Tân Hoa Xã ngày 15.12 đưa tin Viện Viễn thám và nghiên cứu kỹ thuật số địa cầu thuộc Trung tâm Nghiên cứu Tam Á (Hải Nam, Trung Quốc) có kế hoạch phóng thêm 10 vệ tinh trong vòng 3 năm tới, để hoàn tất chương trình lập hệ thống quan sát Biển Đông suốt ngày đêm từ năm 2021.
Theo Tân Hoa Xã, nhiệm vụ này sẽ bắt đầu vào năm 2019. Đầu tiên sẽ có 6 vệ tinh quang học được phóng lên, sau đó là 2 vệ tinh siêu phổ (hyperspectral, dùng kỹ thuật quét phổ ánh sáng không nhìn thấy được bằng mắt thường, nhằm xác định các bức xạ điện từ đặc trưng phát ra từ nhiều loại vật chất và quá trình khác nhau) và 2 vệ tinh radar khẩu độ tổng hợp (SAR).
Viện Viễn thám và nghiên cứu kỹ thuật số địa cầu dự kiến với 10 vệ tinh này, các lỗ hổng trong chương trình quan sát sẽ được khắc phục. Một hệ thống vệ tinh viễn thám điều khiển từ xa có thể vùng Biển Đông cả ngày đêm sẽ hoàn chỉnh vào năm 2021.
Ông Dương Thiên Lương, Chủ nhiệm Trung tâm Nghiên cứu Tam Á, cho biết hệ thống vệ tinh này sẽ bao quát được khu vực cách đường xích đạo 30 độ về phía bắc lẫn phía nam.
Theo ông Lý Hiểu Minh, nhà nghiên cứu của Viện Viễn thám và nghiên cứu kỹ thuật số địa cầu, hệ thống sau khi hoàn thành sẽ đủ khả năng quan sát Biển Đông cả ngày đêm và phân tích được mọi vật thể trên biển rõ đến từng chi tiết.
Ông Collin Koh, nhà nghiên cứu an ninh hàng hải tại Đại học Kỹ thuật Nam Dương (Singapore) cho biết sở dĩ Trung Quốc phải phóng thêm 10 vệ tinh vì những vệ tinh đang hoạt động do nhiều yếu tố kỹ thuật và thời tiết không thể bao quát được toàn bộ vùng biển tranh chấp. Ông Koh còn nhận định: “Những vệ tinh viễn thám mới chỉ là một trong nhiều nỗ lực giúp tăng khả năng hiểu biết và nhận thức về tình hình ở Biển Đông của Bắc Kinh”.
Còn theo một chuyên gia về vệ tinh viễn thám tại Bắc Kinh, những vệ tinh mới sẽ hỗ trợ cho hệ thống vệ tinh hiện thời do quân đội Trung Quốc vận hành, và chúng có thể được dùng cho mục đích quân sự khi cần.
Kế hoạch phóng vệ tinh của Trung Quốc được công bố chỉ vài giờ sau khi Tổ chức Sáng kiến minh bạch hàng hải (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) công bố nhiều thông tin cùng hình ảnh cho thấy trong năm 2017 Trung Quốc đã tiếp tục âm thầm hoạt động xây dựng trái phép ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
Theo nhà nghiên cứu Koh, Trung Quốc đang lợi dụng tình hình tương đối bình lặng hiện tại để củng cố kiểm soát trên thực địa vùng biển tranh chấp.