Nhằm phục vụ cho tham vọng bành trướng, Trung Quốc đã đưa ra một loạt yêu
sách chủ quyền ở biển Đông, trong đó có yêu sách đường đứt khúc chín đoạn (hay
còn gọi là yêu sách “đường lưỡi bò”) và diễn giải sai lệch luật biển quốc tế.
Với
các yêu sách đó, Trung Quốc tuyên bố chủ quyền của mình đối với tất cả các quần
đảo, đảo, đá và khoảng 80% diện tích biển
Đông và toàn bộ tài nguyên thiên nhiên trong khu vực biển này, ngang nhiên lấn
sâu vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các nước liền kề biển Đông.
Trên cơ sở diễn giải xuyên tạc luật biển quốc tế, Trung Quốc đã ban hành những
quy định luật pháp trong nước để mở rộng thẩm quyền của mình trong các vùng biển
mà Trung Quốc xác lập theo Công ước luật biển 1982. Các yêu sách chủ quyền và cách
diễn giải luật biển quốc tế của Trung Quốc không chỉ thách thức nghiêm trọng chủ
quyền, các quyền chủ quyền của các nước trong khu vực biển Đông mà còn đe doạ các
quyền tự do và lợi ích hợp pháp của các nước ngoài khu vực, trong đó có nước Mỹ.
Bài viết này sẽ phân tích lập trường của Mỹ về các yêu sách chủ quyền của Trung
Quốc, về cách Trung Quốc diễn giải luật biển quốc tế và phản ứng của Mỹ đối với
các hành động ngang ngược của Trung Quốc nhằm “thực thi” yêu sách chủ quyền đơn
phương của họ ở biển Đông.
LẬP TRƯỜNG CỦA MỸ VỀ CÁC YÊU SÁCH CHỦ QUYỀN CỦA TRUNG QUỐC Ở BIỂN ĐÔNG
Về yêu sách chủ quyền của Trung
Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa
Để tránh phức
tạp trong quan hệ ngoại giao với các nước khác trong khu vực biển Đông, trong
thời gian qua Mỹ chủ trương không công khai đưa ra quan điểm về yêu sách chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường
Sa của các nước là những bên tranh chấp, trong đó có Trung Quốc. Tuy vậy, nếu
xem lại những tư liệu lịch sử trong giai đoạn sau Chiến tranh thế giới lần thứ
hai, người ta có thể thấy rằng Chính phủ Mỹ đã tỏ rõ lập trường của mình về vấn
đề chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tại Hội nghị San Francisco
được nhóm họp từ ngày 4 đến ngày 8 tháng 9 năm 1951 để thảo luận vấn đề chấm dứt
chiến tranh tại châu Á – Thái Bình Dương và bàn việc ký Hoà ước với Nhật Bản,
Mỹ và bốn mươi sáu quốc gia khác có đại diện tham gia Hội nghị đã bỏ phiếu bác
bỏ đề nghị giao hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Hoa Dân Quốc quản
lý. Tại Hội nghị này, chỉ có đại diện 3 nước bỏ phiếu ủng hộ đề nghị trên. Bản
Hoà ước San Francisco được Hội nghị thông qua không coi hai quần đảo Hoàng Sa và
Trường Sa là lãnh thổ Trung Quốc và không giao hai quần đảo này cho Trung Quốc.
Như vậy, tại Hội nghị San Francisco Chính phủ Mỹ đã khẳng định lập trường không
công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Về cơ bản,
các học giả Mỹ chia sẻ lập trường của Chính phủ họ đối với vấn đề “chủ quyền của
Trung Quốc” đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Các học giả Mỹ cho rằng
cơ sở pháp lý mà Trung Quốc sử dụng để củng cố yêu sách chủ quyền của mình đối
với hai quần đảo này là không có sức thuyết phục. Đối với quần đảo Hoàng Sa,
mặc dù Trung Quốc đã dùng vũ lực đánh chiếm bất hợp pháp từ năm 1974, nhưng
Việt Nam vẫn liên tục tuyên bố khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo
này. Tức là, quần đảo Hoàng Sa vẫn là quần đảo tranh chấp, không thể nói rằng
quần đảo Hoàng Sa đã thuộc về chủ quyền của Trung Quốc. Đối với quần đảo Trường
Sa, ngoài Trung Quốc còn bốn nước năm bên khác đang chiếm đóng các đảo, đá
trong quần đảo này. Từ trước đến nay, Trung Quốc không đưa ra được bất kỳ chứng
cứ pháp lý và lịch sử xác thực nào để có thể chứng minh rằng họ đã xác lập chủ
quyền, chiếm đóng hiệu quả hoặc quản lý và kiểm soát liên tục quần đảo này. Trên
cơ sở những lý do trên, các học giả Mỹ cho rằng yêu sách chủ quyền của Trung Quốc
đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa không đáp ứng được yêu cầu của luật
pháp quốc tế.
Về yêu sách “đường lưỡi bò” và
vùng biển nằm trong con đường này
Đối với yêu sách “đường lưỡi bò” dựa trên cái gọi là các quyền lịch sử mà
Trung Quốc đưa ra để đòi hỏi chủ quyền đối với gần như toàn bộ biển Đông, chính
giới và các nhà học giả Mỹ cho rằng việc Trung Quốc coi “đường lưỡi bò” là biên
giới quốc gia trên biển và vùng biển trong “đường lưỡi bò” là vùng biển chủ
quyền của Trung Quốc với quy chế nội thuỷ hoặc lãnh hải là không thể chấp nhận
được, bởi vì, yêu sách đó không phù hợp với những quy định của luật tập quán
quốc tế. Thứ nhất, vùng biển trong đường lưỡi bò không liền kề lãnh thổ đất
liền của Trung Quốc. Điểm xa nhất của vùng biển này so với đất liền Trung Quốc
lên đến 1600 hải lý, đến tận 4 độ vĩ bắc. Thứ hai, Trung Quốc không chứng minh
được họ là quốc gia duy nhất có lợi ích về kinh tế ở khu vực biển Đông. Thực tế
cho thấy trong nhiều thế kỷ, ngư dân của các nước khác như Việt Nam, Indonesia, Philipin … vẫn hoạt
động đánh bắt trong khu vực biển này. Từ lâu đời, tàu thuyền của các nước trong
và ngoài khu vực vẫn hoạt động tấp nập ở biển Đông. Như vậy, yêu sách của Trung
Quốc đối với vùng biển trong đường lưỡi bò như là một vùng biển thuộc chủ quyền
Trung Quốc là hoàn toàn không có cơ sở pháp lý quốc tế.
Tại Hội nghị
của Diễn đàn an ninh khu vực (ARF) vào tháng 7 năm 2010, Ngoại trưởng Mỹ Hillary
Clinton tuyên bố: “Theo luật tập quán quốc tế, các
yêu sách hợp pháp đối với các khu vực biển ở biển Đông chỉ nên xuất phát từ các yêu sách hợp
pháp đối với các điểm đất liền”. Nói một cách khác, Mỹ cho rằng một quốc gia chỉ
có thể hình thành yêu sách đối với các vùng biển trên cơ sở những vùng lãnh thổ
đất liền mà quốc gia đó có chủ quyền. Việc yêu sách vùng biển dựa trên các quyền
lịch sử mơ hồ như Trung Quốc viện dẫn là trái với nguyên tắc “đất thống trị biển
” – một trong những nguyên tắc quan trọng nhất luật biển quốc tế, và do đó, không
được Mỹ thừa nhận. Trong chuyến thăm Việt Nam vào năm 2010, chỉ huy quân sự cao nhất của Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương cũng nhắc lại lập trường trên của Mỹ và đặc biệt nhấn mạnh: “Mỹ phản đối bất cứ bên nào đòi hỏi quyền sở hữu toàn bộ khu vực
(biển Đông) thông qua những biện pháp không hòa bình hoặc
không tuân theo đúng các điều ước quốc tế”. Như vậy, Mỹ đã gián tiếp bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” ở Biển Đông.
Thời gian gần
đây, trước sự phản đối mạnh mẽ của các nước trong khu vực và thế giới, Trung Quốc
dường như không còn khăng khăng coi đường lưỡi bò là đường biên giới quốc gia và
vùng biển nằm trong đường lưỡi bò như là lãnh thổ của Trung Quốc trên biển với
quy chế nội thuỷ hoặc lãnh hải, mà có xu hướng coi đây là vùng biển phụ cận của
các đảo đá thuộc các quần đảo ở biển Đông, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và
Trường Sa, với quy chế thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế. Tuy vậy, chính
giới và các học giả Mỹ cho rằng: cơ sở pháp lý mới mà Trung Quốc đưa ra cũng không
có sức thuyết phục vì hai lý do. Thứ nhất, theo các quy định của Công ước luật
biển 1982, chỉ có một số ít đảo đá ở biển Đông thoả mãn được đầy đủ điều kiện mà
luật pháp quốc tế đặt ra để có lãnh hải 12 hải lý. Phần lớn các bãi đá, bãi san
hô, cồn cát còn lại trong vùng biển này không thoả mãn được điều kiện để có lãnh
hải 12 hải lý, và do đó, càng không đáp ứng được các yêu cầu để có vùng đặc quyền
kinh tế và thềm lục địa. Thứ hai, Trung Quốc đã từng phản đối Nhật Bản xác lập
vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa xung quanh đảo Okinotorishima, một đảo
san hô nhỏ ở Thái Bình Dương, nằm cách Tokyo khoảng 1.050 hải lý về phía Nam. Theo
luật pháp quốc tế, Trung Quốc không có quyền lấy các đảo đá nhỏ nói trên để thiết
lập vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa trên cơ sở pháp lý mà chính họ đã sử
dụng để phản đối Nhật Bản.
Tóm lại, người
Mỹ cho rằng yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc là hết
sức phi lý. Quan điểm này của người Mỹ được phản ánh trong bài viết mang tựa đề “Beijing’s Coastal Real Estate” (tạm dịch là
Bất động sản vùng biển của Bắc Kinh) trên tạp chí Foreign Affairs vào tháng 11 năm 2010 của ông Raul Pedrozo, Phó Giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu Hải Chiến
của Học viện Chiến tranh Hải quân Hoa Kỳ. Ông này tuyên bố: “Tôi phải nói rằng việc
tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc với “đường lưỡi bò” là hoàn toàn
bất hợp pháp và không có cơ sở dựa trên luật pháp quốc tế”. Trong con mắt của người
Mỹ, yêu sách “đường lưỡi bò” và vùng biển trong con đường này không chỉ thách
thức chủ quyền, các quyền chủ quyền của các quốc gia trong khu vực, mà còn đe
doạ nghiêm trọng các quyền tự do và lợi ích của các nước ngoài khu vực, trong
đó có Mỹ.
Về cách Trung Quốc diễn giải những quy định của Công ước luật biển 1982
Mỹ có một
thái độ kiên quyết đối với cách Trung Quốc diễn giải những quy định của Công ước
luật biển 1982. Mỹ coi việc Trung Quốc từ chối quyền qua lại vô hại của
hải quân nước ngoài qua vùng lãnh hải của nước này trừ khi trước đó các tàu nước ngoài đã được sự đồng ý từ
phía Bắc Kinh là trái với các quy định
trong điều 17, phần II, mục III của Công ước luật biển 1982.
Mỹ càng không
chấp nhận việc Trung Quốc áp đặt quy chế lãnh hải cho vùng đặc quyền kinh tế và
coi đó là sự vi phạm các quyền tự do của các quốc gia khác đã được ghi nhận
trong các quy định của Công ước luật biển 1982 về vùng đặc quyền kinh tế.
Mỹ cũng phản
đối việc Trung Quốc áp dụng quy tắc xác định đường cơ sở thẳng
đối với các quần đảo mà họ tuyên bố chủ quyền. Người
Mỹ cho rằng quy tắc đó chỉ có thể được áp dụng đối với các quốc gia quần đảo được quy định rõ ràng trong Phần
IV của Công ước luật biển 1982 và không được phép áp dụng đối với các loại quần đảo khác.
Chính giới
và các học giả Mỹ cho rằng cách Trung Quốc áp dụng các quy định của Công ước luật
biển 1982 trên cơ sở diễn giải xuyên tạc các quy định này là nhằm thay đổi những
chuẩn mực quốc tế về tự do hàng hải và coi đó như là một nỗ lực nhằm loại bỏ các
quyền và lợi ích hợp pháp của Mỹ và các nước khác trong khu vực biển Đông.
PHẢN ỨNG CỦA
MỸ ĐỐI VỚI VIỆC TRUNG QUỐC TRIỂN KHAI CÁI GỌI LÀ “THỰC THI CHỦ QUYỀN” Ở BIỂN ĐÔNG
Trước những
hành động gây hấn, hiếu chiến của Trung Quốc nhằm triển khai cái gọi là “thực
thi chủ quyền” ở biển Đông trên cơ sở những yêu sách đơn phương và phi lý nói
trên, Mỹ tỏ rõ lập trường cứng rắn và hành động kiên quyết.
Ngay sau
khi Trung Quốc tuyên bố xếp lợi ích của
mình ở biển Đông vào loại “lợi ích cốt lõi” tương tự như Đài Loan, Tây Tạng và
Tân Cương, với ngụ ý rằng Trung Quốc sẵn sàng sử dụng vũ lực để bảo vệ quyền lợi
của mình, tại Diễn đàn an ninh khu vực (ARF) vào tháng 7 năm 2010 Ngoại trưởng
Mỹ Hillary Clinton đã thẳng thừng tuyên bố không chấp nhận “lợi ích cốt lõi” của
Trung Quốc ở khu vực biển này. Đồng thời, Ngoại trưởng Mỹ khẳng định “Mỹ có lợi
ích quốc gia về tự do hàng hải, tự do đi lại ở các vùng biển chung của châu Á và
sự tôn trọng luật pháp quốc tế ở biển Đông”. Tuyên bố này hàm ý rằng Mỹ không
chấp nhận hay tôn trọng bất kỳ luật quốc gia nào (ám chỉ các quy định luật pháp
của Trung Quốc) yêu cầu tàu hải quân nước khác phải xin phép nếu các tàu này muốn
sử dụng quyền qua lại vô hại lãnh hải của một quốc gia và kiên quyết thực hiện
các quyền tự do trong vùng đặc quyền kinh tế (ám chỉ vùng đặc quyền kinh tế của
Trung Quốc) theo đúng các quy định của Công ước luật biển 1982. Tuyên bố trên cũng
hàm ý rằng Mỹ không chấp nhận những yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông
vì những yêu sách đó không phù hợp với luật pháp quốc tế. Tuyên
bố của
Ngoại trưởng Mỹ
lúc đó đã được các nước trong
và ngoài khu vực tham gia Hội nghị trên hết sức hoan
nghênh.
Sau vụ va
chạm giữa các “tàu cá” Trung Quốc và tàu Impecable của Mỹ năm 2009 trong vùng đặc
quyền kinh tế của Trung Quốc, Mỹ vẫn cho tàu hải quân tiếp tục tiến hành hoạt động
tại những khu vực biển tranh chấp. Hải quân Mỹ còn chỉ định tàu trục hạm trang
bị vũ khí hạng nặng Chung-Hoon để hộ tống tàu Impecable tiếp tục hoạt động
trong vùng biển Đông. Hải quân Mỹ vẫn theo đuổi từng đường đi nước bước của các
tàu ngầm Trung Quốc đang hoạt động từ căn cứ Yulin ở đảo Hải Nam, bất chấp sự
phản đối của Bắc Kinh.
Trước những
nỗ lực nhằm xua đuổi tàu hải quân Mỹ ra khỏi khu vực biển Đông, những nhà lãnh đạo cao cấp của Mỹ, từ Tổng thống Obama, Ngoại trưởng
Clinton, Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates đến các tướng lĩnh phụ trách lực lượng
hải quân của Mỹ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương đều công khai tuyên bố Mỹ sẽ gia tăng
vai trò lớn hơn tại châu Á và khu vực Đông Nam Á. Mỹ đã chủ động can thiệp vào vấn đề biển Đông để
tăng cường sự hiện diện quân sự của mình tại khu vực biển này. Trên mặt trận
ngoại giao, Mỹ gia tăng các chuyến thăm của các quan chức cấp cao tới các nước
khu vực Đông Nam Á; tăng cường hợp tác quốc phòng với các nước này, nghiễm
nhiêm hình thành một liên minh để kiềm chế Trung Quốc. Phản ứng trước các cuộc
tập trận của Trung Quốc ở biển Đông, trong năm 2010 Mỹ cùng với sáu nước ASEAN
là Philippin, Thái Lan, Singapo, Malaixia, Inđônêxia và Bruney tổ chức cuộc
diễn tập quân sự hàng năm với quy mô còn lớn hơn những năm trước.
Đối phó với việc Trung Quốc không
ngừng gia tăng sức mạnh và đe doạ sử vũ lực để giải quyết tranh chấp ở biển Đông,
Ngoại trưởng Mỹ tuyên bố: “Chúng tôi phản đối việc sử dụng vũ lực hoặc đe dọa
sử dụng vũ lực của bất kỳ nước nào đang tranh chấp” và yêu cầu các nước và
Trung Quốc cần tuân theo luập pháp quốc tế cũng như tuân theo “Tuyên bố về ứng xử ở biển Đông” được ký kết giữa Trung
Quốc và các nước Asean hồi năm 2002. Việc Mỹ nêu ra quan điểm các nước cần sử
dụng luật pháp quốc tế để giải quyết tranh chấp là hành động trực tiếp tấn công
ý đồ độc chiếm Biển Đông của Bắc Kinh.
Đáp lại yêu cầu của Trung Quốc là
Mỹ nên đứng ngoài các cuộc tranh chấp chủ quyền ở biển Đông, Ngoại trưởng Mỹ
tuyên bố: Hoa Kỳ có lợi ích quốc gia trong việc giải quyết một cách
hòa bình các tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông” và “Hoa Kỳ sẵn sàng hỗ trợ quá trình cộng tác
ngoại giao của tất cả các bên tranh chấp để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ
khác nhau mà không được dùng các biện pháp cưỡng chế”.
Trong khi Trung Quốc chủ trương chỉ giải quyết song phương với từng nước
tranh chấp khác để có thể dễ dàng gây sức ép lên từng nước nhỏ hơn, Mỹ tuyên bố
“Vấn đề Biển Đông cần phải được xử lý tại một diễn
đàn đa phương. ASEAN chính là diễn đàn để giải quyết vấn đề như vậy”.
Bất chấp việc
Trung Quốc khăng khăng quan điểm không nên quốc tế hoá vấn đề tranh chấp biển
Đông, tại Diễn đàn an ninh khu vực ASEAN (ARF) nói trên, trước sự kinh ngạc và
choáng váng của người đồng nhiệm Trung Quốc, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã
đặt vấn đề Biển Đông (South China Sea) vào tâm điểm chú ý của quốc tế.
MỘT SỐ NHẬN XÉT
Như vậy, trong con mắt của người Mỹ
những yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông, đặc biệt là yêu sách “đường
lưỡi bò”, là
những đòi hỏi vô lý, không phù hợp với luật pháp quốc tế, và vì vậy, không được
Mỹ thừa nhận. Rõ ràng là người Mỹ
coi những yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông là ý đồ muốn độc chiếm
biển Đông, không chỉ thách thức các quốc gia trong khu vực mà còn đe doạ nghiêm
trọng các quyền tự do và lợi ích của Mỹ và các nước khác tại biển Đông.
Qua những
tuyên bố cứng rắn và hành động kiên quyết của mình, Mỹ gửi đến cho Bắc Kinh một
thông điệp để nhắn nhủ rằng Trung Quốc không phải là cường quốc duy nhất trong
khu vực và Mỹ luôn luôn sẵn sàng tiến hành các biện pháp cần thiết để bảo vệ
quyền tự do hàng hải và các quyền lợi hợp pháp khác của Mỹ trên biển Đông nếu bị
Trung Quốc thách thức. Đồng thời, Mỹ cũng muốn nhắn nhủ cho tất cả các nước Đông
Nam Á biết rằng Mỹ có thể là đồng minh của các nước nhỏ trong khu vực này trong
cuộc tranh chấp ở biển Đông./.