Saturday, November 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTIÊU CHUẨN KÉP CỦA TRUNG QUỐC

TIÊU CHUẨN KÉP CỦA TRUNG QUỐC

Trong
thời gian vừa qua, Trung Quốc đã áp dụng cái mà người ta gọi là “tiêu chuẩn kép”
khi tiến hành nhiều hoạt động trên biển, làm cho các nước và dư luận trong và
ngoài khu vực Đông Nam Á hết sức bất bình.

Về việc xác lập các vùng biển
phụ cận của các đảo đá

Tháng
11 năm 2008, Nhật Bản nộp đơn đăng ký thềm lục địa mở rộng cho vùng
biển phía Nam, trong đó có bao gồm cả đảo đá Okinotori, một bãi đá ngầm
không người ở, nằm ở phía nam tận cùng lãnh thổ Nhật Bản.

Đảo đá này được
quy hoạch vào quần đảo Ogasawara (thuộc Tokyo), là quần đảo hình thành
bởi nhiều rặng san hô có diện tích 7,8 km2.  Trung Quốc đã chính thức công nhận đảo
bãi đá Okinotori là thuộc lãnh thổ Nhật Bản.

Ngày 6
tháng 2 năm 2009, Phái đoàn thường trực của Trung Quốc tại Liên hợp quốc đã gửi
công hàm phản đối hồ sơ ranh giới ngoài thềm lục địa của Nhật Bản gửi Uỷ ban
Ranh giới thềm lục địa ngày 12 tháng 11 năm 2008 về việc Nhật Bản đã lấy đảo đá
Okinotori làm điểm cơ sở để mở rộng thềm lục địa ở ba khu vực ngoài 200 hải lý
tại biển Hoa Đông. Lý do mà Trung Quốc đưa ra là bãi đá ngầm Okinotori không phải
là nơi cư dân có thể sinh sống, cũng không thể duy trì các sinh hoạt kinh tế. Tại
cuộc họp lần thứ 19 của các nước thành viên Công ước luật biển 1982, đoàn đại
biểu Trung Quốc khẳng định lại lập trường theo điều 121 khoản 3 của Công ước luật
biển 1982, đó là, các đảo, đá không thích hợp cho con người đến ở hoặc không có
đời sống kinh tế riêng thì không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.

Thế
nhưng tại Biển Đông, Trung Quốc lại có lập trường khác hẳn khi yêu sách các
vùng biển phụ cận của các đảo đá  thuộc
hai quần đảo Trường Sa  và Hoàng Sa của
Việt Nam mà Trung Quốc đã đánh chiếm một cách bất hợp pháp. Vùng biển phụ cận
mà Trung Quốc đòi hỏi trùm lên cả các vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của
các quốc gia láng giềng. Do các đảo, đá ở hai quần đảo này có diện tích nhỏ,
không đủ điều kiện cho con người sinh sống và không có đời sống kinh tế riêng
nên yêu sách vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa cho các đảo đá này rõ ràng
là không phù hợp với điều 121 của Công ước luật biển 1982.

Yêu sách “đường lưỡi bò”

Trong
khi yêu cầu các nước khác phải tôn trọng luật biển quốc tế và tôn trọng những
quyền và lợi ích trên biển của mình, Trung Quốc tự giành lấy cái quyền vi phạm
luật biển quốc tế hoặc vận dụng luật biển quốc tế theo cách có lợi cho lợi ích
ích kỷ của mình. Ngày 7 tháng 5 năm 2009, Trung Quốc ngang nhiên đơn phương đưa
yêu sách đường đứt khúc chín đoạn ra trước Liên hợp quốc. Với con đường này,
Trung Quốc ngang ngược yêu sách một vùng biển chiếm đến 80% diện tích biển
Đông, thể hiện rõ tham vọng chiếm đoạt vùng biển và tài nguyên trong các vùng
biển của các nước láng giềng.

Việc
Trung Quốc đưa ra yêu sách đường lưỡi bò rõ ràng là bất chấp những tiêu chuẩn
quốc tế về việc hình thành yêu sách ranh giới trên biển và những quy định của
Công ước luật biển 1982 về việc xác lập các vùng biển quốc gia, đơn phương đặt
ra chuẩn mực luật pháp, không đếm xỉa gì đến lợi ích của các quốc gia láng giềng
và lợi ích của các quốc gia khác trong khu vực và thế giới.



Đối xử với các ngư dân bị bắt

Tháng 9
năm 2010, khi một tàu cá của Trung Quốc bị tàu tuần tra của Nhật Bản bắt giữ ở
vùng biển ngoài khơi Nhật Bản nơi mà Trung Quốc coi là một khu vực biển tranh
chấp, Chính phủ Trung Quốc đã tiến hành những biện pháp ngoại giao và chính trị
quyết liệt, khuấy động tinh thần dân tộc sâu sắc trong dư luận Trung Quốc để phản
đối Nhật Bản, gây nên một bầu không khí hết sức căng thẳng trong khu vực.

Trong
khi đó, tại biển Đông Trung Quốc có hành động và thái độ hoàn toàn khác. Trong
hơn chục năm qua, Trung Quốc ngang nhiên đơn phương cấm đánh bắt cá từ tháng 5
đến tháng 8  hàng năm trong các vùng biển
thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của các nước láng giềng. Mấy năm gần
đây, Trung Quốc còn đưa tàu ngư chính xuống vùng biển thuộc phạm vi quần đảoTrường
Sa, làm cho tình hình trong khu vực biển này ngày càng phức tạp và căng thẳng,
đồng thời bắt bớ và đối xử vô nhân đạo đối với những ngư dân Việt Nam tiến hành
đánh bắt cá tại vùng biển của Việt Nam trong phạm vi khu vực quần đảo Hoàng
Sa.  Riêng  năm 2009, đã có 33 tàu cá và 433 ngư dân Việt
Nam bị các lực lượng Trung Quốc bắt giữ. Năm 2010, đã có 21 tàu cá và 173 ngư
dân Việt Nam
bị bắt giữ.

Vụ 9
ngư dân Quảng Ngãi (Việt Nam) bị Trung Quốc bắt giữ trong tháng 9 năm 2010 là dịp
để báo chí so sánh phê phán tiêu chuẩn kép áp dụng khác nhau cho ngư dân Trung
Quốc bị tàu tuần tra Nhật Bản bắt trong vùng biển Senkaku và cho ngư dân Việt
Nam bị bắt giữ tại vùng biển Hoàng Sa.

Về việc thực thi các cam kết khu vực

Năm
2002, Trung Quốc đã ký với các nước ASEAN bản Tuyên bố về các hành vi ứng xử ở
biển Đông trong đó các nước ký kết cam kết cùng nhau giữ gìn hoà bình và ổn định
trong khu vực, không sử dụng vũ lực và đe doạ sử dụng vũ lực, không tiến hành
những hoạt động làm phức tạp thêm tình hình. Tại Hội
nghị Cấp cao ASEAN – Trung Quốc lần thứ 13 tại Hà Nội ngày 29 tháng 10 năm
2010, Trung Quốc và các nước ASEAN đã ghi nhận gần như toàn bộ các nội dung
trên như : nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường đối thoại và hợp tác vì
hoà bình, ổn định và phát triển ở khu vực; cam kết tuân thủ và thực hiện hiệu
quả Tuyên bố về cách ứng xử của các bên liên quan ở Biển Đông, thúc đẩy hợp tác
tiến tới thông qua Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông; cam kết giải quyết hoà bình
các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước luật biển của
Liên hợp quốc; cũng như đẩy mạnh hợp tác xử lý các vấn đề cùng quan tâm, nhất
là các thách thức an ninh phi truyền thống mà khu vực đang phải đối mặt. Chỉ
mấy ngày sau Hội nghị cấp cao ASEAN, báo chí Trung Quốc còn trích lời người phát
ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, kêu gọi các bên liên quan tránh làm xấu đi
tình hình ở Biển Đông, tránh tạo ra căng thẳng và phát sinh cho giải pháp cuối
cùng của vấn đề, và rằng việc này có lợi cho mọi nước liên quan,  trong đó có Trung Quốc.

Trong
khi hô hào các nước phải tuân thủ các cam kết khu vực, Trung Quốc liên tục có
những hành động vi phạm cam kết của mình như: tăng cường sức mạnh quân sự, nhất
là lực lượng hải quân liên tục tiến hành các cuộc tập trận tại các khu vực biển
có tranh chấp, thậm chí còn tiến hành các cuộc tập trận tập dượt để đánh chiếm các
đảo ở Biển Đông; đưa cả ba hạm đội Bắc Hải, Đông Hải, Nam Hải vào Biển Đông giễu
võ giương oai, uy hiếp các nước láng giềng nhỏ khác trong khu vực; đưa hai tàu tuần tra ngư nghiệp lớn đến quần đảo Trường
Sa để thực hiện cái gọi là “bảo vệ các tàu đánh cá của Trung Quốc”; đơn phương
áp đặt lệnh cấm đánh cá thường diễn ra giữa tháng 5 và tháng 8 trong vùng biển
Đông trong hơn thập kỷ vừa qua; ngăn cản các hoạt động dầu khí của Philippin và
của Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của các nước này và
công bố dự án 29 tỷ đô-la của Công ty Dầu khí hải dương Trung Quốc nhằm khai
thác dầu ở Biển Đông.

Việc áp
dụng tiêu chuẩn kép kiểu Trung Quốc thực chất là chính sách bá quyền nước lớn,
tự giành cho mình cái quyền được đặt ra những chuẩn mực cho hành vi của các quốc
gia khác, bất chấp những tiêu chuẩn, nguyên tắc của luật pháp quốc tế và lợi
ích hợp pháp của các quốc gia khác. Chính vì vậy, “tiêu chuẩn kép” của Trung Quốc
không thể được các quốc gia trong và ngoài khu vực Đông Nam Á chấp nhận. Để trở
thành một thành viên đáng tin cậy của cộng đồng quốc tế, Trung Quốc cần chấm dứt
việc áp dụng tiêu chuẩn kép trong quan hệ quốc tế; đồng thời nghiêm chỉnh tuân
thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước luật biển 1982.

                                                                     Nguyễn Nghiêm

 

RELATED ARTICLES

Tin mới