Saturday, September 21, 2024
Trang chủQuân sựTQ hả hê sau khi Ấn Độ rút quân

TQ hả hê sau khi Ấn Độ rút quân

Người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Trung Quốc Wu Qian khuyến cáo rằng Ấn Độ cần rút ra một số bài học từ vụ việc này.

Trung Quốc lên giọng với Ấn Độ

Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 28/8 xác nhận rằng phía Ấn Độ đã rút quân khỏi vùng lãnh thổ Đông Lãng (New Delhi gọi là Doklam).

Trả lời họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hua Chunying nêu rõ: “Chiều 28/8, phía Ấn Độ đã rút toàn bộ lính biên phòng và trang thiết bị quân sự về, và lính biên phòng của Trung Quốc trên thực địa đã xác nhận điều này…Chính phủ Trung Quốc đánh giá cao các mối quan hệ hữu nghị với Ấn Độ. Chúng tôi hy vọng Ấn Độ có thể thực thi thỏa thuận lịch sử về biên giới và bảo đảm sự ổn định ở khu vực biên giới giáp với Trung Quốc”.

Theo người phát ngôn, lính biên phòng Trung Quốc sẽ vẫn đóng quân tại Doklam và tiếp tục tuần tra khu vực này.

Trước đó, hôm 18/6, Trung Quốc cáo buộc binh lính Ấn Độ vượt biên trái phép và xâm nhập vùng lãnh thổ của Trung Quốc ở Đông Lãng/Doklam. Bà Hoa Xuân Oánh cho biết Trung Quốc đã phải tận dụng nhiều kênh ngoại giao khác nhau để liên hệ với Ấn Độ và cũng đã tiến hành các biện pháp quân sự để đảm bảo chủ quyền và các quyền lợi hợp pháp của nước này.

Trong khi đó, người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Trung Quốc Wu Qian cùng ngày 28/8 tuyên bố quân đội Trung Quốc vẫn sẽ được đặt trong tình trạng báo động cao. Ông Wu Qian khuyến cáo rằng Ấn Độ cần rút ra một số bài học từ vụ việc này.

Tờ Thời báo Hoàn cầu dẫn trả lời phỏng vấn của Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế Trung Quốc, Tiến sĩ Ruan Zongze cáo buộc Ấn Độ đã hành động bất hợp pháp và rút quân là lựa chọn duy nhất của New Delhi.

Còn nhà nghiên cứu Hu Zhiyong của Viện Khoa học Xã hội Thượng Hải nhận định rằng trong 2 tháng qua, Trung Quốc đã có một loạt hành động, trong đó gồm cả sự can dự ngoại giao và tập trận quân sự, để gây sức ép lên Ấn Độ và cuối cùng đã đạt được kết quả khi New Delhi rút quân.

Trung Quoc ha he sau khi An Do rut quan

 
 
Báo chí và giới chức Trung Quốc thời gian qua liên tiếp đưa ra những lời đe dọa cứng rắn nhằm vào Ấn Độ

Thời báo Hoàn Cầu cũng khẳng định Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã tiến hành nhiều cuộc diễn tập quân sự và huấn luyện tại các khu vực cao nguyên ở Tây Tạng sau khi quân đội Ấn Độ xâm nhập. Các cuộc tập trận này có sự tham gia của một lữ đoàn thiết giáp hạng nặng, máy bay ném bom và lực lượng pháo binh hạng nặng.

Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) đã đưa tin về những cuộc tập trận này và công bố các đoạn video về các hành động quân sự trong 2 tháng vừa qua.

Bên cạnh đó, trong 2 ngày 3 và 4/8, 6 cơ quan của Trung Quốc – gồm Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Đại sứ quán Trung Quốc ở Ấn Độ, Nhân dân Nhật báo, Tân Hoa Xã và Nhật báo PLA – đã đưa ra những tuyên bố cứng rắn để cảnh báo Ấn Độ.

Thêm vào đó, Đại sứ quán Trung Quốc tại Ấn Độ còn ban bố 2 khuyến cáo an toàn đối với công dân Trung Quốc ở Ấn Độ trong các ngày 7/7 và ngày 24/8.

Trước đó, hôm 26/8, Thời báo Hoàn Cầu có bài viết tuyên bố Ấn Độ sai lầm trong đánh giá về sức mạnh của Trung Quốc. Bài báo có đoạn: “Đã gần 70 ngày kể từ khi binh sĩ Ấn Độ tràn qua khu vực Sikkim trên đường biên giới Trung – Ấn và tiến vào lãnh thổ Trung Quốc. Cho đến nay, vẫn chưa có bước ngoặt nào mang tính quyết định cho một giải pháp hòa bình đối với cuộc đối đầu giữa hai bên”.

Theo bài báo, Ấn Độ rõ ràng đã phạm phải sai lầm nghiêm trọng trong đánh giá sức mạnh và quyết tâm của Trung Quốc…Từ các quan chức cho tới học giả của Ấn Độ cho rằng những cảnh báo của Trung Quốc chỉ là lời hăm dọa.

Bài báo đồng thời tuyên bố: “Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) chưa có hành động quân sự vì muốn tạo điều kiện cho quân đội Ấn Độ rút quân một cách hòa bình. Tuy nhiên, một khi PLA phản công, Ấn Độ sẽ không thể chịu đựng được những hậu quả về chính trị và kinh tế”.

Trung Quốc liên tiếp đưa ra cảnh báo nhắc lại cuộc chiến biên giới với Ấn Độ năm 1962 và thông tin về các cuộc tập trận quy mô lớn

Về phần minh, Ấn Độ chỉ đưa ra thông báo chung chung. Ngày 28/8, Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết nước này đã nhất trí với Trung Quốc về việc “nhanh chóng rút quân” tại vùng biên giới tranh chấp Doklam, nơi binh sĩ hai nước đã đối đầu trong suốt hơn 2 tháng qua.

Đề cập tới khu vực ở Himalayas gần biên giới giữa Trung Quốc, Ấn Độ và Bhutan, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Ấn Độ nhấn mạnh: “Trong những tuần gần đây, Ấn Độ và Trung Quốc đã duy trì trao đổi thông tin qua kênh ngoại giao về sự kiện tại Doklam. Trên cơ sở này, hai bên đã nhất trí và đang nhanh chóng triển khai việc rút lính biên phòng tại khu vực đối đầu ở Doklam”.

Một ngày sau đó, Bhutan đã hoan nghênh việc chấm dứt xung đột kéo dài 73 ngày qua giữa quân đội Ấn Độ và Trung Quốc ở khu vực tranh chấp Doklam, đồng thời hy vọng động thái này sẽ giúp đảm bảo hòa bình ở ngã ba biên giới này.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Bhutan có đoạn viết: “Bhutan hoan nghênh việc hai bên rút quân ở Doklam và hy vọng rằng động thái này sẽ góp phần duy trì hòa bình, yên tĩnh và không thay đổi nguyên trạng dọc theo biên giới Bhutan, Trung Quốc và Ấn Độ, phù hợp với các hiệp định hiện có giữa các bên liên quan”.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong một sự kiện nhân dịp Hội nghị BRICS tại Goa, Ấn Độ tháng 10/2016

Giới học giả Trung Quốc có vẻ hả hê khi khẳng định nếu không có những tín hiệu cứng rắn và những nỗ lực ngoại giao “hòa bình” của Trung Quốc, thì sự căng thẳng này có lẽ đã không kết thúc như vậy. Ông Hu Zhiyong thậm chí còn bày tỏ “vui mừng khi Ấn Độ rút quân trước thềm Hội nghị Thượng định Các nền kinh tế mới nổi BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi).

Hội nghị Thượng đỉnh BRICS lần thứ chín sắp tới sẽ được tổ chức tại thành phố duyên hải Hạ Môn của tỉnh Phúc Kiến, miền Đông Trung Quốc, từ ngày 3-5/9. Dự kiến, các nhà lãnh đạo của 5 nước này sẽ tham dự hội nghị. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sẽ tham dự hội nghị BRICS

Theo thông tin mới nhất ngày 29/8, Bộ Ngoại giao Ấn Độ thông báo Thủ tướng nước này Narendra Modi sẽ tới Trung Quốc để tham dự Hội nghị thượng đỉnh BRICS sắp tới.

Phải chăng Ấn Độ chỉ đơn giản cố gắng tránh gia tăng căng thẳng và làm hỏng Hội nghị thượng đỉnh BRICS do Bắc Kinh đăng cai?

RELATED ARTICLES

Tin mới