Friday, November 15, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiVườn hoa hay lò lửa TQ nhen nhóm ở châu Phi?

Vườn hoa hay lò lửa TQ nhen nhóm ở châu Phi?

Trung Quốc tập trận bắn đạn thật tại căn cứ Djibouti cùng thời điểm chuyến thăm của Tổng thống Djibouti tới Bắc Kinh.

Hôm 23/11, quân đội Trung Quốc đóng tại căn cứ hỗ trợ hậu cần ở Djibouti tổ chức diễn tập với các loại vũ khí hạng nặng.

Lính Trung Quốc thực hành các bài tập tấn công kết hợp với xe bọc thép có sự yếm trợ của pháo binh.

Chỉ huy căn cứ quân sự hải ngoại đầu tiên của Trung Quốc Lương Dương tuyên bố cuộc tập trận diễn ra nhằm kiểm tra năng lực tác chiến của quân lính và vũ khí, để cải thiện khả năng thích ứng với môi trường bản địa.

Ngoài ra, lực lượng bộ binh của Bắc Kinh cũng tiến hành diễn tập tấn công mục tiêu bằng nhiều xe bọc thép.

Hồi cuối tháng 9, nhiều binh sĩ Trung Quốc lần đầu tiên tổ chức cuộc diễn tập bắn đạn thật bằng các loại vũ khí bộ binh nhằm kiểm tra khả năng thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt ở quốc gia châu Phi này.

Djibouti giáp với Somalia và nằm tại khu vực Sừng châu Phi, vị trí chiến lược với các tuyến hàng hải quốc tế đi qua kênh đào Suez. Vịnh Aden là nơi cướp biển Somalia hoành hành, buộc các nước như Mỹ, Nga và Trung Quốc triển khai lực lượng chiến hạm hộ tống tàu chở hàng.

Nhưng các cuộc tập trận của Trung Quốc chưa khi nào chỉ mang ý nghĩa chống cướp biển cho châu Phi.

Căn cứ này gồm các trung tâm nạp nhiên liệu và hậu cần, cũng như cơ sở giải trí cho thủy thủ, phục vụ cho các tàu chiến Trung Quốc hoạt động tại vịnh Aden và những khu vực lân cận. Quy mô căn cứ có thể cho phép Trung Quốc triển khai tại đây tới 10.000 người.

Điều đó khiến Djibouti thành cánh tay nối dài của Bắc Kinh tại khu vực chiến lược và có thể trở thành nền tảng cho tham vọng địa chính trị của Trung Quốc ở khu vực Sừng châu Phi.

Vị trí của Djibouti ở rìa tây bắc Ấn Độ Dương đã dấy lên lo ngại từ Ấn Độ rằng nước này sẽ trở thành một trong những liên minh quân sự và cơ sở của Trung Quốc trong khu vực – được gọi là chuỗi ngọc trai, bao gồm Bangladesh, Myanmar và Sri Lanka.

Lực lượng binh sĩ tại đây đã nhận được một thông điệp được gửi từ Chủ  tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thông qua một đoạn video, khuyến khích tăng cường thể hiện hình ảnh tốt đẹp.

Phát biểu với các lực lượng tại Djibouti trong chuyến thăm trung tâm chỉ huy chung tại Bắc Kinh, ông Tập đã hiểu rõ hơn về các hoạt động của căn cứ này và cuộc sống của binh lính tại đây.

Ông Tập “đã khuyến khích họ thể hiện một hình ảnh tốt đẹp của quân đội Trung Quốc và thúc đẩy hòa bình, ổn định của quốc tế và khu vực”.

Trong chuyến thăm trung tâm chỉ huy trên, ông Tập cũng chỉ thị cho lực lượng vũ trang tăng cường khả năng chiến đấu và chuẩn bị trong tình huống có xung đột.

Đáp lại, những người lính đã trả lời rằng họ sẽ không để cho Chủ tịch Tập và đất nước Trung Quốc thất vọng.

Cuộc tập trận bắn đạn thật tại căn cứ Djibouti, có diện tích tương tự xứ Wales, là lối vào phía Nam của Biển Đỏ trên tuyến đường đến Kênh đào Suez đã thể hiện tinh thần và tuyên bố sự hiện diện của Bắc Kinh tại Quốc gia này.

Djibouti kẹp giữa Ethiopia, Eritrea và Somalia cũng là nơi có các căn cứ của Mỹ, Nhật và Pháp.

Trung Quốc – Djibouti nở hoa hợp tác

Cuộc tập trận diễn ra vào thời điểm Tổng thống Djibouti Ismail Omar Guelleh có chuyến thăm cấp nhà nước tại Trung Quốc kéo dài 3 ngày.

Quan hệ song phương đã đẩy lên một nấc thang mới khi đã có nhiều dự án chiến lược của Bắc Kinh tại quốc gia sừng châu Phi này.

Vuon hoa hay lo lua Trung Quoc nhen nhom o chau Phi?
Vị trí chiến lược của Djibouti.

Ngoài căn cứ hải quân mang ý nghĩa địa chính trị, Trung Quốc còn đặt các dự án năng lượng tại đây.

Mới tuần trước, Tập đoàn Dầu khí POLY-GCL của Trung Quốc đã ký bản ghi nhớ cam kết đầu tư 4 tỷ USD cho một dự án khí tự nhiên ở Damerjog, Djibouti.

Dự án này sẽ bao gồm đường ống dẫn khí, nhà máy hóa lỏng. Dự kiến đường ống dẫn khí sẽ vận chuyển 12 tỷ mét khối khí tự nhiên mỗi năm từ Ethiopia về Djibouti, trong khi nhà máy hóa lỏng đặt mục tiêu 10 triệu tấn khí hóa lỏng mỗi năm.

Đường sắt, sân bay thường xuyên là các sản phẩm mà nhà đầu tư Trung Quốc mang ra nước ngoài.

Dự án đường sắt Addis Ababa-Djibouti nối Djibouti với Ethiopia dài 750 km sẽ xây dựng tuyến tàu hỏa chạy điện xuyên biên giới đầu tiên ở khu vực châu Phi. Sau khi hoàn thiện, tuyến đường sắt này sẽ vận chuyển 90% hàng hóa của Ethiopia.

Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc và Tập đoàn Xây dựng Kỹ thuật Dân dụng Trung Quốc (CCECC) đã rót vốn 70% vào dự án trị giá 490 triệu USD này. Theo thỏa thuận, phía Trung Quốc sẽ vận hành dự án trong 5 năm đầu tiên, sau đó phía Ethiopia sẽ tiếp quản.

Từ năm 2015, Tập đoàn CCECC của Trung Quốc sẽ chịu trách nhiệm xây dựng 2 sân bay mới với kinh phí gần 600 triệu USD.

Tuy nhiên, theo thông tin do Bloomberg tiết lộ hồi tháng trước, các dự án xây dựng 2 sân bay này dự kiến sẽ mở thầu lại. Chưa rõ lý do của việc mở thầu này, song Bloomberg dẫn lời một quan chức địa phương cho biết Trung Quốc có thể sẽ không còn giữ vị thế độc quyền đối với 2 dự án này.

Tuy vậy, Bắc Kinh rõ ràng vẫn có thể tham gia và tiếp tục trúng thầu.

Cùng với nỗ lực đưa năng lực quân sự của mình ra nước ngoài với cách biện minh về sứ mệnh nhân đạo, bảo vệ hòa bình, Trung Quốc cũng không từ bỏ tham vọng thâu tóm các nguồn khoáng sản tại châu Phi. Một khi sức mạnh quân sự có thể trấn áp được, Trung Quốc hoàn toàn có khả năng thâu tóm đầy đủ các lĩnh vực khác mà họ mong muốn.

RELATED ARTICLES

Tin mới