Theo chuyên gia, Trung Quốc sẵn sàng cho vay để nhận thầu, đầu tư xây dựng dự án, rồi không khéo Việt Nam biến thành con nợ của Trung Quốc.
Quan tâm đến việc TP.HCM gọi vốn đầu tư cho 6 tuyến đường sắt đô thị, PGS.TS Nguyễn Văn Ngãi, Trưởng khoa Kinh tế, Đại học Nông lâm TP.HCM cho rằng, đây là vấn đề lớn đối với TP.HCM, đặc biệt khi số tiền đầu tư lên tới hơn 252.000 tỷ đồng, tức hơn 10 tỷ USD. Nếu đầu tư không hiệu quả sẽ tạo ra gánh nặng vô cùng lớn cho nợ công, cuối cùng người dân phải gánh chịu hết.
“Với số tiền quá lớn này, các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc thấy hấp dẫn là đúng và họ sẽ tìm cách nhảy vào. Nhưng TP.HCM cần hết sức tỉnh táo vì hệ thống metro đòi hỏi trình độ công nghệ rất cao và an toàn tuyệt đối.
Nếu chọn nhà thầu, tôi nghĩ không ai hơn Nhật Bản. Trình độ công nghệ của người Nhật rất cao và chính họ đã làm tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên rất tốt, tới giờ phút này chưa có sự cố gì.
Chính vì thế, trong trường hợp xây dựng các tuyến metro tiếp theo, tốt nhất vẫn nên chọn nhà thầu Nhật Bản. Còn đối với doanh nghiệp Trung Quốc, tôi không tin vào trình độ của họ”, PGS.TS Nguyễn Văn Ngãi bày tỏ.
Vị chuyên gia nhận định, xét về mặt tài chính, Trung Quốc sẵn sàng cho vay để được nhận thầu, đầu tư xây dựng, rồi không khéo Việt Nam sẽ trở thành con nợ của Trung Quốc.
“Việt Nam đã có nhiều bài học với doanh nghiệp Trung Quốc. Một khi trở thành con nợ của Trung Quốc, nhiều chuyện không hay tiếp theo có thể xảy ra”, PGS Ngãi cảnh báo.
Trước quan điểm Việt Nam không cần ngại doanh nghiệp Trung Quốc nếu khâu ký hợp đồng và giám sát chặt chẽ, vị trưởng khoa Kinh tế, Đại học Nông lâm TP.HCM thể hiện sự thiếu tin tưởng vào sự giám sát của Việt Nam.
“Với trình độ của Việt Nam liệu có giám sát nổi không? Liệu có hay không sự móc nối? Việt Nam có thật sự minh bạch, công khai hay không, nhất là khi nghiệm thu dự án? Tôi không tin”, PGS.TS Nguyễn Văn Ngãi thẳng thắn.
Từ đây, ông Ngãi đánh giá cao các doanh nghiệp Nhật Bản, dù rằng ở một số dự án do người Nhật thực hiện tại Việt Nam vẫn có tiêu cực xảy ra như dự án Đại lộ Đông Tây.
“Người Nhật rất kỷ cương, nghiêm minh và tôn trọng hợp đồng. Họ đang làm tuyến metro Bến Thành-Suối Tiên và tuyến này đang bị chậm tiến độ. Tuy nhiên, việc chậm tiến độ không phải do đối tác mà là do phía Việt Nam, vốn ngân sách Trung ương giải ngân chậm nên nhà thầu bị nợ khoảng 500 tỷ đồng khiến họ không thể tiếp tục thi công.
Trước đó, một số dự án do nhà thầu Nhật Bản thực hiện có xảy ra tiêu cực nhưng với nhà thầu Trung Quốc còn kinh khủng hơn nhiều.
Về nguyên tắc khi đấu thầu công khai, minh bạch, chúng ta không được từ chối doanh nghiệp Trung Quốc. Những người đóng vai trò quyết định trong việc lựa chọn thầu phải rất sáng suốt ở chỗ này”, PGS.TS Nguyễn Văn Ngãi lưu ý.
Dù vậy, bày tỏ quan điểm cá nhân, vị chuyên gia nói rằng ông không ủng hộ đường sắt đô thị vì nó không hiệu quả và sẽ tạo gánh nặng rất lớn cho người dân TP.HCM.
“Khi các tuyến metro hình thành, nó sẽ đào nát TP.HCM vì khi vào trong TP nó phải đi dưới lòng đất rồi khi ra ngoài thì đi lên trên.
Với quan điểm của người hiểu biết về kinh tế, tôi thấy đó là gánh nặng quá lớn, chưa nói tới tác động tiêu cực về xã hội, văn hóa. Có những công trình, điểm văn hóa của TP.HCM trước đây bị xáo trộn hết như Nhà hát Lớn, các hàng cây xanh cổ thụ… mà điều đó không bao giờ hồi phục lại được. Ngay bây giờ, nếu xuống Bến Thành sẽ thấy xung quanh không còn được như ngày nào”, PGS.TS Nguyễn Văn Ngãi nuối tiếc.
Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận, nói như vậy không có nghĩa là không phát triển nữa.
“Chúng ta đã không chọn phương án phát triển mà không gây tổn hại. Tới giờ này thì TP đã tiến thoái lưỡng nan, không còn con đường rút lui, vì nếu rút lui thì tuyến Bến Thành – Suối Tiên sẽ không làm gì được vì nó không nối được đi đâu. Vậy nên nếu tiếp tục thì phải làm hết sức cẩn trọng”, ông nhấn mạnh.