Friday, October 18, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiNguồn cá Biển Đông và lòng tham Trung Quốc

Nguồn cá Biển Đông và lòng tham Trung Quốc

nguon ca va long tham TQBienDong.Net: Ai cũng biết Biển Đông có vị trí quan trọng chiến lược không chỉ vì đây là một trong những con đường vận chuyển hàng hải chủ chốt của thế giới, là nguồn dự trữ khoáng sản dồi dào, đặc biệt là về năng lượng, mà còn vì đây là một vựa cá khổng lồ – nguồn sống của hàng triệu người trong khu vực.

nguon ca va long tham TQ

Một đội tàu đánh cá Trung Quốc. Ảnh: TL

Trong tham vọng độc chiếm Biển Đông, bên cạnh mưu đồ địa chính trị và sự thèm khát tài nguyên khoáng sản, Trung Quốc tranh giành nguồn hải sản tại khu vực này bằng nhiều thủ đoạn kể cả vũ lực, tìm cách đẩy ngư dân các nước láng giềng ra khỏi ngư trường truyền thống của họ.

Nhà nghiên cứu về an ninh biển người Philippines, Lucio Blanco Pitlo III trong bài viết được đăng lại trên Asia Times, cho rằng chính cá là nguồn gốc của sự nguy hiểm rủi ro thực sự ở Biển Đông, bởi lẽ trong khi giá trị của các nguồn tài nguyên khác ở khu vực này còn phải tranh cãi thì giá trị tiềm năng của hoạt động đánh bắt và nuôi trồng hải sản tại Biển Đông là điều không ai phải bàn cãi.

Theo tác giả, hiện tại Biển Đông chiếm 1/10 sản lượng cá đánh bắt trên toàn thế giới, và là địa bàn hoạt động của ngành công nghiệp đánh cá trị giá nhiều tỉ USD. Trong khi đó, theo số liệu của Koichi Sato, một chuyên gia Nhật Bản về Châu Á, Biển Đông mang lại cho các nước trong vùng hơn 11 triệu tấn hải sản trong năm 2001, trong đó, Trung Quốc khai thác được 3,4 triệu tấn, Indonesia 2,9 triệu, Thái Lan 1,9 triệu, Việt Nam 1,5 triệu tấn …

Có thể nói trước đây hoạt động đánh bắt cá trên phần lớn Biển Đông không phải là vấn đề trong mối quan tâm địa – chính trị. Tuy nhiên, tình hình này đã thay đổi trong những năm gần đây trong bối cảnh gia tăng các cuộc tranh chấp chủ quyền biển.

Trong cuộc điều trần mới đây, ông Daniel Slane, thành viên tiểu ban đánh giá quan hệ kinh tế và an ninh Mỹ – Trung (US – China Economic and Security Review Commission) của Hạ viện Hoa Kỳ nhận định: « Trung Quốc đặc biệt sử dụng các nguồn lực của năm cơ quan an ninh biển của mình để củng cố các đòi hỏi (về chủ quyền) tại những vùng biển có tranh chấp, qua việc hộ tống các tàu cá Trung Quốc và tăng cường các lệnh cấm đánh bắt cá theo mùa đối với các tàu nước ngoài… Các đội tàu dân sự này cho phép Bắc Kinh duy trì sự hiện diện trên biển tại những nơi có tranh chấp chủ quyền mà không cần phải có sự hiện diện đáng kể hoặc công khai của hải quân ».

Thực tế, các tàu chấp pháp trong nhiều trường hợp đã công khai đứng sau hỗ trợ các tàu Trung Quốc, điển hình như vụ tàu hải giám Trung Quốc xông ra ngăn cản việc bắt giữ các ngư dân Trung Quốc đánh bắt cá trái phép tại bãi ngầm Scarbourough hồi tháng 4/2012 trong vụ đụng độ ầm ĩ giữa Trung quốc và Philippines.

Việc Trung Quốc tăng cường xây dựng, mở rộng các bãi ngầm trên Biển Đông cũng được coi là nhằm mục tiêu mở rộng ngư trường đánh bắt cá xuống phía Nam, cách xa bờ biển Trung Quốc.

nguon ca va long tham TQ 2

Các loại cá và cầu gai biển mang bán được nuôi trồng tại bãi đá Mischief mà Việt Nam gọi là Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa trên Biển Đông.

Đài VOA mới đây đưa lại tin báo chí Trung quốc nói rằng gần 4 tấn hải sản được nuôi trồng tại bãi Mischief mà Việt Nam gọi là Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa trên Biển Đông đã bán hết sạch trong vòng hai giờ đồng hồ tại thành phố Phúc Châu, thủ phủ tỉnh Phúc Kiến của Trung Quốc.

Trong hành động tuyên truyền hết sức lộ liễu nhằm kích động tinh thần dân tộc chủ nghĩa, một quan chức Trung quốc gọi đây là “cá yêu nước”, đánh bắt tại bãi ngầm mà Trung Quốc chiếm đoạt được từ năm 1994 trên Biển Đông.

Cũng theo quan chức này, việc nuôi trồng thủy sản tại bãi đá ngầm này bắt đầu từ năm 2007, với sự tham gia của hơn 10 ngư dân, cũng giống như việc “bảo vệ chủ quyền quốc gia”.

Trong một diễn biến khác, hôm 23/2, Trung Quốc thông báo đã hoàn tất việc đánh giá nguồn thủy sản tại một số nơi ở Biển Đông.

Các nhà quan sát cho rằng dự báo về tiềm năng hải sản này có thể kích thích tham vọng của Trung Quốc đối với nguồn hải sản khu vực.

Tân Hoa Xã dẫn lời một lãnh đạo Viện nghiên cứu hải sản biển Nam Trung Hoa (tức Biển Đông) của Trung Quốc cho biết, tại vùng biển thuộc quần đảo Spartly Islands, mà Trung Quốc gọi là Nam Sa (tức quần đảo Trường Sa), tổng tiềm năng hải sản là « 1,8 triệu tấn, trong đó khoảng một nửa là có thể khai thác được ».

Kết quả cuộc điều tra này cũng cho biết tại Trường Sa có hơn 20 loài hải sản thuộc loại hiếm và có giá trị kinh tế cao.

Trữ lượng hải sản ở vùng nước sát mặt biển tại khu vực xung quanh quần đảo Paracel Islands, mà Trung Quốc gọi là Tây Sa (tức quần đảo Hoàng Sa) và quần đảo Trung Sa lần lượt là 73 triệu và 172 triệu tấn.

Điều tra nói trên được tiến hành từ năm 2013, với tám cuộc thăm dò do một tàu thám sát hải dương chuyên dụng của Trung Quốc thực hiện.

Theo nhiều nhà quan sát, việc Trung Quốc đơn phương áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm tại một khu vực rộng lớn ở vùng giữa và vùng phía nam Biển Đông, lấn sâu vào vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của các quốc gia láng giềng, là nguồn gốc của căng thẳng thường trực tại khu vực. Báo chí Việt Nam thường xuyên đưa tin tàu thuyền của ngư dân bị Trung Quốc tấn công, bắt bớ, tước đoạt hải sản và phương tiện, hay phá hỏng, trong khi họ hoạt động tại các ngư trường truyền thống trên Biển Đông.

Theo các số liệu chính thức, Trung Quốc, một trong những nước tiêu thụ hải sản nhiều nhất thế giới, có thể đạt sản lượng 60 triệu tấn hải sản vào năm 2015, so với mức 53,7 triệu tấn vào năm 2010. Để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước, Bắc Kinh có kế hoạch phát triển đội tàu cá với mục tiêu tăng 16% số tàu đánh bắt xa bờ vào năm 2015 so với số tàu của năm 2010, số tàu này hoạt động không chỉ ở Biển Đông mà còn vươn xa tới các vục biển khác của thế giới. Như vậy dự kiến Trung Quốc sẽ có tới 2.300 tàu đánh bắt xa bờ, trong khi Hoa Kỳ chỉ có tổng cộng khoảng 200 tàu loại này.

BDN

 

RELATED ARTICLES

Tin mới