Wednesday, November 27, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiCác nguyên tắc pháp lý trên Biển Đông và sai sót cần...

Các nguyên tắc pháp lý trên Biển Đông và sai sót cần khắc phục

Nguyên tắc và qui phạm pháp luật xác lập chủ quyền lãnh thổ đã được hình thành trên cơ sở thực tiễn quốc tế, trong đó có các phương thức thụ đắc lãnh thổ.

LTS: Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam xin giới thiệu đến quý bạn đọc bài viết thứ 2 của Tiến sĩ Trần Công Trục về vấn đề tuyên truyền sao cho hiệu quả về các quyền, lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông, sau bài “Đưa tin về biển đảo phải kịp thời, phù hợp và đúng sự thật”.

1. Nguyên tắc pháp lý để giải quyết các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ và phân định ranh giới các vùng biển và thềm lục địa chồng lấn

Đây là nội dung có nhiều tranh cãi và vẫn luôn là đề tài nóng trong các cuộc hội nghị, hội thảo:

– Vai trò của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 trong việc giải quyết các loại tranh chấp trên biển?

– Nội dung của nguyên tắc thụ đắc lãnh thổ đang có hiệu lực trong luật pháp quốc tế?

Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 không phải là cơ sở pháp lý duy nhất để xử lý, giải quyết tất cả mọi tranh chấp.

Nguyên tắc pháp lý giải quyết tranh chấp ứng dụng, giải thích Công ước

Tại phần XV, từ Điều 279 đến Điều 299, của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 và các Phụ lục có liên quan, đã quy định các nội dung cơ bản như:

– Nguyên tắc giải quyết tranh chấp;

– Trình tự thủ tục giải quyết tranh chấp;

– Cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp;

– Trình tự thủ tục hòa giải (Phụ lục V);

– Tổ chức, thẩm quyền và thủ tục tố tụng của Tòa án Quốc tế về Luật Biển (Phụ lục VI);

– Thẩm quyền, thủ tục giải quyết tranh chấp bằng Tòa Trọng tài (Phụ lục VII);

– Giải quyết tranh chấp bằng Tòa án Trọng tài đặc biệt (Phụ lục VIII)…

Các quy định nói trên của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 là một bước tiến quan trọng của Luật quốc tế nói chung và Luật Biển nói riêng.

Đó là thành quả đấu tranh của mọi quốc gia, nhất là các quốc gia chậm phát triển và đang phát triển, các quốc gia không có biển và bất lợi về mặt địa lý…

Nó phản ánh đúng xu thế của thời đại hiện đại và văn minh, trong đó mọi mối quan hệ phải được xử lý bằng pháp luật.

Nguyên tắc nền tảng được dùng làm cơ sở cho việc giải quyết tranh chấp theo quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 là: 

Các quốc gia thành viên giải quyết mọi tranh chấp trong việc giải thích hay áp dụng Công ước bằng các biện pháp hòa bình theo đúng Điều 2, Khoản 3 và Điều 33, Khoản 1 của Hiến chương Liên Hợp Quốc.

Tại Phụ lục V của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, đã trù định việc thành lập một Uỷ ban hoà giải có chức năng:

“Nghe ý kiến của các bên, xem xét các yêu sách và các ý kiến phản bác của họ và đưa ra có khuyến nghị cho các bên liên quan với mong muốn đạt được một sự hoà giải” ( Điều 6, Phụ lục V).

Các bên tranh chấp có thể tuyên bố bằng văn bản chấp nhận quyền tài phán của một trong các cơ quan tài phán sau: 

Tòa án Quốc tế về Luật Biển, Toà án Quốc tế, Tòa Trọng tài hoặc Tòa Trọng tài đặc biệt (được thành lập theo Phụ lục VIII dành cho các loại tranh chấp đã được định rõ trong Phụ lục này).

Theo quy định tại Điều 296, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, thì các phán quyết của Tòa có thẩm quyền là có tính chất tối hậu (chung thẩm), các bên tranh chấp liên quan phải tuân thủ. 

Các quy định về giải quyết tranh chấp của Công ước yêu cầu các thành viên của Công ước phải chấp hành, không được bảo lưu. 

Tuy nhiên các quốc gia thành viên có quyền lựa chọn cách thức riêng để giải quyết tranh chấp, có quyền lựa chọn phành phần của Toà án…

Cần lưu ý rằng, các quy định nói trên chỉ áp dụng cho những tranh chấp có liên quan đến việc giải thích và áp dụng Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982. 

Các loại tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ, về phân định biên giới, ranh giới biển, thềm lục địa, phân chia lợi ích kinh tế, tài nguyên biển muốn được các cơ quan tài phán quốc tế xét xử thì đều phái có thoả thuận bằng văn bản của các bên liên quan.

Đại diện của Philippines trình bày lập luận và trả lời chất vấn của Tòa Trọng tài trong vụ kiện Trung Quốc áp dụng sai, giải thích sai Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, ảnh: Inquirer.

Vụ Philippines kiện Trung Quốc áp dụng và giải thích sai Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 ở Biển Đông hầu như đều nhận được sự ủng hộ và đánh giá cao của nhiều nước lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản, Ấn Độ…, các học giả và luật gia quốc tế. 

Theo đánh giá của dư luận thì đó là việc làm văn minh, đúng luật, hoàn toàn không có nghĩa là làm phức tạp vấn đề hay quốc tế hóa vấn đề. 

Ngược lại chính việc thông qua cơ quan tài phán có thẩm quyền sẽ giúp cho vấn đề được giải quyết một cách sòng phẳng và đơn giản hơn nhiều.

Như đã đề cập ở trên, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 không phải là cơ sở pháp lý để giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. 

Tuy nhiên, chủ quyền đối với hai quần đảo này như thế nào thì không thể không đề cập. Bởi vì điều này có liên quan rất mật thiết đến tình hình Biển Đông.

Nguyên tắc pháp lý giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ

Vì vậy, chúng ta hãy tìm hiểu về những nguyên tắc pháp lý có liên quan đến quyền thụ đắc lãnh thổ trong Luật pháp và Thực tiễn quốc tế để trả lời được câu hỏi quốc gia nào có chủ quyền đối với 2 quần đảo này?

Trong lịch sử phát triển lâu dài của pháp luật quốc tế, những nguyên tắc và qui phạm pháp luật xác lập chủ quyền lãnh thổ đã được hình thành trên cơ sở thực tiễn quốc tế, trong đó có các phương thức thụ đắc lãnh thổ.

Từ thế kỷ XVI, do sự phát triển và lớn mạnh của các nước như Hà Lan, Anh, Pháp, ..trở thành những cường quốc cạnh tranh với các nước Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.

Sắc lệnh của Giáo hoàng Alexandre VI ký ngày 4 tháng 5 năm 1493 đã phân chia khu vực ảnh hưởng cho 2 nước Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha ở các phạm vi lãnh thổ mới phát hiện ngoài châu Âu.

Trước thực trạng đó, các cường quốc hàng hải đã tìm ra nguyên tắc pháp lý áp dụng cho việc thụ đắc lãnh thổ đối với những vùng lãnh thổ mà họ mới phát hiện.

Đó là nguyên tắc “quyền ưu tiên chiếm hữu”, hay còn được gọi là nguyên tắc “quyền phát hiện”. 

Nguyên tắc này dành quyền ưu tiên chiếm hữu một vùng lãnh thổ cho một quốc gia nào đã phát hiện vùng lãnh thổ đó đầu tiên.

Tuy nhiên, trên thực tế nguyên tắc quyền phát hiện chưa bao giờ tự nó đem lại chủ quyền quốc gia cho quốc gia đã phát hiện ra vùng lãnh thổ mới đó.

Bởi vì, người ta không thể xác định được thế nào là phát hiện, giá trị pháp lý của việc phát hiện, ai là người phát hiện trước, lấy gì để ghi dấu hành vi phát hiện đó… 

Vì thế, việc phát hiện đã nhanh chóng được bổ sung bằng việc chiếm hữu trên danh nghĩa, nghĩa là quốc gia phát hiện ra một vùng lãnh thổ phải để lại dấu tích trên vùng lãnh thổ mới phát hiện ra đó. 

Mặc dù vậy, nguyên tắc chiếm hữu danh nghĩa không thể giải quyết được một cách cơ bản những tranh chấp phức tạp giữa các cường quốc đối với các vùng “đất hứa”, đặc biệt là những vùng lãnh thổ thuộc châu Phi và các hải đảo nằm cách xa đất liền hàng ngàn, hàng vạn hải lý…

Không những thế, nó còn ngày càng dẫn đến những đối đầu quyết liệt hơn giữa các cường quốc, vì người ta không thể lý giải được cụ thể cái “danh nghĩa” đã được lập ra bao giờ và tồn tại như thế nào …

Vì vậy, sau Hội nghị về châu Phi năm 1885 của 13 nước châu Âu và Hoa Kỳ và sau khóa họp của Viện Pháp luật quốc tế ở Lausanne (Thụy Sỹ) năm 1888, người ta đã thống nhất áp dụng một nguyên tắc thủ đắc mới.

Đó là nguyên tắc  “chiếm hữu thật sự”.

Các châu bản triều Nguyễn khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, ảnh: Báo Nhân dân.

Điều 3, Điều 34 và Điều 35 của Định ước Berlin ký ngày 26 tháng 6 năm 1885 đã xác định nội dung của nguyên tắc chiếm hữu thật sự và các điều kiện chủ yếu để có việc chiếm hữu thật sự như sau:

“Phải có thông báo về việc chiếm hữu cho các quốc gia ký Định ước nói trên”.

“Phải duy trì trên vùng lãnh thổ mà nước đã thực hiện hành vi chiếm hữu trên vùng lãnh thổ ấy một quyền lực đủ để khiến cho các quyền của nước chiếm hữu được tôn trọng…”

Tuyên bố của Viện pháp luật quốc tế Lausanne năm 1888 đã nhấn mạnh:

“…mọi sự chiếm hữu muốn tạo nên danh nghĩa chủ quyền… thì phải là thật sự, tức là thực tế, không phải là danh nghĩa”. 

Chính Tuyên bố này đã khiến cho nguyên tắc chiếm hữu thực sự của Định ước Berlin có giá trị phổ biến trong luật pháp quốc tế để xem xét giải quyết các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ giữa các quốc gia trên thế giới.

Nội dung chủ yếu của nguyên tắc chiếm hữu thật sự trong luật pháp quốc tế bao gồm:

+ Việc xác lập chủ quyền lãnh thổ phải do Nhà nước tiến hành.

+ Sự chiếm hữu phải được tiến hành một cách hòa bình trên một vùng lãnh thổ vô chủ (Res Nullius) hoặc là trên một vùng lãnh thổ đã bị từ bỏ bởi một quốc gia đã làm chủ nó trước đó (derelicto). Việc sử dụng vũ lực để xâm chiếm là hành động phi pháp.

+ Quốc gia chiếm hữu phải thực thi chủ quyền của mình ở những mức độ cần thiết, tối thiểu thích hợp với các điều kiện tự nhiên và dân cư trên vùng lãnh thổ đó.

+ Việc thực thi chủ quyền phải liên tục, hòa bình.

Do tính hợp lý và chặt chẽ của nguyên tắc này, nên mặc dù Công ước Saint Germain ngày 10 tháng 9 năm 1919 tuyên bố hủy bỏ Định ước Berlin 1885 vì ly do thế giới không còn lãnh thổ vô chủ nữa, các luật gia và các Cơ quan tài phán quốc tế vẫn vận dụng nguyên tắc này để giải quyết các tranh chấp chủ quyền trên các hải đảo. 

Chẳng hạn Tòa án Trọng tài thường trực quốc tế La Haye tháng 4 năm 1928 đã vận dụng nguyên tắc này để xử vụ tranh chấp đảo Palmas giữa Mỹ và Hà Lan.

Tòa án Công lý quốc tế của Liên Hợp Quốc tháng 11 năm 1953 ra phán quyết đối với vụ tranh chấp chủ quyền giữa Anh và Pháp về các đảo Minquiers và Ecrehous…..

Gần đây hơn, Tòa án Công lý quốc tế đã quyết định cho Malaysia thắng  trong vụ kiện với Indonexia vào tháng 12/2002 về chủ quyền đối với Pulau Ligitan và Pulau Sipadan, vì Tòa nhận thấy rằng Malaysia đã thực hiện một cách thường xuyên một loạt các hoạt động của nhà nước.

Căn cứ vào nguyên tắc pháp lý nói trên, đối chiếu với quá trình xác lập và thực thi chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa do các bên tranh chấp nêu ra, chúng ta chắc chắn sẽ có được những nhận xét khách quan và khoa học về quyền thụ đắc lãnh thổ đối với hai quần đảo này.

Trung Quốc đã và đang tìm mọi cách, viện dẫn nhiều sách, tài liệu địa lý, lịch sử để chứng minh và bảo vệ cho quan điểm pháp lý về quá trình xác lập và thực thi cái gọi là “chủ quyền lịch sử” của Trung Quốc đối với “ Tây Sa” và “Nam Sa”, tức 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam.

Những nội dung lịch sử, địa lý… mà phía Trung Quốc thường xuyên tuyên truyền trên mọi phương tiện, mọi lúc, mọi nơi thực hư như thế nào? giá trị của chúng đến đâu? 

Qua nghiên cứu chúng tôi thấy rằng, đúng là các đảo này đã được ghi nhận và mô tả trong đó, nhưng chúng chỉ dừng lại ở việc ghi chép những hiểu biết của người Trung Quốc đương thời về địa lý, lịch sử, phong tục… các nước thuộc khu vực Đông Nam Á, Nam Á và đường hàng hải từ Trung Quốc ra nước ngoài.

Không có bất kỳ sự ghi chép nào về việc Nhà nước Trung Quốc đã chiếm hữu và thực thi chủ quyền và việc nhân dân Trung Quốc “đến hai quần đảo này thực hiện các hoạt động hàng hải, sản xuất”. 

Các tác phẩm đó chỉ được xem như các tài liệu chứng minh sự hiểu biết chung các địa điểm chứ không có ý nghĩa đáng kể về mặt pháp lý…

Qua việc xem xét kỹ các tư liệu do người Trung Quốc đưa ra, bà Monique Chemillier Gendreau, giáo sư công pháp và khoa học chính trị ở Trường Đại học Paris VII Denis Diderot, nguyên Chủ tịch Hội luật gia dân chủ Pháp, nguyên Chủ tịch Hội luật gia châu Âu kết luận: 

“Người Trung Quốc cách đây khá lâu đã biết ở Biển Đông có nhiều đảo mọc rải rác nhưng chúng không đủ làm cơ sở pháp lý để bảo vệ cho lập luận rằng, Trung Quốc là nước đầu tiên phát hiện, khai phá, khai thác và quản lý hai quần đảo này”.

Nhận xét về “chủ quyền lịch sử” của học giả người Trung Quốc thì như thế nào? Xin nhường lời cho giáo sư Lý Lệnh Hoa ở Trung tâm Thông tin hải dương Trung Quốc, có bút danh là “Bao Phác Tiên Nhân”: 

“Nói đến quyền lợi Nam Hải (tên Trung Quốc gọi Biển Đông), chúng ta thường thích nói một câu là: từ xưa đến nay thế này thế nọ, có lúc hứng lên còn thêm vào 2 chữ “thiêng liêng”.

Đó chính là cái gọi là chứng cứ lịch sử…, nhưng chứng cứ đó có ý nghĩa ngày càng nhỏ trong luật quốc tế hiện đại…, chứng cứ thật sự có sức thuyết phục chính là sự kiểm soát thực sự. 

Anh nói chỗ đó của anh, vậy anh đã từng quản lý nó chưa? Người ở đó có phục tùng sự quản lý của anh không? Có phải người khác không có ý kiến gì không?

Nếu đáp án của những câu hỏi này đều là “có” thì anh thắng là điều chắc. Ở Nam Sa (tên Trung Quốc gọi quần đảo Trường Sa), chúng ta không có được điều đó.”

Giá trị của những tư liệu lịch sử, bản đồ lịch sử, địa lý đên đâu? Điều này cần được xem xét đánh giá một cách nghiêm túc, khách quan, khoa học. 

Không thể quan niệm đơn giản rằng: “Lịch sử là pháp lý, Pháp lý là lịch sử” như một số “chuyên gia, học giả” đã phát biểu trong một số diễn đàn khoa học. 

Vì vậy, khi chứng minh, bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa trên mặt trận pháp lý có lẽ không nên nêu hết tất cả sự kiện được sử sách mô tả, hay đưa ra mọi loại bản đồ lịch sử, địa lý…

Điều quan trọng là phải có các bằng chứng lịch sử có giá trị pháp lý, như những văn bằng, chiếu chỉ, các sắc lệnh, quyết định về hành chính, tổ chức lực lượng, tổ chức đơn vị hành chính…

Các châu bản của triều đình có bút phê của vua, chúa, quan lại…

Đấy mời thực sự là những chứng cứ lịch sử có giá trị pháp lý.

Việt Nam đã lưu giữ được nhiều chứng cứ có giá trị đó. Tuy nhiên, vẫn còn chưa thật đầy đủ, hoàn chỉnh, chưa được nghiên cứu đánh giá…

Vì vậy, Việt Nam cần phải tiếp tục sưu tập và hoàn chỉnh để có được một bộ hồ sơ pháp lý. Đó mới là nhiệm vụ trọng tâm của những chuyên gia pháp lý, ngoại giao, cũng như mọi tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước.

Theo chúng tôi, cần lưu ý khi khẳng định lập trường của Việt Nam liên quan đến quyền thụ đắc lãnh thổ đối với 2 quần đảo Hoàng sa và Trường Sa, chúng ta không nên nói:

“Việt Nam có chủ quyền lịch sử”, hay “Việt Nam có danh nghĩa lịch sử”, “đã phát hiện, khai phá…”, hoặc cách nói “Việt Nam có đầy đủ căn cứ lịch sử” để chứng minh chủ quyền của mình đối với Hoàng Sa, Trường Sa….

Quan điểm pháp lý của Việt Nam là: 

Nhà nước Việt Nam là nhà nước đầu tiên trong lịch sử đã chiếm hữu và thực thi chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, khi chúng còn là đất vô chủ, ít nhất là từ thế kỷ XVII. 

Việc chiếm hữu và thực thi chủ quyền này là thật sự, liên tục, hòa bình và rõ ràng. 

Việt Nam hoàn toàn có cơ sở pháp lý và chứng cứ lịch sử có giá trị pháp lý để khẳng định và bảo vệ chủ quyền hợp pháp của mình, đáp ứng đủ những điều kiện của nguyên tắc chiếm hữu thật sự mà Luật pháp và thực tiễn quốc tế đã và đang có hiệu lực.

2. Một số sai sót, nhầm lẫn cần được xem xét khắc phục kịp thời:

2.1. Về sử dụng tên gọi

Trong nhiều tài liệu, ấn phẩm của Việt Nam đâu đó vẫn còn sử dụng tên gọi các đảo và các thực thể của quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa theo tên do Trung Quốc đặt, chẳng hạn:

Quần đảo Tây Sa, quần đảo Nam Sa, nhóm đảo Vĩnh Lạc, nhóm đảo Tuyên Đức, đảo Thái Bình, đảo Vĩnh Hưng, Trịnh Hòa, Thảm Hàng, Trung Nghiệp, Trung Kiến,… 

Nên nhớ rằng, những tên do Trung Quốc gọi đều có ý đồ gắn với những sự kiện mà họ khẳng định rằng nhà nước Trung Quốc đã thực thi chủ quyền của họ đối với Trường Sa, Hoàng Sa trong lịch sử. 

Nếu không thận trọng khi sử dụng các tên gọi của 2 quần đảo này sẽ có thể dẫn đến những hậu quả pháp lý rất bất lợi cho chúng ta.

Hiện nay, các Cơ quan quản lý có liên quan đang hoàn tất thủ tục ra Quyết định chính thức hóa các tên gọi của Việt Nam đối với tất cả các hải đảo trong Biển Đông. 

Trước mắt, chúng ta vẫn tiếp tục dùng các tên gọi đã được xuất bản công khai trong thời gian qua bởi các cơ quan, tổ chức của Việt Nam, như Bộ Tư lệnh Hải quân nhân dân Việt Nam, Bộ Tài nguyên Môi trường…. 

2.2. Về giải pháp tạm thời “khai thác chung”

Việt Nam không phản đối giải pháp nay theo quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, nghĩa là đối với các “vùng chồng lấn” được hình thành theo quy định của Công ước.

Trước khi các bên đi đến thống nhất đường phân chia cuối cùng thì có tính đến việc áp dụng giải pháp tạm thời có tính thực tế này, không nói một cách chung chung theo cách nói của Trung Quốc.

Cần cảnh giác với thủ thuật mà Trung Quốc cố tình “giăng bẫy” trong đàm phán ngoại giao: “gác tranh chấp, cùng khai thác” trong toàn bộ Biển Đông mà họ muốn hợp thức hóa yêu sách “đường lưỡi bò”.

Thực tiễn, Việt Nam đã từng hoan nghênh và chủ động đưa ra giải pháp tạm thời đó, như thỏa thuận hợp tác khai thác chung khu vực 2800 km2 giữa Việt Nam và Malaysia, giữa Việt Nam – Thái Lan và Malaysia.

Hay như trong đàm phán giữa ta với Indonesia đang tiến hành và Việt Nam đã chủ động đề xuất hợp tác khai thác chung trên các vùng chồng lấn. 

Trong vịnh Bắc Bộ, mặc dù đã phân giới rõ ràng, Việt Nam vẫn sẵn sàng ký hiệp định đánh cá chung với Trung Quốc, tạo điều kiện cho đôi bên giải quyết công ăn việc làm, đời sống cho dân cư đôi bên từ trước đến nay vẫn tồn tại.

Gần đây, Việt Nam cũng đã ký thỏa thuận khai thác chung với Trung Quốc mỏ dầu vắt ngang qua đường biên giới trên vịnh Bắc Bộ, đó là những thực tiễn có ý nghĩa.

Tuy nhiên, Việt Nam không thể chấp nhận quan điểm gác tranh chấp cùng hợp tác dựa trên yêu sách đường biên giới biển chiếm trên 90% diện tích Biển Đông.

Bởi lẽ điều này chẳng dựa trên cơ sở pháp lý nào, mà còn hoàn toàn trái ngược với tinh thần của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, để tạo ra “vùng chồng lấn”, nhằm tìm mọi cách thực hiện chủ trương “gác tranh chấp cùng khai thác” trong vùng biển và thềm lục địa hợp pháp của các quốc gia ven Biển Đông.

2.3. Về hình thức đàm phán hòa bình

Thực chất chúng ta chủ trương tiến hành đàm phán song phương để giải quyết các vấn đề chỉ liên quan đến 2 nước và đàm phán đa phương các vấn đề liên quan đến nhiều bên.

Nghĩa là đàm phán giữa các bên liên quan chứ không phải đàm phán với các bên liên quan.

2.4. Vấn đề kiện Trung Quốc ra các Cơ quan tài phán quốc tế 

Đây là một trong những phương thức giải quyết hòa bình các tranh chấp trong quan hệ quốc tế. 

Về nguyên tắc Việt Nam cũng sẽ vận dụng giải pháp nay như đã từng đề cập đên trong các nội dung tuyên bố chính thức của mình. 

Tuy nhiên, đúng như một số chuyên gia cho rằng vấn đề không dễ dàng như nhiều người tưởng.

Bởi vì không phải bất kỳ vụ việc nào cũng có thể đơn phương đệ đơn kiện và đều thuộc thẩm quyền của các Cơ quan tài phấn quốc tế. 

Chúng ta không thể kiện Trung Quốc ra trước Tòa án Quốc tế về Luật Biển về tranh chấp chủ quyền lãnh thổ hay tranh chấp trong việc phân định vùng biển chồng lấn được.

Tòa này đòi hỏi hai bên phải thỏa thuận bằng văn bản, cùng đưa vụ việc ra Tòa và cam kết thi hành án thì Tòa mới xét xử. Trung Quốc không bao giờ cam kết như vậy. 

Vì thế Philippines phải đưa ra trước Tòa Trọng tài theo Phụ lục VII, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển, về việc Trung Quốc giải thích sai, áp dụng sai Công ước. 

Như vậy, Tòa Trọng tài mới có thẩm quyền thụ lý hồ sơ và tiến hành xét xử.

Tuy nhiên, vấn đề thi hành án sẽ gặp khó khăn, vì khi Trung Quốc không chịu thi hành, bên thắng kiện phải nhờ Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc can thiệp. Nhưng tại đây Trung Quốc có quyền phủ quyết. 

Điều 39 của Hiến chương Liên Hiệp Quốc đã quy định: 

“Hội đồng Bảo an xác định sự tồn tại mọi sự đe doạ hòa bình, phá hoại hòa bình hoặc hành vi xâm lược và đưa ra những kiến nghị hoặc quyết định các biện pháp nào nên áp dụng phù hợp với các Điều 41 và 42 để duy trì hoặc khôi phục hòa bình và an ninh quốc tế.”

Nhưng Điều 27 lại dành quyền phủ quyết cho 5 thành viên thường trực là Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc. 

Từ năm 1945, năm thành lập Liên Hợp Quốc, đến năm 2012 đã có tất cả 269 lần phủ quyết, trong đó Nga 128 lần, Hoa Kỳ 89, Anh 32, Pháp 18 và Trung Quốc 9…Đó là một thực tế cần được tính toán kỹ trước khi khởi kiện

RELATED ARTICLES

Tin mới