Khu vực từ Thanh Hóa đến Bình Thuận có “mặt
tiền” hướng ra biển Đông với chiều dài hơn 1.200 km (chiếm khoảng 35% chiều dài
bờ biển của cả nước) rất giàu tiềm năng . Theo thống kê, toàn vùng có trên
33.200 tàu cá với lực lượng lao động trực tiếp tham gia đánh bắt hải sản trên
biển khoảng 700 ngàn người có nhiều kinh nghiệm, dạn dày sóng gió. Riêng ngư
trường khai thác cá ngừ đại dương thường cách đất liền từ 200 – 500 hải lý.
Tuy nhiên, vùng biển đảo miền Trung đang là
vùng biển “nóng” chứa đựng nhiều tiềm ẩn đe dọa an ninh. Đó là tình trạng các
tàu khảo sát, thăm dò, hàng loạt tàu cá nước ngoài tiến hành đánh bắt hải sản
trái phép, khai thác san hô, cá giống trong vùng biển của VN dưới sự hậu thuẫn,
hỗ trợ lớn của các lực lượng quân sự như hải quân, hải cảnh, hải giám, ngư chính.
Có trường hợp tàu cá Trung Quốc ngang nhiên chiếm ngư trường, xâm nhập sâu ,
thậm chí vào cách đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) chỉ 5 hải lý để khai thác hải sản, xâm
phạm trắng trợn lãnh hải của VN .
Dù khó khăn nhưng ngư dân vẫn kiến quyết bám biển, góp phần bảo vệ
chủ quyền biển đảo
Từ Ngư đội Trường Sa
Trước
nhu cầu cấp thiết về an ninh biển, cũng như gánh nặng mưu sinh trên biển, cuối
năm 2010, Ngư đội Trường Sa được Hội Nghề cá Việt Nam, Hội Nghề cá tỉnh Khánh
Hòa, Hiệp hội Cá ngừ đại dương, Công ty TNHH Hải Vương, Công ty TNHH MTV 128…
thành lập từ sự tự nguyện của các thành viên, dưới hình thức tàu mẹ – tàu con.
Các tàu cùng ra khơi, nhưng tàu mẹ phải đảm đương việc thu mua hải sản và cung
ứng thực phẩm, xăng dầu, dịch vụ y tế, cùng các trang thiết bị cần thiết để ngư
dân có thể bám biển dài ngày.
Hiện
nay, trên địa bàn Khánh Hòa đã thành lập được 2 ngư đội Trường Sa: Ngư đội
Trường Sa Lớn và Ngư đội Song Tử Tây. Một ngư đội có 4 tàu con, một tàu mẹ, có
ngư đội trưởng và mỗi tàu con có 10 ngư dân, tàu mẹ có 12 thuyền viên. Trung bình
mỗi tàu có công suất từ 300 – 400CV. Từ
ngày thành lập đến nay, các ngư đội bám biển dài ngày, mỗi năm từ 9 – 10
tháng.
Anh
Mai Thành Phúc, Ngư đội trưởng Ngư đội Trường Sa Lớn, tâm sự: “Trước đây ngư
dân có thói quen đi biển độc lập vì họ sợ đi đông sẽ lộ ngư trường đánh cá. Nhưng
nay khác rồi, muốn tồn tại thì phải liên kết, tương trợ lẫn nhau, nhất là trong
hoạn nạn do thiên tai và chống lại các tàu lạ của nước ngoài.
Anh
Trần Văn Đạt, Ngư đội trưởng Ngư đội Song Tử Tây, bày tỏ: Từ khi có Ngư đội
Trường Sa, có mối liên kết chặt chẽ, hỗ trợ lẫn nhau nên các ngư dân trong ngư
đội cũng như các ngư dân khác yên tâm bám biển dài ngày.
Ông
Võ Thiên Lăng, Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, cho biết: “Ngư đội Trường Sa
chỉ mới thành lập nhưng đem lại hiệu quả kinh tế. Miền Trung giàu tài nguyên
biển và phần lớn người dân đều sống dựa vào biển. Trong thời gian tới, để khai thác hiệu quả
kinh tế biển, mô hình này cần được nhân rộng ra các tỉnh miền Trung và trong cả
nước. Ông cũng đề nghị tỉnh Khánh Hòa
nên sớm có quyết định thành lập các ngư đội Trường Sa và triển khai việc hỗ trợ
dầu cho tàu đánh bắt xa bờ…
Trong khi đó, Bình Định là địa phương có
đông đảo ngư dân chuyên câu cá ngừ đại dương. Hiện toàn tỉnh có 700 chiếc tàu,
trong đó 400 chiếc thường xuyên hoạt động ở khu vực biển Trường Sa của Việt Nam
với sản lượng khai thác mỗi năm gần 4.000 tấn. Ngư dân có truyền thống cùng
nhau ra khơi xa đánh bắt hải sản. Mỗi nhóm tập trung từ 3 chiếc trở lên. Đặc
biệt, những phương tiện tham gia mô hình này sẽ được ưu tiên lắp đặt thiết bị
kết nối vệ tinh”.
Đã mấy chục năm bám biển, ngư dân Trần Tá,
thuyền trưởng tàu PY-90962TS ở Phú Yên, cho biết: “Muốn tồn tại ở nơi khơi xa
thì ngư dân mình phải tương trợ lẫn nhau. Bây giờ, những tàu cá đánh bắt xa bờ
không còn hoạt động đơn lẻ nữa mà tổ chức theo tổ, đội để liên kết đối phó,
giành lại ngư trường với tàu cá Trung Quốc” .
Đến các Tổ đội dân quân đầu tiên trên biển
miền Trung
Ra khơi đánh bắt
hải sản là nghề sinh sống của mỗi ngư dân. Thế nhưng với gần 30 thanh niên là
ngư dân Sa Huỳnh, huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi, hơn một tháng qua, mỗi khi ra biển
họ còn làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh hải của Tổ quốc. 28 thanh niên được
tuyển lựa và đứng vào lực lượng dân quân biển xã Phổ Thạnh. Cuối tháng 4.2011,
lực lượng này ra mắt, biên chế thành ba tiểu đội, hoạt động trên 20 tàu thuyền,
đánh bắt trên vùng biển miền Trung. Đây là những tổ đội dân quân đầu tiên được
thành lập ở vùng biển miền Trung. Họ ra khơi, làm ăn và thực hiện nhiệm vụ trên
tinh thần trách nhiệm của người lính. Nghĩa là, lực lượng này ngoài việc phối
hợp với các lực lượng cảnh sát biển, biên phòng và hải quân, khi gặp tình huống
sẽ độc lập chiến đấu trên biển cũng như tham gia vận chuyển, tiếp tế, phục vụ
chiến đấu; báo cáo kịp thời các về tình hình trên biển Đông cho các cơ quan
chức năng kịp thời xử lý. Thực ra ở xã Phổ Thạnh, khi chưa có lực lượng dân
quân mới thành lập, ngư dân tham gia dân quân ở đây đã từng có những đợt truy
bắt tàu Trung Quốc xâm nhập. Chuyện xảy ra trên vùng biển Sa Huỳnh, tổ dân quân
trên hai tàu cá của ông Nguyễn Bá Sơn, Nguyễn Ngọc phát hiện hai tàu Trung Quốc
xâm nhập. Dù hai tàu này to lớn, còn tàu ngư dân ta và biên phòng thì nhỏ,
nhưng ngư dân ta vẫn sát cánh với biên phòng và cuối cùng đã khống chế được tàu
Trung Quốc, đưa về giao lực lượng biên phòng xử lý. Ngư dân Phan Bền, trung đội
trưởng trung đội dân quân mới thành lập, khí khái: “Biết chắc là sẽ gặp
nhiều khó khăn và sẽ có mất mát, nhưng anh em chắc không nản lòng. Còn ngư dân
– dân quân như chúng tôi là sẽ còn giữ vững được lãnh hải quê hương”. Được
biết, ngoài lực lượng dân quân tuyến lộng (hoạt động 15 ngày trên biển), tất cả
các xã ven biển của huyện Đức Phổ đều có dân quân biển. Hiện toàn tỉnh Quảng
Ngãi có 23 xã tuyến biển có lực lượng dân quân biển. Đây là lực lượng không thể
thiếu để thực thi nhiệm vụ bảo vệ vùng biển tỉnh Quảng Ngãi nói riêng, miền
Trung nói chung.
Quế Hương
( tổng hợp theo
báo chí quốc nội)
Để có thêm thông tin, xin đọc các bài liên quan:
– Kiến nghị
nhân rộng mô hình ngư đội đánh bắt xa bờ
http://www.thanhnien.com.vn/Pages/20110531/Kien-nghi-nhan-rong-mo-hinh-ngu-doi-danh-bat-xa-bo.aspx
– Ngư dân liên kết bám biển
http://www.thanhnien.com.vn/Pages/20110530/Ngu-dan-lien-ket-bam-bien.aspx
– Ngư đội
Trường Sa vượt sóng, bám biển
http://www.sggp.org.vn/thongtincanuoc/2011/5/258891/
– Khi ngư
dân là người lính
http://www.sgtt.com.vn/Thoi-su/145508/Khi-ngu-dan-la-nguoi-linh.html