Wednesday, October 2, 2024
Trang chủĐàm luậnTQ quay trở lại sự cai trị của người hùng? (Phần 1)

TQ quay trở lại sự cai trị của người hùng? (Phần 1)

Một kỷ nguyên mới đã bắt đầu trong nền chính trị Trung Quốc. Vào ngày 24/10, khi Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) kết thúc, các quan chức của đảng đã sửa đổi điều lệ đảng để đưa vào một nguyên tắc chỉ đạo mới về ý thức hệ: “Tư tưởng Tập Cận Bình”.

 

Ý nghĩa của việc Tập Cận Bình thâu tóm quyền lực

Ít nhà quan sát biết chính xác được học thuyết này bao gồm điều gì – đây là một tập hợp không rõ ràng các tư tưởng về việc duy trì nhà nước độc đảng của Trung Quốc và biến nước này thành một cường quốc toàn cầu – nhưng hầu hết đều ngay lập tức hiểu được tính biểu tượng chính trị của việc đưa tư tưởng này vào điều lệ đảng. Đảng đã nâng các đóng góp về ý thức hệ của nhà lãnh đạo Trung Quốc này lên ngang tầm đóng góp của Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình, các nhà lãnh đạo khác của ĐCSTQ có tư tưởng được tôn sùng. 

Đây mới chỉ là gợi ý đầu tiên cho thấy Tập Cận Bình đã giành được một chiến thắng chính trị lớn tại đại hội đảng. Quy mô thực sự của thắng lợi của ông đã trở nên rõ ràng vào ngày tiếp theo, khi các quan chức của đảng lựa chọn các thành viên mới cho Ban thường vụ Bộ chính trị, cơ quan ra quyết định hàng đầu của Trung Quốc. Tập Cận Bình đã sắp xếp để Ban thường vụ gồm 7 thành viên này bao gồm các nhân vật trung thành với ông, tất cả họ đều sẽ quá lớn tuổi nên không có cơ hội thay thế ông trong đại hội đảng tiếp theo vào năm 2022. Kết quả là sự cai trị của Tập Cận Bình có khả năng kéo dài thêm 15 năm nữa và có lẽ còn hơn thế. 
Dù Tập Cận Bình có vẻ hùng mạnh đến đâu, giờ đây ông phải giành được vốn liếng chính trị để có được một nhiệm kỳ kéo dài với tư cách nhà lãnh đạo Trung Quốc. Trên thực tế, ông sẽ cần phải thực hiện những lời hứa của mình tái cân bằng và duy trì tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc và tái cơ cấu hệ thống tư pháp của nước này. 

Sự gia tăng quyền lực của Tập Cận Bình 

Trong số 7 thành viên của Ban thường vụ ĐCSTQ khóa trước, chỉ có 2 người tiếp tục tại nhiệm: Tập Cận Bình và cấp phó của ông, Thủ tướng Lý Khắc Cường. 5 thành viên còn lại của cơ quan này đều là những nhân vật mới, và 4 người trong số đó là đồng minh của Tập Cận Bình.

Lật Chiến Thư, nhân vật số 3 mới của đảng, đã hình thành một tình bạn thân thiết với Tập Cận Bình cách đây hơn 30 năm và từng là Chủ nhiệm Văn phòng trung ương đảng trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tập Cận Bình, bắt đầu vào năm 2012. Một nhân vật trung thành khác, Triệu Lạc Tế, sẽ nắm vai trò “ông hoàng” chống tham nhũng mới của Trung Quốc, đóng vai người thực thi pháp luật hàng đầu của Tập Cận Bình. Người tiền nhiệm của Triệu Lạc Tế, Vương Kỳ Sơn, đã đóng vai trò then chốt giúp Tập Cận Bình thanh trừng các đối thủ và củng cố quyền lực trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông. 

Nhiều nhà quan sát Trung Quốc đã nhận diện 2 nhân vật mới khác trong Ban thường vụ, Vương Hộ Ninh và Hàn Chính, là thành viên của cái gọi là phe Thượng Hải, một phái tinh hoa có liên hệ với cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân – một đường lối tư duy khiến lòng trung thành của họ đối với Tập Cận Bình đáng nghi ngờ. Nhưng đánh giá này là không chính xác. Vương Hộ Ninh từng đóng vai trò là cố vấn lý luận chính của 3 đời tổng bí thư – Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào và Tập Cận Bình – và ít có khả năng ông liều lĩnh hy sinh mối quan hệ với Tập Cận Bình bằng việc tiếp tục trung thành với phe cánh của Giang Trạch Dân, vốn đã bị cuộc thanh trừng chống tham nhũng của Tập Cận Bình làm suy yếu. Còn về Hàn Chính, ông là một nhà kỹ trị có năng lực nhưng ít người biết đến, người không trung thành mãi mãi với phe Thượng Hải. Trên thực tế, khi Tập Cận Bình còn là Bí thư thành ủy Thượng Hải từ năm 2006 tới 2007, Hàn Chính là thị trưởng thành phố và là cánh tay đắc lực của Tập Cận Bình. Thành viên thứ 7 của Ban thường vụ là Uông Dương, một nhân vật có liên hệ với phái Đoàn thanh niên đối địch. Ông sẽ trở thành Chủ tịch Hội nghị chính trị hiệp thương nhân dân Trung Quốc, một cơ quan tư vấn cho đảng. 

Tập Cận Bình cũng thành công trong việc sắp xếp Bộ chính trị gồm 25 ủy viên với các đồng minh của mình. Ít nhất 11 người trong số 15 ủy viên mới của Bộ chính trị thuộc phe của Tập Cận Bình. Kết quả là Chủ tịch Trung Quốc giờ có thể dựa vào 18 phiếu trong cơ quan đó. Các quyết định của ông sẽ được Bộ chính trị và Ban thường vụ ủng hộ với đa số áp đảo, đem lại cho chúng thẩm quyền rất lớn. Điều quan trọng hơn là các đồng minh của Tập Cận Bình trong Bộ chính trị, một vài người trong số họ còn tương đối trẻ, sẽ là những ứng cử viên nặng ký để được tiến cử vào Ban thường vụ tại Đại hội XX vào năm 2022. 

Chiến thắng chính trị lớn nhất mà Tập Cận Bình giành được tại đại hội là chấm dứt thông lệ của đảng chính thức chỉ định một nhà lãnh đạo mới ít nhất 5 năm trước thời điểm chuyển giao quyền lực. Truyền thống này bắt đầu vào năm 1992, khi Đặng Tiểu Bình chọn Hồ Cẩm Đào làm người kế nhiệm Giang Trạch Dân 10 năm trước khi Hồ Cẩm Đào nắm quyền. Tương tự, năm 2007, đảng đã chọn Tập Cận Bình làm người kế nhiệm Hồ Cẩm Đào. Thông lệ này đã làm giảm nguy cơ đấu đá giành quyền kế nhiệm và giúp thực thi các giới hạn nhiệm kỳ không chính thức của đảng, theo đó các nhà lãnh đạo hàng đầu chỉ nắm giữ chức vụ trong 2 nhiệm kỳ, mỗi nhiệm kỳ kéo dài 5 năm. Nhưng đảng chưa bao giờ đưa các truyền thống này vào điều lệ, và một lãnh đạo cầm quyền tìm cách kéo dài sự cai trị của mình sẽ luôn có khả năng chấm dứt các truyền thống đó nếu có đủ quyền lực bất chính. 

Điều này rõ ràng đúng với trường hợp của Tập Cận Bình, và ông cùng các đồng minh của mình đã hành động rất khôn khéo để chấm dứt tiền lệ. Thứ nhất, vào mùa Thu năm 2016, các quan chức ĐCSTQ đã gọi Tập Cận Bình là “hạt nhân lãnh đạo” của đảng, đưa ông trở thành nhà lãnh đạo duy nhất kể từ Đặng Tiểu Bình tự mình nắm lấy danh hiệu đáng thèm muốn này và gửi một thông điệp tới các nhân vật cấp cao khác rằng vị trí của Tập Cận Bình là không thể bị tấn công. (Giang Trạch Dân được Đặng Tiểu Bình gọi là hạt nhân lãnh đạo; còn Hồ Cẩm Đào chưa bao giờ nhận được danh hiệu này.) Một vài tháng sau, vào tháng 1/2017, các nhân viên an ninh Trung Quốc đã bắt cóc ông trùm Tiêu Kiến Hoa tại căn phòng này của ông ở khách sạn Bốn mùa tại Hong Kong. Vụ bắt cóc nhằm mục đích chặn trước các thách thức tiềm tàng đối với kế hoạch của Tập Cận Bình: với tư cách là “kẻ buôn tiền” cho nhiều nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc, Tiêu Kiến Hoa nhiều khả năng nắm giữ thông tin bất lợi về một số đối thủ của Tập Cận Bình. 

Vào tháng 7, Tập Cận Bình có bước đi khác, ra lệnh bắt giữ Bí thư thành ủy Trùng Khánh Tôn Chính Tài với cáo buộc tham nhũng. Sự sa cơ của Tôn Chính Tài là điều có ý nghĩa vì mối liên hệ của ông với phe Giang Trạch Dân và vì ông còn rất trẻ nên đáng ra sẽ trở thành người kế nhiệm hợp lý cho Tập Cận Bình nếu ông không bị đụng tới. (Các ủy viên của Bộ chính trị thường phải trẻ hơn 55 tuổi mới đủ điều kiện được xem xét làm người kế nhiệm tương lai.) Giờ đây khi Tôn Chính Tài đã bị thanh trừng, chỉ có duy nhất một ủy viên Bộ chính trị đủ trẻ để có thể là người kế nhiệm của Tập Cận Bình vào năm 2022: cựu Bí thư tỉnh ủy Quảng Đông Hồ Xuân Hoa. Nhưng nhân vật 55 tuổi này không được tiến cử vào Ban thường vụ, dường như khiến ông không đủ điều kiện để đảm nhận vị trí của Tập Cận Bình vào năm 2022. Ông này nhiều khả năng sẽ đảm nhận vai trò phó chủ tịch, một vị trí phần lớn mang tính biểu tượng, vào tháng 3/2018. 

Với rất ít lựa chọn, Tập Cận Bình sẽ có lý do hoàn hảo để trì hoãn đưa ra quyết định về việc ai nên kế nhiệm ông. Sự thống trị của ông đối với Bộ Chính trị và Ban thường vụ sẽ trao cho ông quyền thực hiện việc này, giúp ông có được một nhiệm kỳ thứ 3 tại đại hội tiếp theo vào năm 2022.

Tập Cận Bình sẽ sửa đổi điều lệ đảng và hiến pháp Trung Quốc để hợp pháp hóa việc gia hạn quyền lực của ông. Chẳng hạn, ông có thể đảm nhận vị trí chủ tịch đảng, khôi phục vai trò đã không còn tồn tại này trong điều lệ đảng và tái khởi động vai trò lãnh đạo của ông đối với ĐCSTQ. Còn về giới hạn 2 nhiệm kỳ đối với lãnh đạo nhà nước Trung Quốc (một chức vụ thường được nhắc đến là ‘tổng thống” trong tiếng Anh nhưng dịch đúng ra phải là “chủ tịch”), giới hạn này có thể được bãi bỏ với một sự thay đổi về ngữ nghĩa: các quan chức có thể sửa đổi hiến pháp Trung Quốc để danh hiệu chính thức của Tập Cận Bình trở thành “tổng thống”. Bằng việc giành được 2 nhiệm kỳ 5 năm mới với tư cách lãnh đạo của cả đảng và chính phủ, Tập Cận Bình sẽ có thể nắm lấy quyền lực cho tới ít nhất là năm 2032. 

(Còn tiếp)

RELATED ARTICLES

Tin mới