Cuộc tập trận chung chống tên lửa mô phỏng trên máy tính giữa Nga và Trung Quốc lần thứ hai đã bắt đầu từ hôm thứ Hai, 11/12.
Cuộc tập trận Nga-Trung nhằm chống lại đe dọa từ tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo trong khu vực (Ảnh: Xinhua)
Cuộc tập trận được tổ chức tại một cơ sở của Viện nghiên cứu khoa học phòng thủ và phòng không, Học viện Không quân, thuộc Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA), trong bối cảnh Nga và Trung Quốc cùng gia tăng hoạt động chuẩn bị cho mối đe dọa hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Cuộc tập trận mang tên “An ninh Không gian – Vũ trụ năm 2017″ được tiến hành với hình thức tương tự cuộc tập trận năm ngoái giữa hai nước tại Nga vào tháng 5/2016.
Bộ quốc phòng Trung Quốc ngày 11 cho biết, các cuộc tập trận giữa Nga-Trung nhằm thúc đẩy hợp tác chống lại mối đe dọa từ các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trong khu vực. Trong quá trình tập trận, song phương sẽ cùng đẩy lùi các mối đe dọa từ “các nước thứ ba”.
Tập trận chống tên lửa Nga-Trung diễn ra cùng thời điểm với cuộc tập trận theo dõi tên lửa đạn đạo và chia sẻ thông tin giữa Mỹ-Nhật Bản-Hàn Quốc, cũng khởi động ngày 11, sau khi CHDCND Triều Tiên tuyên bố thử thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Hwasong-15, được cho là có tầm bắn bao phủ toàn bộ lãnh thổ Mỹ, vào tháng trước.
Các chuyên gia quân sự đánh giá, những cuộc tập trận ở Bắc Kinh nhằm gửi thông điệp rõ ràng tới Bình Nhưỡng, và hé lộ mối quan ngại thực sự của Nga và Trung Quốc về hành động tiếp theo của Triều Tiên.
Chuyên gia quân sự Lý Kiệt từ Bắc Kinh, Trung Quốc, nói: “Các bài tập huấn luyện này nhằm chuẩn bị cho quân đội hai nước [Nga-Trung Quốc], trong trường hợp Triều Tiên trở nên khiêu khích và khó đoán hơn, cùng với việc không có dấu hiệu Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân, còn Mỹ thì lặp lại các đe dọa sẽ tấn công nước này.”
Tập trận Nga-Trung còn là tín hiệu đối trọng với liên minh mà Mỹ đang tạo dựng ở khu vực Đông Bắc Á với Nhật và Hàn Quốc – theo nhận định của ông Collin Koh, chuyên gia quân sự tại Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore).
“Động thái mới nhất [của Nga-Trung] là phản ứng nhằm vào quan hệ hợp tác gia tăng giữa Mỹ và các đồng minh Đông Bắc Á trong lĩnh vực phòng thủ tên lửa, với khả năng Nhật Bản mua [hệ thống phòng thủ tên lửa] Aegis Ashore và Hàn Quốc là Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD),” ông Koh nói.
Trong khi Seoul và Washington khẳng định lá chắn THAAD chỉ nhằm bảo vệ Hàn Quốc trước tên lửa Triều Tiên, thì Bắc Kinh coi đây là đe dọa an ninh ngay tại “cửa ngõ” nước này. Cả Nga và Trung Quốc đều chỉ trích việc triển khai THAAD ở Hàn Quốc sẽ không làm dịu căng thẳng bán đảo.
Ben Ho, nhà phân tích an ninh, thuộc cùng cơ quan với ông Collin Koh, nói rằng không có sự trùng hợp khi Nga-Trung tập trận chung cùng thời điểm với liên minh của Mỹ.
“Cuộc tập trận nhằm gửi tín hiệu đến Mỹ rằng Nga và Trung Quốc giữ vai trò then chốt trong nỗ lực chống lại mối đe dọa tên lửa ở khu vực.”
Bắc Kinh và Moskva duy trì quan hệ ngoại giao, quân sự mật thiết trong những năm qua, và đã nhiều lần kêu gọi thực thi giải pháp “đóng băng kép” để xử lý tình hình bán đảo, trong đó liên minh Mỹ ngừng các cuộc tập trận gần bán đảo, còn Triều Tiên tạm ngưng các vụ thử tên lửa và hạt nhân. Tuy nhiên giải pháp này đến nay vẫn bị cả phía Mỹ lẫn Triều Tiên bác bỏ.