Những hy vọng rằng sự hợp tác đầu tư sẽ trở thành động cơ đẩy nhanh sự phát triển các tương tác kinh tế song phương đã không được hiện thực hóa. Sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, Trung Quốc đã đưa ra chiến lược “bước ra thế giới” của mình, mà chủ yếu bao gồm các khoản đầu tư mang tính kích thích của các công ty Trung Quốc ở nước ngoài. Nhưng Nga đã bị bỏ lại bên ngoài dòng chảy mạnh mẽ này.
Cuộc gặp mặt của các nhà đứng đầu
Các khoản đầu tư qua lại và các dự án chung
Mặc dù các nhà lãnh đạo 2 nước thường xuyên thu hút sự chú ý tới mức độ đầu tư qua lại thấp và nhấn mạnh sự cần thiết phải thay đổi điều này, nhưng kết quả vẫn ít ỏi. Như trước đây, Nga không thuộc nhóm 10 nước nhận đầu tư nhiều nhất từ Trung Quốc, thậm chí tụt lại phía sau Kazakhstan. Trong giai đoạn 2010-2013, khi mức độ đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trung bình trong nền kinh tế Nga là 52,5 tỷ USD/năm, phần của Trung Quốc dao động ở mức 1,3%-1,6%, chỉ tăng vào năm 2014 khi tổng FDI có sự sụt giảm rõ rệt. Năm 2016, con số này là 2,9%. Theo ý định của các nhà lãnh đạo Nga và Trung Quốc, tới năm 2020, FDI tích lũy của Trung Quốc trong nền kinh tế Nga cần tăng lên mức 12 tỷ USD. Nhưng điều này sẽ đồng nghĩa với việc nếu FDI ở Nga được khôi phục về mức độ của năm 2014, dòng đầu tư của Trung Quốc trên thực tế sẽ giảm xuống 2,7%.
Sự so sánh các dòng đầu tư giữa Nga và Trung Quốc cho thấy hy vọng của Nga làm sâu sắc thêm sự hợp tác kinh tế trên cơ sở này đã không được hiện thực hóa. Đầu tư trực tiếp tích lũy của Nga trong nền kinh tế Trung Quốc tính đến năm 2016 chỉ bằng 1/10 đầu tư trực tiếp tích lũy của Trung Quốc ở Nga (917 triệu USD so với 9,5 tỷ USD). Các khoản đầu tư của Trung Quốc hầu như chỉ được thực hiện bởi các công ty nhà nước lớn và các thể chế tài chính “mang tính chính trị”, mà thường đề phòng các rủi ro có khả năng xảy ra bằng việc ký kết các thỏa thuận liên chính phủ tương ứng. Các khoản đầu tư chủ yếu hướng tới các lĩnh vực cho phép Trung Quốc tiếp cận các tài nguyên thiên nhiên cần thiết (năng lượng, chế biến gỗ), các tài nguyên đất và gia tăng việc làm (nông nghiệp, xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng, thương mại, công nghiệp nhẹ, công nghiệp dệt và dịch vụ). Các khoản đầu tư của Nga hướng tới các doanh nghiệp, điều này cho phép các công ty Nga tiếp cận Trung Quốc và chủ yếu tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại và việc hoàn tất các hợp đồng (xây dựng và vận chuyển).
SREB và EEU
Các cuộc thảo luận về việc tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) đã trở thành một phần quan trọng trong quan hệ song phương với Trung Quốc của hầu hết các nước thuộc châu Á-Âu. Năm 2016, Đại sứ Trung Quốc Lý Huy đã tuyên bố rằng Nga, với tư cách nước láng giềng lớn nhất và đối tác chiến lược của Trung Quốc, là một bên tham gia quan trọng trong việc xây dựng Con đường tơ lụa khi có một số lợi thế thực sự trong việc này. Năm 2016 và đầu năm 2017, con đường rút ngắn khoảng cách giữa EEU và SREB, như được công bố bởi các nhà lãnh đạo Nga và Trung Quốc trong năm 2015, tiếp tục là một trong những chủ đề chính của truyền thông đại chúng, trong các cuộc thảo luận chính thức, và trong cộng đồng các chuyên gia.
Trong số các nhiệm vụ ưu tiên của việc rút ngắn khoảng cách, có việc hợp tác khởi tạo một loạt khu vực thương mại tự do, khích lệ đầu tư, đơn giản hóa các thủ tục thương mại và xây dựng các khu công nghiệp xuyên biên giới. Theo ý kiến của các chuyên gia, những sự khác biệt tồn tại trong các ưu tiên của 2 bên trong việc kéo EEU và SREB xích lại gần nhau. Trung Quốc ưu tiên việc đơn giản hóa chế độ thương mại và đầu tư giữa 2 quốc gia, trong khi EEU rõ ràng hướng tới 3 hướng đi: xây dựng mới và hiện đại hóa các hành lang giao thông vận tải ở khu vực Á-Âu; hoàn thành một thỏa thuận bao trùm toàn bộ về thương mại và hợp tác kinh tế giữa EEU và Trung Quốc; và hình thành một “lộ trình” bao gồm các dự án và biện pháp cụ thể cho việc điều hòa các lợi ích kinh tế của 2 bên. Người ta có thể nhận biết được ít nhất 6 con đường giao thông vận tải trong phạm vi SREB liên quan đến lợi ích của các quốc gia EEU: 1) hành lang đường sắt cao tốc Nga-Trung “Bắc Kinh-Moskva” được lên kế hoạch; 2) hành lang “Trung Quốc-Mông Cổ-Nga”; 3) tuyến đường “Trung Quốc-Trung Á-Tây Á”; 4) tuyến đường “Trung Quốc-Đông Dương”; 5) tuyến đường “Trung Quốc-Pakistan”; và 6) tuyến đường “Bangladesh-Trung Quốc-Ấn Độ-Myanmar”.
Mặc dù các chuyên gia Nga và Trung Quốc không nhất trí về các kế hoạch hậu cần khác, phương hướng bao quát của các đề xuất của họ chồng chéo lên nhau vì mạng lưới giả định được tập trung ở Trung Quốc: “Đông ổn, Bắc cường, Nam hạ, Tây tiến”, hay ổn định phía Đông, củng cố phía Bắc, đi xuống phía Nam và tiến sang phía Tây, là học thuyết có thể được coi là chiến lược dài hạn của Trung Quốc đối với các đầu ra vận tải vượt ra ngoài biên giới của nước này, điều đang được Tập Cận Bình tích cực hiện thực hóa. Điều liên quan nhiều nhất đến Moskva là “củng cố phía Bắc”, thể hiện mong muốn của Bắc Kinh thiết lập các trung tâm vận tải-hậu cần ở Nga và đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng phục vụ cho các lợi ích của Nga.
Ngày 25/6/2016, 2 bên đã ký kết một tuyên bố chung nhằm khởi động tiến trình đàm phán để chuẩn bị cho một thỏa thuận bao trùm về hợp tác thương mại và kinh tế giữa EEU và Trung Quốc. Các phần chính bao gồm các quy chế thuế quan, kỹ thuật, vệ sinh, thú y và kiểm dịch thực vật, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và cạnh tranh và thương mại điện tử. 2 bên có kế hoạch thiết lập một “thể chế hợp tác phức hợp”. Trong ngành nông nghiệp, công nghiệp, năng lượng, giao thông vận tải, truyền thông và cơ sở hạ tầng cần được định hình theo “các hình thức chung thông qua các dự án vì lợi ích chung”. Theo T. Sarkisiana, chủ tịch Ủy ban kinh tế Á-Âu (EEC), các cuộc thảo luận giữa 2 bên đang diễn ra với nhịp độ được gia tăng. Sau thỏa thuận về cách tiếp cận chung tới việc đưa EEU và SREB xích lại gần nhau vào tháng 8/2016 ở Bắc Kinh, vòng đàm phán đầu tiên đã diễn ra, sau đó là các cuộc gặp của nhóm làm việc dưới sự chỉ đạo của Bộ trưởng V. Nikishina. Điều được coi là bước đi đầu tiên là việc đạt được một thỏa thuận phi ưu đãi nhằm đơn giản hóa các vấn đề thương mại và quy chế, điều được cho là khả thi trong vòng 2 năm, như đã được lặp lại vào đầu tháng 10/2017.
Ngoài các cuộc thảo luận về hợp tác thương mại-kinh tế, mà thảo luận về các vấn đề trong phạm vi hoạt động của EEC, phía Nga đề xuất khởi động một lộ trình nữa về quy chế của các biện pháp phi thuế quan, nhưng chính phủ các nước trong EEU đã không ủy thác cho EEC thẩm quyền đầy đủ để thảo luận các vấn đề này. Nga đã sẵn sàng tiến hành các cuộc thảo luận trong phạm vi những sự chuẩn bị cho một thỏa thuận về thương mại và hợp tác kinh tế về việc có những bước đi về quy chế thuế quan, mà cần được hoàn thành với việc thiết lập một khu vực thương mại tự do, có thể là trong giai đoạn 2030-2035.
Phía Trung Quốc coi EEU như đang trong giai đoạn hình thành: Nếu các thành viên của nó đạt được thỏa thuận về các vấn đề then chốt của thương mại hàng hóa, thì trong lĩnh vực đầu tư lại chưa có quy tắc thống nhất nào được đặt ra. Các thỏa thuận với EEU về một chế độ đầu tư gây ra cho Trung Quốc những khó khăn gắn với các cấp độ mở cửa khác nhau của các nước thành viên của nó đối với đầu tư bên ngoài. Vẫn còn những khó khăn tương tự cho một chế độ thương mại. EEC ưu tiên các dự án lớn, nhưng để thực hiện chúng một cách hiệu quả, cũng cần có những bảo đảm mang tính thể chế cũng như việc loại bỏ các rào cản thương mại và đầu tư. Đặc biệt, sự thiếu hiệu quả và minh bạch trong thủ tục kiểm soát biên giới là một chướng ngại vật đối với sự vận động của thương mại khu vực và những sự gia tăng trong dòng chảy đầu tư. Trong EEU, việc chuẩn bị tài liệu về ngoại thương và việc tuân thủ các thủ tục kiểm soát biên giới của các nước tiêu tốn nhiều thời gian và chi phí. Ưu tiên trong hợp tác phải là đơn giản hóa thuế quan, các thủ tục kiểm dịch và kiểm tra, phát triển hoạt động chuyển giao xuyên biên giới và thương mại điện tử. Thỏa thuận của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) về đơn giản hóa các thủ tục thương mại có thể làm cơ sở cho sự hợp tác giữa Trung Quốc và EEU theo hướng này. Việc thiết lập khu vực thương mại tự do sẽ cho phép giải quyết vấn đề này và hạ thấp các rào cản phi thuế quan, đem lại kết quả tích cực không chỉ cho các công ty Trung Quốc, mà còn cho các công ty của các nước EEU từ các hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc.
Trong việc phát triển sự hợp tác giữa Trung Quốc và các nước EEU, các chuyên gia Trung Quốc đề xuất dựa trên kinh nghiệm đàm phán của Trung Quốc với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Liên minh châu Âu (EU) trong các vấn đề về các chế độ và quy tắc trong thương mại và đầu tư. Chủ đề chính trong các cuộc thảo luận Trung Quốc-ASEAN là thỏa thuận về việc thiết lập các khu vực thương mại tự do. Quan hệ đối tác toàn diện với EU bao gồm các cuộc thảo luận về một thỏa thuận đầu tư song phương và đặt ra nền tảng kỹ thuật-kinh tế cho việc thiết lập các khu vực thương mại tự do giữa Trung Quốc và EU. 2 bên bày tỏ những đường hướng ưu tiên cho sự hợp tác, nhất trí về các cơ chế và nguyên tắc hợp tác, và đang thảo luận và thực hiện các dự án cụ thể ở cấp độ song phương. Một kế hoạch làm việc tương tự sẽ đem lại các kết quả tích cực và có thể được xem xét trong việc đưa EEU và SREB xích lại gần nhau.
Còn đối với việc thiết lập một “lộ trình”, bao gồm các dự án và biện pháp cụ thể để thu hẹp khoảng cách về lợi ích kinh tế giữa EEU và Trung Quốc, nguồn chính sẽ là các kế hoạch trung hạn và dài hạn cho việc phát triển kinh tế của các nước tham gia. Đồng thời, các nước sẽ hưởng lợi nếu đưa ra một kế hoạch tổng quát cho việc xích lại gần nhau và, càng nhanh càng tốt, một chương trình hành động có hiệu lực, khi Nga và Trung Quốc thành lập các nhóm nghiên cứu xuyên quốc gia và phát triển hoạt động trao đổi học thuật và nghiên cứu chung để cung cấp sự hỗ trợ cần thiết từ chuyên gia. Ngày 24/8/2016, tại một cuộc gặp giữa Sarkisiana và Phó Thủ tướng Trung Quốc Trương Cao Lệ, một sáng kiến của Trung Quốc đã được thông qua về việc khởi tạo một ngân hàng dữ liệu cho việc lên kế hoạch và hành động liên quan đến các dự án của Trung Quốc với các quốc gia EEU đang tham gia tiến trình thu hẹp khoảng cách giữa EEU và SREB, và đã bắt đầu có các nỗ lực trong việc này. Tháng 3/2017, EEC thông báo việc hoàn thành danh sách các dự án cơ sở hạ tầng ưu tiên sẽ được thực hiện trên lãnh thổ của EEU và “hỗ trợ việc hình thành” SREB.
Trung Quốc và các nước thành viên EEU đã thiết lập một hệ thống ổn định gồm các tiếp xúc song phương, trong đó, trong phạm vi xây dựng SREB, các nước đang rút ngắn khoảng cách giữa các dự án phát triển quốc gia của họ, như trong chương trình “đường tới tương lai” của Kazakhstan và chương trình hợp tác công nghiệp-đầu tư Trung Quốc-Kazakhstan. Trung Quốc không cho rằng nước này nên được bổ sung vào các dự án đã trên đường hiện thực hóa, làm lẫn lộn các tiến trình điều phối ở các cấp khu vực và song phương. Cần có sự tập trung vào các lĩnh vực mà ở đó EEU đã đạt được sự đồng thuận chung. Điều này sẽ tạo ra hiệu ứng mang tính hiệp lực hơn; tuy nhiên, nó không thể vừa hỗ trợ đầy đủ cho Nga, vừa tính đến các lợi ích quốc gia của tất cả các thành viên EEU. Do đó, Nga và Trung Quốc hoàn toàn không coi sự hội tụ giữa EEU và SREB là hình thức hợp tác duy nhất trong việc tạo ra các điều kiện mới cho sự phát triển ổn định của Á-Âu. Việc thực hiện sáng kiến được đề xuất của Nga về quan hệ đối tác Đại Á-Âu có thể tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của khu vực.
Sự hợp tác Nga-Trung trong dự án SREB
Trung Quốc quan tâm đến việc đảm bảo an ninh và sức bền của những “con đường”, hiểu rằng điều này chỉ có thể được đảm bảo bằng sự ổn định của tình hình trên khắp phạm vi của “vành đai” mà những con đường này đi qua, tránh gây bất ổn đối với các căng thẳng địa chính trị. Vì lý do đó, nước này rất nhấn mạnh vào “lợi ích đôi bên” và “phát triển chung”. Các căn cứ quân sự, ký ức lịch sử và các trò chơi địa chính trị không ở vào vị thế có thể đem lại sự ổn định lâu dài trong quan hệ, vốn chỉ có thể được thực hiện thông qua các lợi ích kinh tế dài hạn dựa trên tiền thuê đáng tin cậy và lợi nhuận từ các khoản đầu tư.
Đương nhiên, Trung Quốc hiểu rằng nước này cần tính đến các lợi ích của Nga, nhưng nước này chỉ giải quyết vấn đề của riêng họ. Đây là những vấn đề nghiêm trọng. Thứ nhất, trong giai đoạn phát triển kinh tế này, điều quan trọng là chuyển dịch sang một động lực mạnh mẽ ở các khu vực biên giới và phía Nam, mà có thể tận dụng các hành lang vận tải an toàn, trên hết là Con đường tơ lụa trên biển, vì các thị trường chính là ở Mỹ và châu Âu. Tuy vậy, vấn đề thứ hai cũng quan trọng không kém là khả năng khai thác tiềm năng ở các tỉnh phía Tây và Đông Bắc, điều mà cũng cần tới một hành lang vận tải đáng tin cậy, mà các tuyến đường bộ cho nó đã có sẵn.
Trong việc giải quyết các vấn đề này, Trung Quốc nên đảm bảo việc củng cố sự kiểm soát của nước này ở Trung Á và tránh các xung đột lợi ích có thể xảy ra với Nga – những tình huống mà bản thân Trung Quốc rõ ràng nhận ra. Thứ nhất, trong sự hoài nghi về ảnh hưởng của mình đối với các tiến trình chính trị và kinh tế ở các nước từng thuộc Liên Xô trước đây, Nga rất nhạy cảm với ảnh hưởng của bất kỳ bên nào khác. Thứ hai, các tuyến đường mới có thể làm giảm lực lượng và những kỳ vọng đối với hoạt động quá cảnh ở lục địa Á-Âu qua lãnh thổ của Nga trên các tuyến đường sắt xuyên Siberia và Baikal-Amur (BAM). Đương nhiên, khả năng thực sự đứng ra phản đối không tồn tại, và việc cạnh tranh với Trung Quốc trong việc cung cấp hoạt động quá cảnh xuyên lục địa Á-Âu đơn giản là nằm ngoài các phương tiện của Nga. Việc cạnh tranh với Trung Quốc trong việc duy trì độc quyền kiểm soát chính trị-kinh tế đối với tiểu vùng Trung Á cũng gần như bất khả thi.
Nga vẫn là một trong các bên tham gia chính trong nền kinh tế – chủ yếu là lĩnh vực tài nguyên – của khu vực này, nhưng Trung Quốc đã củng cố một cách liên tục và thành công vị thế của nước này trong những thập kỷ gần đây. Tới năm 2013, nhập khẩu nguyên liệu thô của Trung Quốc từ Trung Á đã vượt mức 22 tỷ USD. Các công ty Trung Quốc kiểm soát khoảng 25% lượng dầu được khai thác ở Kazakhstan (khoảng 20 triệu tấn), chi trả hơn 23 tỷ USD để mua cổ phần trong ngành dầu mỏ từ các công ty phương Tây. Ở Turkmenistan, Trung Quốc đã nhận 12 tỷ USD tín dụng cho việc thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu độc quyền khí đốt. Và sự hợp tác này sẽ phát triển khi cơ sở hạ tầng đường ống được mở rộng (nhắm tới 20 triệu tấn dầu ở Kazakhstan và một đường ống dẫn khí đốt từ Turkmenistan với 55 tỷ m3 khí). Các lợi ích của Trung Quốc mở rộng sang mặt hàng kim loại, mà kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này trong năm 2014 vượt mức 2,7 tỷ USD, đặc biệt là từ Kazakhstan, nước cung cấp 98% trong số đó và 75% kim ngạch nhập khẩu urani; điều này tạo ra mối liên hệ với Trung Quốc khi nước này có kế hoạch tăng số lượng lò phản ứng hạt nhân của mình từ 31 năm 2015 lên 110 năm 2030.
Trung Quốc đang thay thế Nga trong vai trò đối tác thương mại chính của các chính phủ Trung Á, gia tăng thương mại với các chính phủ này trong năm 2013 lên mức hơn 50 tỷ USD (cao hơn Nga 18 tỷ USD), đồng thời cung cấp hàng hóa với giá trị gia tăng lớn hơn (công nghiệp máy móc, công nghiệp nhẹ và điện tử) và gia tăng sự phụ thuộc về công nghệ của khu vực vào Trung Quốc. Nước này đang xích lại gần hơn với các quốc gia Trung Á về công nghệ, cơ sở hạ tầng và tài chính, điều không thể không tạo ra các tác động cạnh tranh trong quan hệ của nước này với Nga. Và khái niệm SREB, việc xây dựng cơ sở hạ tầng mới, các hình thức hợp tác về công nghệ và tài chính-kinh tế, không thể không làm gia tăng sự cạnh tranh này.
Tuy nhiên, liên quan đến dự án này có một điểm nhạy cảm với phạm vi rộng lớn. Sự nhấn mạnh của Trung Quốc vào Trung Á và hành lang xuyên lục địa Á-Âu ở phía Nam đe dọa làm mất giá trị của hướng đi Viễn Đông của chính sách phía Đông của Nga, mà ý tưởng trung tâm của nó là việc xây dựng một “trạm kết nối” khu vực với các quốc gia Trung Á, và trước hết là với Trung Quốc. Quả thật, cùng với các dự án gắn với hình mẫu này là các phương tiện quy mô lớn đã được đầu tư và lên kế hoạch (các đường ống dẫn dầu và khí đốt, các hệ thống sản xuất năng lượng và kết nối, việc hiện đại hóa các cảng, việc xây dựng đường sắt và đường cao tốc,…).
Ở Nga vẫn tồn tại ký ức về mối đe dọa của sự cạnh tranh địa kinh tế, nhưng hầu như không có biện pháp thực tế nào để làm giảm bớt mối đe dọa do sự bành trướng về kinh tế của Trung Quốc gây ra. Tuyên bố chính trị năm 2015 về việc rút ngắn khoảng cách giữa các dự án hội nhập lục địa Á-Âu và SREB – mà trong đó sự hội nhập chung của BRI và EEU được thể hiện thông qua việc củng cố sự hợp tác trong công nghệ, giao thông vận tải, cơ sở hạ tầng và phát triển vùng Viễn Đông Nga – cho thấy nhận thức chung về nguy cơ sự cạnh tranh địa kinh tế biến đổi thành sự đối đầu địa chính trị. Tuy nhiên, vẫn không có cơ chế nào để bảo vệ các lợi ích của Nga trong phạm vi các dự án đầu tư chung nói chung và BRI nói riêng, điều mà sẽ không tự động biến thành một loại “thuốc trị bách bệnh” cho các rủi ro kinh tế hay bảo đảm các lợi ích quốc gia.
Kết luận
Trong những năm 1990, Nga đã hy vọng vô ích rằng việc trở thành một vệ tinh kinh tế của thế giới Đại Tây Dương sẽ tự động mang tới sự thịnh vượng và hòa bình xã hội, xây dựng một “nền kinh tế mới” theo kiểu hậu công nghiệp. Giờ đây, không còn là những người theo chủ nghĩa toàn cầu tự do nữa, nhưng chính những người theo chủ nghĩa dân tộc nhà nước hoàn toàn đáng kính diễn giải rằng việc trở thành một vệ tinh kinh tế là rất tốt, vì Trung Quốc không thuộc phương Tây mà là phương Đông, điều mà đương nhiên là một vấn đề hoàn toàn khác, đem lại mọi vận may mà đã tỏ ra là một nguồn gây xích mích trong trường hợp định hướng theo phương Tây.
Đương nhiên là không đáng tìm kiếm sự đối đầu thay vì sự thỏa hiệp để rồi làm hỏng mọi việc trong một cuộc đối đầu rõ ràng thua thiệt, nhưng sự thỏa hiệp kinh tế có nghĩa là tư duy và hành động một cách hợp lý. Sẽ là sai lầm nếu nhấn mạnh vào một lộ trình duy nhất; cả phương Đông lẫn phương Tây đều cần tham gia các dự án toàn cầu, mà trong mỗi dự án đó, người ta phải tìm kiếm và kiên quyết nhấn mạnh lợi ích quốc gia của chính nước họ, tạo ra sự tự do kinh tế tối đa cho một sự gia tăng nhanh chóng tiềm năng kinh tế và thu nhập. Chỉ một nền kinh tế trong nước vững mạnh mới có thể bảo đảm sự thoải mái quốc gia và vị thế cạnh tranh trên toàn cầu. Điều cần thiết để Nga khôi phục nền kinh tế của nước này không phải là các công thức kỳ diệu, những sự ưu tiên về địa lý hay việc đưa nước này vào thế giới của các siêu dự án, mà là khả năng thúc đẩy và các cơ chế nhằm đảm bảo các khoản đầu tư quy mô lớn trong việc tạo ra các sản phẩm và dịch vụ thực chất, tạo ra nhu cầu trên thực tế, và tương ứng với đó là gia tăng thu nhập cho các doanh nghiệp, hộ gia đình, và tính đến cùng là ngân sách quốc gia.