Tại phiên khai mạc Đại hội 19, Chủ tịch Tập Cận Bình đã đưa ra một phương châm phát triển mới cho Trung Quốc.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Đại hội 19. Ảnh AP
Thay đổi mục tiêu
Trong báo cáo chính trị tại Đại hội đảng cộng sản Trung Quốc khóa 19 hôm 18/10, Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh yêu cầu xây dựng Trung Quốc thành một “nước xã hội chủ nghĩa hiện đại hóa giàu mạnh, dân chủ, văn minh, hài hòa, tươi đẹp”.
Giới phân tích đã tinh ý nhận ra, trong báo cáo chính trị của ông Tập đã xuất hiện thêm một tính từ mới trên cơ sở định hướng “giàu mạnh, dân chủ, văn minh, hài hòa” của các thế hệ lãnh đạo trước.
Theo Đài truyền hình trung ương Trung Quốc, ban đầu người Trung Quốc thường coi “công nghiệp hóa” chính là “hiện đại hóa”. Trong những năm 50 của thế kỷ trước, chủ trương “bốn hiện đại hóa” – công nghiệp, nông nghiệp, khoa học kỹ thuật và quốc phòng – lần đầu xuất hiện trong các văn kiện quan trọng của ĐCSTQ.
Nỗ lực phấn đấu thực hiện hiện đại hóa mục tiêu “bốn hiện đại hóa” từng là khẩu hiểu mạnh nhất tại Trung Quốc.
Trong thời kỳ cải cách, mở cửa, Trung Quốc đối mặt với loạt vấn đề như cải thiện cuộc sống dân sinh. Báo cáo chính trị đại hội đảng khóa 12 năm 1982 đã đề xuất phương châm “xây dựng Trung Quốc trở thành nước xã hội chủ nghĩa có tính dân chủ, văn minh cao”.
Báo cáo Đại hội khóa 13 năm 1987 tiếp tục khẳng định: “Phấn đấu xây dựng Trung Quốc trở thành nước xã hội chủ nghĩa hiện đại hóa giàu mạnh, dân chủ, văn minh”.
Theo đó, mục tiêu phấn đấu hiện đại hóa đi đến cụ thể hóa, phân chia rõ ràng thành các phương diện xây dựng kinh tế, xây dựng chính trị và xây dựng văn hóa.
Báo cáo Đại hội 17 năm 2007 nhấn mạnh: “Xây dựng nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, nền chính trị dân chủ xã hội chủ nghĩa, nền văn hóa tiên tiến xã hội chủ nghĩa, xã hội hài hòa xã hội chủ nghĩa; xây dựng nước xã hội chủ nghĩa hiện đại hóa giàu mạnh, dân chủ, văn minh, hài hòa”.
Chủ trương “bốn trong một” xây dựng toàn diện bốn lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội là hướng đi mới tại Trung Quốc thời điểm đó.
Báo cáo Đại hội 18 năm 2012 đề xuất “thực hiện toàn diện xây dựng kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và văn minh sinh thái phát triển hài hoà trong một bố cục tổng thể”. Từ năm này, chủ trương “bốn trong một” đã phát triển lên “năm trong một”.
Báo cáo đại hội này đưa chiến lược xây dựng văn minh sinh thái vào vị trí nổi bật, dung hòa với các phương diện kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội nhằm xây dựng một Trung Quốc tươi đẹp.
Đến báo cáo tại Đại hội 19 vừa qua của Chủ tịch Tập Cận Bình, một phương châm mới được đề xuất trên cơ sở chiến lược cũ: “Phấn đấu xây dựng Trung Quốc trở thành cường quốc hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa giàu mạnh, dân chủ, văn minh, hài hòa và tươi đẹp”.
Theo đó, mục tiêu phấn đấu hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa đã mở rộng từ “giàu mạnh, dân chủ, văn minh, hài hòa” tới “giàu mạnh, dân chủ, văn minh, hài hòa, tươi đẹp”.
Giới chuyên gia nhận định, thêm từ “tươi đẹp”, chủ trương “năm trong một” sẽ tiến gần hơn với mục tiêu xây dựng hiện đại hóa và cuộc sống tốt đẹp mà người Trung Quốc theo đuổi sẽ càng hoàn hảo hơn.
Một số ý kiến nhấn mạnh thêm, từ “nước chủ nghĩa xã hội hiện đại hóa” đến “cường quốc xã hội chủ nghĩa hiện đại hóa”, chỉ một từ thay đổi đã cho thấy “quyết tâm của ĐSCTQ”.
6 ủy viên thường vụ bàn về phương châm chính trị của ông Tập
Sau ngày khai mạc, các ủy viên Ban thường vụ Bộ chính trị ĐCSTQ đã có động thái khẳng định về học thuyết chính trị của nhà lãnh đạo Trung Quốc.
Sáng 19/10, tại buổi nói chuyện với đoàn đại biểu Quảng Tây, Thủ tướng Lý Khắc Cường cho biết:
“Tư tưởng xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc thời đại mới Tập Cận Bình là thành tựu mới nhất của chủ nghĩa Mác Lenin Trung Quốc hóa, là bộ phận cấu thành quan trọng trong hệ thống lý luận xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc, là tư tưởng chỉ đạo mà ĐCSTQ cần kiên trì theo đuổi lâu dài”.
Trong buổi thảo luận với đoàn đại biểu Hồ Nam, Bí thư ủy ban kiểm tra kỷ luật trung ương Trung Quốc nhấn mạnh:
“Tư tưởng Tập Cận Bình về xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc thời đại mới là thành tựu mới nhất của chủ nghĩa Mác Lenin Trung Quốc hóa. Cần phải tìm hiểu, nghiên cứu một cách cẩn thận, đặt vào vị trí bản thân, liên hệ chặt chẽ với tư tưởng và thực tế công việc…”.
Phó Thủ tướng Quốc vụ viện Trương Cao Lệ khẳng định: “Tư tưởng Tập Cận Bình về xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc thời đại mới là sự kế thừa và phát triển từ Chủ nghĩa Mác Lenin, Tư tưởng Mao Trạch Đông, Lý luận Đặng Tiểu Bình, tư tưởng then chốt Ba đại diện, Quan điểm phát triển khoa học; là thành quả mới nhất của Chủ nghĩa Mác Lenin Trung Quốc hóa”.
Trước đó, theo Tân Hoa Xã, ngày 18/10, các ủy viên thường vụ Trương Đức Giang, Du Chính Thanh, Lưu Vân Sơn khi gặp gỡ các đoàn đại biểu các địa phương cũng đều nhấn mạnh “tư tưởng Tập Cận Bình về xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc thời đại mới”.
Trước những động thái trên, giới quan sát nhận định, rất có khả năng học thuyết chính trị của ông Tập sẽ được đưa vào điều lệ đảng sửa đổi tới đây và nếu học thuyết này được đính kèm tên nhà lãnh đạo Trung Quốc, vị thế của ông sẽ ngang hàng cùng hai lãnh đạo tiền nhiệm Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình.