Bình luận nói vụ Đồng Tâm là “bài học về niềm tin” của đại biểu Dương Trung Quốc tại Quốc hội gây xôn xao dư luận, nhưng người dân Đồng Tâm thì cho rằng nó phản ánh đúng bản chất vụ việc.
Tại buổi thảo luận Quốc hội được phát sóng trực tiếp hôm 2/11, vị đại biểu Đồng Nai nói:
“Nên nhìn nhận đây là một vụ [Đồng Tâm] khủng hoảng về lòng tin chứ không thuần tuý chỉ là vụ án hình sự. Có một yếu tố mà tôi thấy Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan có trách nhiệm cần quan tâm, đó là những khiếu nại của người dân không được quan tâm, xem xét kịp thời, để tích tụ lại, trở thành hiện tượng ‘tức nước vỡ bờ’.”
Ông Dương Trung Quốc cũng nói thêm rằng hai tháng rưỡi nay, cơ quan chức năng vẫn chưa phản hồi lại kiến nghị của người dân về việc xem xét lại kết luận thanh tra vụ đất đai Đồng Tâm.
“Chúng ta khởi tố những người dân ở Đồng Tâm vi phạm, nhưng cho đến nay những cán bộ công an đánh dân, bắt dân không đúng quy định của luật pháp vẫn hoàn toàn đứng ngoài pháp luật.”
“Gần đây công an Hà Nội đã kêu gọi những người bắt và giữ lực lượng công an ra đầu thú. Tôi nghĩ rằng dùng từ “đầu thú” là không ổn. Chúng ta đã mất đi ngôn ngữ để đối thoại với dân rồi sao?”
“Ngoài việc dùng từ “đầu thú”, chúng ta có thể xuống gặp dân, nghe dân, gạn lọc để có phương pháp xử lý tốt hay không? Và ngay cả thượng tôn pháp luật cũng không phải để bắt bớ, mà để củng cố lòng tin.”
Trả lời BBC hôm 3/11, cụ Lê Đình Kinh nói người dân Đồng Tâm rất đồng tình với bài phát biểu của ông Quốc.
Trước đó, hồi 22/4, hai đại biểu Dương Trung Quốc và Lưu Bình Nhưỡng đã cùng với chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung để đối thoại với người dân để trao trả các cán bộ, chiến sĩ bị dân bắt giữ hôm 15/4.
Cụ Kình nói: “Trước giờ ông ấy vẫn luôn giữ phẩm chất vì dân, cho rằng phải cần tiếp xúc với dân gần dân. Bài phát biểu đã được người dân cả nước và người dân Đồng Tâm lắng nghe và rất hài lòng,”
Cụ Kình “bị mời lên làm việc”
Ba ngày trước bài phát biểu gây xôn xao của đại biểu Dương Trung Quốc, cụ Lê Đình Kình cho BBC biết cụ được phía Ủy ban kiểm tra huyện mời đích danh lên làm việc.
“Họ mời tôi lên làm việc mà họ bảo tôi lên tầng hai trong khi tôi ngồi xe lăn. Con và cháu tôi phải khiêng cả người lẫn xe lên trên lầu,” cụ Kình nói thêm rằng cụ còn đưa hình chụp x-quang xương chân của cụ cho các cán bộ.
Bản quyền hình ảnh Le Dinh Cong Image caption Lá đơn mời cụ Kình lên làm việc
Cụ Kình kể cụ nói với các cán bộ rằng: “‘Hôm 29/4 ông Chung [chủ tịch Hà Nội] đến thăm tôi ở bệnh viện, không tặng tôi gì mà lại tặng tôi chiếc xe lăn là các anh hiểu ông ấy biết tôi tàn phế rồi. Lần sau các anh có muốn mời tôi làm việc thì đến nhà không thi bất tiện cho con cháu của tôi.”
Cụ cho biết có khoảng sáu người của phía chính quyền có mặt, hầu hết đều đặt các câu hỏi xoay quanh “Tại sao lại nói ông Chung dối lên lừa dưới?” “Sao lại nói ông Chung phản bội?” “Tại sao nói ông Chung cướp đất của dân giao cho Viettel?” “Tại sao lại dùng từ ‘đổ máu’?”
Cụ Kình nói cụ và người dân Đồng Tâm phản đối kết luận thanh tra của Thanh tra Hà Nội, và việc khởi tố người dân Đồng Tâm sau khi ký giấy cam kết không truy tố người dân hôm 22/4 là hành vi “phản bội” của ông Chung.
“Còn khi nói đổ máu, là vì người dân Đồng Tâm sẽ sẵn sàng đổ máu để chống giặc nội xâm, bọn tham nhũng cậy quyền cướp đất của dân!” cụ Kình nhấn mạnh.
Cụ cho biết cuộc gặp gỡ chỉ mang tính chất hỏi đáp, phía cán bộ chính quyền chỉ ghi chép lại câu trả lời của cụ Kình và yêu cầu cụ ký văn bản làm việc.
“Tôi không ký, tôi không việc gì phải ký vào cái văn bản nào của họ cả,” cụ nói và cho biết sau đó cụ và gia đình cùng một số người dân ra về.