Cụm tấn công tàu sân bay USS Ronald Reagan đã lên đường đến vùng biển bán đảo Triều Tiên tiến hành tập trận chung với Hàn Quốc. Triều Tiên có thể phóng hàng loạt tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-14.
Tàu sân bay USS Ronald Reagan, Hải quân Mỹ ở Hồng Kông. Ảnh: South China Morning Post.
Hãng tin Interfax Nga ngày 6/10 cho hay các nguồn tin xác nhận cụm chiến đấu tàu sân bay USS Ronald Reagan cùng ngày đã rời Hồng Kông tiến ra Biển Đông, lên đường tới bán đảo Triều Tiên.
Trong cụm chiến đấu này, ngoài tàu sân bay USS Ronald Reagan, còn có vài tàu chiến đi theo như tàu tuần dương tên lửa, tàu khu trục Aegis (có thể tiêu diệt bất cứ tên lửa đạn đạo nào của Triều Tiên) và tàu ngầm hạt nhân tấn công lắp tên lửa hành trình Tomahawk.
Hãng tin Yonhap Hàn Quốc dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết trong bối cảnh tình hình bán đảo Triều Tiên trầm trọng hơn, cụm chiến đấu tàu sân bay Mỹ sẽ tham gia cuộc tập trận chung với các tàu chiến Hải quân Hàn Quốc ở vùng biển Nhật Bản – khu vực lân cận bờ biển Triều Tiên – vào trung tuần tháng 10 tới.
Quân đội Hàn Quốc cho biết: “Chúng tôi đã tiến hành trao đổi với Mỹ về kế hoạch hành động ở biển Nhật Bản vào ngày 15/10 của cụm chiến đấu tàu sân bay USS Ronald Reagan”.
Các tàu chiến Mỹ và Hàn Quốc sẽ tập luyện phát hiện, theo dõi hoạt động phóng, quỹ đạo bay của tên lửa đạn đạo Triều Tiên và tập tiến hành đánh chặn.
Một đại diện bộ tư lệnh quân Mỹ tại Hàn Quốc cho biết thời gian cuối cùng đến bờ biển bán đảo Triều Tiên của tàu sân bay USS Ronald Reagan vẫn còn chưa rõ. Ông nói: “Tàu sân bay rất có thể tham gia cuộc tập trận vào ngày 20/10, kế hoạch hành động cuối cùng còn chưa xác định, tất cả tùy thuộc vào tình hình. Ngoài ra, tàu sân bay dự kiến sẽ đậu tại cảng Busan”.
Theo tờ Sputnik Nga ngày 6/10, Mỹ điều tàu sân bay động cơ hạt nhân USS Ronald Reagan đến vùng biển Triều Tiên để tiến hành tập trận chung với phía Hàn Quốc nhằm gây sức ép đối với Triều Tiên.
Chuyên gia quân sự Nga Vasilii Cashin cho rằng trong thời điểm quân đội Mỹ tập kết rất nhiều ở khu vực này, Triều Tiên có khả năng phóng một loạt tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-14 tới Bắc Thái Bình Dương và trên bầu trời lãnh thổ Nhật Bản.
Mỗi hành động cứng rắn của Triều Tiên đều sẽ bị chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra phản ứng mạnh mẽ. Đồng thời, Triều Tiên tích cực tích trữ nhiên liệu và các vật tư chiến lược khác để có thể vượt qua được các cuộc phong tỏa toàn diện khi cần thiết.
Chỉ có Triều Tiên và Mỹ tiến hành khởi động đối thoại chính thức và trực tiếp thì mới có thể ngăn chặn được sự phát triển tiêu cực của tình hình. Nói chung, việc thảo luận liên quan đến điều kiện khởi động đàm phán có tính khách quan, nhưng triển vọng không rõ ràng.
Ngoài ra, theo tờ Nhật báo phố Wall Mỹ ngày 6/10, các nghị sĩ Mỹ đã đẩy mạnh tiến hành gây sức ép lên chính quyền Tổng thống Donald Trump, yêu cầu chính phủ phải mở rộng trừng phạt đối với Triều Tiên. Các quan chức Mỹ và Liên hợp quốc cho rằng có vài chục doanh nghiệp là một bộ phận trong mạng lưới tài chính của Triều Tiên.
Liên hợp quốc đã tập hợp được một nhóm chuyên gia để nghiên cứu tình hình Triều Tiên né tránh trừng phạt. Nhóm này đã xác định được các doanh nghiệp đến từ các nước như Malaysia và Triều Tiên gần 40 năm qua, cho rằng những doanh nghiệp chưa nằm trong danh sách trừng phạt tài chính của Mỹ này đã giúp Triều Tiên né tránh trừng phạt, tài trợ cho chương trình hạt nhân và quân sự của Triều Tiên.
Ngoài ra, các nghị sĩ và quan chức Bộ Tài chính Mỹ đã liệt kê mười mấy công ty và tàu biển khác. Họ cho rằng những công ty và tàu chưa nằm trong danh sách trừng phạt này cũng đã cung cấp tài chính hoặc giúp đỡ chính quyền Triều Tiên né tránh trừng phạt.
Danh sách này bao gồm các ngân hàng, công ty vận tải biển, nhà xuất khẩu, nhà cung ứng vũ khí và một số công ty khác kinh doanh ở Malaysia, Singapore và Tây Phi. Có một số nghị sĩ Mỹ cho rằng chính quyền Donald Trump còn chưa tiến hành trừng phạt nghiêm khắc.