Wednesday, November 27, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTaxi nước Hồ Tây chống ùn tắc: Bóc nhiều điểm vô lý

Taxi nước Hồ Tây chống ùn tắc: Bóc nhiều điểm vô lý

Mở taxi nước trên Hồ Tây không có quá nhiều ý nghĩa trong việc giải quyết vấn đề ùn tắc của thành phố mà chủ yếu phục vụ du lịch.

Chỉ phục vụ du lịch

Liên danh Việt – Nhật đoạt giải nhì cho các giải pháp tổ chức giao thông, chống ùn tắc trên địa bàn TP Hà Nội, đã đề xuất phương án làm tuyến taxi nước trên Hồ Tây.

Theo các đơn vị này, việc xây dựng taxi nước trên Hồ Tây nhằm góp phần phát triển du lịch và giải quyết một phần nhu cầu đi lại giữa hai bờ Bắc – Nam Hồ Tây.

Bến taxi nước trên Hồ Tây được bố trí tại các điểm quảng trường, công trình công cộng dịch vụ. Khoảng cách giữa các bến khoảng 1 – 1,2 km, còn kết nối 2 điểm có khoảng cách trên 5 km nếu di chuyển bằng đường bộ.

Trao đổi với Đất Việt, PGS.TS Nguyễn Văn Hùng, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội không đánh giá cao giải pháp trên.

Theo ông Hùng, việc xây dựng taxi nước trên Hồ Tây không có quá nhiều ý nghĩa và tính hiệu quả trong việc giải quyết vấn đề ùn tắc của thành phố. Bởi lẽ khu vực xung quanh Hồ Tây không phải là điểm nóng về giao thông và thật sự cần thiết phải đưa ra biện pháp để ngăn chặn tắc đường.

“Taxi nước không biết xây dựng nhằm mục đích gì? Xây dựng cái đó thì ai đi và ai dùng? Tôi cho rằng việc làm taxi nước trên Hồ Tây chủ yếu nhằm khai thác mặt nước Hồ Tây phục vụ cho du lịch là chính chứ khả năng giải quyết ùn tắc giao thông thì khó làm được.

Để di chuyển từ 2 bên bờ đi những nơi khác thì lại phải làm kết nối. Nhưng việc này không phải đơn giản. Hơn nữa mở thêm tuyến đường taxi nước nhưng chuyện ô nhiễm môi trường phải tính toán như thế nào? Điều này trái với mong muốn của mọi người“, ông Hùng khẳng định.

Một vấn đề khác được ông Hùng nhắc đến, đó là đề xuất làm tuyến taxi nước trên Hồ Tây là một trong những phương án trong ý tưởng đạt giải nhì cuộc thi ý tưởng chống ùn tắc giao thông cho Hà Nội.

Đây là cuộc thi không tìm ra được giải nhất và những giải pháp mà liên doanh Việt – Nhật đưa ra ông Hùng cho rằng không mới, đã từng được nhiều chuyên gia trong ngành giao thông nhắc tới thời gian qua.

“Người dân đi phương tiện đến điểm dừng taxi nước. Đi sang bên kia lại phải sử dụng phương tiện khác. Chúng ta giải quyết bến bãi chỗ đó như thế nào để đạt hiệu quả? Việc này cần phải rà soát 1 cách cụ thể việc này“, ông Hùng lưu ý.

Dân lấy phương tiện kiểu gì?

TS Nguyễn Xuân Thủy, Nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông cũng cho rằng việc làm tuyến taxi nước trên Hồ Tây là một trong những giải pháp được đưa ra nhưng không phải là cách chống ùn tắc giao thông.

Theo TS Thủy, khu vực Hồ Tây không phải là điểm nóng về tắc đường của thành phố. Hơn nữa không ai đi phương tiện cá nhân đến hồ gửi tại đó rồi đi tiếp bằng taxi nước qua bờ bên kia để di chuyển tiếp. 

“Sau đó người dân lấy phương tiện đó bằng cách nào? Cùng với đó chúng ta phải có bến đỗ hợp lý cho người dân dừng các phương tiện.

Theo tôi taxi nước chủ yếu phục vụ du lịch thôi. Tức là ai đi chơi Hồ Tây thì có thể ngồi trên taxi nước để thăm quan xung quanh chứ dùng làm phương tiện giao thông thì ít lắm“, ông Thủy nhấn mạnh.

Ngoài ra TS Thủy nhận định, Hà Nội có điều kiện khác so với TP.HCM nên ý tưởng phát triển giao thông đường sông, hồ vào khu vực nội thành nhằm giải quyết ùn tắc giao thông rất khó thực hiện được.

TS Thủy dẫn chứng: “Tại TP.HCM, người dân có thể sử dụng ca nô hay thuyền đi từ các kênh vào nội thành. Viêc này sẽ giảm bớt lưu lượng xe đi trên bộ, chống ùn tắc thì có tác dụng. Họ sẽ đi vòng vèo qua các con đường vào nội thành.

Nhưng với Hà Nội, việc di chuyển chỉ nằm trong phạm vi 1 cái hồ. Nếu làm taxi nước thì thực tế cũng có tác dụng nhất định từ chỗ này qua chỗ kia. Nhưng thật ra người dân đi đường bộ thì tốt hơn. Phương án đưa ra không thật sự khả thi và tính hiệu quả ít”.

Đối với Hồ Tây, TS Nguyễn Xuân Thủy cho rằng các cơ quan nhà nước thay vì phát triển taxi nước nên nghĩ đến cách cho người dân đi thuyền để nghỉ ngơi và du ngoạn.

“Ngày trước chúng ta vẫn đi thuyền to để du lịch quanh hồ và việc này không ảnh hưởng gì đến ùn tắc cả. Tuy nhiên cần lưu ý đến vấn đề an toàn của thuyền và du khách trên thuyền”, ông Thủy nói.

RELATED ARTICLES

Tin mới