Theo chuyên gia, thông qua kênh truyền thông nhà nước như tờ Rodong Sinmun, Triều Tiên luôn nhất quán quan điểm vũ khí hạt nhân của nước này không thể đem ra thương lượng. Do đó, ngôn từ của Tổng thống Mỹ Donald Trump, nếu mang tính kích động như đe dọa tấn công quân sự, sẽ chỉ làm Bình Nhưỡng có thêm lý lẽ bảo vệ chương trình hạt nhân của mình.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un giám sát một vụ phóng thử tên lửa vào tháng 3 vừa qua. Ảnh: Reuters
Mặc dù quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên hiếm khi được coi là ổn định, nhưng cho đến nay, cuộc thách thức qua lại ngày 8-9/8 giữa Tổng thống Donald Trump và Bình Nhưỡng được coi là điều mới mẻ. Câu nói “lửa cháy và thịnh nộ” của ông Trump khi này được coi là món quà thết đãi truyền thông Triều Tiên.
Washington hiếm khi sử dụng ngôn ngữ kích động đủ để hợp với “phong cách” Bình Nhưỡng nhưng thời thế dường như đã thay đổi. Giảng viên Quan hệ quốc tế tại Đại học Aston (Anh), bà Virginie Grzelczyk đưa ra nhận định này trên trang The Conversation (Australia).
Bà Grzelczyk cho rằng Triều Tiên đã phát triển vũ khí hạt nhân trong hai thập kỷ qua và tình hình hiện tại là sự “kết tủa” từ những vụ thử tên lửa, tập trận chung, lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc, và bài đăng trên mạng xã hội Twitter. Tuy nhiên, phong cách truyền thông của Bình Nhưỡng hầu như không thay đổi nhiều.
Lớn tiếng và rõ ràng
Tuyên bố của Triều Tiên thường được truyền tải qua nhiều nhân vật nhưng đều có chung một giọng điệu. Trong những năm qua, thông điệp được đưa ra chính xác, nhất quán bởi ngoại trưởng, các quan chức quân đội nhân dân Triều Tiên và chính nhà lãnh đạo của quốc gia này.
Triều Tiên luôn thể hiện rõ rằng vũ khí hạt nhân của nước này không thể đem ra thương lượng. Ngày 7/8, đại diện của Triều Tiên tại Liên hợp quốc và ngoại trưởng Ri Yong Ho tại Diễn đàn Khu vực ASEAN đều nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ, không vì bất cứ tình huống nào, đặt tên lửa đạn đạo và hạt nhân lên bàn đàm phán”.
Tại đại hội toàn quốc lần thứ 7 của Đảng Lao động Triều Tiên năm 2016, nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã nêu rõ: “Chúng ta kiên trì bám trụ theo chiến thuật thúc đẩy xây dựng kinh tế và lực lượng hạt nhân đồng thời nâng cấp lực lượng phòng thủ hạt nhân cả về số lượng và chất lượng khi những kẻ đế quốc vẫn cố chấp về đe dọa hạt nhân và truyền thống độc đoán của họ”.
Những thông điệp này được phổ biến tại Triều Tiên bởi các kênh truyền thông nhà nước như tờ Rodong Sinmun, hãng thông tấn KCNA.
Món quà mới
Nếu quan sát về truyền thông theo thực tế quân sự, tuyên bố “lửa cháy và thịnh nộ” của Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 8/8 dường như được tác động bởi thông tin được tờ Washington Post (Mỹ) đưa cùng ngày rằng tình báo nước này nhận định Bình Nhưỡng có khả năng sản xuất đầu đạn hạt nhân thu nhỏ lắp vừa vào tên lửa và hiện nắm trong tay khoảng 60 thiết bị hạt nhân.
Văn hóa chính trị của Triều Tiên chỉ chặt chẽ xoay quanh chỉ thị của nhà lãnh đạo Kim Jong Un, vì vậy, đối với mục đích về tuyên truyền trong nước, cần có sự xuất hiện của Tổng thống Donald Trump mang vai trò mối đe dọa hàng đầu.
Do đó, ngôn từ của ông Trump, nếu mang tính kích động như đe dọa tấn công quân sự, sẽ chỉ làm tăng lý lẽ mà Triều Tiên đưa ra là nước này có quyền theo đuổi chương trình hạt nhân độc lập để tự vệ khỏi phương Tây thù địch.
Về phương diện ngoại giao, đã có nhiều ý kiến kêu gọi tái lập các cuộc đàm phán nhưng sẽ cần có cách thức mới sau khi Vòng đàm phán 6 bên đã giậm chân tại chỗ trong nhiều năm.
Từ đây, bà Grzelczyk cho rằng sẽ không quá ngạc nhiên nếu Triều Tiên tiếp tục thử một quả tên lửa khác và điều khiến công chúng chờ đợi, đồn đoán là ông Trump sẽ đáp trả như thế nào.