Dù căng thẳng giữa Nga với phương Tây tiếp tục gia tăng, Nhật Bản đang tích cực thực hiện các động thái để củng cố quan hệ với Nga. Ngoài giải quyết tranh chấp lãnh thổ tại Quần đảo Kuril, Nhật Bản còn lý do quan trọng khác để phát triển quan hệ.
Theo nhận định của chuyên gia phân tích chính trị James Brown thuộc tờ Nikkei Asian Review, ngoài việc muốn cùng Nga giải quyết tranh chấp tại Quần đảo Kuril (Nhật Bản gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc), Nhật Bản thực sự muốn củng cố quan hệ với Nga vì đối với Nhật Bản, Nga là đối tác quan trọng trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Trong tuần này, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nga, đại tướng Valery Gerasimov đã thực hiện chuyến thăm đến Nhật Bản. Theo ông James Brown, sự kiện này ít nhiều khiến Mỹ và các nước đồng minh tại châu Âu của Mỹ ngạc nhiên. Vì sao lại như vậy?
Theo ông James Brown, sở dĩ Mỹ và đồng minh châu Âu ngạc nhiên về chuyến thăm này là do ông Valery Gerasimov là tác giả của học thuyết về các biện pháp mới trong tiến hành các cuộc chiến có sử dụng công nghệ thông tin. Chính ông Valery Gerasimov là nhân vật bị nghi ngờ chỉ đạo các hành động “can thiệp” của Nga vào bầu cử Mỹ. Washington coi ông Valery Gerasimov gần như là “nhân vật bị phản đối” ở Mỹ, còn EU đã áp đặt các lệnh cấm vận chống vị Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nga này vì đã “can thiệp vào Ukraine”.
Tuy nhiên, đối với Tokyo, một đồng minh quan trọng của phương Tây tại châu Á, chuyến thăm của ông Gerasimov đến Nhật Bản từ ngày 11-13/12/2017 hoàn toàn phù hợp với chiến lược của Nhật Bản trong quan hệ với Nga. Sau sự kiện Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine năm 2014, Nhật Bản cũng đã cùng các nước phương Tây áp đặt các lệnh cấm vận chống Nga nhưng những lệnh cấm vận chống Nga của Nhật Bản hoàn toàn chỉ mang tính chất tượng trưng. Ví dụ như Nhật Bản cấm 23 công dân Nga nhập cảnh vào Nhật Bản nhưng tên tuổi cụ thể của 23 người này cho đến nay vẫn chưa được làm rõ.
Trong giai đoạn phương Tây siết chặt cấm vận, cô lập Nga, thay vì cùng cô lập Nga, Nhật Bản đã tăng cường hợp tác cùng Nga. Trong năm 2016, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã bỏ qua “lời khuyên” của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama để vẫn đến Sochi.
Tại đây, ông Shinzo Abe đã cho công bố “quan điểm mới” về quan hệ với Nga, trong đó có bản kế hoạch 8 điểm để tăng cường hợp tác với Nga. Trong nội các của mình, ông Shinzo Abe cũng cho thành lập một bộ phận đặc biệt về quan hệ với Nga.
Sau đó, cứ khi có cơ hội thuận lợi là Thủ tướng Shinzo Abe lại có cuộc gặp gỡ với Tổng thống Nga Putin. Ngoài ra, các quan chức trong chính quyền Nhật Bản còn không ngần ngại tiến hành các cuộc tiếp xúc với các quan chức Nga đang nằm trong danh sách cấm vận của phương Tây và Mỹ như Igor Sechin (Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn dầu khí Rosnheft), Valentina Matvienko (Chủ tịch Thượng viện Nga), Sergey Naryshkin (Giám đốc Cơ quan Tình báo Đối ngoại Nga)…
Sở dĩ Nhật Bản liên tục có các động thái nhằm cải thiện quan hệ với Nga là do Nhật Bản “muốn duy trì các cơ hội của mình trong giải quyết các tranh chấp lãnh thổ đã kéo dài ở Quần đảo Kuril” mà Nhật Bản cáo buộc Nga “xâm chiếm của Nhật Bản” từ năm 1945. Tuy nhiên, Nhật Bản vẫn chưa đạt được tiến bộ nào trong vấn đề này vì Nga sẽ không để lãnh thổ này rơi vào tay đồng minh của Mỹ.
Tổng thống Nga Putin, Thủ tướng Nhật Bản Abe
Tuy nhiên, giải quyết tranh chấp lãnh thổ không phải là mục đích duy nhất để giải thích cho mong muốn củng cố quan hệ với Nga của Nhật Bản. Chuyến thăm Nhật Bản lần này của tướng Valery Gerasimov cho thấy, vấn đề an ninh cũng có vị trí hết sức quan trọng trong chiến lược củng cố quan hệ với Nga của Nhật Bản.
Khác với các đối tác khác trong nhóm G-7, Nhật Bản không coi Nga là mối đe dọa mà coi Nga như là đối tác có thể giúp Nhật Bản củng cố quan hệ với Triều Tiên và Trung Quốc. Hợp tác cùng Nga là “yếu tố rất quan trọng để đảm bảo hòa bình và ổn định ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương”.
Yếu tố quan trọng thúc đẩy Nhật Bản củng cố quan hệ với Nga là việc Nga và Trung Quốc đang xích lại gần nhau. Quan ngại này ngày càng gia tăng sau sự kiện Nga bị các quốc gia phương Tây cô lập vào năm 2014. Và khi ông Donald Trump được bầu làm Tổng thống Mỹ cùng với chính sách “Nước Mỹ trên hết”, Nhật Bản càng lo ngại rằng mình sẽ bị bỏ lại đơn độc để chống lại “mặt trận Nga-Trung”.
Ngoài ra, Nhật Bản cũng coi Nga có thể giúp giải quyết cuộc khủng hoảng Triều Tiên. Do đó, thay vì chỉ trích Nga, Nhật Bản đã đề nghị Kremlin tận dụng ảnh hưởng để giải quyết vấn đề Triều Tiên.
Tokyo cũng coi Moscow là “đối tác tiềm năng, chứ không phải là mối đe dọa” nên đã âm thầm củng cố hợp tác với Nga trong lĩnh vực an ninh, trong đó có các cuộc tập trận quân sự chung và các cuộc gặp hình thức “2+2” giữa Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại trưởng hai bên.
Tất nhiên, theo James Brown, hiện Nhật Bản mới chỉ đi những bước đầu tiên theo khuynh hướng này nhưng hoàn toàn có thể tự tin nói rằng, dù quan hệ của Nga với phương Tây vẫn căng thẳng nhưng Moscow vẫn là đối tác quan trọng với Tokyo.
“Các khả năng trong quan hệ Nga – Nhật Bản vẫn còn nhiều tiềm ẩn. Nếu như các tiềm năng này được bộc lộ và khai thác, một mối quan hệ đối tác chiến lược thực sự sẽ được hình thành, và điều này không chỉ có lợi cho khu vực châu Á – Thái Bình Dương mà còn cho toàn thế giới”, Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono tuyên bố.
Theo kết luận của chuyên gia James Brown, quan điểm này của Tokyo vẫn cần phải được các đối tác không có niềm tin với Nga đồng cảm, nhưng với Nhật Bản, Nga sẽ vẫn là đối tác hết sức quan trọng.