“Liên hệ trực tiếp với những tranh chấp ở Biển Đông” với cả ba ý đồ “chiến lược, chiến thuật, và củng cố tính chính danh”, Giáo sư chính trị học Jörn Dosch nhận xét phải chăng “Con đường tơ lụa ở Biển Đông” sẽ là “những hòn đá lót dẫn tới sự độc tôn của Trung Quốc trong khu vực”?
Nhà báo Bill Hayton (đứng) và giáo sư Martin Großheim tại hội thảo. -Ảnh: Elisa Imanuwarta
Cùng thời điểm với hội thảo quốc tế lần thứ 9 về Biển Đông tổ chức tại TP.HCM (27 và 28-11-2017), ở bên kia bán cầu, một hội thảo quốc tế cùng chủ đề được tổ chức tại Viện Nghiên cứu Á – Phi, Đại học Hamburg (Đức) với góc nhìn về “Xung đột Biển Đông sau phán quyết ngày 12-7-2016: Phân tích và góc nhìn”.
Là một châu lục đã trải qua đủ tang thương của chiến tranh và xung đột vì khác biệt tôn giáo, chủ nghĩa dân tộc, những giấc mộng siêu cường bá chủ rồi cả sắc tộc và ý thức hệ, tiếng nói của các học giả châu Âu về những tranh chấp tiềm tàng bùng nổ thành bạo lực vũ trang của thời hiện đại hẳn đáng chú ý.
Do vậy hội thảo này, quy tụ các chuyên gia châu Âu về Trung Quốc và Đông Nam Á, những nhà khoa học chính trị, sử gia và chuyên gia về luật quốc tế, là một cơ hội để những tiếng nói đó được lắng nghe.
Họ đã phân tích thế nào về bối cảnh xung đột hiện tại và nêu ra những hướng đi khả dĩ nào cho tương lai, có thể dẫn tới một sự dàn xếp (giữa các bên liên quan) như mục tiêu mà hội thảo này hướng tới?
Châu Âu nghĩ gì về bối cảnh hiện tại của Biển Đông?
Những nhận định phong phú tại hội thảo này cho thấy sự chú ý đặc biệt của giới nghiên cứu đến vấn đề Biển Đông hiện nay.
Các chuyên gia không hề nghi ngờ “bài toán hóc búa Trung Quốc và câu hỏi về sự tương tác Trung Quốc – ASEAN sẽ còn là trọng điểm của tranh luận trong nhiều năm tới nữa”, như lời giáo sư tiến sĩ luật biển của Đại học Hamburg, Suzette V. Suarez nói với chúng tôi sau bài thuyết trình của bà với tựa đề “Bên ngoài sự không tuân thủ của Trung Quốc: Những triển vọng của việc thực thi phán quyết 12-7-2016 hay vượt qua sự không tuân thủ của Trung Quốc với phán quyết 12-7-2016”.
Cần nhắc lại rằng ngày 12-7-2016, Tòa Trọng tài có phán quyết về vụ kiện của Philippines với “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc tự vẽ ra để đòi chủ quyền ở Biển Đông, tuyên bố Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để đòi quyền lịch sử với các nguồn tài nguyên bên trong “đường lưỡi bò”.
Theo đó, có những điểm chính từ phán quyết này như sau: Trung Quốc không có “quyền lịch sử” đối với Biển Đông; “Đường lưỡi bò” do Trung Quốc tự vẽ ra không phù hợp với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển; Không có thực thể nào ở quần đảo Trường Sa có thể mang lại vùng đặc quyền kinh tế cho Trung Quốc;
Trung Quốc can thiệp vào quyền đánh bắt cá của ngư dân Philippines, đặc biệt là ở bãi cạn Scarborough; Trung Quốc gây thiệt hại đến hệ sinh thái quần đảo Trường Sa bằng các hoạt động như khai thác quá mức, xây đảo nhân tạo; Các hành động của Trung Quốc làm gia tăng khả năng xảy ra xung đột với Philippines.
Giáo sư Suarez, một người Philippines đã có kinh nghiệm hai thập kỷ trong lĩnh vực Luật biển, tỏ ra rất thực tế về tình hình hiện tại.
“Dù Philippines đã đạt được thắng lợi đáng kể trong phiên xử về Biển Đông chống Trung Quốc, việc thực thi phán quyết nhiều khả năng sẽ không sớm diễn ra” – bà nói.
Bà có lẽ là đại diện tiêu biểu cho quan điểm của giới chuyên gia ở châu Âu, khi dù là một người Philippines, giáo sư Suarez vẫn nhìn nhận tình hình thuần túy dưới góc độ của một nhà khoa học, dẹp bỏ những tình cảm dân tộc và cảm tính với mong mỏi tìm ra một hướng đi khả dĩ để dàn xếp xung đột.
Giống như giáo sư Suarez khi bàn về “hiện trạng” khu vực, các học giả đều nhất trí về vị thế áp đảo rất khó đảo ngược của Trung Quốc trong khu vực.
Giáo sư chính trị học Jörn Dosch của Đại học Rostock (Đức) nhận định con đường tơ lụa trên biển của Trung Quốc “liên hệ trực tiếp với những tranh chấp ở Biển Đông” với cả ba ý đồ “chiến lược, chiến thuật, và củng cố tính chính danh” với câu hỏi phải chăng “Con đường tơ lụa ở Biển Đông” sẽ là “những hòn đá lót dẫn tới sự độc tôn của Trung Quốc trong khu vực”?
Đi kèm với đó, như góc nhìn cảnh báo của một chuyên gia quân sự, tiến sĩ Sarah Kirchberger của Viện Chính sách an ninh, Đại học Kiel, sẽ là sự phát triển quân sự trên biển tương lai của Trung Quốc tập trung trước hết và chủ yếu ở khu vực Biển Đông.
Hội trường dậy sóng khi giáo sư Vladimir Kolotov của Đại học St. Petersburg (Nga) đăng đàn. Chủ đề của ông là nước Nga và xung đột ở Biển Đông. Vị học giả người Nga quen mặt với Việt Nam nói tranh cãi ở Biển Đông tiềm ẩn nguy cơ gây thiệt hại rất lớn vì “trò chơi địa chính trị giữa các siêu cường ở khu vực này của thế giới”.
Với tình hình chính trị Nga – phương Tây hiện giờ, không ngạc nhiên khi từ phía khán giả đã có những người đặt câu hỏi về “sự đóng góp của Nga vào ổn định khu vực” khi Matxcơva là một trong những đối tác bán vũ khí nhiều nhất ở đây.
Giáo sư Kolotov nói việc mua vũ khí là quyền chủ quyền của mỗi nước, và ông cũng cho rằng các bên xung đột không thể thương lượng hiệu quả nếu ở vị thế quá yếu ớt so với cường quốc áp đảo nhất.
Trước câu hỏi về lập trường của Nga ở Biển Đông, ông làm rõ rằng Nga không ủng hộ bất cứ bên tuyên bố chủ quyền nào, mà chỉ ủng hộ việc Trung Quốc không ra hầu tòa trong vụ kiện Philippines bởi lẽ chính Nga đang vướng vào những vụ kiện tương tự ở Tòa trọng tài The Hague với các bên nguyên đơn là Hà Lan và Tổ chức Greenpeace, liên quan tới vùng lãnh hải và lãnh thổ ở Bắc Cực.
Viễn cảnh nào cho biển Đông?
Tiến sĩ Benoît Tréglodé thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược của Trường Quân sự, Bộ Quốc phòng Pháp là diễn giả đầu tiên gợi mở những hi vọng cho việc giải quyết dần dần các vấn đề của Biển Đông, với việc dẫn lại ví dụ về sự dàn xếp thành công ở vịnh Bắc Bộ giữa Trung Quốc và Việt Nam qua Hiệp định Phân định vịnh Bắc Bộ 2000.
Tiến sĩ Felix Heiduk của Quỹ Khoa học và chính trị Berlin nói rằng nghề cá là trọng điểm của mọi tranh chấp ở Biển Đông chứ không phải dầu mỏ, khí đốt, thậm chí là quân sự.
Ông cảnh báo về tình trạng đánh bắt cá vượt quá mức khai thác bền vững đã trở nên ngày càng ráo riết trong khu vực. “Những xung đột ở Biển Đông thực ra tuyệt đại đa số liên quan tới các tàu cá thay vì tàu hải quân hay tàu ngầm – tiến sĩ Heiduk nói – Sự khai thác quá mức, đặc biệt là của Trung Quốc, đã đẩy nhiều nước trong vùng vào các biện pháp bảo vệ nguồn cá một cách cực đoan”.
Dẫn ra các quyết định cấm đánh bắt đơn phương, thực thi bằng vũ lực của Trung Quốc và hành động mạnh tay đốt các tàu cá nước ngoài của Indonesia, ông cảnh báo chính trong lĩnh vực ngư nghiệp, “sự bất ổn, thiếu lòng tin và bất trắc mới đang gia tăng mạnh nhất”.
Ông nói các hiệp định hay bản ghi nhớ về ngư nghiệp và các đội bảo vệ bờ biển song phương, như giữa Việt Nam và Trung Quốc (chỉ cho vịnh Bắc Bộ) hay Philippines và Đài Loan, trở thành hình mẫu rất đáng khích lệ “đóng góp quan trọng vào việc quản trị xung đột”.
Hai giáo sư lịch sử người Đức thành thạo tiếng Việt, Martin Großheim của Đại học Passau và Thomas Engelbert của chủ nhà, Đại học Hamburg, đưa cuộc thảo luận về lại… trên bộ, với những tham luận thú vị nhìn lại lịch sử quan hệ Việt – Trung từ hai góc đặc sắc: cách thức ký ức về các cuộc chiến tranh trong thời hiện đại được truyền tải và các hình mẫu lịch sử của giải quyết tranh chấp biên giới.
Là hai quốc gia láng giềng lâu đời, những xung đột và xáo trộn ở vùng biên giới Việt – Trung, như với rất nhiều quốc gia khác, là điều không thể tránh khỏi. Câu hỏi đặt ra là từ các xung đột và xáo trộn đó, làm sao rút ra được các mô thức và bài học cho tương lai.
Nhà báo Bill Hayton, cựu phóng viên BBC, hiện là chuyên gia của Chatham House và tác giả những đầu sách bán chạy The South China Sea: The Struggle for Power in Asia (tạm dịch: Biển Đông: Cuộc đấu tranh quyền lực ở châu Á) hay Vietnam: Raising Dragon (tạm dịch: Việt Nam: Con rồng đang trỗi dậy), tiếp cận câu chuyện từ một góc khác: cách giải thích sử liệu.
Bài thuyết trình của ông là một trong những bài được mong đợi nhất ở hội thảo. Kết thúc bài nói chuyện bằng một hình ảnh vui nhộn: bức tranh nổi tiếng của Eugène Delacroix “Nữ thần Tự Do dẫn dắt nhân dân”, nhưng với chú thích “aux archives citoyennes” (Hỡi các công dân, hãy tiến vào kho tư liệu!), Hayton cho rằng việc giải thích lịch sử hiện đang là trở ngại cho việc giải quyết xung đột ở Biển Đông trong khi lẽ ra đó phải là giải pháp.
Dẫn lại một tấm bản đồ trong sách giáo khoa lịch sử Trung Quốc với điểm cực nam ở gần sát lãnh thổ… Malaysia, nhà báo Hayton nói Trung Quốc đã là bên “lớn tiếng nhất trong việc áp đặt các bằng cứ lịch sử” về tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.
Ông cho rằng cuộc “chạy đua vũ trang về diễn giải lịch sử” này “tạo ra cảm giác kình địch tự nhận các quyền lịch sử trong dân chúng những nước tuyên bố chủ quyền”, làm gia tăng “chủ nghĩa dân tộc và tinh thần bài ngoại trong khu vực”. Hayton nói các sử liệu cho thấy lịch sử chiếm giữ và quản lý nhiều đá và bãi cạn ngoài Biển Đông chỉ là “một phần và không liên tục”.
Dẫn ra những ví dụ rất rõ ràng về ngụy tạo lịch sử, nhất là liên quan tới đường chín đoạn khét tiếng, Hayton nói việc lan truyền các tri thức đúng đắn cho người dân sẽ là “những bước tiến lớn giúp giải quyết xung đột”.