Đại hội 19 sẽ tổng kết, nâng cao một số vấn đề về lý luận, đường lối chấp chính của đảng, và khẳng định “thời đại Tập Cận Bình” đã đến.
Phó chủ tịch Tập Cận Bình khi được bầu làm tổng bí thư ban chấp hành trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc. Ảnh: FP
Một khi danh tính được đưa vào điều lệ, vị thế của ông Tập Cận Bình trong đảng sẽ sánh ngang với Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình. Nếu không, ông Tập Cận Bình chỉ được đánh giá theo cách tương tự như người tiền nhiệm Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào. Đại hội 19 có thể sẽ ghi tiếp “4 toàn diện” vào định nghĩa đã được đề cập tại Đại hội 18 – Hệ thống lý luận CNXH mang đặc sắc Trung Quốc là hệ thống lý luận khoa học, bao gồm “lý luận Đặng Tiểu Bình”, “3 đại diện” – của Giang Trạch Dân, “quan điểm phát triển khoa học” – của Hồ Cẩm Đào, sự kiên trì và phát triển của Chủ nghĩa Mác-Lenin và tư tưởng Mao Trạch Đông. Một học thuyết, một tư tưởng, thậm chí một hệ thống lý luận mang tên Tập Cận Bình nếu không ra đời ngay tại Đại hội 19, cũng sẽ xuất hiện trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Tập Cận Bình (2017-2021). Và việc “Bố trí chiến lược mới 4 toàn diện” sẽ là chủ đề trung tâm trong báo cáo chính trị và thảo luận tại Đại hội 19, và là cốt lõi của “hệ thống lý luận Tập Cận Bình” khi nó ra đời.
Ngày 18-9, Bộ Chính trị đã thảo luận về bản dự thảo hiến pháp tại hội nghị do ông Tập Cận Bình chủ trì. Bản dự thảo hiến pháp sẽ được trình tại Hội nghị Trung ương 7, dự kiến diễn ra vào ngày 11-10. Và việc sửa đổi hiến pháp sẽ được thông qua tại Đại hội 19. Phó trưởng ban Tuyên truyền Trung ương Tưởng Kiến Quốc cũng từng tuyên bố với báo giới: Tư tưởng chiến lược mới về trị quốc của ông Tập Cận Bình đã trở thành một hệ thống tư tưởng hoàn chỉnh, khoa học và thực tiễn. Theo tập san Nghiên cứu Xây dựng Đảng, “Tư tưởng Tập Cận Bình” ưu tiên việc xây dựng “5 trong 1”, tức phát triển hài hòa giữa kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và sinh thái.
Các chính sách thúc đẩy mục tiêu này được tổng kết trong “lý luận tứ toàn” – xây dựng xã hội khá giả toàn diện, cải cách sâu sắc toàn diện, quản lý đất nước bằng pháp luật toàn diện và quản lý đảng nghiêm khắc toàn diện. Tạp chí Cầu Thị của Đảng mới đăng bài “Tư tưởng của Tổng Bí thư Tập Cận Bình về ngoại giao” của Ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì, nguyên Ngoại trưởng Trung Quốc. Tờ Bắc Kinh nhật báo đăng bài “Lấy tư tưởng quan trọng của Tổng Bí thư Tập Cận Bình làm kim chỉ nam căn bản” của Bí thư thành ủy Bắc Kinh Thái Kỳ.
Theo thông lệ, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị được chọn từ Ủy viên Bộ Chính trị, trừ một số trường hợp cá biệt như cựu Thủ tướng Chu Dung Cơ, từ Ủy viên dự khuyết Trung ương khóa 13 vào thẳng Thường vụ Bộ Chính trị khóa 14 năm 1992, hoặc ông Tập Cận Bình từ Ủy viên Trung ương khóa 16 vào thẳng Thường vụ Bộ Chính trị khóa 17 năm 2007. Và ông Tập Cận Bình có êkíp, có quan hệ xã hội rộng, có cơ sở và lực lượng ủng hộ từ Trung ương đến địa phương.
Bản thân ông Tập Cận Bình có uy tín, kết hợp tư chất, bản lĩnh, kinh nghiệm và thủ đoạn chính trị tạo nên tư duy sáng tạo, đổi mới toàn diện và quyết đoán trong hành động. Ngoài chức Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quân ủy Trung ương, Tập Cận Bình còn trực tiếp đứng đầu “Tổ lãnh đạo Trung ương về đi sâu cải cách toàn diện”, trực tiếp điều hành ít nhất 7 cơ chế lãnh đạo quan trọng khác.
Sau khi lên nắm quyền, ông Tập Cận Bình đã thăm gần 30 quốc gia, trải đều cả 5 châu lục để tuyên truyền cho cái gọi là “Ngoại giao nước lớn” của Trung Quốc. Bởi với tư cách là một cường quốc đang trỗi dậy, Trung Quốc nên làm những gì họ cảm thấy là đúng, vào bất cứ lúc nào và khi nào Bắc Kinh muốn.
Công tác ngoại giao đã và sẽ triển khai xoay quanh 4 trục lớn. Đó là tăng cường ngoại giao nước lớn, lấy xây dựng “quan hệ nước lớn kiểu mới Trung-Mỹ” làm trọng tâm; Đẩy mạnh điều chỉnh “ngoại giao láng giềng”, giải tỏa các uy hiếp an ninh trong môi trường đối ngoại xung quanh Trung Quốc; Triển khai chiến lược “1 vành đai, 1 con đường”, tạo đột phá cho thúc đẩy “ngoại giao láng giềng”, tạo đối trọng với “Tái cân bằng” của Mỹ; Đẩy mạnh chính sách ngoại giao nước lớn.
Ngày 23-8, tại Hội chợ triển lãm sách quốc tế Bắc Kinh lần thứ 24, cuốn “Thoát khỏi nghèo khó” của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quân ủy Trung ương Tập Cập Bình chính chức ra mắt tại Trung Quốc (cả bản tiếng Anh và tiếng Pháp do Nhà xuất bản Ngoại văn thuộc Cục Ngoại văn Trung Quốc xuất bản). Cuốn “Tập Cận Bình: Về quản lý đất nước Trung Quốc” cũng ra mắt nhân dịp này (phát hành từ tháng 9-2014, hiện đã xuất bản bằng 21 thứ tiếng, với 6 triệu 420 nghìn cuốn, tại hơn 160 nước và vùng lãnh thổ).