Tuy đánh giá khả năng nổ ra thế chiến thứ 3 là không cao, giới học giả đang râm ran bàn tán về những hậu quả kinh khủng của vũ khí hạt nhân và cuộc chạy đua vũ trang tên lửa.
Sự kiện Triều Tiên thử thành công bom nhiệt hạch trưa ngày 3-9 đã khiến giới nghiên cứu quốc tế “phát sốt”.
Điều dư luận quan tâm là diễn biến tiếp theo sẽ ra sao khi giờ đây Triều Tiên đã đặt chân vào “câu lạc bộ hạt nhân” dù không được mời.
Nguy cơ chạy đua vũ trang tên lửa
“Sắp tới, nếu bán đảo Triều Tiên không trở thành trung tâm của một trận thế chiến mới, viễn cảnh này vẫn đang từng ngày trở nên rõ ràng hơn với hàng loạt kho tên lửa mọc lên trong khu vực trong những năm tới” – ông Ricardo Saludo, giám đốc Trung tâm Chiến lược, doanh nghiệp và tình báo (CenSEI) tại Philippines, dự báo.
Nhận định của ông Saludo dựa trên thực tế Hàn Quốc, Nhật Bản và đồng minh Hoa Kỳ đang ra sức chạy đua cùng Triều Tiên nâng cấp kho tên lửa, vừa để tăng cường khả năng phòng vệ, vừa nâng cao năng lực tấn công phủ đầu.
Tokyo và Seoul trong những năm tới có thể sở hữu các hệ thống tên lửa hùng mạnh bằng cách mua từ nước ngoài hoặc tự phát triển – giống với những gì Bình Nhưỡng đã làm trong nhiều thập kỷ qua.
Tuần trước, Văn phòng tổng thống Hàn Quốc thông báo Mỹ đã đồng ý sửa đổi một hiệp ước phát triển tên lửa giữa hai nước, vốn chỉ cho phép Seoul sở hữu tên lửa có tầm bắn tối đa 800km, lượng thuốc nổ trong đầu đạn nhiều nhất 0,5 tấn.
Tại Nhật, các chuyên gia quốc phòng và cánh diều hâu thuộc Đảng Dân chủ tự do cầm quyền thậm chí cân nhắc đến khả năng tấn công phủ đầu sau màn trình diễn quá “ấn tượng” của Triều Tiên.
Sau vụ Bình Nhưỡng bắn tên lửa bay ngang qua Nhật cách đây 2 tuần, báo Mainichi Shimbun cho đăng bài xã luận với tựa đề: “chúng ta có nên phát triển năng lực tấn công phủ đầu?”.
Đây là một câu hỏi cấm kỵ đối với nước Nhật kể từ năm 1945 vì hiến pháp hòa bình cấm nước này dùng chiến tranh như một công cụ của chính sách quốc gia. Nhưng mọi thứ hiện đã thay đổi.
Học giả Ricardo Saludo của Philippines
Người Nhật đi dò tìm mảnh vỡ có thể có sau khi tên lửa của Triều Tiên được phóng qua bầu trời phía bắc nước Nhật vào sáng 29-8 – Ảnh: AFP
“Mỹ thà hi sinh Đông Á”
TS Benjamin Zala, chuyên gia quan hệ quốc tế thuộc Đại học quốc gia Úc, nhận định năng lực tên lửa và vũ khí của Triều Tiên đã đủ sức gây hủy diệt trên diện rộng chỉ trong vài phút ngắn ngủi.
“4 phút là tất cả thời gian Tổng thống Mỹ Donald Trump có để phản ứng trước một cuộc tấn công tên lửa” – TS Zala tính toán.
Đây là khoảng thời gian tính từ lúc Bình Nhưỡng bấm nút khai hỏa tên lửa cho đến lúc nó rơi xuống thủ đô Tokyo của Nhật, ông Zala giải thích.
Còn nếu tên lửa bay về phía nước Mỹ? Ông Trump có 30 phút.
Theo chuyên gia Saludo, lý do lớn nhất khiến Nhật và Hàn Quốc bất an, rục rịch lo đi xây dựng năng lực lên lửa, đó là họ bắt đầu nghi ngờ “chiếc ô hạt nhân” của Mỹ.
“Nếu Seoul và Tokyo tin chắc Washington sẽ hủy diệt Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng tấn công một trong hai nước, thì bấy nhiêu đã đủ để họ yên tâm. Nhưng nghi ngờ về khả năng phản ứng của Mỹ đang xuất hiện” – ông Saludo giải thích.
“Washington có dám liều hi sinh Los Angeles và New York để bảo vệ Seoul và Tokyo?” – vị chuyên đặt vấn đề.
Khả năng Triều Tiên trả đũa hạt nhân Mỹ chính là mối lo lớn nhất của Tổng thống Trump.
“Thực tế, trong cuộc khủng hoảng tên lửa hiện nay, chính quyền ông Trump đã cho thấy họ thà để chiến tranh xảy ra trên bán đảo Triều Tiên và cả phần lớn Đông Á, tất cả chỉ nhằm giúp nước Mỹ tránh được nỗi sợ bị tấn công hạt nhân” – ông Saludo kết luận.