Việc Campuchia truy tố lãnh đạo phe đối lập là một thông điệp từ chính phủ của Thủ tướng Hun Sen với Hoa Kỳ, theo đó, yêu cầu “chấm dứt can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Campuchia”.
Kem Sokha. Ảnh: Reuters.
Mỹ nên ngừng can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Campuchia, một phát ngôn viên chính phủ Campuchia nói với tờ Channel News Asia (CNA), không lâu sau khi nhà lãnh đạo phe đối lập Kem Sokha bị buộc tội phản bội đất nước.
Phát ngôn viên chính phủ Campuchia Phay Siphan nói: “Chúng tôi không phải là nô lệ. Cũng như họ, chúng tôi là một quốc gia độc lập. Chúng tôi muốn tự đứng trên đôi chân của mình. Chúng tôi không cần ai chỉ cho phải làm điều này điều kia”.
Tòa án Phnom Penh hôm thứ Ba (5/9) đã buộc tội lãnh đạo phe đối lập Kem Sokha vì phản quốc. Theo tuyên bố của tòa án, tội danh của ôn là câu kết với “một cường quốc gây ra sự xáo trộn và nguy hại cho Vương quốc Campuchia”.
Nếu bị kết án, ông Sokha phải đối mặt với 30 năm tù giam.
Ông Sokha và đảng Cứu quốc Capuchia (CNRP) là đối thủ của Thủ tướng Hun Sen – lãnh đạo đảng Nhân Dân Campuchia. Theo nhiều chuyên gia phân tích, vụ xét xử có ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc tổng tuyển cử ở Campuchia vào năm sau.
Theo tờ CNA, tuy có quyền miễn trừ của một nghị sỹ quốc hội, ông Sokha vẫn bị áp giải hôm Chủ Nhật (3/9) tại nhà riêng sau một cuộc đột kích vào nửa đêm của hơn 100 cảnh sát. Các bức ảnh cho thấy ông bị còng tay và đưa lên xe cảnh sát trước khi bị giam tại Trung tâm Hành chính số 3 ở tỉnh biên giới Tbong Khmum, cách thủ đô gần 200 km.
Ông Siphan nói với CNA: “Kem Sokha đã âm mưu với người nước ngoài, đặc biệt là những người từ Mỹ, để phá hủy cuộc bầu cử sắp tới, có nghĩa là phá hoại nền dân chủ của Campuchia. Thậm chí, ông Siphan còn gọi Kem Sokha là “một con rối” của ngoại quốc đang có ý định phá hoại an ninh quốc gia Campuchia.
Sau khi bắt giữ ông Sokha, chính phủ Campuchia đã đăng tải một đoạn phim lên kênh Youtube. Video có tiêu đề “Tại sao ông Kem Sokha bị bắt”. Đoạn phim ghi lại bài phát biểu của ông Sokha năm 2013 được phát trên Mạng lưới phát thanh Campuchia đóng tại Australia. Trong đoạn phim, ông Sokha nói rằng những người ủng hộ ông ở Melbourne đã nhận được lời khuyên từ các chuyên gia và học giả ở Mỹ và Canada về cách thay đổi tầng lớp lãnh đạo ở Campuchia.
“Họ nói nếu chúng ta muốn thay đổi hệ thống lãnh đạo, chúng ta không thể đánh thẳng vào các nhà lãnh đạo. Trước khi đánh vào nhóm lãnh đạo, chúng ta cần nhổ tận gốc tầng lớp thấp nhất”, ông Sokha nói trong đoạn phim.
Ông Sokha cũng đề cập đến Trung tâm Nhân quyền Campuchia, một tổ chức phi chính phủ do chính ông sáng lập năm 2002 sau khi rời chính trường. Mục tiêu của tổ chức này được CNA miêu tả là “nhằm thúc đẩy và bảo vệ dân chủ cũng như tôn vinh nhân quyền ở Campuchia”.
Theo chính phủ Campuchia, trung tâm này là một công cụ chính trị nhằm lật đổ chính quyền, là âm mưu giữa Sokha và Mỹ muốn gây bất ổn cho Campuchia. Ông Siphan tuyên bố: “Chúng tôi buộc tội Kem Sokha tội phản quốc là nhằm duy trì hòa bình, ổn định và tiến trình dân chủ cho Campuchia và người dân. Chúng tôi không cần bất cứ sự can thiệp nào của các cường quốc nước ngoài”.