Sunday, November 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTRUNG QUỐC NÓI THẾ MÀ KHÔNG PHẢI THẾ

TRUNG QUỐC NÓI THẾ MÀ KHÔNG PHẢI THẾ

Trong những tuần
đầu của tháng 3 năm 2011, Trung Quốc đã tiến hành kỳ họp “Lưỡng hội” lần thứ 4
khoá XI. Kỳ họp lưỡng hội gồm kỳ họp thứ 4 của Chính hiệp Trung Quốc (tên gọi
đầy đủ là Hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân toàn quốc), khai mạc ngày
3/3/2011 và kỳ họp thứ 4 của Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc (còn gọi là
Quốc hội), khai mạc ngày 5/3/2011. Trọng tâm chính của kỳ họp lưỡng hội lần này
gồm 3 vấn đề lớn: Tổng kết việc triển khai kế hoạch 5 năm lần thứ 11
(2006-2010); thông qua kế hoạch 5 năm lần thứ 12 (2011-2015); đề ra phương
hướng, nhiệm vụ năm 2011.

Trong báo cáo công
tác và trong các cuộc họp báo bên lề của kỳ họp này, Ngoại trưởng Trung Quốc
Dương Khiết Trì nêu một số điểm chính trong định hướng đối ngoại của Trung Quốc
trong năm 2011. Trong đó Trung Quốc sẽ tiếp tục các hoạt động hợp tác với các
nước láng giềng và các nước trong khu vực với phương châm “thân thiện với láng
giềng, làm bạn với láng giềng” như tổ chức các hoạt động kỷ niệm 20 năm thiết
lập quan hệ với Campuchia, 20 năm thiết lập quan hệ đối thoại Trung Quốc –
ASEAN, tổ chức “giao lưu hữu nghị” với ASEAN, Ấn độ, thúc đẩy hợp tác thực chất
Trung Quốc – Nhật Bản – Hàn quốc…

alt

Xem ra thì những
lời lẽ hoa mỹ trong báo cáo cũng như phát biểu trong họp báo của Ngoại trưởng
Trung Quốc bên lề hội nghị muốn chứng tỏ cho thế giới thấy là Trung Quốc vẫn
đang theo đuổi chính sách đối ngoại hoà bình, dân chủ, mở cửa, cùng có lợi,
cùng thắng, xây dựng thế giới hài hoà…. Nhưng thực tế đằng sau những lời tuyên
bố hoa mỹ, nghe có vẻ “trước sau như một” trong chính sách đối ngoại của Trung
Quốc là những hành động gì?

Thứ nhất, Trung
Quốc nói tiếp tục theo đuổi chính sách đối ngoại hoà bình nhưng ngân sách quốc
phòng của Trung Quốc năm nay lại tăng rất mạnh, công khai là khoảng 91,5 tỷ đô
la Mỹ, tăng 12,7% so với 7,5 % ngân sách quốc phòng của nước này trong năm
2010, mà dư luận bên ngoài còn cho rằng đây chỉ là con số “tuyên truyền” thôi,
chứ thực chất ngân sách quốc phòng của Trung Quốc còn có thể gấp hai lần so với
91,5 tỷ USD. Việc này trên thực tế đã gây ra mối nghi ngờ và lo ngại cho các
nước láng giềng và kích thích xu hướng tăng cường vũ trang tại một số nước như
Ấn độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước ASEAN như Philippines, Brunei… tạo nguy
cơ tiềm ẩn cho một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực. Như vậy thì sao lại gọi
là thúc đẩy quan hệ hoà bình được ?

Thứ hai, trong khi
Trung Quốc nói hoà bình, thân thiện với các nước láng giềng thì liên tiếp một
loạt sự kiện liên quan đến Biển Đông đã xảy ra: Cuối tháng 2/2011 Trung Quốc cử
biên đội tàu hộ vệ số 8 của Hải quân Trung Quốc  tiến hành rùm beng cái gọi là “tập trận chống
cướp biển tại khu vực quần đảo Trường Sa” vi phạm chủ quyền của Việt Nam, khiến
đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam phải gặp Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội, và
sau đó là người phát ngôn BNG Việt Nam lên tiếng phản đối. Rồi ngày 2/3/2011,
hai tầu chiến có gắn súng máy của Trung Quốc đã đe doạ tàu thăm dò MV Venture
của Philippines đang hoạt động trong khu vực bãi Cỏ Rong (Reed Bank), cách đảo
Palawan của Philippines 200 km về phía tây, nằm sâu trong vùng kinh tế đặc
quyền của Philippines. Hành động này của Trung Quốc được báo chí Philippines mô
tả là hành động của “kẻ du côn trong khu vực”, và cho rằng “sự việc này lại một
lần nữa cho thấy, Trung Quốc thật là đáng sợ, chứ không phải là quốc gia hiền
lành như các nhà ngoại giao nước này rêu giảng”, và kết luận “với lực lượng
quân sự mạnh mẽ hơn bao giờ hết, Bắc Kinh có thể nhăm nhe quay lại vai trò là
kẻ du côn trong khu vực”. Hành động này của Trung quốc khiến Tổng thống Philippines
Aquino phải lên tiếng cho biết chính phủ Philippines đã phản đối cách hành xử
này của Trung Quốc, đi ngược lại với Tuyên bố về cách ứng xử trên Biển Đông
(DOC) năm 2002 mà Trung Quốc là một bên ký kết với các nước ASEAN. Trong cuộc họp
báo chung nhân chuyến thăm của tổng thống Philippines Aquino tới Indonesia, Tổng
thống Indonesia, với tư cách là Chủ tịch ASEAN năm 2011, cho biết việc 2 tàu
Trung Quốc gây hấn với tàu khảo sát của Philippines sẽ được đưa ra thảo luận tại
Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 18 và Hội nghị thượng đỉnh Đông Á sắp tổ chức tại
Indonesia.

Thứ ba, trong khi
nói chính sách đối ngoại là thế nhưng trong các nhiệm vụ triển khai liên quan đến
biển đảo trong năm 2011, Trung Quốc lại đề ra một loạt các vấn đề mà Trung Quốc
sẽ đơn phương triển khai như: Làm sâu toàn diện công tác tuần tra biển định kỳ
để bảo vệ quyền lợi biển, tích cực thúc đẩy cơ quan hải giám cấp tỉnh tham gia
vào công tác chấp pháp bảo vệ quyền lợi biển; hoàn thiện công tác tổng điều tra
các địa danh và đặt tên đánh dấu cho các đảo trong vùng biển…Mới đây nhất, ngày
3/3/2011, chính quyền tỉnh Hải Nam ngang nhiên đề cập đến việc đẩy mạnh xây dựng
quy hoạch và khai thác quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (Trung Quốc gọi là “Tây
sa” và “Nam sa”) trong Cương yếu quy hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm lần
thứ 12. Hai quần đảo này thuộc chủ quyền của Việt Nam mà Trung Quốc đã dùng vũ lực để
đánh chiếm trong các năm 1956, 1974 và 1988.  

Với những hành động
và lời nói tiền hậu bất nhất như vậy, dư luận quốc tế có thể thấy không thể chỉ
tin vào những lời tuyên bố, lời rao giảng hoà bình, thân thiện với các nước láng
giềng của ngoại giao Trung Quốc, mà phải tìm hiểu thực chất các hành động trên
thực tế của nước này. Thông qua các chương trình quy hoạch trong kế hoạch 5 năm
của Trung Quốc, có thể dự báo tình hình Biển Đông sẽ còn gặp nhiều khó khăn phức
tạp khi Trung Quốc cố tình coi thường luật pháp quốc tế và chủ quyền của các nước
láng giềng, không loại trừ khả năng Trung Quốc lại một lần nữa sử dụng vũ lực gây
hấn ở Biển Đông, do vậy các nước cần đề cao cảnh giác trước những lời mật ngọt
của Trung Quốc./.  

                                        Minh Ngọc 3/2011.

RELATED ARTICLES

Tin mới