như từ các nước khác đã sử dụng các đảo tại Biển Đông nhưng không có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy về mặt lịch sử Trung Quốc đã chỉ một mình thực hiện việc kiểm soát vùng nước này cũng như tài nguyên tại đây. 

Vì vậy, Toà kết luận không có cơ sở pháp lý để Trung Quốc yêu sách quyền lịch sử đối với tài nguyên tại các vùng biển phía bên trong “đường 9 đoạn”.”

Tuy nhiên, chúng tôi cũng xin lưu ý rằng: 

Mặc dù quyền “đánh cá truyền thống” không trở thành một chế định riêng, nhưng Công ước vẫn có tính đến quyền tham gia khai thác và bảo vệ nguồn tài nguyên sinh vật của các quốc gia khác, có biển hay không có biển, trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của quốc gia ven biển.

Những nội dung này nằm trong các quy định quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế của một quốc gia ven biển, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982.

Cụ thể là:

Thứ nhất, các quốc gia khác, có biển hay không có biển, có quyền tham gia khai thác và bảo vệ tài nguyên sinh vật theo Điều 62: Khai thác tài nguyên sinh vật.

“Quốc gia ven biển xác định khả năng của mình trong việc khai thác các tài nguyên sinh vật trong vùng đặc quyền về kinh tế. 

Nếu khả năng khai thác đó thấp hơn tổng khối lượng đánh bắt có thể chấp nhận thì quốc gia ven biển cho phép các quốc gia khác, qua điều ước hoặc các thỏa thuận khác và theo đúng các thể thức, điều kiện, các luật và quy định nói ở khoản 4, khai thác số dư của khối lượng cho phép đánh bắt; 

Khi làm như vậy, cần đặc biệt quan tâm đến các Điều 69 và 70 nhất là quan tâm đến các quốc gia đang phát triển nói trong các điều đó.” (khoản 2) 

Khi đồng ý cho các quốc gia khác vào hoạt động trong vùng đặc quyền về kinh tế của mình theo điều này, quốc gia ven biển tính đến tất cả các yếu tố thích đáng, trong đó có:

Tầm quan trọng của các tài nguyên sinh vật thuộc khu vực đối với nền kinh tế và đối với các lợi ích quốc gia khác của nước mình; 

Các Điều 69 và 70, các nhu cầu của các quốc gia đang phát triển trong khu vực hay phân khu vực về vấn đề khai thác một phần của số dư, và sự cần thiết phải giảm bớt đến mức tối thiểu những rối loạn kinh tế trong các quốc gia nào có những công dân thường đánh bắt hải sản ở trong khu vực hoặc đã đóng góp nhiều vào công tác tìm kiếm và thống kê các đàn (stocks) hải sản.” (khoản 3)…

Tuy nhiên, công dân của các quốc gia khác khi tiến hành đánh bắt trong vùng đặc quyền kinh tế phải tuân thủ các biện pháp bảo tồn và các thể thức, các điều kiện khác được đề ra trong các luật và quy định của quốc gia ven biển….

Thứ 2, quốc gia ven biển có quyền chủ quyền và và quyền tài phán trong việc khai thác, quản lý và bảo vệ nguồn lợi sinh vật trong vùng đặc quyền kinh tế của mình, nhưng phải tuân thử các thủ tục pháp lý rất chặt chẽ.

Cụ thể: Điều 73, Phần V: Vùng đặc quyền kinh tế, Công ước Liên hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 đã quy định:

Trong việc thực hiện các quyền thuộc chủ quyền về thăm dò, khai thác, bảo tồn và quản lý các tài nguyên sinh vật của vùng đặc quyền về kinh tế, quốc gia ven biển có thể thi hành mọi biện pháp cần thiết, kể cả việc khám xét, kiểm tra, bắt giữ và khởi tố tư pháp để bảo đảm việc tôn trọng các luật và quy định mà mình đã ban hành theo đúng Công ước.

2. Khi có một sự bảo lãnh hay một bảo đảm đầy đủ khác thì cần thả ngay chiếc tàu bị bắt và trả tự do ngay cho đoàn thủy thủ của chiếc tàu này.

3. Các chế tài do quốc gia ven biển trù định đối với những vụ vi phạm các luật và quy định về mặt đánh bắt trong vùng đặc quyền về kinh tế không được bao gồm hình phạt tống giam, trừ khi các quốc gia hữu quan có thỏa thuận khác, và không bao gồm một hình phạt thân thể nào khác.

4. Trong trường hợp bắt hay giữ một tàu thuyền nước ngoài, quốc gia ven biển thông báo ngay cho quốc gia mà tàu mang cờ biết, bằng các con đường thích hợp, các biện pháp được áp dụng cũng như các chế tài có thể sẽ được tuyên bố sau đó.

Ứng dụng các điều khoản nêu trên vào thực tế

Từ những quy định nói trên, chung tối thấy rằng:

Thứ nhất: Việc một số ngư dân vượt biển đi đánh bắt hải sản ở các vùng biển hợp pháp của các nước khác như khu vực Scarborough, vùng biển gần đảo Natuna Bắc… là những vi phạm cá nhân của các ngư dân đó.

Nguyên nhân có thể do vô tình, do thiếu kiến thức pháp lý hay cũng có thể vì động cơ kinh tế, chứ không phải là chủ trương của Nhà nước Việt Nam như nhiều người nhầm tưởng hay suy đoán chủ quan.

Trước đây, có thể có “vùng đánh cá truyền thống” mà ngư dân Việt Nam đã từng thường xuyên  khai thác ở đó. 

Nhưng hiện nay các khu vực đó được xác định là vùng đặc quyền kinh tế , thềm lục địa của các nước láng giềng theo đúng quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.

Do đó nếu các ngư dân này muốn tiếp tục vào khai thác hải sản ở “vùng đánh cá truyền thống” đó thì nhất thiết phải được các nước chủ nhà đồng ý cấp phép và phải tuân thủ luật lệ của họ. 

Thứ hai: Vấn đề tồn tại hiện nay là xác định chính xác đâu là vùng đặc quyền kinh tế của các nước liên quan. 

Trong thực tế, còn tồn tại những vùng chồng lấn mà các bên liên quan phải tiến hành đàm phân định.

Chẳng hạn vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn giữa Việt Nam và Indonesia, tức là vùng biển nằm phía ngoài lãnh hải 12 hải lý của mỗi nước được tính từ đường cơ sở dùng để tính lãnh hải đã được chính thức công bố.

Về nguyên tắc, trong khi đang đàm phán phân định, các bên liên quan không được đơn phương tiến hành mọi hoạt động kinh tế, quản lý hành chính, thực thi quyền tài phán, bảo vệ an ninh, quốc phòng …

Thứ ba: Trong khi thực thi quyền tài phán quốc gia ở vùng đặc quyền kinh tế hợp pháp của mình, quốc gia ven biển không được phép áp dụng các biện pháp bất chấp các thủ tục pháp lý đã được Công ước quy định ở Điều 73. 

Mọi hành vi dùng vũ lực, sử dụng hình phạt tống giam, phá hoại tài sản, bắn cháy, phá hủy tàu thuyền của ngư dân…là hoàn toàn vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982.

Đồng thời, chúng không phải là cách ứng xử văn minh, nhân đạo. Chúng ta có quyền sử dụng các cơ quan tài phán quốc tế về Luật Biển để phán xét các tội danh này.

Cuối cùng, chúng tôi cũng xin lưu ý rằng, Việt Nam cũng có đề cập đến cụm từ “vùng đành cá truyền thống” của ngư dân Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa.

Tuy nhiên ý nghĩa của cụm từ này chính là sự khẳng định Việt Nam có chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa mà ngư dân Việt Nam trong lịch sử đã thường xuyên ra quần đảo Hoàng Sa với tư cách là chủ nhân thật sự. 

Hiện nay, cho dù Trung Quốc đã dùng vũ lực cưỡng chiếm hoàn toàn quần đảo này từ năm 1974, ngư dân Việt Nam vẫn kiên cường bám biển, vẫn giăng buồm vượt mọi hiểm nguy do “thiên tai địch họa” gây ra để ra đánh bắt hải sản ở “vùng đánh cá truyền thống” Hoàng Sa của Việt Nam.

Những ngư dân đó đang phát huy truyền thống yêu nước của những “hùng binh Hoàng Sa” năm xưa để tiếp tục khai thác, quản lý, bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của Việt Nam trong Biển Đông

RELATED ARTICLES

Tin mới