Sunday, December 22, 2024
Trang chủĐiểm tinBản tin Biển Đông ngày 12/09

Bản tin Biển Đông ngày 12/09

Bản tin Biển Đông ngày 12/09/2017.

Các Hoạt động Tự do Hàng hải (FONOPs) có thể phục vụ cho lợi ích của Mỹ ở Biển Đông như thế nào?

Ngày 11/9, tạp chí The Diplomat đăng bài viết “Các Hoạt động Tự do Hàng hải (FONOPs) có thể phục vụ cho lợi ích của Mỹ ở Biển Đông như thế nào?” của nhà báo Ankit Panda. Liên quan đến thông tin mới đây được đưa trên Thời báo Phố Wall, ông Ankit Panda cho rằng quyết định mới đây nhất của Bộ Quốc phòng Mỹ hồi đầu tháng 9 về việc lên lịch trình cho các hoạt động tự do hàng hải thường xuyên (FONOPs) ở Biển Đông đã giải quyết được những ý kiến chỉ trích đối với các hoạt động được tiến hành trong nhiệm kỳ của ông Obama, nhất là những chỉ trích cho rằng các hoạt động này đã không được tiến hành một cách không thường xuyên, làm ảnh hưởng đến đặc trưng “truyền tải thông điệp pháp lý” của các hoạt động này. Trong khi đó, chính quyền Trump, ngược lại, lại triển khai FONOP đầu tiên trong nhiệm kỳ của ông Trump vào tháng 5 bằng cách đưa tàu khu trục mang tên lửa hành trình vào khu vực 12 hải lý của Đá Vành Khăn ở quần đảo Trường Sa nhằm khẳng định quyền tự do tại vùng biển quốc tế và từ đó thực hiện liên tiếp thêm hai FONOP nữa vào tháng 7 và tháng 8.

Tác giả khẳng định thông tin của Thời báo Phố Wall không mấy gây ngạc nhiên bởi tần suất các hoạt động của chính quyền ông Trump tiến hành trong thời gian gần đây có thể giải thích được. Tuy nhiên, ông Panda cho rằng khó có khả năng để các FONOPs mang tính thường kỳ có thể thay đổi một cách đáng kể tình hình Biển Đông do cách hành xử và những phản ứng tiêu cực của Trung Quốc vẫn chưa hề “suy chuyển” sau các FONOPs mà Mỹ tiến hành. Mặc dù vậy, tác giả cho biết các đồng minh và đối tác của Mỹ ở khu vực vẫn sẽ hoan nghênh một lịch trình được lên một cách thường xuyên hơn đối với các FONOPs ở Biển Đông.

Thúc đẩy ASEAN là cách để đối phó với sự bất ổn đang ngày càng gia tăng ở Châu Á

Ngày 11/9, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng cho biết, ngày 10/9, Viện Chính sách Xã hội Châu Á (ASA) đã công bố một bản báo cáo kêu gọi thúc đẩy các cơ quan khu vực như ASEAN nhằm giúp tăng cường trao đổi và ngăn ngừa các cuộc khủng hoảng phát sinh do các tranh chấp lãnh thổ và sự thiếu tin tưởng lẫn nhau làm gia tăng bất ổn ở khu vực. Báo cáo cho rằng, để giảm nhẹ rủi ro, các tổ chức khu vực cần được tăng cường và các nước liên quan cần phải có thái độ “nghiêm túc” về việc quản lý rủi ro và giải quyết các tranh chấp. Bên cạnh đó, nhằm tăng cường và nâng cao vai trò của ASEAN, báo cáo nhấn mạnh đến sự cần thiết của việc tham gia, khuyến khích và hỗ trợ nhiều hơn của các nước đối tác, bao gồm Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Úc.

Bưu điện Hoa Nam buổi sáng cho hay, bản báo cáo có sự tham gia của một số cựu lãnh đạo chính trị và quan chức ngoại giao, bao gồm cựu thủ tướng Úc Kevin Rudd, cựu cố vấn an ninh quốc gia của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama – Thomas Donilon; và Wang Jisi, một chuyên gia về quan hệ Mỹ-Trung tại Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc.

Mỹ và Indonesia khởi động diễn tập hải quân

Ngày 12/9, tạp chí The Diplomat đăng bài viết “Mỹ và Indonesia khởi động diễn tập hải quân” của nhà báo Prashanth Parameswaran. Bài viết cho hay, ngày 7/9, Mỹ và Indonesia đã khởi động đợt diễn tập hải quân song phương (CARAT Indonesia) quan trọng lần thứ 23 giữa hai bên. Tác giả nhận định, CARAT Indonesia “là một ví dụ về mối quan hệ quân sự ngày càng phát triển giữa hai nước bất chấp một số thách thức dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump”.

CARAT Indonesia là một phần của một loạt các hoạt động song phương hàng năm được gọi là Hợp tác Huấn luyện và Sẵn sàng chiến đấu trên biển (CARAT) do Mỹ tiến hành với hải quân các nước đối tác đến từ khu vực Nam Á và Đông Nam Á, chủ yếu tập trung vào các vấn đề an ninh hàng hải. Trích dẫn nguồn tin từ Lầu Năm góc, tác giả cho biết cuộc tập trận sẽ tập trung vào hoạt động phối hợp thông thường. Giai đoạn diễn tập trên biển sẽ bao gồm việc huấn luyện trên biển trong môi trường chiến đấu nổi; giao lưu, quản lý, tìm kiếm và tập trung các cuộc diễn tập chống cướp biển; một cuộc tập bắn; và hoạt động tuần tra hàng hải; trong khi đó, các sỹ quan sẽ trao đổi kinh nghiệm về chiến thuật hải quân tại một loạt các cuộc hội thảo quân sự trên bờ cũng như những kỹ năng trong lĩnh vực nhận thức biển, các hội thảo hàng không…

Theo Lầu Năm Góc, CARAT Indonesia 2017 sẽ có ​​sự tham gia của hơn 300 sỹ quan quân sự Mỹ cùng với Hải quân và Thủy quân lục chiến Indonesia là Tentera Nasional Indonesia – Angkatan Laut (TNI-AL). CARAT Indonesia 2017 sẽ diễn ra ở Surabaya, trên vùng biển và vùng trời trên khu vực Java và Bali Seas, và sẽ kéo dài đến ngày 17/9.

Tác giả đánh giá rằng Indonesia là một nước có vai trò quan trọng khi tham gia với Mỹ hợp tác trong các vấn đề khác nhau, từ vấn đề Nhà nước Hồi giáo đến Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới