5 Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị khóa 19 sẽ đực lựa chọn từ 11 Ủy viên Bộ Chính trị khóa 18 còn lại đáp ứng quy định về độ tuổi và không phải là tướng lĩnh quân đội.
Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường
Cơ cấu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị
Trên cơ sở các quy định bất thành văn trên, trong số 7 Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị khóa 18 hiện nay, nếu không có gì bất ngờ thì ngoài Tập Cận Bình (sinh 15/6/1953) và Lý Khắc Cường (01/7/1955), 5 người còn lại sẽ về hưu, gồm các ông: Trương Đức Giang (Ủy viên trưởng Nhân đại toàn quốc – Chủ tịch Quốc hội (sinh tháng 11/1946); Du Chính Thanh (Chủ tịch Chính hiệp toàn quốc – Chủ tịch Trung ương Mặt trận Tổ quốc(sinh tháng 4/1945); Trương Cao Lệ, Phó Thủ tướng Thường trực (sinh tháng 11/1946); Lưu Vân Sơn, Thường trực Ban Bí thư (sinh tháng 7/1947) và Vương Kỳ Sơm, Trường ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương (sinh tháng 7/1948). Những người ngồi vào 5 ghế trống này sẽ đực lựa chọn trong số 18 Ủy viên Bộ Chính trị còn lại, nhưng phải tiếp tục trừ đi:
– 2 Ủy viên Bộ Chính trị đến từ quân đội là các Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương – Phạm Trường Long và Hứa Kỳ Lượng. Vì ở Trung Quốc trong những khóa gần đây không có thông lệ tướng lĩnh quân đội được tấn thăng vào Thường vụ Bộ Chính trị;
– 5 Ủy viên Bộ Chính trị tới Đại hội 19 sẽ quá tuổi, gồm: Phó Thủ tướng Chính phủ – Lưu Dương Đông (1945); Bí thư Chính pháp Trung ương- Mạnh Kiến Trụ (1947); Phó Thủ tướng Chính phủ – Mã Khải (1946); Phó Ủy viên Trưởng Nhân đại toàn quốc – Lý Kiến Quốc (1946) và Bí thư Thành ủy Bắc Kinh – Quách Kim Long (1947).
Như vậy, 5 Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị khóa 19 sẽ đực lựa chọn từ 11 Ủy viên Bộ Chính trị khóa 18 còn lại đáp ứng quy định về độ tuổi và không phải là tướng lĩnh quân đội.
Tiếp tục tiến hành phân tích về độ tuổi sẽ thấy trong số 25 Ủy viên Bộ Chính trị, bao gồm cả 7 vị là Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, có 11 người sinh vào thập niên 1940, 12 người sinh thập niên 1950 và 2 người sinh năm 1963 là Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông – Hồ Xuân Hoa và Bí thư Thành ủy Trùng Khách – Tôn Chính Tài. Căn cứ vào việc hai nhân vật này được đưa đi nắm chính quyền ở hai địa phương quan trọng và nếu chiểu theo quy định thứ hai về việc lựa chọn, đào tạo lãnh đạo, hai nhân vật này gần như chắc suất vào Thường vụ Bộ Chính trị khóa 19 để bồi dưỡng trở thành lãnh đạo kế nhiệm Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường. Điều đó cũng có nghĩa 9 Ủy viên Bộ Chính trị đáp ứng yêu cầu về độ tuổi và không phải là tướng lĩnh quân đội sẽ cạnh tranh 3 xuất còn lại trong Thường vụ Bộ Chính trị khóa 19, gồm:
– Ông Lật Chiến Thư (1950), Bí thư Trung ương Đảng – Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương. Hiện nay trong các tâm điểm dư luận, trường hợp của Lật Chiến Thư ít gặp tranh cãi nhất. Cho nên có chuyên gia nhận định: Dù Lật Chiến Thư năm nay bị kẹt bởi quy định “thất thượng, bát hạ”, nhưng khả năng nhân vật này tiếp tục phò tá Tập cận Bình. Như vậy sự nghiệp Lật Chiến Thư xuất hiện dấu hiệu tốt.
– Triệu Lạc Tế (3/1957), Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương. So với Trương Xuân Hiền, Lưu Kỳ Bảo và Lật Chiến Thư thì Triệu Lạc Tế là người duy nhất đủ tiêu chuẩn về độ tuổi để lưu nhiệm Ủy viên Bộ Chính trị tại Đại hội 20 và trên cơ sở đó tấn thăng vào Thường vụ Bộ Chính trị. Do vậy có thể nói, dù Đại hội 19 Triệu Tế Lạc không vào được Thường vụ Bộ Chính trị, nếu không có bất ngờ lớn thì tới Đại hội 20 nhân vật này vẫn đứng trước cơ hội tấn thăng ở tuổi 65. Thậm chí có chuyên gia còn mạnh dạn dự đoán Đại hội 19 này Triệu Lạc Tế sẽ được tấn thăng vào Thường vụ Bộ Chính trị, làm Thường trực Ban bí thư, chủ quản đồng thời cả hai lĩnh vực tổ chức và tuyên truyền.
– Uông Dương (3/1955), Phó Thủ tướng Chính phủ. Theo nhận định của giới truyền thông, nhân vật này có sắc thái phe phái, trước đây có quan hệ gần gũi với Lệnh Kế Hoạch- nhân vật cấu kết với Chu Vĩnh Khang phục vụ âm mưu chính biến lật đổ Tập cận Bình. Đối với một người có bụng dạ không phải rộng rãi, khoan dung như Tập Cận Bình, mối quan hệ giữa Uông Dương với Lệnh Kế Hoạch không phải là chuyện tốt cho tương lai chính trị của Uông Dương. Theo các chuyên gia Uông Dương có thể trở thành “ngựa ô phi không tới đích.
– Vương Hộ Ninh (10/1955), Trưởng ban Nghiên cứu Chính sách Trung ương. Tạp chí “Chính trị Kinh tế” cho rằng Vương Hộ Ninh ít có cơ hội được tấn phong vào Thường vụ Bộ Chính trị vì nhân vật này vào dạng “quân sư tam triều”, lãnh đạo kiểu học giả, chỉ làm tham mưu, chắp bút chứ không phải một chính trị gia hay nhà lãnh đạo thực thụ. Một cản trở khác đối với Vương Hộ Ninh là đã mật báo cho Lệnh Kế Hoạch về việc nhân vật này đang bị điều tra, nên Vương Hộ Ninh đã bị kiểm điểm 2 lần trước Bộ Chính trị. Nhưng gần đây, nhân vật này đang có sự thay đổi chuyển từ hậu trường lên phía trước vũ đài chính trị. Bằng chứng rõ nhất là Vương Hộ Ninh được giao giữ chức Tổ phó Thường trực Tổ lãnh đạo Công tác xây dựng “một vành đai, một con đường” (vành đai kinh tế con đường tư lụa trên bộ và con đường tư lụa trên biển thế kỷ 21).
– Lý Nguyên Triều (11/1950), Phó Chủ tịch nước. Theo nguồn tin của Tạp chí Minh Kính, vấn đề nghiêm trọng nhất của Lý Nguyên Triều chính là cấu kết bè đảng với Lệch Kế Hoạch. Hiện tương lai của Lý Nguyên Triều bước vào thời kỳ đếm ngược. Có thể dự đoán sau cú sảy chân tại Đại hội 18, giấc mộng vào Thường vụ Bộ Chính trị khóa 19 của nhân vật này nhiều khả năng tan vỡ.
– Hàn Chính (4/1954), Bí thư Thành ủy Thượng Hải. Theo Tạp chí Kinh tế Chính trị, nhân vật này được Giang Trạch Dân bảo vệ và tấn cử, nhưng không được đánh giá cao về khả năng tấn thăng vì chỉ trải nhiệm ở công tác thuần túy ở Thượng Hải, mang sắc thái địa phương quá đậm.
– Tôn Xuân Lan (5/1950), Phó Chủ tịch Chính hiệp toàn quốc, kiêm Trưởng ban Mặt Trận Thống nhất Trung ương. Nhân vật này ít có thành tích nổi bật, lại bị cản trở về tuổi tác nên cơ hội tấn phong xem ra không lớn.
– Lưu Kỳ Bảo (1/1953), Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên truyền Trung ương. Theo tờ Tin tức Thế giới, Tập Cận Bình tỏ ra bất bình với việc Ban Tuyên truyền Trung ương không thể lĩnh hội và truyền tải chính xác, thậm chí còn cố tình bóp méo tư tưởng của mình. Ngoài ra Lưu Kỳ Bảo còn phải chịu trách nhiệm về những vụ bê bối xảy ra trong thời gian nắm chính quyền ở Tỉnh Tứ Xuyên. Theo giới truyền thông, mặc dù Lưu Kỳ Bảo ngồi ở vị trí cơ cấu nhưng chưa chắc được cơ cấu.
– Trương Xuân Hiền (4/1953), Bí thư Đảng ủy Khu tự trị Tân Cương. Theo giới thạo tin nhân vật này bị dính líu tới hoạt động bè đảng của Chu Vĩnh Khang. Ngoài ra kể từ khi Trương Xuân Hiền về nắm quyền ở Tân Cương, nhân vật này đã chuyển sang thực hiện chính sách “cương nhu kết hợp” thay cho chính sách “cứng rắn” dưới thời Vương Lạc Tuyền để duy trì ổn định. Tuy nhiên, Tân Cương vẫn không ngừng xảy ra bạo lực đổ máu. Có thông tin cho rằng, vì lẽ đó Trương Xuân Hiền nhiều lần bị nhà lãnh đạo Tập cận Bình phê phán. Nhân vật này xem ra mũ ô sa còn khó giữ.
Tình hình càng phức tạp khi Trung Quốc bắt tay vào công tác chuẩn bị cho Đại hội 19 trong bối cảnh kinh tế sa sút. Cuộc chiến chống tham nhũng có thể giúp Tập Cận Bình củng cố quyền lực, nhưng ông đã kiểm sát tuyệt đối được tình hình hay chưa? Câu trả lời vẫn bỏ ngỏ! Nghi ngờ phần nào có cơ sở kết thúc kỳ họp Lưỡng hội 2016, vị trí “hạt nhân lãnh đạo” của Tập Cận Bình vẫn chưa được xác lập, còn tư tưởng trị quốc “Bốn toàn diện” gần đây đã giảm bớt tần xuất hiện diện trên truyền thông.
Nhìn vào đội ngũ thân tín của Tập cận Bình hiện nay, sự mỏng yếu thể hiện rõ, nhất là ở thê đội kế cận, bởi cùng lắm họ chỉ là Ủy viên Trung ương. Do vậy nếu không xảy ra đột biến, Tập Cận Bình rất khó có thể đảo lộn thế bố trí của các bậc tiền nhiệm. Hơn nữa khi đã thâu tóm quyền tối thượng tại các tổ lãnh đạo công tác Trung ương, bao gồm cả lĩnh vực kinh tế tài chính vốn thuộc Thủ tướng, Tập Cận Bình sẽ khó thoái thác trách nhiệm khi tăng trưởng lao dốc, thất nghiệp gia tăng.
Đồng thời cuộc chiến chống tham nhũng cùng quyết định cắt giảm đãi ngộ, đặc quyền của nhiều tập đoàn lợi ích cũng sẽ đặt Tập Cận Bình trước những thách thức không nhỏ. Nói cách khác, vấn đề sắp xếp nhân sự Đại hội 19 khó có thể theo ý lãnh đạo thế hệ thứ 5; cuộc chiến để thoát khỏi ảnh hưởng của “thái thượng hoàng” và “Hoàng Tổ phụ” sẽ khiến công tác nhân sự thêm nhiều biến cố.
Từ Đại hội 16 đến Đại Hội 18, truyền thông hải ngoại, nhất là các ấn phẩm của Nhà xuất bản Minh Kính đều sớm tiết lộ các phương án nhân sự cấp cao của cả ba khóa ngay cả khi các đại biểu chưa bỏ phiếu bầu Ban Chấp hành trung ương. Đáng kinh ngạc là các phương án đó đều đúng tuyệt đối về cơ cấu, nhân sự cụ thể và thứ tự quyền lực trong ban lãnh đạo mỗi khóa, từ Đảng cho đến chính quyền. Có thể nói truyền thông bên ngoài Trung Quốc Đại lục đã trở thành “Đài khí tượng dự báo thời tiết chính trị Trung Nam Hải”.