Pháp không ngần ngại tham gia tiến trình chính trị ở Trung Đông bởi Pháp “có vốn để đầu tư” tại khu vực.
Pháp nóng lòng thế chân Mỹ
Theo tờ New York Times, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, những dòng tweet bài Hồi giáo của ông Trump cùng với việc cắt giảm nhân viên tại Bộ Ngoại giao Mỹ báo hiệu sự thoái lui trong chính sách đối ngoại Mỹ.
Điều này đã làm xuất hiện khoảng trống cho những ai muốn mở rộng hiện diện trên trường quốc tế và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron là một trong số đó. Ông Macron đã nhanh chóng thể hiện vai trò nổi bật ở Trung Đông, nhất là khi Đức và Anh đang bị các vấn đề chính trị trong nước chi phối.
Nhà lãnh đạo Pháp đã điện đàm với ông Trump 2 ngày trước khi Mỹ đưa ra quyết định, nói rằng Pháp sẽ “gặp thách thức” từ việc Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.
Trước đó, hồi tháng 11 vừa qua, ông Macron đã đích thân can dự để ổn định tình hình Lebanon, khi Thủ tướng nước này Saad al-Hariri tuyên bố từ chức, điều mà nhiều người cho là có bàn tay can dự của Saudi Arabia. Tại thời điểm này, ông Macron còn khẳng định Pháp sẽ trợ giúp định hình chính sách ở Syria thời hậu chiến.
Mỹ tỏ ra miễn cưỡng can dự chính sách đối với bất kỳ kế hoạch cụ thể nào ở Syria, mở ra cánh cửa để Nga đảm nhận vai trò lớn nhất. Có một cách để đánh giá sự thoái lui của Mỹ, đó là ngay tại chính quốc gia mà ông Trump xem là bạn bè như Saudi Arabia, Mỹ vẫn chưa cử Đại sứ. Thực tế này còn lặp lại ở 6 nước khác trong khu vực.
Tổng thống Mỹ D. Trump (trái) và Thủ tướng Israel B. Netanyahu |
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson phủ nhận việc khuyết nhân sự ở những vị trí này ảnh hưởng đến sự can dự của Bộ Ngoại giao. Tuy nhiên, điều này không xóa đi thực tế rằng Israel, quốc gia duy nhất trong vùng mà người Hồi giáo không chiếm đa số, chính là điểm được Tổng thống Trump ưu tiên hàng đầu hiện nay ở Trung Đông.
Hơn nữa, đối với thế giới Hồi giáo, tờ báo Mỹ cho rằng ông Trump cũng chỉ tập trung vào nhiệm vụ tiêu diệt tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) và cô lập Iran, tránh can dự vào những diễn biến chính trị dồn dập của khu vực.
Ở chiều ngược lại, Pháp không ngần ngại tham gia tiến trình chính trị ở Trung Đông bởi Pháp “có vốn để đầu tư” tại khu vực.
Việc Pháp can dự sâu ở Trung Đông, Bắc Phi không phải là điều mới mẻ. Pháp từng cai trị thuộc địa ở Algeria trong hơn 130 năm, cho đến khi bị đẩy lui sau cuộc chiến tranh đẫm máu đầu thập kỉ 1960. Gần đây, Pháp còn giành được sự ủng hộ của những nước Hồi giáo Arab dòng Sunni, sau khi Paris từ chối ủng hộ Mỹ xâm lược Iraq, nhưng lại sẵn lòng ủng hộ việc chống lại Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Máy bay chiến đấu Rafale của Pháp hạ cánh trên tàu sân bay USS Carl Vinson (CVN 70) của Mỹ tham gia các cuộc không kích IS ở Iraq và Syria |
Thị trường xuất khẩu vũ khí lớn thứ 2, thứ 3 và thứ 4 của Pháp đều ở Trung Đông, lần lượt là Saudi Arabia, Qatar và Ai Cập.
Tổng thống Pháp Marcon đã lựa chọn đội ngũ ngoại giao am hiểu khu vực. Ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian có quan hệ rộng với giới lãnh đạo quân sự Arab, được thiết lập từ thời ông làm Bộ trưởng Quốc phòng. Nhiều quan chức cấp cao khác trong Bộ Ngoại giao đều có kinh nghiệm làm việc tại Trung Đông, nổi bật như cựu Đại sứ tại Lebanon, người trước đó cũng có các nhiệm kỳ ở Saudi Arabia và Iran.
Giới phân tích Pháp cũng nhận định ông Macron muốn giữ quan hệ với cả Saudi Arabia, Qatar, Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và có thể sẽ tới thăm Iran vào một thời điểm nào đó.
Giới phân tích cho rằng ông Macron xem việc lấp chỗ trống của Mỹ không chỉ là cơ hội cho Pháp, mà còn là bước đi quan trọng để duy trì một cực quyền lực ở phương Tây khi mà “thế kỷ của Trung Quốc đang ập tới”. Ông Macron cũng nhận ra nguy cơ đối với Pháp khi vắng bóng trên trường quốc tế, coi việc bước vào Trung Đông là cách giúp nâng cao vị thế cho Pháp và có thể là cho cả Đức lẫn châu Âu khi Mỹ thoái lui về chiến lược và ngoại giao.
Nga thành người phán xử
Trong khi đó, giới ngoại giao và các nhà phân tích cho rằng quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel không những hủy hoại hoàn toàn chính sách của Mỹ trong suốt những thập kỷ qua mà còn khiến người Palestine coi như Mỹ đã mất đi vai trò dẫn dắt tiến trình hòa bình trên thực tế.
Hady Amr, phó đặc phái viên Mỹ phụ trách các cuộc đàm phán Israel-Palestin dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, nói: “Tất cả những người Palestine mà tôi từng nói chuyện trong 2 ngày qua đều cho rằng ‘Washington hiện không còn tương thích với các cuộc đàm phán và chúng tôi không quan tâm đến những điều người Mỹ nói’… Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) cảm thấy bị bẽ mặt và vô cùng phẫn nộ. Còn Hamas thì giận dữ”.
Tổng thống Nga V. Putin (phải) và Tổng thống Palestine M. Abbas |
Giới chuyên gia cho rằng việc loại hẳn Mỹ khỏi các cuộc đàm phán hòa bình là khá nóng vội, do nước này có mối quan hệ thân thiết duy nhất với Israel. Tuy nhiên, quyết định của ông Trump đã để lại một khoảng trống mà không nước nào có thể dễ dàng lấp đầy. Mặc dù vậy, vẫn có một quốc gia dường như nóng lòng muốn thử lấp đầy khoảng trống này, đó chính là Nga.
Nga đã đẩy mạnh đáng kể ảnh hưởng ở Trung Đông kể từ khi tiến hành chiến dịch quân sự hồi năm 2015 ở Syria. Với thành công ở Syria, Nga sẵn sàng lấp đầy những khoảng trống quyền lực mà Mỹ để lại sau khi Washington rút khỏi những vũ đài quan trọng.
Ilan Goldenberg, một quan chức dưới thời cựu Tổng thống Obama, cho rằng hẳn là ông Trump đã trao cho Nga một cơ hội khác để khai thác và gia tăng ảnh hưởng hơn nữa ở Trung Đông.
Ông Goldenberg nói: “Hiện giờ, mọi cặp mắt đều đổ dồn vào Moscow, coi đó là một ‘người phán xử’ quan trọng, có thể hỏi ý kiến về mọi vấn đề lớn ở Trung Đông. Thực tế này sẽ chỉ khiến tình hình xấu đi”.
Khaled Elgindy, từng là cố vấn của ban lãnh đạo Palestine trong các cuộc đàm phán với Israel từ năm 2004-2009, cho biết về phần mình, người Palestine chắc chắn sẽ tìm kiếm sự hỗ trợ của Nga cùng với các quốc gia châu Âu và Arab khác.
Tổng thống Nga V. Putin và Tổng thống Syria B. al-Assad chụp ảnh cùng phi công Nga tại căn cứ Hmeimim ngày 11/12 |
Ông nói: “Nga sẽ là ưu tiên hàng đầu đối với người Palestine trong tiến trình họ đi tìm sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Tất nhiên, Nga sẽ là một trong số rất nhiều nước họ cầu cứu”.
Trên thực tế, trước khi Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, Nga đã bắt đầu thể hiện mối quan tâm lớn hơn đến mối quan hệ Israel và Palestine. Tháng 9/2016, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tổ chức một cuộc họp cấp cao ở Moscow giữa nhà lãnh đạo Chính quyền Palestine (PA) Mahmoud Abbas và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.
Điện Kremlin cho biết, vào buổi tối trước khi ông Trump tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, nhà lãnh đạo Nga đã nhận được một cuộc điện thoại từ ông Abbas. Qua điện thoại, ông Putin đã nhấn mạnh sự ủng hộ của Nga đối với việc “nối lại ngay lập tức các cuộc đàm phán trực tiếp Palestine-Israel về các vấn đề gây tranh cãi”.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng những ý định của Nga dường như không thể tạo ra những kết quả cụ thể trong một sớm một chiều mà một trong những lý do là Nga cũng không có sức mạnh kinh tế hoặc quân sự mà Israel có thể dựa vào.
Dù vậy, vẫn có ý kiến cho rằng, đối với nhiều người Palestine, tiến trình hòa bình do Mỹ dẫn dắt đã chết kể từ ngày 6/12. Cánh cửa hòa bình đã đóng sập lại, và Nga có thể tìm thấy cơ hội để bước vào và trở thành một nhà môi giới hòa bình.