Bản tin Biển Đông ngày 11/10/2017.
Tàu chiến Mỹ xuất hiện gần các cấu trúc Trung Quốc chiếm ở Biển Đông
Ngày 11/10, Reuters đưa tin một tàu khu trục tên lửa mang tên Chafee của Mỹ đã hoạt động tại phạm vi gần quần đảo Hoàng Sa, nhưng không vào trong phạm vi 12 hải lý của các đảo. Đây là nỗ lực mới nhất của Washington trước những cố gắng của Bắc Kinh trong việc hạn chế tự do hàng hải ở vùng biển chiến lược này. Theo các quan chức giấu tên của Mỹ, tàu Chafee tiến hành các hoạt động giám sát bình thường nhằm thách thức “các yêu sách biển quá đáng” gần quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc có tranh chấp với các nước láng giềng. Lầu Năm góc cũng khẳng định Mỹ đã và sẽ tiếp tục tiến hành các hoạt động tự do hàng hải.
Anh không có ý định theo chân Mỹ tiến hành các hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông
Ngày 11/10, tờ Sydney Morning Herald đưa tin về việc Vương quốc Anh không có kế hoạch tiến hành các hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông. Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon phát biểu “Chúng tôi sẽ thực hiện quyền hàng hải của mình và người Mỹ đã tiến hành một số hoạt động cụ thể quanh các cấu trúc tranh chấp. Chúng tôi không làm vậy và cũng không có kế hoạch làm vậy”.
Tờ Sydney Morning Herald cũng đưa tin thêm, ông Geral Howarth, cựu Thứ trưởng phụ trách công tác Nghị viện của Anh giai đoạn 2010-2012, khi trả lời phỏng vấn của hãng Fairfax Media cho rằng “Trung Quốc, qua các hành động của họ, đang ngầm tạo ra thế siết chặt quân sự ở khu vực và điều này mang tính đe dọa, hăm dọa. Bạn bè của chúng ta ở khu vực đang mong chờ sự giúp đỡ từ phía Anh và đó là những gì chúng ta nên làm”. Tuy nhiên, đối với các hoạt động tự do hàng hải do Mỹ khởi xướng ở Biển Đông, nước Anh lại tỏ ra không mặn mà tham gia. Ông Gerald cho rằng sự chần chừ của Anh trong việc tham gia cùng với Mỹ là do mong muốn của Anh khuyến khích đầu tư và thương mại từ Trung Quốc.
Mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa Philippines với Trung Quốc, Nga và Mỹ
Ngày 10/10, trang tin tức Tempo của Philippines đăng bài viết “Mối quan hệ chặt chẽ hơn với Trung Quốc, Nga và Mỹ”.
Theo đó, trong năm đầu tiên dưới chính quyền Tổng thống Duterte, quan hệ giữa Philippines và Trung Quốc đã trở nên gần gũi hơn. Dù vẫn giữ lập trường yêu sách các phần ở Biển Đông, hai nước đã đạt được nhận thức cho phép các ngư dân Philippines tiến hành đánh cá tại các ngư trường truyền thống. Mối quan hệ giữa Philippines và Trung Quốc tiếp tục được thắt chặt với việc thứ Năm tuần trước, Philippines đã nhận gói viện trợ vũ khí từ Trung Quốc.
Cùng lúc đó, trong chuyến thăm Hawaii, Tư lệnh Quân đội Philippines, tướng Eduardo Año đã có cuộc gặp với Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, nhất trí hai bên sẽ tăng cường tập trận quân sự vào năm 2018. Tổng thống Duterte cũng từng phát biểu tại một cuộc họp báo, cho biết Philippines muốn có thêm nhiều cuộc tập trận với Mỹ hơn nữa bởi đó là đồng minh số 1 của Philippines.
Ngoài Trung Quốc và Mỹ, Philippines cũng đang hướng tới mối quan hệ với Nga. Với việc thắt chặt quan hệ với 3 nước lớn này, Philippines hy vọng sẽ có thể đóng vai trò ổn định trong thế giới đang ngày càng có nhiều vấn đề phức tạp nổi lên.