Saturday, December 21, 2024
Trang chủĐiểm tinKhông phải Mỹ, đây mới là thách thức lớn nhất của Quân...

Không phải Mỹ, đây mới là thách thức lớn nhất của Quân đội Nga

Theo National Interest, không phải Mỹ hay NATO, thách thức lớn nhất của Quân đội Nga lại là vấn đề ngân sách quốc phòng của nước này.

PAK-FA T-50 bay thử nghiệm.

Trong nhiều năm trở lại đây, Matxcơva đang phát triển thế hệ vũ khí mới khiến Mỹ và NATO nhấp nhỏm không yên.

Trên các trang báo Nga, không khó để có thể tìm kiếm những thông tin về mẫu tăng T-14, dàn chiến cơ tàng hình tối tân PAK-FA T-50 hay tàu sân bay lớp Shtorm có thể sánh ngang với Mỹ.

Và dưới chân mỗi bài báo ấy luôn là những thông điệp mà Nga muốn gửi tới các đối thủ của mình rằng các vũ khí của họ đã và đang được sản xuất và sẽ sớm đi vào sử dụng, nhưng National Interest cho rằng, thực tế lại không hoàn toàn như vậy.

Như tăng Armata T-14, cỗ máy bọc thép từng vẫn được tung hô là xe tăng chủ lực thế hệ ba duy nhất trên thế giới, ứng dụng công nghệ vượt trội so với các đối thủ phương Tây.

Xuất hiện lần đầu trong lễ duyệt binh ở Quảng trường Đỏ vào năm 2015, T-14 từng khiến Mỹ và NATO lo lắng bởi những tích năng tích hợp ấn tượng. NATO càng có cơ sở lo lắng hơn khi xuất hiện một số thông tin cho rằng 2.300 chiếc T-14 sẽ bắt đầu lăn bánh vào năm 2020.

Nhưng theo phân tích của Anh, Nga chỉ có thể sản xuất tối đa được 120 chiếc T-14 trong 1 năm, vậy nên con số 2.300 là phi thực tế.

Một trường hợp khác là tiêm kích tàng hình PAK-FA T-50 hay còn gọi là Su-57. Mẫu chiến đấu cơ thế hệ 5 này từng hứa hẹn sẽ đưa không quân Nga lên một tầm cao mới.

Theo dự kiến, 12 chiếc Su-57 sẽ sẵn sàng sải cánh vào năm 2018 hoặc 2019. Nhưng theo National Interest, những hạn chế về mặt công nghệ do thiếu kinh phí khiến những chiếc tiêm kích này không thể cất cánh trước năm 2020.

Nhưng không chỉ có Su-57 và T-14, rất nhiều những vũ khí của Nga vẫn đang đe dọa đối thủ trên giấy. Kể cả khi Matxcơva có thể lắp cánh hay lắp bánh cho những chiến cơ, xe tăng tối tân này, chúng với số lượng khá khiêm tốn cũng khó có thể thay đổi cán cân quân sự.

Nhưng ít ra, Su-57 và T-14 vẫn còn được Matxcơva dồn hết tâm sức phát triển. Nhiều vũ khí của Nga thậm chí còn gần như lặn mất tăm dù đã được truyền thông quan tâm ngay từ khi Matxcơva mới rò rỉ thông tin.

Tàu khu trục lớp Lider là một ví dụ. Mẫu chiến hạm từng được kỳ vọng sẽ vượt mặt tuần dương hạng nặng Ticonderoga của Mỹ này được cho là sẽ đi vào sử dụng trong khoảng 10 năm nữa. Nhưng vài tháng trước đây lại xuất hiện thông tin khẳng định Nga không đủ ngân sách để đóng mới loại tàu này trong giai đoạn 2018-2025.

Hay như S-500 Prometheus, hệ thống phòng không tân tiến bậc nhất của Nga với các tính năng vượt trội so với người tiền nhiệm S-400. Được phát triển từ năm 2009, S-500 được cho là sẽ đi vào hoạt động vào năm 2016 và 2017.

Tuy nhiên, việc 2 nhà máy sản xuất tên lửa N776 cho S-500 hiện vẫn chưa thể đi vào hoạt động hoàn toàn khiến nhiều giới quan sát cho rằng hệ thống phòng không này sẽ khó có thể sẵn sàng trước năm 2020.

Một điều có thể nhận thấy rõ ràng ở đây là không phải Nga không muốn trình làng hay đưa vào sử dụng các vũ khí tối tân của mình mà đơn giản là họ đang gặp vấn đề lớn về ngân sách. 

Theo các số liệu thống kê, Nga đang phải bỏ ra 50 tỷ USD để phát triển các loại vũ khí mới trong khi chi tiêu quốc phòng của Matxcơva năm 2016 ước tính vào khoảng hơn 60 tỷ USD, giảm 3-7% so với vài năm trở lại đây. Nguyên nhân của sự sụt giảm này được cho là do biến động của giá dầu và các biện pháp trừng phạt kinh tế từ Mỹ và phương Tây.

Mặc dù nằm trong những quốc gia dẫn đầu danh sách chi tiêu quốc phòng trên thế giới, nhưng con số 60 tỷ USD của Nga còn quá khiêm tốn so với 580 tỷ USD của Mỹ và 200 tỷ của Trung Quốc. Đó có thể là một trong những lý do khiến nhiều mẫu vũ khí của Nga thay vì được sản xuất hàng loạt, chỉ được đặt hàng theo số lượng hạn chế.

Nhưng mọi chuyện có thể sẽ còn khó khăn hơn khi Tổng thống Putin trong một tuyên bố mới đây khẳng định sẽ cắt giảm ngân sách quốc phòng trong vòng 3 năm tới để ưu tiên phát triển kinh tế.

Theo ông Alexey Arbatov, Giám đốc Trung tâm An ninh quốc tế thuộc Viện nghiên cứu Kinh tế và an ninh quốc tế Nga, việc liên tục cắt giảm chi tiêu quốc phòng có thể sẽ khiến Matxcơva bị ra khỏi danh sách các quốc gia chi tiêu quân sự hàng đầu thế giới dù rằng điều này theo ông sẽ không làm ảnh hưởng tới tiềm lực quân sự của Nga.

Dù vậy, giới chuyên gia cho rằng, việc ngân sách quốc phòng bị cắt giảm chắc chắn sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới những chương trình vũ khí tham vọng của Nga cũng như cam kết nâng tỉ lệ trang thiết bị quân sự hiện đại của lực lượng vũ trang lên mức 70% vào năm 2020.

RELATED ARTICLES

Tin mới