Liên tục phát
triển sức mạnh cho lực lượng hải quân với tốc độ chóng mặt, có vẻ như Trung
Quốc không hề giấu tham vọng của họ trên khu vực Thái Bình Dương. Động thái này
của Trung Quốc đã làm không ít các nước trong khu vực và trên thế giới quan
ngại, đặc biệt là Mỹ.
vọng của Trung Quốc
Theo các nhà lãnh
đạo và giới phân tích, Trung Quốc đang tìm cách mở rộng sức mạnh hải quân ra
bên ngoài bờ biển – từ các cảng dầu ở Trung Đông cho đến các tuyến hàng hải ở
Thái Bình Dương – vốn là địa bàn kiểm soát của hải quân Mỹ.
Bắc Kinh gọi chiến
lược mới là “phòng vệ xa bờ”, và tốc độ cải thiện khả năng hoạt động tầm xa của
Trung Quốc khiến rất nhiều quan chức quân đội nước ngoài phải ngạc nhiên.
Chiến lược mới là
một bước chuyển biến lớn so với học thuyết truyền thống trong đó sức mạnh của
hải quân chỉ nhằm chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc chiến với đảo Đài Loan hoặc
bảo vệ bờ biển của Trung Quốc. Giờ đây các đô đốc Trung Quốc nói rằng họ muốn
các tàu chiến phải hộ tống cho tàu thương mại, từ nơi xa xôi như vịnh Persian
cho đến gần như eo biển Malacca, bảo vệ các lợi ích của Trung Quốc trên các
vùng biển giàu tài nguyên ở phía đông và nam Trung Quốc.
Chiến lược tổng
thể của hải quân Trung Quốc cho thấy tham vọng rất rõ của họ.
Kể từ tháng
12/2008, Trung Quốc luôn duy trì ba tàu ở vịnh Aden để tham gia hoạt động tuần tra chống
cướp biển của quốc tế. Đây là sự triển khai đầu tiên của hải quân Trung Quốc
bên ngoài Thái Bình Dương. Các nhà phân tích nhận định nhiệm vụ này giúp Trung
Quốc nâng cao khả năng hoạt động tầm xa của hải quân.
Trung Quốc cũng
vừa thử tên lửa đạn đạo tầm xa có khả năng tiêu diệt hàng không mẫu hạm. Và sau
nhiều lần phủ nhận, gần đây giới chức Bắc Kinh khẳng định họ sẽ triển khai một
đội hàng không mẫu hạm trong vài năm tới. Trung Quốc cũng đang phát triển một
hạm đội ngầm tinh vi để ngăn chặn các tàu hải quân nước ngoài xâm nhập vùng
biển chiến lược nếu xảy ra xung đột trong khu vực.
Một yếu tố khác
trong chiến lược mới của hải quân Trung Quốc là sự mở rộng tầm kiểm soát ra
ngoài Biển Đông và Philippines, điều mà họ gọi là “vòng phòng thủ thứ hai” –
đến tận các bãi đá ngầm và rạn san hô ở Thái Bình Dương – khu vực này trùm lên
đáng kể vùng kiểm soát của Mỹ.
Chi phí cho hải
quân chiếm hơn 1/3 tổng ngân sách cho quân đội Trung Quốc. Ngân sách chính thức
cho quân đội Trung Quốc năm 2010 là 78 tỉ USD, năm 2011 là 91,5 tỉ USD nhưng phía
Hoa Kỳ cho rằng Trung Quốc chi thậm chí còn nhiều hơn thế trên thực tế.
Sự lớn mạnh ấn
tượng của hải quân Trung Quốc nằm ở các hạm đội tàu ngầm. Gần đây họ cho đóng
ít nhất hai tàu ngầm lớp Jin – những tàu ngầm đầu tiên có khả năng mang tên lửa
đạn đạo. Hai chiếc nữa đang trong giai đoạn hoàn thiện. Hai tàu ngầm tấn công
lớp Shang sử dụng năng lượng hạt nhân cũng vừa được đưa vào sử dụng.
Theo các nhà nghiên cứu Mỹ về hải quân
Trung Quốc, không tính tới các tầu đã cũ, Bắc Kinh hiện có 9 tầu ngầm hạt nhân,
trong đó có 3 tầu được trang bị tên lửa hạt nhân tầm xa, 53 tầu ngầm chạy bằng
động cơ diesel, 74 khu trục hạm và tầu hộ tống cùng số lượng tương tự tầu đổ bộ
và tầu tuần tra ven biển trang bị tên lửa. Nếu tính tới các kế hoạch đóng tàu
được biết hiện nay của Trung Quốc tới năm 2020, hải quân Trung Quốc có thể sẽ
có 2 tầu sân bay, 40 – 45 tầu ngầm động cơ diesel, khoảng 55 khu trục hạm và
tầu hộ tống; số lượng có thể ít hơn hoặc nhiều hơn, song không chênh lệch quá
nhiều. Ngân sách chi phí cho việc hỗ trợ sức mạnh trên đại dương của Trung Quốc
liên tục tăng hàng năm bởi Bắc Kinh coi phát triển sức mạnh của hải quân là yếu
tố then chốt trong chương trình hiện đại hoá quân đội nước này.
Quan ngại của Mỹ
Chính phủ Mỹ tất
nhiên không đưa cái tên Trung Quốc vào danh sách lực lượng thù địch, nhưng phần
nào cũng phản ứng lại sự phát triển của họ. Ông Bernard D. Cole, cựu quan chức
hải quân Mỹ, cho biết, gần đây Washington đã chuyển một cơ số tàu ngầm từ Đại
Tây Dương sang Thái Bình Dương. Phần lớn tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân
đã sang Thái Bình Dương. Mỹ cũng bắt đầu triển khai luân phiên ba đến bốn tàu
ngầm ra ngoài Guam để diễn tập lại các tình huống như thời kỳ Chiến tranh lạnh.
Mới đây nhất, trong phiên điều trần với
chủ đề “Hoạt động của Trung Quốc ở Đông Nam Á và ý nghĩa của hoạt động đó đối
với Mỹ của Quốc hội Mỹ” hôm 4/2/2011, các quan chức cao cấp quốc phòng và ngoại
giao của chính quyền Obama và nhiều nghị sĩ Mỹ bày tỏ lo ngại về việc Trung
Quốc mở rộng hoạt động quân sự ở Đông Nam Á, đặc biệt là ở vùng biển Đông.
Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Robert
Scher cho rằng cùng với việc tăng cường can dự ngoại giao và kinh tế ở khu vực
Đông Nam Á, Trung Quốc còn tăng cường hoạt động quân sự, đặc biệt là tiếp tục
tăng cường sự hiện diện quân sự ở biển Đông. Ông Scher cho rằng việc Trung Quốc
đòi chủ quyền mang tính chiến lược và đơn phương trong tranh chấp biển đảo với
6 nước, trong đó có Việt Nam, Philippines và Malaysia, là điều không chấp nhận
được đối với Mỹ. Ông này cũng bác bỏ việc Trung Quốc coi khu đặc quyền kinh tế
biển (EEZ) 200 hải lý tính từ thềm lục địa theo Luật biển của Liên hợp quốc ở
biển Đông là lãnh hải thực sự của nước này và áp dụng biện pháp yêu cầu tàu
chiến các nước khác phải xin phép Trung Quốc khi hoạt động ở khu vực này.
Hạ nghị sĩ Mỹ Dana Rohrabacher cũng nêu
việc Trung Quốc tiến hành xây dựng các cơ sở quân sự ở quần đảo Hoàng Sa và
Trường Sa với ý đồ mở rộng quyền lợi của nước này ở biển Đông, tăng cường năng
lực chi phối quân sự trên tuyến hàng hải từ biển Đông đến Ấn Độ Dương.
Trước đó, trong
chuyến viếng thăm ngày 9/1 tới Trung Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates
đã không giấu giếm lo ngại của Washington trước những tiến bộ về quân sự của
Trung Quốc, đặc biệt là dự án chế tạo máy bay do thám và tên lửa chống tàu
chiến của nước này.
Theo ông Gates, Trung Quốc có khả năng
đe dọa đến tiềm lực quân sự của Mỹ và đương nhiên là Nhà Trắng theo dõi chặt
chẽ những tiến bộ của Trung Quốc trong lĩnh vực quốc phòng và quân sự. Ông
Gates cũng tuyên bố Washington
sẽ có các chương trình quân sự đáp trả.
Liên quan đến dự án chế tạo máy bay
trinh thám của Trung Quốc bộ trưởng Quốc phòng Mỹ không loại trừ khả năng phía
Trung Quốc “đã tiến xa hơn so với những thông tin mà ngành tình báo Mỹ có
được”. Tuy nhiên, ông Gates cũng thận trọng về chức năng và mức độ hiệu quả của
máy bay do thám Trung Quốc. “Từ khi nắm giữ cương vị Bộ trưởng Quốc phòng
Mỹ, tôi luôn quan ngại về chương trình phát triển tên lửa đạn đạo chống tàu của
Trung Quốc. Dường như nước này đã đạt được những bước tiến tương đối dài về
công nghệ này nhưng tôi không rõ là liệu các tên lửa diệt tàu sân bay của họ đã
có khả năng hoạt động được hay chưa,” Bộ trưởng Gates cho biết.
Trung Quốc cũng có thể sẽ sở hữu chiếc
tàu sân bay đầu tiên của nước này vào năm 2011, nhanh hơn dự đoán rất nhiều.
Chưa hết, gần đây, thế giới cũng xôn xao về thông tin Trung Quốc sắp thử nghiệm
máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5 – thế hệ mới nhất của thế giới.
Trong khi đó, lực lượng hải quân Mỹ, nhất là tàu ngầm, bị xem là quá
mỏng. Các chuyên gia Mỹ đề xuất kế hoạch đóng thêm 2 tàu ngầm/năm và tăng cường
phối hợp hải quân với các nước đồng minh./.