Trung Quốc đang hào phóng chi nhiều khoản viện trợ khổng lồ cho thị trấn chài lưới nhỏ Gwadar ở tỉnh Baluchistan – Pakistan, đồng thời xây dựng một cảng thương mại nước sâu mà Mỹ và Ấn Độ nghi ngờ cũng có thể phục vụ cho hải quân Trung Quốc.
Trung Quốc đổ tiền vào cảng Gwadar – Pakistan Ảnh: REUTERS
Bắc Kinh đã xây dựng trường học, cử bác sĩ đến và còn hứa hẹn khoản tiền khoảng 500 triệu USD cho Gwadar – thị trấn có một bến cảng thông ra biển Ả Rập, giám sát một số tuyến đường thủy vận chuyển dầu và khí đốt tấp nập nhất thế giới. Trong đó, 230 triệu USD để xây dựng sân bay quốc tế mới là một trong những khoản chi lớn nhất ở nước ngoài của Trung Quốc. Ngoài ra, các khoản chi còn bao gồm 100 triệu USD để mở rộng một bệnh viện thêm 250 giường bệnh, 130 triệu USD nâng cấp cơ sở hạ tầng nước, 10 triệu USD xây dựng trường kỹ thuật và hướng nghiệp.
Bắc Kinh và Islamabad đánh giá cao tầm quan trọng của Gwadar trong Hành lang kinh tế Trung Quốc – Pakistan (CPEC), ngọn cờ đầu của sáng kiến Vành đai và Con đường của Bắc Kinh để xây dựng “con đường tơ lụa” mới gồm các tuyến đường thương mại trên đất liền và trên biển đi qua hơn 60 quốc gia ở châu Á, châu Âu và châu Phi.
Kế hoạch trên nhằm biến Gwadar thành một trung tâm vận tải biển và hải cảng lớn được xây dựng dọc theo các đặc khu kinh tế, từ đây các ngành công nghiệp tập trung vào xuất khẩu sẽ vận chuyển hàng hóa khắp thế giới. Ngoài ra, một mạng lưới liên kết đường ống dẫn năng lượng, đường bộ và đường ray sẽ kết nối Gwadar với các khu vực phía Tây Trung Quốc.
Giới chức Pakistan dự kiến lượng hàng hóa giao dịch qua cảng sẽ tăng trưởng từ 1,2 triệu tấn năm 2018 lên 13 triệu tấn năm 2022. Thế nhưng, các thách thức ở đây hết sức khắc nghiệt. Gwadar hiện không được tiếp cận nước sạch, cúp điện xảy ra thường xuyên trong khi các phần tử ly khai đe dọa tấn công các dự án của Trung Quốc ở Gwadar và phần còn lại của tỉnh Baluchistan, địa phương giàu khoáng sản vẫn còn là khu vực nghèo nhất ở Pakistan.
Trong khi đó, một nỗ lực tương tự của Trung Quốc ở Sri Lanka có vẻ suôn sẻ hơn, khi ngôi làng Hambantota ở đây đã được chuyển thành một quần thể hải cảng nhưng phải gánh núi nợ lớn của Trung Quốc. Tuần trước, Sri Lanka đã chính thức giao cho Trung Quốc quyền sử dụng hợp đồng thuê cảng Hambantota trong 99 năm bởi không trả được khoản vay nợ để xây cảng làm dấy lên không ít lo ngại.
Cảng Hambantota, giống như Gwadar, nằm trong mạng lưới bến cảng mà Bắc Kinh đang phát triển ở châu Á và châu Phi. Điều này đã khiến Ấn Độ lo sợ bị sức mạnh hải quân Trung Quốc đang ngày càng tăng trưởng bao vây. Tuy nhiên, giới chức Pakistan nói rằng so sánh dự án này với Hambantota là không cân xứng bởi dự án Gwadar… nợ ít hơn! Theo thỏa thuận, đầu tư vào Gwadar, Trung Quốc sẽ nhận được 91% lợi nhuận cho đến khi cảng này được trả lại cho Pakistan trong thời hạn 4 thập kỷ. Doanh nghiệp điều hành cảng, Công ty Cổ phần Cảng nước ngoài Trung Quốc cũng sẽ được miễn các loại thuế chính trong hơn 20 năm.
Theo Reuters, sự hào phóng của Bắc Kinh đã khiến Mỹ nghi ngờ rằng thị trấn Gwadar nằm trong kế hoạch địa chiến lược trong tương lai của Trung Quốc nhằm thách thức thế thống trị của hải quân Mỹ. Lầu Năm Góc hồi tháng 6 đã từng cho rằng Gwadar có thể trở thành căn cứ quân sự của Trung Quốc. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã bác bỏ điều này.