Chính xác thì các công nhân Triều Tiên vẫn đang làm việc tại những nơi cung cấp hải sản cho các cửa hàng, nhà hàng ở Mỹ, một phóng sự của AP mới đây cho biết.
Nói cách khác thì một tình huống trớ trêu đang xảy ra: chính quyền Mỹ muốn khống chế hầu bao của Triều Tiên, nhưng người dân thì vô tình tạo công ăn việc làm cho người Triều Tiên.
Trong nhiều năm qua, Triều Tiên vẫn hứng chịu lệnh trừng phạt, cô lập kinh tế do chương trình phát triển vũ khí hạt nhân, tên lửa của mình.
Một trong những cách để người dân Triều Tiên kiếm tiền – mà theo Mỹ cáo buộc là “nhằm gửi về nước phục vụ hạt nhân” – là gửi hàng chục ngàn công nhân ra nước ngoài làm việc theo dạng xuất khẩu lao động.
Trong số rất nhiều công việc khác nhau có thể đảm nhiệm, công nhân Triều Tiên xuất hiện ở các công ty chế biến hải sản có hàng xuất khẩu tới nhiều nước trên thế giới. Danh sách này dĩ nhiên bao gồm cả Mỹ, nơi người dân vẫn mua cá cho các bữa ăn tối tại những cửa hàng lớn.
Hãng tin AP viết trong phóng sự đăng ngày 5-10 ví von rằng rất nhiều trong số tiền mua cá trên “vô tình trợ cấp cho chính phủ Triều Tiên để theo đuổi chương trình vũ khí hạt nhân”.
“Việc mua hải sản của người Mỹ cũng có lẽ đã hỗ trợ cho cái mà họ gọi là ‘nô lệ thời hiện đại’ – kể cả khi đó là những công việc mà người Triều Tiên rất muốn làm”, AP viết.
Khi đến các nhà máy ở Trung Quốc, đơn cử như Hunchun, người ta có thể nhìn thấy nhiều công nhân Triều Tiên nơi đây đang làm việc 12 giờ/ngày, và chỉ nghỉ một ngày trong tuần.
Theo ghi nhận của AP, sự riêng tư của công nhân là điều không thể có. Họ không được rời khỏi khu vực ấy nếu không được cho phép. Họ không được dùng điện thoại di động, trong khi tiền lương của họ chỉ nhận một phần và 70% còn lại thuộc về chính quyền Bình Nhưỡng.
Hồ sơ của các đợt chuyển hàng cho thấy có ba nhà chế biến hải sản thuê công nhân Triều Tiên đã xuất khẩu sang Mỹ. Trong đó “100 đợt hàng hải sản tương đương 2.000 tấn đã được chuyển tới Mỹ và Canada trong năm nay từ các công ty Trung Quốc có người Triều Tiên làm việc”.
Các nhà máy trên cung cấp cua tuyết, phi-lê cá hồi và mực ống. Ngoài Mỹ, họ cũng đã xuất khẩu những mặt hàng này tới Đức và một số khu vực thuộc Liên minh châu Âu (EU).
Với việc Mỹ muốn trừng phạt những ai làm ăn với Triều Tiên, phát hiện của hãng tin AP nêu trên cũng đồng nghĩa một số nhà nhập khẩu ở Mỹ đối diện nguy cơ bị phạt hình sự.
Luật mới do tổng thống Donald Trump ký hồi tháng 8 qua quy định bất cứ ai nhập khẩu hàng hóa do công nhân Triều Tiên làm ra trên thế giới sẽ đồng nghĩa với phạm tội cấp liên bang.