Cần phải sớm làm rõ trách nhiệm để xử lý thật nghiêm làm gương cho người sau, chứ cứ bỏ qua việc xem nhẹ cả ngàn tỷ đồng tiền thuế là có tội với nhân dân.
Riêng năm 2016 nhà máy đạm Hà Bắc, một trong 12 nhà máy của Bộ Công Thương ghi nhận lỗ 1.042 tỷ đồng.
Những con số đội vốn giật mình từ vài ngàn tỷ đồng đến cả chục ngàn tỷ đồng và tình trạng thi công ì ạch, chậm tiến độ hay vỡ kế hoạch vận hành thử nghiệm là thực tế đang tồn tại của một số dự án metro tại thành phố Hồ Chí Minh và dự án đường sắt đô thị trên cao tại Hà Nội.
Tại Hà Nội có thể thấy hai dự án đường sắt trên cao là Cát Linh – Hà Đông và Nhổn – Ga Hà Nội vẫn ì ạch thi công với tốc độ rùa bò thì không biết bao giờ mới hoàn thành.
Còn tại Thành phố Hồ Chí Minh, hai dự án metro là dự án metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) tăng khoảng 30 ngàn tỷ đồng so với mức phê duyệt ban đầu và dự án metro số 2 (Bến Thành – Tham Lương) bị đội vốn 700 triệu đô la Mỹ.
Không chỉ các dự án metro và đường sắt trên cao vừa qua dư luận cũng vô cùng choáng trước những khoản tiền thua lỗ khủng của 12 dự án, nhà máy thuộc ngành công thương.
Con số thua lỗ của 12 dự án, nhà máy thuộc Bộ Công Thương lên đến cả nghìn tỷ đồng.
Theo đó, tổng vốn đầu tư của 12 dự án này lên đến 63.610 tỷ đồng (trong đó vốn sở hữu là 14.305 tỷ đồng còn lại 47.000 tỷ đồng là đi vay).
Như nhà máy sản xuất phân đạm Ninh Bình tính hết năm 2016 lỗ lũy kết lên đến 3.163 tỷ đồng, riêng năm 2017 lỗ hơn 1.078 tỷ đồng.
Riêng Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) đã chiếm đến 4 dự án gồm: Dự án nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình, dự án cải tạo và mở rộng nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc, dự án nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 – Lào Cai, dự án nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 – Hải Phòng.
Ngành công thương còn có hai dự án làm ăn thua lỗ thuộc về lĩnh vực gang thép là nhà máy gang thép Thái Nguyên và dự án nhà máy thép Việt – Trung (VTM).
Ngoài ra, Nhà máy bột giấy Phương Nam cũng thua lỗ rất lớn. Theo đề án xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công thương mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt: Đối với nhà máy này cần khẩn trương tháo gỡ các khó khăn vướng mắc để tiếp tục triển khai tổ chức bán đấu giá thành công đối với toàn bộ tài sản và hàng hóa tồn kho của dự án.
Đồng thời, Tổng công ty Giấy Việt Nam tiếp tục tập trung thu hồi các khoản nợ phải thu của dự án; lập báo cáo tình hình thực hiện các khoản nợ phải thu, phải trả của dự án đến thời điểm 31/12/2016.
Thực tế đã chỉ ra nhiều dự án sử dụng nguồn vốn nhà nước thiếu hiệu quả, đội vốn hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng, vậy trách nhiệm thuộc về ai?
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh – nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng: “Với những dự án đội vốn như metro ở Thành phố Hồ Chí Minh và đường sắt đô thị trên cao tại Hà Nội cần phải thành lập một hội đồng đánh giá độc lập.
Việc tại sao lại để các dự án đầu tư với số tiền lớn tại hai thành phố này bị đội vốn, thời gian thi công kéo dài như vậy phải được làm rõ.
Hội đồng cần đánh giá lại hiệu quả của từng dự án và tổng thể hiệu quả của các dự án từ đó mới tìm ra nguyên nhân vì sao và có sai phạm hay không khi các dự án đội vốn lên cả nghìn tỷ đồng.
Từ đó, mới có thể quy trách nhiệm của các cá nhân, tập thể của từng dự án có đội vốn, thi công chậm là do đâu. Do cẩu thả, do vi phạm hành chính hay vi phạm tài chính dẫn đến đội vốn phải làm rõ”.
Đánh giá việc đội vốn, tiến độ rùa bò ở nhiều dự án, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh phân tích: “Rõ ràng việc để các đại dự án bị đội vốn, kéo dài thời gian thi công sẽ làm tổn hại lớn đối với nền kinh tế.
Tổn hại như thế nào, ra sao cần phải quy rách nhiệm của người ký quyết định, ký hợp đồng các dự án này.
Không rõ việc chấp thuận tăng vốn ra sao, nhưng do hợp đồng thiếu chặt chẽ dẫn đến việc “đâm lao phải theo lao”, nhà thầu đưa ta vào thế khi công trình dang dở khi họ yêu cầu tăng vốn thì còn cách nào khác đành phải chấp thuận.
Đây có thể là một nguyên nhân vì sao một số dự án đường sắt đô thị trên cao, metro lại được chấp thuận tăng vốn một cách dễ dãi”.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cũng chỉ ra: “Đối với các dự án lớn về giao thông phục vụ cho người dân đi lại với số lượng lớn thì việc kiểm tra kỹ thuật đối với các công trình này cũng hết sức quan trọng và cần thiết.
Bởi vậy, cần phải có hội đồng để đánh giá một cách độc lập xem các dự án này có đảm bảo kỹ thuật hay không, nhà thầu thi công thế nào”.
Có ý kiến cho rằng, hệ thống đường sắt đô thị trên cao nhiều nước trên thế giới đã sử dụng nhiều năm, đến nay loại hình vận tải này không còn phù hợp thì Việt Nam lại bắt đầu tiến hành làm.
Về việc này, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho hay: “Như tôi đã nói cần phải có hội đồng đánh giá độc lập xem xét tại sao không làm tàu điện ngầm dưới lòng đất mà làm đường trên cao.
Hơn nữa, các dự án đường sắt trên cao làm tại nước ngoài rất hiệu quả còn khi đưa vào nước ta người ta làm hiệu kém hiệu quả, tiền đội vốn cao, chậm tiến độ.
Vấn đề cần thiết là phải xử lý người đứng đầu, muốn xử lý được thì phải có hội đồng đánh giá độc lập hiệu quả của các dự án này.
Lúc đó mới có thể xem xét trách nhiệm để các dự án đội vốn, chậm tiến độ gây thất thoát tiền của bao nhiêu mới xử lý được. Tùy vào mức độ có thể xử lý hành chính, thậm chí hình sự…”.
Trong khi đó, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, một cựu Thứ trưởng Bộ Xây dựng thẳng thắn cho rằng: “Các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh không chỉ đội vốn, chậm tiến độ mà đặc biệt gây thiệt hại kinh tế, ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị.
Vốn của dự án thì liên quan đến hợp đồng, bởi vậy dự án đội vốn cần phải xem xét trách nhiệm người ký hợp đồng và quản lý hợp đồng. Hợp đồng thiếu chặt chẽ mới dẫn đến đội vốn hay còn nguyên nhân nào khác thì phải làm rõ trời lời người dân.
Hợp đồng thiếu chặt chẽ là năng lực cán bộ quản lý yếu kém. Trách nhiệm của người được nhà nước giao vốn làm dự án sử dụng đồng thuế của nhân dân thế nào phải làm rõ và xử lý.
Không thể tiêu đồng tiền của dân đóng một cách dễ dàng thế được. Chúng ta không thể cứ bảo đội vốn là lại chạy theo, như thế bao nhiều tiền cho đủ. Rõ ràng thời gian qua chúng ta quá dễ dãi trong việc chấp thuận cho tăng vốn, đội vốn tại các dự án này.
Không chỉ các dự án metro, đường sắt trên cao mà trước đó đường Hồ Chí Minh khi thi công cũng bị đội vốn nhiều.
Cần phải sớm làm rõ trách nhiệm để xử lý làm gương cho những người sau, chứ cứ bỏ qua việc lãng phí cả nghìn tỷ đồng của nhân dân là có lỗi, có tội”.
Vị nguyên lãnh đạo Bộ Xây dựng cũng cho biết: “Tôi phản đối dự án này ngay từ đầu, bởi đường sắt đô thị trên cao sẽ phá vỡ không gian đô thị, chật chội và các nước tiên tiến người ta bỏ đi không được mình lại đưa về làm.
Các nước người ta đang cố gắng đưa xuống ngầm để không gian đô thị thông thoáng thì mình lại đưa lên cao.
Ngày còn công tác tôi đã phản đối dự án này làm tàu điện ngầm từ bờ hồ đến Ngã Tư Sở, sau đó có tiền lại làm đến Hà Đông. Dự án đường sắt đô thị ngay từ đầu quy hoạch đã không rõ ràng.
Nếu dự án này công khai ngay từ đầu sẽ nhận được góp ý là không làm đường sắt đô thị trên cao kiểu này”.
Về các dự án thua lỗ của ngành công thương, trước đó trả lời Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Luật sư Trần Quốc Thuận – nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng: “Cách làm việc như vậy không công tâm, không trách nhiệm với tài sản của nhân dân.
Nếu dự án thành công, hiệu quả thì cá nhân tổ chức được vinh danh, khen thưởng, ngược lại dự án đầu tư kém hiệu quả phải bị xử lý. Tiền đầu tư là tiền thuế của dân, là tiền mồ hôi công sức của nhân dân”.