Saturday, October 19, 2024
Trang chủĐiểm tinBản tin Biển Đông ngày 05/10

Bản tin Biển Đông ngày 05/10

Bản tin Biển Đông ngày 05/10/2017.

Các nước trong tranh chấp Biển Đông cần có lập trường chung nhằm tránh xung đột

Tờ New Straits Times đưa tin, ngày 4/10, phát biểu tại một cuộc họp báo sau buổi lễ khai mạc Hội nghị Biển Đông lần thứ 6 của Viện Biển Malaysia và Triển lãm Đại dương quốc tế năm 2017, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Malaysia Nur Jazlan Mohamed kêu gọi các bên trong tranh chấp Biển Đông cần cùng nhau xây dựng một lập trường chung có lợi cho tất cả các bên, thay vì tranh giành quyền chủ quyền ở khu vực. Cụ thể ông cho rằng các bên cần “tiến hành đàm phán và thực hiện kiềm chế trên tất cả các mặt để tránh xảy ra bất cứ cuộc xung đột nào”. Bên cạnh đó, tại hội nghị ông cũng kêu gọi các bên cần hợp tác nhằm quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên tốt hơn nữa, trong bối cảnh đời sống sinh vật biển khu vực đang bị suy thoái nghiêm trọng. Theo ông, việc quản lý tốt, đảm bảo một môi trường thuận lợi, các hoạt động dựa trên biển và đất của con người mang tính bền vững là những điều kiện cần để giảm các tác động tiêu cực đến môi trường biển.

Cựu đô đốc Úc khẳng định Úc sẽ tái triển khai lực lượng hải quân quay trở lại khu vực

Ngày 5/10, tờ The Australian đưa tin, Cựu Chuẩn Đô đốc Úc James Goldrick đã kêu gọi quân đội Úc tái triển khai các hoạt động hải quân tới Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương để phản đối hành động bành trướng quân sự cửa Trung Quốc, mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên và ngăn chặn các nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo ở Indonesia và Philippines. Theo ông Goldrick “đã đến lúc Úc cần tập trung những nỗ lực trên biển tới các khu vực Úc có lợi ích chiến lược trực tiếp ở Tây Thái Bình Dương, khu vực mà Úc đang phải đối mặt với những thay đổi quan trọng trong cân bằng quyền lực”. Ông cũng nêu rõ “hoạt động trên biển của Úc cần đặc biệt tập trung vào khu vực Biển Đông nhằm phản ánh những lợi ích lâu dài của Úc trong việc duy trì quyền tự do qua lại quốc tế”.

Thẩm phán Tòa tối cao Philippines cảnh báo hành động coi thường luật pháp quốc tế ở Biển Đông là nguy cơ nghiêm trọng nhất đối với Philippines kể từ Thế chiến thứ II

Ngày 4/10, trang Châu Á và Thái Bình Dương của Đại học Quốc gia Úc đưa tin, tại một sự kiện được tổ chức tại Đại học Quốc gia Úc tuần trước, Thẩm phán Tòa án tối cao Philippines Antonio Tiroln Carpio đã khẳng định rằng hành động coi thường Phán quyết của Tòa Trọng tài vụ kiện Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc ngày 12/7/2016 là “nguy cơ đe dọa từ bên ngoài nghiêm trọng nhất đối với Philippines kể từ Thế chiến thứ II”. Ông Carpio đặc biệt lo ngại rằng việc xây dựng các cơ sở quân sự với các căn cứ được tăng cường trên các đảo nhân tạo có thể giúp các phi cơ chiến đấu nước này “tới được Palawan chỉ trong chưa đầy 20 phút”. Không những thế, những hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông cũng đã gây ra mối lo ngại không chỉ cho các nước đối tác khu vực mà còn cho các nước khác trên thế giới mong muốn những vấn đề pháp lý liên quan đến các vùng biển quốc tế được làm sáng tỏ. Ông khẳng định các nước trong và ngoài khu vực đang nỗ lực giúp Phán quyết của Tòa Trọng tài được thực thi, thông qua các cam kết sẽ đưa các tàu và máy bay tới Biển Đông để duy trì quyền tự do hàng hải. Tuy nhiên, dù tình hình Biển Đông vẫn tiếp tục căng thẳng, Thẩm phán Carpio cho rằng tranh chấp Biển Đông vẫn sẽ tìm ra giải pháp dựa trên các tiền lệ trước đây, chẳng hạn như việc Israel và Jordan ký Hiệp ước Hòa bình năm 1994 và tuyên bố thiết lập một khu vực bảo tồn biển ở khu vực Biển Đỏ như một “giải pháp đôi bên cùng có lợi”.

RELATED ARTICLES

Tin mới