Friday, December 27, 2024
Trang chủĐàm luậnNhững ưu tiên chiến lược dưới thời Tập Cận Bình (Phần 1)

Những ưu tiên chiến lược dưới thời Tập Cận Bình (Phần 1)

Cách tiếp cận của Tập Cận Bình với thế giới bên ngoài có thể được miêu tả như sau: Ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) có một viễn cảnh ngày càng mang tính toàn cầu về tương lai của đất nước. Trung Quốc mở cửa với thế giới và đang bước ra thế giới nhưng theo những điều kiện của riêng họ.

Kỳ 1: Những phát hiện then chốt

Các nhà lãnh đạo nước này biết rõ hơn bao giờ hết điều mà họ muốn có và người mà họ muốn hợp tác. Họ định nghĩa thế giới theo 3 vùng. Những đối tác quan trọng nhất của Trung Quốc, ngoài Mỹ ra, chủ yếu là những nước gần gũi với họ về mặt địa lý, sau đó là những “đối tác văn minh” ở xa hơn như Liên minh châu Âu (EU).

Ban lãnh đạo Trung Quốc tiếp tục tránh né các trách nhiệm và nghĩa vụ nặng nề ngay cả khi họ tìm cách phát triển các mối quan hệ sâu sắc hơn trong khu vực và tạo ra các khuôn khổ nghe có vẻ “tử tế” để làm việc với phần còn lại của thế giới trong phạm vi đó.

Sự can dự của nước ngoài vào xã hội dân sự và các tổ chức phi chính phủ (NGO) bị hạn chế mạnh mẽ. Các doanh nghiệp ở Trung Quốc và các chính phủ nước ngoài nhận thấy môi trường và sự tương tác với Chính phủ Trung Quốc trở nên khó khăn hơn.

Trong khi chúng ta suy đoán về mức độ quyền lực thực sự mà Tập Cận Bình đã tích lũy được bên trong Trung Quốc, có một vấn đề mà ở đó ông là người độc nhất vô nhị trong số các nhà lãnh đạo tinh hoa hàng đầu trong lịch sử nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Ngay cả trong kỷ nguyên các chủ tịch nước di chuyển bằng chuyên cơ, Tập Cận Bình cũng rong ruổi xa hơn, đến nhiều nơi hơn và nhiều lục địa hơn bất kỳ nhân vật hàng đầu nào khác trong lịch sử Trung Quốc.

Từ lúc ông nhậm chức chủ tịch nước vào mùa Xuân năm 2013 đến đầu năm 2016, ông đã đến thăm gần 40 nước. Chỉ có Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi mới cạnh tranh được với ông về số lượng địa điểm quốc tế được nguyên thủ của một quốc gia lớn đến thăm. Nhưng câu chuyện mà chúng ta có thể đoán được đằng sau thói quen của những người đi máy bay thường xuyên này là gì? Chúng ta phải thừa nhận rằng Chủ tịch Tập Cận Bình có một kế hoạch được sắp xếp rất chặt chẽ xoay quanh các vấn đề trong nước. Vậy làm sao mà các chuyến thăm đến Fiji (dân số 400.000 người) mà ông đã thực hiện vào cuối năm 2014 và New Zealand (4 triệu người) lại là những phần việc có ý nghĩa dưới thời của ông? 

Vai trò lãnh đạo của Tập Cận Bình đã hoạt động rất tích cực xét về chính sách đối nội. Nhưng như các chuyến đi của Chủ tịch Tập Cận Bình cho thấy rõ, điều này đã được phản ánh ở khía cạnh quốc tế cũng mở rộng không kém. Tại thời điểm khi mà hành vi của Trung Quốc ở biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) và biển Hoa Đông gây ra mối nghi ngờ và những tuyên bố hung hăng và huênh hoang, Chủ tịch Tập Cận Bình đối với thế giới rộng lớn hơn lại là người rất quan tâm và cởi mở. Ông đã gói thế giới vào một loạt “câu chuyện lớn” có giá trị tương đương với những câu chuyện đầy tham vọng mà ban lãnh đạo của ông đã qua đó thúc đẩy các vấn đề trong nước, đạt đỉnh điểm trong “Giấc mộng Trung Hoa” và “4 toàn diện”. 

Định nghĩa thế giới theo các vùng 

Ngay khi bắt đầu nhiệm kỳ chủ tịch nước của mình, ông đã yêu cầu những người cùng lãnh đạo “kể câu chuyện Trung Hoa”. Có lẽ đây phần nào là phản ứng trước thực tế là dưới thời người tiền nhiệm của ông, Hồ Cẩm Đào, đã có những lời chỉ trích không ngừng gia tăng rằng ban lãnh đạo quá kín đáo về những vấn đề liên quan đến vai trò toàn cầu của Trung Quốc. Nhờ có Tập Cận Bình mà việc này đã được điều chỉnh. Ông và các đồng sự của mình đã nói nhiều về thế giới rộng lớn hơn và về vai trò của Trung Quốc ở trong đó. Xét từ toàn bộ những chuyến đi này và những ngôn từ gắn liền với chúng hay được sử dụng trong những chuyến đi đó, rõ ràng là những vấn đề đối ngoại của Trung Quốc trong tâm trí các nhà lãnh đạo hiện tại của nước này cũng giữ một vai trò lớn trong việc giải quyết các thách thức hiện tại của họ khi họ có động thái hướng đến vị thế một nước có mức thu nhập trung bình vào năm 2021 và cố gắng đạt được mục tiêu đầu tiên trong số các mục tiêu thế kỷ của họ. Câu hỏi, ít nhất đối với những người bên ngoài Trung Quốc, là câu chuyên này là gì, và, quan trọng hơn, nó có ý nghĩa như thế nào đối với họ. Một cách để hiểu được điều này là xem như Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình rõ ràng đang được phân chia thành các vùng lợi ích chiến lược. 

Trong các chuyến đi của mình kể từ năm 2013, Tập Cận Bình đã vạch ra bằng ngôn từ của mình một thế giới nhìn chung gồm 3 vùng. Nằm ở trung tâm thế giới của Trung Quốc là Mỹ, mối quan hệ song phương quan trọng nhất của họ và tiêu tốn nhiều sức lực nhất. Nằm trong vùng thứ 2 là sáng kiến “Vành đai và Con đường”, một ý tưởng lớn bao gồm hơn 60 nước mà phần nhiều trong số đó thuộc khu vực sát cạnh Trung Quốc. Cuối cùng là ý tưởng về “quan hệ đối tác văn minh” được áp dụng với EU, khu vực tiếp tục có tầm quan trọng lớn về kinh tế đối với Trung Quốc ngay cả khi bản sắc chính trị của nó vẫn gây nhiều tranh cãi hơn.

Những “vùng” này được dẫn dắt bởi một số nhu cầu khác nhau. Chúng kết nối các lợi ích về an ninh, chính trị, địa lý, kinh tế và nguồn lực cho Trung Quốc. Về một ý nghĩa nào đó, chúng “miêu tả” hoặc “thuật lại” một thế giới quan đương đại lấy Trung Quốc làm trung tâm, và đưa ra những ý chính của câu chuyện Trung Hoa. Câu chuyện này đã được hé lộ thông qua các chuyến thăm của Tập Cận Bình. Trong các chuyến thăm của ông đến Trung Đông, khu vực Trung Á, Australia và Mỹ Latinh, cũng như 3 vùng rộng lớn thuộc những khu vực được miêu tả ở trên, những ý chính của câu chuyện này giờ đã trở nên rõ ràng. Thông điệp là Trung Quốc là một bên tham gia toàn cầu tự giác, một nước với những tham vọng dưới thời Tập Cận Bình là thực sự trở thành một quốc gia “giàu mạnh”, một nước có được thời khắc phục hưng của mình khi họ giành lại được vị thế và tầm quan trọng từ thời cận đại. Chúng cho thấy mức độ tham vọng hiện nay của Trung Quốc, cũng như các chiến thuật và nội dung của nó.

Vùng 1: Mô hình mới về các quan hệ nước lớn 

Mỹ vẫn là đối tác chính của Trung Quốc và là nước mà họ phải thực hiện chính sách ngoại giao tinh vi và thận trọng nhất. Đó là đối tác thiết yếu nhất bởi khối lượng hàng hóa được bán vào thị trường Mỹ nhưng, rõ nét hơn, là bởi vai trò an ninh to lớn của họ ở khu vực châu Á. Tập Cận Bình đã đến thăm Mỹ ngay sau khi nhậm chức chủ tịch nước vào năm 2013, dành 2 ngày tại khu nghỉ dưỡng Sunnylands gặp gỡ Tổng thống Obama. Trong thời gian ở đó, ông đã đưa ra 2 tuyên bố quan trọng. Tuyên bố đầu tiên là ông coi Thái Bình Dương là “đủ lớn” cho cả Mỹ và Trung Quốc. Tuyên bố thứ 2 là ông đặt mối quan hệ này trong phạm vi một “mô hình mới về các quan hệ nước lớn”. 

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp nhau tại Mar-a-Lago hồi tháng 4/2017. (Ảnh: Reuters)

Sự tuyên bố rõ ràng này đạt được 2 điều. Một là, nó vạch ra không gian chiến lược rõ ràng mà trong đó Trung Quốc tuyên bố sự bình đẳng dưới hình thức nào đó với Mỹ, ít nhất là trong khu vực (tuyên bố về Thái Bình Dương ở đây là thích hợp, với sự khẳng định rõ ràng rằng cả 2 cường quốc đều có quyền gây ảnh hưởng và hoạt động ngang nhau ở đây). Và hai là, nó nói rõ rằng Trung Quốc đã không tìm kiếm một mối quan hệ mang tính cạnh tranh, và cuối cùng có khả năng mang tính hiếu chiến, với Mỹ mà là một điều gì đó mới mẻ, ở đó họ tránh được kiểu xung đột nước lớn trong quá khứ và thúc đẩy tiến tới sự bình đẳng nhanh hơn. 
Điều rõ ràng dưới thời Tập Cận Bình, như với những người tiền nhiệm của ông, là sự mơ hồ về vai trò của Mỹ trong khu vực châu Á chưa biến mất. Điều đã trở nên mạnh mẽ hơn là mong muốn về không gian rõ ràng xung quanh Trung Quốc mà ở đó họ được tự do hơn trong việc di chuyển và gây ảnh hưởng. Những tranh chấp trên biển Nam Trung Hoa và biển Hoa Đông – nơi diễn ra các cuộc xung đột mang tính tượng trưng hơn là thực tế (Trung Quốc chưa gia tăng lãnh thổ biển đảo của họ trong ¼ thế kỷ qua mà chỉ xây dựng trên những hòn đảo hoặc cấu trúc địa hình trên biển vốn đã được tuyên bố chủ quyền) – là một phần chủ yếu của mong muốn này. Thông qua các lực lượng ủy nhiệm (ngư dân, nhân viên cứu hộ, công dân Trung Quốc), Nhà nước Trung Quốc đã tìm cách thử thách mức độ quyết tâm của các nước láng giềng sát vách của họ mà có dính dáng đến cuộc tranh chấp.

Một vài nước trong số này (Nhật Bản, Philippines, Brunei và đáng chú ý là Đài Loan) là các đồng minh của Mỹ. Hành vi của Trung Quốc là tìm cách tạo ra sự nghi ngờ và do dự về việc các cường quốc cạnh tranh nhau trong các cuộc tranh chấp hàng hải có thể làm gì để bảo vệ các lợi ích mà họ tuyên bố. Về ý nghĩa đó, ít nhất tại thời điểm này, những căng thẳng trong khu vực được miêu tả đúng nhất là các cuộc xung đột “ảo ảnh” hay “ngầm”. Họ đấu với nhau bằng ý định và tham vọng chứ không phải bằng các tài sản quân sự. Nhưng dĩ nhiên là một tính toán sai lầm có thể khiến điều đó thay đổi. 

“Mô hình mới về các quan hệ nước lớn” chỉ liên quan đến Trung Quốc và Mỹ, và bao gồm cách tiếp cận 2 mũi nhọn. Đối với các vấn đề không thuộc khu vực, tham vọng của Trung Quốc sẽ không bị ru ngủ thành những trách nhiệm của một cường quốc kiểu G2 (Trung Quốc và Mỹ). Trung Quốc không muốn bị coi là một lựa chọn thay thế cho Mỹ, đảm nhận các trách nhiệm an ninh nặng nề không gắn liền với các lợi ích quốc gia cốt lõi hữu hình của chính họ ở những nơi mà họ xem là những vùng xa xôi của thế giới. Vì vậy, họ không muốn bị đặt vào vị trí là nước kế nhiệm Mỹ, lắp đặt các tài sản quân sự và bị lôi kéo vào các cuộc tranh chấp chính trị lâu dài và phức tạp với tư cách là bên trung gian cho những thỏa thuận tiềm tàng ở Trung Đông, châu Phi và Mỹ Latinh.

Họ ưa thích làm việc thông qua Liên hợp quốc (UN), phối hợp với các nước khác, hơn là đi đầu trong những vấn đề như thế này. Nhưng một khi chúng ta đề cập đến khu vực sát cạnh của chính Trung Quốc, thì thực tế đơn giản có thể nhận thấy một cách sâu sắc hơn dưới thời Tập Cận Bình là Trung Quốc xem như Mỹ đang làm tiêu tan tham vọng của chính họ là trở thành bên tham gia chủ yếu trong khu vực. Vì thế, trong nội bộ “các quan hệ nước lớn” có sự căng thẳng rõ ràng này, và một thông điệp ít tốt lành hơn: Chúng tôi không xâm phạm không gian chủ quyền của các anh, vậy nên các anh làm ơn cũng làm như vậy và ra khỏi không gian riêng của chúng tôi. 

(còn tiếp)

RELATED ARTICLES

Tin mới