Không riêng gì tuyến đường sắt đô thị số 2 mà còn nhiều tuyến đường khác đang khai khống tổng mức đầu tư để có tiền đút túi.
Những chiêu thức…ăn gian, đội vốn
Tuyến đường sắt đô thị số 2 Hà Nội từ Trần Hưng Đạo – Thượng Đình được ước tính chi phí đầu tư trung bình 5.888 tỉ đồng/km, tổng mức đầu tư dự án là 34.743 tỉ đồng.
Tuy nhiên, sau khi các Bộ, ngành cho ý kiến thẩm định về đơn giá, suất đầu tư dự án, thành phố Hà Nội đã chỉ đạo Ban quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội tính toán lại, thì tổng mức đầu tư dự án đã được rút xuống còn 28.918 tỉ đồng, tức giảm 5.825 tỉ đồng.
Trước thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, ngày 21/11, PGS.TS Nguyễn Đình Thám – Trưởng Bộ môn Công nghệ và quản lý xây dựng, Đại học Xây dựng Hà Nội cho biết: “Tôi vừa thấy kỳ lạ, vừa không thấy lạ, lạ vì con số sai số quá lớn, không lạ bởi vì cũng đã từng có nhiều dự án xuất hiện tình trạng này.
Nhưng điểm quan trọng là trách nhiệm người lập dự án, người đánh giá dự toán, khái toán rất ít khi được đặt ra, nên gây nhiều phiền phức cho các dự án sau này.
Theo tôi, việc làm sai số quá lớn như vậy thì độ chính xác của dự án sai lệch nhiều, không hay cho kế hoạch, nhất là đơn vị hạch toán, dài hạn.
Có hai loại khai khống các dự án, một là, loại khai khống lên để lấy tiền tiêu; hai là, đưa ra tổng mức đầu tư thấp cốt được thông qua dễ dàng rồi sau đó mới dùng chiêu thiếu vốn, xin thêm, đã làm thì phải chấp nhận, đó là hình thức lừa việc đã rồi”.
Theo ông Thám, thực tế, với các dự tính sai số tổng mức đầu tư, từ xưa đến nay cứ rà soát mà giảm là được khen, mà không nhắc đến việc đã từng làm sai. Cho nên, nếu không xử lý nghiêm thì hiện tượng này sẽ lặp đi lặp lại mãi.
Vì tâm lý của đơn vị khai khống đó là được ăn cả, ngã không mất gì, nếu lọt qua được thì được tất, không lọt thì làm lại. Nhất là khi ở Việt Nam tình trạng quản lý không gắn liền với quyền lợi và trách nhiệm.
“Tôi nghĩ lý do cho việc sai số này do trách nhiệm không đến đầu đến đuôi, năng lực kém và tính toán ẩu. Không thể để tình trạng này lặp đi lặp lại nhiều, sẽ gây mất thời gian cho người lên kế hoạch lập dự án, lòng tin của các cấp lãnh đạo, đổi lại là các con số ma.
Tự nhiên gây ra tiền lệ xấu cho cả cấp dưới lẫn cấp trên, ký một văn bản thì người ký phải chịu trách nhiệm.
Theo truyền thống ở các nơi khác, nếu sai phạm như vậy thì người làm chính sách kém, không đúng thì uy tín bị đánh dấu, ở mức nhẹ là nhắc nhở, mức nặng tái phạm thì có thể xử lý hành chính, dù chưa gây hậu quả.
Có thể rút khả năng được tham gia vào các dự án lớn, hoặc hạn chế các dự án trọng điểm. Thậm chí rút giấy phép hành nghề trong lĩnh vực đó. Có nghĩa chúng ta cũng cần có các biện pháp rắn giống như các nước đang làm, hạ bút ký thì phải chịu trách nhiệm về các con số, chứ không phải ký là xong”, ông Thám nói rõ.
Người làm trực tiếp chịu trách nhiệm chính
Ở góc độ khác, theo vị chuyên gia trên, với các trường hợp khai tăng tổng mức đầu tư chắc chắn sẽ có lặp lại và nó phụ thuộc cấp lãnh đạo, nếu lãnh đạo cứng rắn, chỉ đạo rõ ràng, nghiêm khắc thì cấp dưới không dám làm như vậy, nhưng nếu qua loa thì cấp dưới vẫn tận dụng kẽ hở để tìm lợi nhuận.
Nếu đơn vị xử lý không nghiêm họ sẽ sẵn sàng lặp lại, còn xử lý nghiêm sẽ thôi, các người đã làm bị kỷ luật, còn những người sắp làm thì lấy đó làm gương, làm cẩn trọng hơn, chịu trách nhiệm với mình hơn.
“Còn với các dự án chưa bị phát hiện, thì đã có quy định của nhà nước về quản lý dự án rất rõ, lập dự án qua rất nhiều bước, báo cáo sơ bộ, báo cáo tiền khả thi, khả thi, mỗi lần báo cáo có cơ quan thẩm tra, thẩm định, có năng lực.
Theo tôi chỉ cần làm theo các văn bản nhà nước quy định về quản lý xây dựng, quản lý dự án là đủ để giữ được sự nghiêm minh của pháp luật”, ông Thám khẳng định.
Điều đáng lo là các dự án cứ thi nhau đội vốn thì tác hại vô cùng lớn, gây nên sự bất bình thường trong quản lý, dự án chi hết 70% còn 30% là tham nhũng, đây không phải của trên trời mà của nhà nước, của dân, của người lao động. Còn vay vốn ODA thì thế hệ con cháu phải chịu, phải trả, đây là việc làm mang tính phá hoại hơn là xây dựng.
Tất cả các khoản tiền nhà nước từ vay vốn ODA, hay vốn vay trong nước thì người dân phải chịu hết không ai chịu thay cho dân, trả lương cho cán bộ cũng là dân, chi phí cho các công trình công cộng từ bảo vệ đất nước đến phát triển cũng là tiền của dân.
Còn với dự án đường sắt đô thị số 2, đơn vị nào thực hiện, ai giao quyền cho đơn vị đó làm sai thì người đó phải chịu trách nhiệm.
Làm không được thì không cho làm nữa, quản lý mà không quản lý đầu đuôi chứng tỏ không có năng lực, thì cần cho người có trình độ làm, loại bỏ người yếu kém. Ở đây không còn là chuyện rút kinh nghiệm mà là bài học xương máu, cái quan trọng có tâm huyết với dân hay không.
“Về trách nhiệm, người chịu trách nhiệm chính là người phụ trách trực tiếp việc thiết lập tổng vốn đầu tư. Người càng trực tiếp bao nhiêu thì trách nhiệm càng lớn, người gián tiếp nhẹ đi, còn người chỉ đường lối thì có thể rút kinh nghiệm được vì quá tin cấp dưới, hoặc giao cho cấp dưới không đúng năng lực.
Việt Nam lúc nào cũng cứ rút kinh nghiệm, mà đường sắt đô thị số 1 cũng đã có đủ bài học mà không dựa vào”, ông Thám chỉ rõ.