Saturday, November 23, 2024
Trang chủUncategorizedTÌM HIỂU THÊM VỀ CHUYẾN “THỊ SÁT TÂY SA” (HOÀNG...

TÌM HIỂU THÊM VỀ CHUYẾN “THỊ SÁT TÂY SA” (HOÀNG SA) CỦA ĐÔ ĐỐC LÝ CHUẨN

altCách đây
100 năm, một vài con tàu của Lưỡng Quảng đến khảo sát một số đảo nằm ở ngoài
khơi phía Đông đảo Hải Nam.
Sau này, người Trung Quốc gọi sự kiện đó là chuyến “thị sát Tây Sa” của Đô đốc
Lý Chuẩn. Vào năm 1932, Trung Hoa Dân Quốc coi cuộc đổ bộ của Đô đốc Lý Chuẩn
lên một số đảo ở quần đảo Hoàng Sa (mà người Trung Quốc gọi là  quần đảo Tây Sa) như là một mốc thời gian để xác
lập chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa.

Đến nửa thế kỷ sau, vào
đầu những năm 1980 của thế kỷ 20, một học giả Trung Quốc tên là Hàn Chấn Hoa
lại coi sự kiện đó như là chứng cứ chứng minh cho luận thuyết các đảo Nam Hải (tức là
biển Đông) do Chính phủ Trung Quốc “quản hạt sớm nhất và
thực thi chủ quyền sớm nhất”. Tức
là, người Trung Quốc biến một chuyến khảo sát rất bình thường thành một chứng
cứ khẳng định chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa. Trước khi có
thể rút ra kết luận về việc người Trung Quốc có cơ sở để khẳng định như vậy
không, người ta cần xem xét thận trọng sự kiện này trong bối cảnh lịch sử thời
bấy giờ và dưới ánh sáng của luật pháp quốc tế đương thời.

Chuyến “thị sát Tây Sa” của Đô
đốc Lý Chuẩn

Trong bối
cảnh lịch sử hết sức phức tạp và đầy bi thương của Trung Quốc vào năm 1909,
chuyến “thị sát Tây Sa” của Đô đốc Lý Chuẩn là một sự kiện nhỏ bé, không được
sử sách Trung Quốc ghi nhiều. Nhưng qua tài liệu sau này, người ta có thể khẳng
định rằng đây là sự kiện có thật. Tuy vậy, những ghi chép về quy mô, mục đích
chuyến đi đến Hoàng Sa, đoàn tàu của Đô đốc Lý Chuẩn đã làm gì ở Hoàng Sa thì
rất khác nhau. Nội dung thông tin về chuyến đi này được người Trung Quốc sau
này mô tả rất gắn gọn: Theo lệnh của Tổng đốc Lưỡng Quảng
Trương Nhân Tuấn, Đô đốc Lý Chuẩn dẫn ba chiếc pháo thuyền Phục Ba, Thám Hăng,
Quảng Kim đi “thị sát” vùng biển quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa). Ngày 6 tháng 6 năm 1909, đoàn tàu đến
quần đảo, đổ bộ lên đảo Phú Lâm (Trung Quốc gọi là Vĩnh Hưng), treo cờ, bắn
súng, thăm một vài đảo khác rồi về thẳng Quảng Châu.

Nhân sự
kiện này, Hạm trưởng Chauvaire thuộc
Hải quân Pháp đã kể lại trong một bài viết được đăng trong báo La Nature như sau: “Nhắc lại chuyện hai chiếc pháo đĩnh nhỏ bé của tỉnh
Quảng Đông mang hiệu kỳ Đô đốc Lý Chuẩn đến Hoàng Sa trong năm 1909, ghé lại
quần đảo một khoảng thời gian không quá 24 giờ. Vậy mà đến ngày 20 tháng 6 năm 1909, đại nhật báo Quảng
Đông, tờ Kouo Che Pao cho đăng tin thành một sự kiện lớn…”.

Hai mươi bốn năm sau, Thiên Tân Đại công báo số ra ngày 10 tháng 8 năm 1933
cho đăng thiên bút ký của Đô đốc hải quân Lý Chuẩn, theo đó, vào năm 1909, ông
ta và đoàn tuỳ tùng đã đến Tây Sa (Hoàng Sa), đo vẽ và đặt tên cho 16 đảo. Như
vậy, người Trung Quốc đã gán thêm chi tiết là Lý Chuẩn đã đo vẽ và đặt tên cho
các đảo tại quần đảo Hoàng Sa. Người ta hoàn toàn có cơ sở để nghi nghờ về chi
tiết Lý Chuẩn đo vẽ và đặt tên cho 16 đảo của quần đảo Hoàng Sa. Trong 24 giờ,
với mấy con tàu nhỏ bé và khả năng kỹ thuật còn lạc hậu lúc bấy giờ thì quả
thật Lý Chuẩn khó có thể đo vẽ và đặt tên cho bằng ấy hòn đảo. Lúc đó, cuộc
tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa giữa Trung Hoa Dân Quốc và nước
Pháp thực dân (đại diện cho An Nam thời kỳ đó) bùng nổ. Việc người Trung Quốc
gán ghép thêm tình tiết khó kiểm chứng và tung tin này lên Thiên tân Đại công
báo không phải là không có dụng ý nhằm nguỵ tạo chứng cứ để hỗ trợ cho luận
điểm khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa. Chuyến đi của Đô
đốc Lý Chuẩn đến các đảo này có lẽ cũng không ngoài mục đích khảo sát đó. Việc
Đô đốc Lý Chuẩn có ra các đảo ở Hoàng Sa “kéo cờ, bắn súng” để biểu thị sự
“chiếm hữu” hay không, còn là một nghi vấn lịch sử, chưa có tài liệu lịch sử
đáng tin cậy nào làm sáng tỏ vấn đề này.

Tờ tâu của Tổng đốc Lưỡng Quảng

Năm 1907, khi Nhật Bản chiếm một
cụm đảo nằm ở phía Đông của đảo
Hải Nam mà người Trung Quốc gọi là quần đảo Đông Sa, Tổng
đốc Lưỡng Quảng Trương Nhân Tuấn tâu lên 
triều đình nhà Thanh về sự kiện trên và những việc Lưỡng Quảng đã làm để đối phó trước hành động của Nhật
Bản. Tờ Tâu viết :

“Cương giới tỉnh Quảng Đông giáp Nam
Hải. Trong đại dương bãi, đảo rất nhiều. Vì xa xôi, hiểm trở khó đi lại nên xưa
đến nay vẫn bỏ hoang. Những kẻ nhòm ngó là người nước ngoài chẳng quản gian nan
hiểm trở (đến đây) kinh doanh khai thác.”

“Người nước ngoài chẳng quản gian nan
hiểm trở đến một số đảo ở Nam Hải kinh doanh khai thác” là chỉ sự kiện Nhật Bản
chiếm quần đảo Pratas (Đông Sa) vào năm 1907 nhân khi Triều đình nhà Thanh suy
yếu.

Trong bối cảnh đó, Tổng đốc Lưỡng Quảng
Trương Nhân Tuấn đã báo cáo triều đình nhà Thanh : “Nay lại điều tra còn có đảo
Tây Sa nữa, gần Cảng Du Lâm thuộc Nhai Châu. Trước tiên đã phái Phó tướng Ngô
Kính Vinh đến khảo sát, thấy đảo này có 15 nơi, chia ra phía Tây 7 đảo, Đông 8
đảo. Nơi đây ở vào phía Đông Nam Quỳnh Nhai (đảo Hải Nam), là nơi quan yếu trên
đường (người) châu Âu đến Trung Hoa, là cửa ngõ quan trọng đầu tiên ở Nam Hải.
Cứ bỏ hoang không khai thác là bỏ mất địa lợi, rất đáng tiếc”.

Qua tờ tâu của Tổng đốc Lưỡng Quảng,
người ta biết một số điểm. Thứ nhất, “cương giới tỉnh Quảng Đông giáp với Nam
Hải”. Là quan đứng đầu tỉnh, chắc hẳn Tổng đốc Luỡng Quảng phải hiểu rõ cương
giới tỉnh mình, cương vực của đất nước mình. Thứ hai, chỉ sau khi Nhật Bản
chiếm đảo Pratas (mà lúc đó người Trung Quốc mới gọi là Đông Sa) thì Tổng đốc
Lưỡng Quảng mới “nghe nói đến có đảo bỏ hoang ở phía Đông Nam đảo Hải Nam”. Tức là trước đó, người Trung
Quốc và ngay cả vị quan lớn nhất Lưỡng Quảng không biết về các đảo này. Thứ ba,
đến năm 1909,  tức là thời điểm biết về
“các đảo hoang này”, thì Tổng đốc Lưỡng quảng mới lần lượt phái phó tướng Ngô
Kính Vinh đến đảo này để “khảo sát”.

Năm 1909, tức là năm chuyến “thị sát
Tây Sa” diễn ra, triều đình nhà Thanh sắp sụp đổ. Vua Quang Tự và Từ Hy thái
hậu chết, em cùng mẹ với Quang Tự, con của Thuần Thân Vương tên là Phổ Nghi mới
ba tuổi lên ngôi. Mẹ Phổ nghi là Thái hậu Long Dụ cùng bố của Phổ Nghi là Thuần
Thân Vương nhiếp chính, triều đình nhà Thanh cực kỳ rối loạn và hủ bại. Phong
trào cách mạng trên toàn lãnh thổ Trung Quốc lớn mạnh, quyết tâm lật đổ nhà
Thanh, giành lấy chính quyền. Trong vòng mười năm trước khi cách mạng Tân Hợi
bùng nổ, đã có hàng trăm cuộc khởi nghĩa nổ ra. Theo thống kê không đầy đủ thì
năm 1905, nhân dân ở các địa phương đứng lên chống nhà Thanh đến hơn chín chục
lần; năm 1906, các cuộc đấu tranh loại đó tăng lên đến hơn một trăm sáu chục
lần; năm 1907 lại tăng lên hơn một trăm chín chục lần; năm 1910, đã đạt hơn hai
trăm chín chục lần. Trước đó, sau hai cuộc Chiến tranh Nha phiến, các nước đế
quốc đã buộc chính phủ của vương triều nhà Thanh phải ký kết hàng loạt những
điều ước bất bình đẳng, giành được tại Trung Quốc rất nhiều đặc quyền đặc lợi
về chính trị và kinh tế. Nước Trung Quốc bắt đầu mất dần quyền độc lập tự chủ
và dần dần sa vào tình trạng bán thuộc địa. Nền kinh tế Trung Quốc bị các nước
Anh, Pháp, Đức, Mỹ, Nhật, Áo, Nga, Ý, Nhật, Bỉ, Tây Ban Nha nắm gần hết để thu
khoản tiền 450 triệu lạng bạc mà nhà Thanh phải bồi thường theo Hoà ước Tân Sửu
năm 1901. Các cường quốc thực dân được quyền đóng quân từ Bắc Kinh đến biển Đại
Cổ. Trong thời điểm nguy cấp, sắp bị diệt vong, bị các nước đế quốc chia năm sẻ
bảy như vậy thì triều đình nhà Thanh chắc không có lòng dạ nào mà còn cử hải
quân đi thực hiện ý chí xác lập chủ quyền đối với các đảo ngoài khơi bên ngoài
cương vực Trung Quốc. Chỉ có một cách giải thích tương đối hợp lý là cuộc biểu
dương chớp nhoáng lực lượng ở một vài đảo Hoàng Sa là nhằm làm xoa dịu tinh
thần quần chúng đang sôi sục đòi nhà Thanh phải từ bỏ chính sách nhu nhược,
thực hiện một chính sách cứng rắn đối với các cường quốc thực dân.

Nhìn
nhận chuyến “thị sát Tây Sa” của Đô đốc Lý Chuẩn dưới ánh sáng của luật pháp
quốc tế

Dù nhìn nhận ở góc độ nào dưới ánh sáng
của luật pháp quốc tế đương thời hay luật pháp quốc tế hiện đại thì chuyến “thị
sát Tây Sa” của Đô đốc Lý Chuẩn cũng không mang lại một hậu quả pháp lý nào.

Lập luận cho rằng quần đảo Hoàng Sa là
vô chủ và chuyến “thị sát” của Đô đốc Lý Chuẩn là hành vi chiếm hữu một lãnh
thổ vô chủ không đứng vững được, vì cho đến năm 1909 quần đảo Hoàng Sa không
còn là lãnh thổ vô chủ mà nó đã thuộc về Nhà nước Annam từ Thế kỷ thứ 17.

Lập luận cho rằng chuyến “thị sát Tây
Sa” của Đô đốc Lý Chuẩn là chứng cứ cho việc thực thi sự quản hạt và chủ quyền
đối với quần đảo Hoàng Sa cũng không có cơ sở. Bởi vì, trước đó Trung Quốc chưa
hề xác lập và thực thi chủ quyền đối với quần đảo này. Mà một khi không có chủ
quyền thì Trung Quốc có thẩm quyền gì mà thực thi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng
Sa. Sử sách chính thống của Trung Quốc đã cho thấy rõ rằng từ đời Hán cho đến
năm 1909, tức là khi chuyến “thị sát Tây Sa” diễn ra, cương vực Trung Quốc ở
phía Nam chỉ đến đảo Hải Nam.
Tổng đốc Lưỡng Quảng cũng đã thừa nhận điều này trong bản tấu trình triều đình
nhà Thanh như được đề cập đến ở trên.

Trong khi đó, cho đến năm 1909, danh
nghĩa lịch sử và pháp lý của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa (và cả quần đảo
Trường Sa) đã được khẳng định từ lâu. Ít nhất từ thế kỷ XVII, các Nhà nước
phong kiến Việt Nam đã phát hiện Bãi Cát Vàng tức quần đảo Hoàng Sa trong Biển
Đông và đã xác lập chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa như là một
lãnh thổ vô chủ. Quần đảo Hoàng Sa đã được sáp nhập vào lãnh thổ Việt Nam, cụ
thể là phủ Quảng Nghĩa sau đổi là tỉnh Quảng Nghĩa (nay là tỉnh Quảng Ngãi) như
các sách sử và địa lý chính thức trong Quốc Sử quán Triều Nguyễn đã ghi rõ. Trong
khuôn khổ kế hoạch làm Địa bạ Gia Long kéo dài từ 1805 đến 1836, Vua Minh Mạng đã
liên tiếp phái đội Hoàng Sa ra quần đảo Hoàng Sa vẽ bản đồ, đo đạc thủy trình
và làm dấu mốc chủ quyền. Đội Hoàng Sa là một mô hình tổ chức Nhà nước được tổ
chức dưới thời các chúa Nguyễn để vừa quản lý và vừa khai thác quần đảo Hoàng
Sa. Ý thức được trách nhiệm của nước mình trong cộng đồng các quốc gia, năm
1833 vua Minh Mạng đã lệnh cho đội Hoàng Sa trồng nhiều cây trên các đảo của
Hoàng Sa để các tàu dễ nhận biết các đảo từ xa để tránh tai nạn. Từ các Chúa
Nguyễn đến các Vua Nguyễn. Nhà nước Việt Nam đã nhiều lần cứu hộ các tàu bị
nạn ở Hoàng Sa, giúp đỡ lương thực thuốc men những người sống sót. Tóm lại, các
Nhà nước phong kiến Việt Nam
đã liên tục thực hiện chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa trong suốt
gần ba thế kỷ cho đến thời thuộc địa.

Từ năm 1884, với
việc ký Hiệp ước thiết lập chế độ bảo hộ của Pháp, tình hình Nhà nước Việt Nam có một sự thay đổi cơ bản: Nước Pháp thay
mặt Việt Nam
trong quan hệ đối ngoại và trong việc bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.
Chủ quyền của Việt Nam
đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vẫn tồn tại. Theo tinh thần của Hiệp ước trên, Pháp tiếp tục thực hiện chủ
quyền của Đại Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa,  mà trước đây vương triều Nguyễn đã xác lập
bằng sự chiếm hữu công khai và thực thi chủ quyền một cách thực sự, liên tục và
hoà bình. Các pháo hạm của Pháp thường xuyên tiến hành tuần tiễu trong vùng
biển Đông và Hoàng Sa và Trường Sa. Cùng với việc đưa hải quân đến trú đóng,
Pháp cũng thực hiện nhiều hoạt động thám sát, khảo cứu, xây dựng… trên hai quần
đảo này.

Trong
suốt mấy trăm năm thực thi chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và
Trường Sa, không hề có sự phản đối của các nước láng giềng, trong đó có Trung
Quốc. Năm
1895 -1896, khi tàu Bellona” của Đức và tàu “Imegi Maru” của Nhật Bản bị đắm và
các ngư dân Trung Quốc đã ùa lại hôi của, các công ty bảo hiểm của Anh quốc đã
lên án tinh thần vô trách nhiệm của chính quyền Trung Quốc. Các nhà chức trách
tỉnh Quảng Đông đã chính thức trả lời đây là các đảo không thuộc về Trung Quốc
nên họ không có trách nhiệm.
Câu trả lời của nhà cầm quyền
Quảng Đông nhân vụ tàu Bellona và tàu Imezi Maru bị nạn phản ánh đúng sự thật là quần
đảo Hoàng Sa không phải của Trung Quốc.

Tóm lại, có thể
khẳng định rằng chuyến “thị sát Tây Sa” của Đô đốc Lý Chuẩn vào năm 1909 không
có ý nghĩa pháp lý nào, không phải là hành vi xác lập chủ quyền đối với quần
đảo Hoàng Sa và càng không thể được coi là chứng cứ chứng minh Chính phủ Trung
Quốc đã tiến hành “quản hạt sớm nhất và thực thi chủ quyền sớm nhất” đối với
quần đảo này./.

Nguyễn
Kim

 

RELATED ARTICLES

Tin mới