Monday, November 25, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiNhập khẩu máy in tiền: Xin hãy nhớ bài học tiền xu

Nhập khẩu máy in tiền: Xin hãy nhớ bài học tiền xu

Nhiều chuyên gia tiếp tục phản đối xã hội hóa lĩnh vực in, đúc tiền nhưng cũng có ý kiến cho rằng nên ủng hộ.

Khó quản lý

Cũng cho rằng việc mở rộng đối tượng nhập khẩu thiết bị, máy móc in, đúc tiền sẽ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, PGS.TS Đặng Đình Đào cho rằng không nên xã hội hóa lĩnh vực này.

“Cả trong lịch sử và hiện tại chủ trương “chỉ định” đã để lại rất nhiều tai tiếng, rất nhiều tiêu cực. Chỉ riêng chủ trương xã hội hóa BOT thôi đã xảy ra biết bao nhiêu chuyện rồi. Nếu vội vàng mở rộng cửa trong lĩnh vực in, đúc tiền sẽ rất khó quản lý”, PGS.TS Đặng Đình Đào nêu.

Theo vị chuyên gia, dù hiện nay, công tác quản lý in, đúc tiền được cho là tương đối chặt chẽ nhưng vừa rồi công an vẫn phát hiện, thu giữ hàng tỷ đồng tiền giả từ Trung Quốc tuồn vào Việt Nam. Nếu mở rộng nhiều đối tượng tham gia sẽ không thể quản lý được.

“Việt Nam có thể học theo cách làm của các nước, tuy nhiên, cần nhìn nhận vào thực tế của Việt Nam để học tới mức nào, áp dụng được những gì. Bởi lẽ, điều kiện phát triển mỗi nước một khác, hệ thống pháp luật các nước cũng khác nhau, vì thế không phải cứ nói học là làm được ngay”, ông Đào nói.

Nguy cơ tiêu cực

Bàn về vấn đề này, chuyên gia Bùi Ngọc Sơn cho rằng việc mở rộng đối tượng tham gia vào lĩnh vực nhạy cảm trên có thể nhà nước đang muốn tạo môi trường cạnh tranh, giảm chi phí trong việc in, đúc tiền.

Tuy nhiên, vị chuyên gia cũng băn khoăn nếu để nhiều đơn vị cùng được nhập khẩu máy in, đúc tiền thì khâu kiểm soát, quản lý chất lượng sẽ được thực hiện thế nào?.

“Chắc chắn NHNN phải có một đạo luật rất chặt chẽ về vấn đề này. Tôi lấy ví dụ việc quy định tiêu chuẩn, tiêu chí với những doanh nghiệp được tham gia nhập khẩu cũng phải rõ ràng, công khai. Tiếp đến là các hợp đồng giữa NHNN với các doanh nghiệp tham gia cũng phải được công bố công khai, minh bạch…

Đặc biệt trong khâu chỉ đạo in, đúc tiền phải hết sức thận trọng, nhằm ngăn chặn những vấn đề tiêu cực có thể xảy ra”, ông Sơn nói.

Để chứng minh cho những lo ngại trên, vị chuyên gia nhắc lại bài tiền xu từng xảy ra trong quá khứ gây nhiều tranh cãi.

“Chúng ta đã có bài học về đồng tiền xu được sản xuất và đưa vào lưu hành năm 2003 rồi. Một người vừa làm công tác quản lý nhà nước, lại vừa đưa ra các quy định thực hiện trong khi công ty con được giao in, đúc tiền xu… như vậy rất khó đảm bảo khách quan. Đây là lý do nhiều người cho rằng, tiền xu vừa ban hành nhưng đã nhanh chóng bị người dùng tẩy chay do bất tiện trong lưu trữ, xuống cấp nhanh chóng. Còn nhà nước thì khó tránh được thiệt hại.

Cần phải rút kinh nghiệm, không thể lặp lại tình trạng tính toán không tới nơi, chi phí cao, bắt tay công ty sân sau nhưng sản xuất ra một sản phẩm mà không sử dụng được”, ông Sơn lưu ý.

Vị chuyên gia nhấn mạnh, tiền tệ là lĩnh vực nhạy cảm, liên quan tới cả nền tài chính quốc gia, do đó, mọi quy định càng thể hiện rõ ràng, minh bạch càng dễ quản lý.

Lạc quan trước chủ trương này, PGS.TS Nguyễn Văn Ngãi lại cho rằng, quy định trên tập trung chủ yếu vào vấn đề kỹ thuật. Như vậy, nếu giao toàn quyền quyết định cho ngành ngân hàng trong khâu nhập khẩu máy móc, thiết bị in, đúc tiền thì ngành ngân hàng sẽ phải tự kiểm soát, chịu trách nhiệm về chất lượng của sản phẩm mình tạo ra.

“Tôi lấy ví dụ, khi cây ATM hoạt động có sự cố các ngân hàng sẽ phải chịu trách nhiệm mà không thể đổ lỗi cho bên A, bên B hay đổ lỗi do kỹ thuật được nữa. Đây là xu hướng tốt, nên ủng hộ”, ông Ngãi nói.

Về những lo ngại các vấn đề tiêu cực, bắt tay công ty sân sau… vị chuyên gia cũng lạc quan cho rằng không đáng ngại.

“Ngân hàng cũng là một đơn vị kinh doanh, nếu giao quyền chủ động cho ngân hàng họ sẽ phải cân nhắc tìm nguồn nhập tốt nhất nhưng giá rẻ nhất để có lợi nhất. Sau tất cả, ngân hàng vẫn là đơn vị chịu trách nhiệm cuối cùng cả về kỹ thuật và chất lượng sản phẩm, vì vậy, chúng ta không cần quá lo lắng”, vị chuyên gia bày tỏ niềm tin.

RELATED ARTICLES

Tin mới