Với nguồn lực dồi dào tích lũy được sau 40 năm mở cửa và phát triển kinh tế, Trung Quốc đang sử dụng sức mạnh tài chính vào cuộc cạnh tranh ảnh hưởng địa chính trị trên phạm vi toàn cầu, thách thức vị trí độc tôn của Mỹ.
Thế giới tài chính từ sau thế chiến 2 được thống trị bởi ba định chế lớn là Ngân hàng Thếgiới World Bank (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB). Ngay từ buổi ra đời, cả ba định chế này lần lượt do Mỹ, Châu Âu và Nhật Bản lãnh đạo. Các nước mới trỗi dậy và nhất là Bắc Kinh, đã phản đối sự ngự trị đó và cho rằng cả ba định chếnày không còn phù hợp với thực tế với sự trỗi dậy của các lực lượng mới. Do sự cản trở của Hoa Kì, mãi đến năm 2010, một loạt các điều chỉnh mới được đưa ra để cải tổ IMF và cho phép Trung Quốc có một đại diện trong định chế này. Quyền bỏ phiếu của Trung Quốc tại Ngân hàng thế giới và IMF cũng đã được mở rộng thêm do sức ép của Trung Quốc.
Tuy nhiên, Trung Quốc với nguồn dự trữ ngoại hối gần 4 ngàn tỉ USD không hài lòng với điều này và họ đã quyết định tự thành lập định chế mới của riêng mình, dựa theo mô hình của phương Tây, nhưng vẫn trung thành với chiến thuật của mình. Có thể xem Ngân hàng Đầu tưHạ tầng Châu Á (AIIB) như là một bản sao của Ngân hàng Phát triển Á Châu, chỉ khác vềkích cỡ khi mà Nhật Bản chỉ chiếm có 15,7% trong ADB, nếu thêm cả phần đóng góp của Mỹ cũng chỉ hơn 30%. Trong khi đó, tại AIIB, riêng Trung Quốc đã chiếm tới 49% phần đóng góp.
Chính vì lẽ này, việc Trung Quốc khởi xướng AIIB, và ngay từ đầu đã có 50 nước tham gia được coi là thành công chưa từng có đối với ngành ngoại giao kinh tế của Trung Quốc, nó khẳng định vị thế của quốc gia này trong lục địa Châu Á đang phát triển.
Cùng với các tổ chức cho vay khác do Trung Quốc sáng lập – gồm một ngân hàng vốn 50 tỷ đô la hợp tác với các nước BRICS và một quỹ 40 tỷ USD nhằm hồi sinh Con đường Tơ lụa –AIIB là ngân hàng thứ ba đồng thời là cánh tay chủ lực giúp Trung Quốc phát triển tham vọng của họ.
Theo báo Pháp Le Monde, dưới vỏ bọc kêu gọi đa phương, trên thực tế AIIB là một công cụcủa Trung Quốc. Công cụ là vì Bắc Kinh muốn sử dụng AIIB để phát triển dự án “Con đường tơ lụa mới” thông qua các dự án đầu tư Hạ tầng như xây cầu đường, cảng biển, đường sắt, sân bay hay viễn thông… Theo các chuyên gia, Châu Á cần từ 8 ngàn đến 11 ngàn tỉ đô la vốn đầu tư hạ tầng vào năm 2020, song các thiết chế tài chính hiện hành chỉ có khả năng cung cấp một phần nhỏ trong số đó.
Như vậy, mục tiêu của AIIB là đáp ứng nhu cầu xây dựng hạ tầng ngày càng tăng tại khu vực, đồng thời mở rộng tầm ảnh hưởng địa – chính trị của Trung Quốc. Tăng cường xây dựng hệ thống đường cao tốc, đường sắt hay mạng lưới viễn thông sẽ giúp Trung Quốc xuất khẩu hàng hóa và gây ảnh hưởng đối với các chính phủ trong khu vực đang bị kẹt giữa hai cường quốc Trung – Mỹ.
Nhật Bản lâu nay vẫn sử dụng Ngân hàng Phát triển Châu Á để mưu lợi cho mình. Bây giờthì các hạ tầng cơ sở mà Bắc Kinh hứa hẹn xây dựng nối liền các nước trong vùng, sẽ có lợi cho Trung Quốc trên nhiều mặt.
Với hoạt động của AIIB, Trung Quốc hy vọng mở rộng thị trường xuất khẩu, cung cấp việc làm cho một phần dân chúng, vì những công trình to lớn của Trung Quốc đều sử dụng nhân công Trung Quốc.
Ngân hàng này sẽ mang lại luồng sinh lực mới cho các tập đoàn xây dựng Trung Quốc đang phải đối mặt với lượng cầu giảm do tăng trưởng kinh tế chững lại.
Việc triển khai hoạt động của các nhà băng cũng sẽ có lợi cho Trung Quốc, hơn là đổ tiền vào mua các trái phiếu Mỹ.
AIIB cũng sẽ là công cụ quốc tế hóa đồng nhân dân tệ, ưu tiên chiến lược của Bắc Kinh.
Như đã nói ở trên, một trong những đề án ưu tiên của AIIB là ‘con đường tơ lụa mới,’ được trình bày năm 2013, tạo điều kiện cho sự bành trướng của Trung Quốc về phía Tây và phía Nam. Thông qua con đường tơ lụa đó, Bắc Kinh sẽ vươn cánh tay tới những vùng miền mà người Trung Quốc gọi là Tây Á, phương Tây quen gọi là Trung Đông, trong đó một trong những dự án đầu tiên do AIIB tài trợ sẽ là tuyến đường sắt Bắc Kinh – Bagdad.
Ngân hàng AIIB kì vọng giúp gắn vào đầu tàu Trung Quốc với các nền kinh tế trong khu vực, và thông qua những hạ tầng cơ sở mới để tạo điều kiện phát triển thương mại, du lịch…
Tại Diễn đàn Bác Ngao, Chủ tịch Trung Quốc nêu lại quan điểm của ông về kiến trúc an ninh mới ở Châu Á, có thể hiểu là nhằm thay thế hệ thống liên minh của Mỹ dựa trên nguyên tắc ‘an ninh cho mọi người’, bằng ‘an ninh kinh tế’ mà Trung Quốc sẽ là nhà cung cấp hàng đầu.
Trong phát biểu ngày 28/03 ở Diễn đàn kinh tế Bác Ngao, ông Tập Cận Bình tuyên bố rằng Trung Quốc sẽ nhập 10.000 tỉ đô la hàng hóa trong 5 năm tới và đầu tưở nước ngoài 500 tỉ.
Như vậy AIIB là một cách thức để Trung Quốc phô trương sức mạnh ra bên ngoài. Sự ra đời của AIIB do Trung Quốc khởi xướng là một thách thức đối với Ngân hàng Thế giới vàNgân hàng Phát triển Châu Á vốn chịu ảnh hưởng của Mỹ và Nhật Bản.
Với việc lôi cuốn các quốc gia Châu Âu và Châu Á vào đề án ngân hàng AIIB, Bắc Kinh rõ ràng đã làm rúng động cả một hệ thống vốn chịu ảnh hưởng của Mỹ.
“Đây là sự khởi đầu cho thời kỳ Trung Quốc đóng vai trò lớn hơn trong các vấn đề toàn cầu”, Jim O’Neill – nhà kinh tế học tại Goldman Sachs cho biết.
Trong trận đấu lớn để giành vị thế thống trị kinh tế thế giới thế kỷ 21, Trung Quốc đã ghi được nhiều điểm trước Hoa Kỳ. Không phải chỉ có vấn đề GDP, mà còn quan trọng hơn nữa là vấn đề ai sẽ áp đặt những chuẩn mực, cung cách hoạt động kinh tế trong những năm tới.
Bắc Kinh muốn thông qua AIIB để mua chuộc các láng giềng Châu Á. Còn quá sớm để đo lường tác động của Ngân hàng AIIB, nhưng sáng kiến này là một phương tiện để Bắc Kinh tích lũy vốn cảm tình trong một vùng mà Trung Quốc bị soi xét một cách đầy ngờ vực.
Tuy nhiên, theo Le Monde, quan niệm một sự phồn thịnh chung dưới trướng của Bắc Kinh, không thuyết phục được một số láng giềng, từ Việt Nam đến Philippines, Ấn Độ, vốn vẫn cảnh giác về những mưu đồ của Trung Quốc.
Vẫn còn sớm để dự đoán về mức độ thành công của những sáng kiến mới của Trung Quốc bởi còn phụ thuộc vào phản ứng của các quốc gia láng giềng của Bắc Kinh. Rõ ràng, các quốc gia láng giềng Trung Quốc sẽ sẵn sàng tiếp nhận nguồn tiền và nhân lực từ Trung Quốc nhưng họ sẽ không để Bắc Kinh mở rộng tầm ảnh hưởng chính trị và an ninh gây ảnh hưởng tới quốc gia mình.
BDN