Wednesday, November 27, 2024
Trang chủĐàm luậnSự ổn định toàn cầu phụ thuộc phần lớn vào quan hệ...

Sự ổn định toàn cầu phụ thuộc phần lớn vào quan hệ Mỹ- EU

Cho đến nay, Mỹ vẫn cần một EU “mạnh mẽ và đoàn kết” trên tất cả các vấn đề có thể. Sự ổn định toàn cầu phụ thuộc phần lớn vào mối quan hệ giữa Mỹ và EU. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cũng chỉ ra rằng cả Mỹ lẫn châu Âu cần thực hiện những gì đã cam kết.

Những ngày đầu tháng 9 này, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang thực hiện chuyến thăm cấp nhà nước ở Hy Lạp để công bố “Tầm nhìn về tương lai EU”. Tất nhiên ông cũng không quên thảo luận cuộc khủng hoảng tài chính ở Hy Lạp.

Đây chính là thời điểm dễ gây ra những rạn nứt, thời điểm khiến Hy Lạp dễ rơi vào mối hoài nghi, liệu họ sẽ thuộc về EU hay vẫn đơn độc. Triết lý căn bản của Tổng thống Macron là EU cần được xây dựng lại theo hướng mở rộng dân chủ trong khối.

Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Đức cũng đã đề xuất biến đổi Cơ chế bình ổn châu Âu (ESM, tức là quỹ giải cứu Eurozone) thành một dạng EMF với nhiều quyền lực hơn để hỗ trợ các nước thành viên dễ bị tổn thương.

Phát biểu tại Athens, ông Macron tuyên bố ủng hộ ý tưởng của CHLB Đức về thành lập Quỹ Tiền tệ châu Âu (EMF). Tổng thống Pháp nhấn mạnh, mục đích cuối cùng là phải xây dựng một ngân sách riêng cho khu vực đồng tiền Euro.  Ông cũng cho rằng, cần có một Bộ trưởng Tài chính Eurozone và Nghị viện Eurozone để đối phó hiệu quả với các “cú sốc” kinh tế và đương đầu tốt hơn với các cuộc khủng hoảng trong tương lai. Còn vị Tổng thống Hy Lạp, ông Pavlopoulos cho biết Athènes ủng hộ các đề xuất của Pháp về một Eurozone gắn kết hơn.

Truyền thông quốc tế theo dõi sát sao chuyến công du của ông Emmanuel Macron đã không bỏ qua cử chỉ gây thiện cảm với nước chủ nhà trong chuyến thăm đầu tiên của ông tới Hy Lạp. Trong hai ngày lưu lại ở Athènes, Tổng thống Pháp kêu gọi các nước trong khu vực hãy hợp lực để cùng nhau tìm lại nguồn năng lượng nguyên thủy, sức mạnh tái thiết châu Âu. Theo Macron, đó là một châu Âu được tái lập dựa trên mục tiêu ưu tiên hàng đầu là tìm lại được chủ quyền tối cao, một châu Âu mạnh mẽ, bảo vệ được các thành viên và trong đó nền dân chủ là thuộc về nhân dân.

Trong những ngày đầu thu này Thủ tướng Đức, bà Merkel, đang trong chiến dịch tranh cử Quốc hội. Theo bà Merkel, sự ổn định toàn cầu hiện nay phụ thuộc phần lớn vào mối quan hệ giữa Mỹ và EU. Theo tin tức từ hãng DPA của Đức, trong khuôn khổ chuyến thăm Mecklenburg-Western Pomerania cuối tuần trước để gặp gỡ cử tri tại các điểm bầu cử, chiếc xe chở Thủ tướng đã bị ném cà chua. Những người biểu tình thuộc đảng “Sự thay đổi cho nước Đức” (AfD) liên tục hô to: “Hãy cút đi, cút đi !”. Tại thành phố Heidelberg trước đó nữa, khi bà Merkel phát biểu rằng, “đa số dân tị nạn đến châu Âu trong tình cảnh khốn khổ”, thì một người không rõ danh tính đã ném vào chiếc áo đỏ của bà Merkel hai quả cà chua. Nhưng bà vẫn giữ bình tĩnh, với nụ cười trên môi, rút khăn lau vết cà chua.

Theo các kết quả thăm dò mới nhất do Viện nghiên cứu Forsa và Deutschlandtrend, có tới 2/3 số cử tri tin tưởng vào chiến thắng của Thủ tướng Merkel; chỉ có 17% số cử tri cho rằng ông Schulz giành được lợi thế trước đối thủ. Đặc biệt ngay cả những cử tri ủng hộ các đảng tham gia tranh cử cũng đều phải thừa nhận rằng bà Merkel cùng liên đảng CDU/CSU đang có nhiều lợi thế khi cuộc tổng tuyển cử bầu quốc hội Liên bang Đức đang bước vào giai đoạn nước rút.

Còn nhớ trong vận động tranh cử trước đây, Tổng thống Pháp Macron từng cổ súy cho phát triển EU mạnh mẽ hơn nữa và ngăn ngừa thành viên khác ly khai EU như Anh (Brexit). Cũng không có gì khó hiểu trước khi tới Hy Lạp, Macron đã chọn Đức là điểm đến đầu tiên. Ông thừa biết, muốn thúc đẩy EU phát triển thì không thể thiếu được vai trò đầu tàu của Đức và nếu muốn gây dựng ảnh hưởng của Pháp trong quá trình này thì phải liên thủ được với Đức.

Cơ hội và điều kiện hiện tại càng thuận lợi sau khi Anh quyết định chọn Brexit và Mỹ có chính phủ mới với nhiều chính sách gây bất an. Trước đây, Đức và Pháp đã từng có thời gian dài là cặp bài trùng quyền lực trong EU, cùng nhau tạo thành Trục Đức – Pháp. Hiện tại Tổng thống Macron và Thủ tướng Đức Merkel tuy không tuyên bố công khai nhưng trong thực chất đều chủ định làm mới lại cặp bài trùng này, tái kiến tạo Trục Berlin – Paris thành đầu tàu và động lực cho cả đoàn tầu EU.

Cho đến nay, Mỹ vẫn cần một EU “mạnh mẽ và đoàn kết” trên tất cả các vấn đề có thể. Sự ổn định toàn cầu phụ thuộc phần lớn vào mối quan hệ giữa Mỹ và EU. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cũng chỉ ra rằng cả Mỹ lẫn châu Âu cần thực hiện những gì đã cam kết, đồng thời nhấn mạnh rằng thế giới sẽ rơi vào tình trạng tồi tệ nếu châu Âu bị phân rã. Trên tinh thần này, NATO vừa bày tỏ sự lo ngại trước cuộc tập trận giữa Nga và Belarus, ngay sát biên giới phía đông bắc EU. Cuộc tập trận Zapad-2017 của Nga và Belarus diễn ra từ 14 đến 20/9, với sự tham gia của khoảng 13.000 binh sĩ. Theo Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg, cuộc tập trận này tuy không đe dọa trực tiếp đến NATO, nhưng vẫn tố cáo Nga “thiếu minh bạch” trong hoạt động này. Ông Stoltenberg nhấn mạnh, việc Nga chỉ mời có ba quan sát viên NATO trong các ngày tập trận là không đủ, theo đánh giá của Tổ Chức An Ninh và Hợp Tác Châu Âu (OSCE).

“Sự lựa chọn châu Âu” ngay trong mùa thu sôi động này đang cần một thái độ dứt khoát của Mỹ và các cường quốc

RELATED ARTICLES

Tin mới