Sunday, November 24, 2024
Trang chủĐiểm tinBản tin Biển Đông ngày 15/12

Bản tin Biển Đông ngày 15/12

Bản tin Biển Đông ngày 15/12/2017.

Trung Quốc vẫn tiếp tục âm thầm xây dựng thêm các cơ sở quân sự mới ở Hoàng Sa và Trường Sa

Ngày 15/12, Bloomberg cho biết, theo thông tin từ Chương trình Sáng kiến Minh bạch Hành hải Châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế của Mỹ (CSIS), lợi dụng thời điểm cộng đồng quốc tế đổ dồn sự chú ý vào chương trình tên lửa hạt nhân của Bắc Triều Tiên, trong năm 2017, Trung Quốc đã âm thầm triển khai cũng như hoàn thiện việc xây dựng các cơ sở quân sự trên khoảng 29 héc-ta đất đá tại các tiền đồn mà nước này bố trí trái phép trên Biển Đông. Cụ thể, nước này đã bắt đầu phát triển các cơ sở từ các khu vực lưu trữ ngầm lên các nhà chứa máy bay và các dàn radar trên một loạt cấu trúc ở Biển Đông, bao gồm Đá Chữ Thập, Đá Subi, Đá Vành Khăn ở Trường Sa và Đá Bắc, Đảo Cây và Đảo Tri Tôn ở Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Báo cáo của AMTI đặc biệt nhấn mạnh: “Bắc Kinh vẫn tiếp tục đẩy mạnh giai đoạn tiếp theo của kế hoạch bồi đắp – đó là xây dựng các cơ sở cần thiết cho các căn cứ hải quân và không quân với đầy đủ chức năng trên các khu vực tiền đồn lớn hơn trước”.

Tư lệnh Trung Quốc lớn tiếng cáo buộc Úc đang “gây rối” hoà bình ở Biển Đông

Ngày 15/12, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng đưa tiung Quốc, theo tuyên bố của Bộ Quốc phòng Trung Quốc, ngày 14/12, tại cuộc gặp giữa Tư lệnh Hải quân Trung Quốc Shen Jinlong và người đồng cấp Úc Tim Barrett tại Trung Quốc, ông Shen đã lớn tiếng chỉ trích Úc vì đã “gây rối” hoà bình và ổn định ở Biển Đông, trong bối cảnh quan hệ hai nước gần đây đang có nhiều căng thẳng. Phản ứng gay gắt của phía Trung Quốc được cho là bắt nguồn từ việc Úc hồi đầu tháng 6 có tham gia tập trận quân sự trong hai ngày trên Biển Đông với Nhật Bản, Canada và Mỹ cũng như lãnh đạo Canberra từ lâu đã có những phát biểu mạnh mẽ kêu gọi các bên kiềm chế và tuân thủ luật pháp quốc tế khi thực hiện các hoạt động ở Biển Đông nói chung và bày tỏ rõ ràng sự lo ngại trước những ảnh hưởng và hành động bành trướng của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nói riêng. Ngoài ra, ông Shen còn “cảnh cáo” Úc “cần phải tính đến quyền và lợi ích của các bên liên quan cũng như đưa vào quan hệ hai nước “những yếu tố tích cực””.

Quản lý Biển Đông: nơi Chính sách giao thoa với Khoa học

Ngày 14/12, trang Modern Policy đăng bài viết ” Quản lý Biển Đông: nơi Chính sách giao thoa với Khoa học” của ông James Borton, Nghiên cứu viên không thường trú thuộc Trung tâm Stimson, Washington, Mỹ. Trong bối cảnh ngày càng xuất hiện nhiều mối đe doạ, bất ổn cùng với tình trạng xấu đi trầm trọng của môi trường ở Biển Đông gây lo ngại lớn cho các nhà khoa học, “An ninh môi trường” đóng vai trò quan trọng trong việc tìm ra mối liên hệ giữa tác động của sự thay đổi môi trường đối với an ninh quốc gia và khu vực, hay nói cách khác, vấn đề môi trường sẽ phải nằm ở vị trí trung tâm trong việc xây dựng chính sách an ninh quốc gia của các nước xung quanh Biển Đông. Theo ông James Borton, trong tương lai, rất có thể “An ninh môi trường” cũng sẽ có vai trò tương tự như “an ninh” trong việc thúc đẩy sự liên kết hợp tác trong khu vực Đông Nam Á. Từ kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Mỹ, khoa học chính là công cụ ngoại giao hữu ích nhằm xây dựng lòng tin giữa các quốc gia trước các thách thức về an ninh và có thể góp phần giải quyết hiệu quả các xung đột. Thông qua việc nghiên cứu tính bền vững của cảnh quan sinh học và định hướng việc phát triển ngoại giao khoa học nhằm ngăn ngừa các tranh chấp về địa chính trị trong quản lý các nguồn tài nguyên biển và đối phó với những thiệt hại mà môi trường biển đang phải gánh chịu, các nhà sinh vật biển cũng như các nhà hoạch định chính sách sẽ cần đến những diễn đàn khoa học và sự chung tay của tất cả các nước láng giềng khu vực nhằm giải quyết vấn đề này.

Tác giả nhận định, nhìn vào thành công mà các quốc gia thành viên Hiệp định Bắc Cực năm 1943 đã đạt được, ngoại giao khoa học có thể giúp thúc đẩy việc xây dựng lòng tin chung giữa các bên trong tranh chấp Biển Đông, thông qua các hoạt động hợp tác khoa học như chia sẻ tài nguyên ở khu vực nằm ngoài quyền tài phán quốc gia. Qua đó, ngoại giao khoa học có thể tạo ra điểm khởi đầu hữu ích để các biên thiết lập quan hệ hợp tác trong khu vực nhằm không chỉ giải quyết các vấn đề môi trường quốc tế mà còn tìm ra được giải pháp đối với việc giải quyết tranh chấp.

RELATED ARTICLES

Tin mới